Na Sơn - Góc máy lạ về Việt Nam
Nhắc đến Na Sơn, người ta nghĩ ngay đến một nhiếp ảnh gia trẻ, xông xáo, lăn xả với nghề, người luôn có góc máy lạ, cách thể hiện riêng, độc đáo về những sự kiện thời sự Việt Nam.
![]() |
Trẻ em ở Cán Tỷ - Quản Bạ - Hà Giang. (Ảnh Na Sơn) |
Có lẽ cái tên Na Sơn đã quá quen thuộc với công chúng và giới nhiếp ảnh. Na Sơn đến với nghề nhiếp ảnh bằng niềm đam mê cháy bỏng. Niềm đam mê ấy đủ sức để kéo anh ra khỏi một công việc ổn định, lương cao, được đào tạo đúng chuyên môn để chọn một công việc nay đây mai đó. Tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP. HCM, anh đã từng làm việc trong một ngành mà nhắc tới, hẳn nhiều người mơ ước: Ngành dầu khí. Công việc ở ngành dầu khí đối với anh lúc đó là đương nhiên và có kế hoạch từ trước. Thế nhưng, Na Sơn lại không đi theo con đường đã được vạch sẵn ấy. Sau khoảng hơn 10 năm cầm máy với tư cách là người đam mê, anh chuyển sang nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Ở tuổi 32, phải phá bỏ những gì có sẵn để gây dựng từ đầu quả là điều vô cùng khó khăn đối với bất kỳ ai. Lúc đó bạn bè và gia đình đều lo lắng không biết con đường phía trước của anh ra sao. Nhưng sau 8 năm hoạt động ảnh chuyên nghiệp, Na Sơn đã tạo dựng cho mình một tên tuổi nhất định trong giới nhiếp ảnh.
Hiện giờ, tuy không thuộc biên chế của một tờ báo nào, nhưng ảnh của Na Sơn lại có mặt trên nhiều ấn phẩm trong nước như: Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thể thao Văn hoá, Sài Gòn tiếp thị, tạp chí Đẹp, Heritage, Forbes, Mỹ Thuật, Elle... Đặc biệt, anh đang chịu trách nhiệm chính cho khâu ảnh của Hãng thông tấn AP (hãng thông tấn Hoa Kỳ) tại Việt Nam. Các bức ảnh của Na Sơn đã được đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí nước ngoài như USA Today, NY Times, Washington Post, BBC, Asies Magazine, Al Jazeera, Corriere della Sera...
Tám năm làm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, anh tham gia chụp ảnh rất nhiều sự kiện, có sự kiện buồn, có sự kiện vui nhưng anh luôn tỉnh táo để có góc nhìn nhân văn. Giờ anh vẫn chưa quên cái cảm giác khi tác nghiệp về thảm họa. Anh tâm sự: “Khi tôi tham gia đưa tin vụ sập cầu Cần Thơ năm 2007, đây là một sự kiện tương đối lớn, tôi luôn đấu tranh giữa cảm xúc và ghi nhận thực tế. Lúc đó khung cảnh tang thương, chết chóc khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Đó là làm sao để thể hiện góc nhìn chân thực nhất nhưng cũng phải nhân văn nhất”.
Cuối cùng anh đã chọn những khuôn hình hướng vào những chi tiết mang tính biểu tượng, cảm xúc và anh “bắt” được một chi tiết rất đắt giá, khiến người xem phải nghĩ ngợi. Đó là bức ảnh chụp ngăn đựng giày trống hoác, phủ bụi của nạn nhân sau vụ sập cầu, những người công nhân không bao giờ còn cơ hội đặt lại những đôi giày bảo hộ lên giá sau một ngày lao động để trở về nhà. Hình ảnh giản dị thân quen nhưng đã miêu tả được sự mất mát, sự trống trải - hậu quả của vụ sập cầu kinh hoàng.
Theo anh, nếu làm sự kiện mà không kìm nén được cảm xúc dễ bị sa đà vào những hình ảnh tả thực, có thể là những hình ảnh rất kinh khủng với công chúng. Ngày nay, quan điểm nhiếp ảnh đã thay đổi nhiều. Lớp trước thường chọn hình ảnh tả thực nhất có thể, còn hiện nay thường gợi cảm xúc nhiều hơn. Na Sơn chọn sự đa chiều ngay trong cái nhìn một chiều từ khoảnh khắc của nhiếp ảnh.
Không đặt ra vấn đề lớn khi tác nghiệp nhưng Na Sơn tâm niệm luôn phải cân nhắc từng góc máy của mình để sao cho bức ảnh chuyển đi phải chân thực nhất và phải thể hiện đặc trưng nhất của Việt Nam. "Đối tượng xem ảnh của mình là người nước ngoài, họ không có sự hiểu biết sâu như người Việt về mọi thứ ở Việt Nam nên hình ảnh của mình phải mang đặc trưng Việt Nam”, Na Sơn nói.