Mỹ lần đầu tiên điều 10 tiêm kích đắt đỏ F-35 tới Nhật Bản
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hoạt động triển khai 10 chiếc F-35 tới căn cứ Không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Honshu đánh dấu một bước tiến mới của F-35. Trước đó, F-35 từng gây ra nhiều lần gây tranh cãi vì những sự cố kỹ thuật và chi phí sản xuất cao.
![]() |
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ. |
Với mức giá 379 tỷ USD chi trả cho việc sản xuất 2.443 chiếc chiến đấu cơ tàng hình, F-35 trở thành dòng máy bay quân sự đắt nhất lịch sử. Thậm chí, trong tương lai chi phí cho hoạt động sản xuất F-35 của hãng Lockheed Martin sẽ còn tăng thêm. Trong đó, phiên bản F-35B của Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ có khả năng cất cánh đường bay ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Trong tháng 12/2016, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có những lời bình luận gây chấn động ngành công nghiệp hàng không Mỹ khi đề nghị đối thủ của Lockheed Martin là hãng Boeing đưa ra mức giá sản xuất F-18 Super Hornet nhằm thay thế F-35.
"Dựa trên mức giá và chi phí sản xuất đắt đỏ của chiến đấu cơ F-35 do Lockheed Martin sản xuất, tôi đề nghị Boeing đưa ra mức giá sản xuất F-18 Super Hornet", ông Trump chia sẻ trên Twitter hôm 22/12.
Tuy nhiên, mẫu tiêm kích F/A-18 Super Hornet lại không có khả năng tàng hình nhưng vẫn đang được quân đội Mỹ sử dụng từ cuối thập niên 90. Thế mạnh của F-35 là tốc độ, công nghệ cảm biến, radar và hệ thống tác chiến điện tử tân tiến. Nhờ khả năng tàng hình, F-35 có thể thâm nhập lãnh thổ của đối phương mà không bị phát hiện.
Trong khi đó, khi chính thức đưa vào hoạt động, các chi phí đi kèm để kéo dài tuổi thọ hoạt động cho F-35 tới năm 2070 bao gồm hoạt động bảo dưỡng sẽ đội giá chương trình sản xuất lên mức 1,5 ngàn tỷ USD.
Hồi tháng 8/2016, Không quân Mỹ cho hay một phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-35A đã sẵn sàng tham chiến. Và hoạt động triển khai F-35A ra nước ngoài sẽ được thực hiện trong đầu năm 2017. Còn hiện tại, phiên bản F-35C của Hải quân Mỹ vẫn đang được sản xuất để phục vụ trên tàu sân bay.