Mỹ không có ý định triển khai bom hạt nhân B61-12 tại Đức trong năm nay
Máy bay thử nghiệm bom hạt nhân B61-12 |
Ngày 24/9, trong 1 cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, Phó trưởng văn phòng báo chí của Cục An ninh hạt nhân quốc gia trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ - bà Shelley Laver tuyên bố, trong năm nay, Mỹ chưa có kế hoạch triển khai loại vũ khí hạt nhân mới – bom B61-12 tại các các căn cứ quân sự của nước này ở Đức.
“Việc sản xuất hàng loạt loại bom hạt nhân B61-12 sẽ không bắt đầu trước năm 2020”, bà Shelley Laver cho biết. Qua đó bà bác bỏ thông tin của kênh truyền hình Đức ZDF cho rằng Mỹ sẽ triển khai loại bom hạt nhân này tại một căn cứ không quân ở Đức.
Trước đó, hôm 23/9, kênh truyền hình ZDF của Đức đưa tin không quân Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị mang bom hạt nhân B61-12 mới tới căn cứ không quân của nước này tại Đức.
Căn cứ không quân Buchel ở bang Rhineland-Palatinate, phía Tây Đức là nơi có các loại máy bay chiến đấu đa nhiệm, có thể sử dụng các loại bom hạt nhân của Mỹ. Đây là căn cứ duy nhất của Mỹ ở Đức có vũ khí hạt nhân kể từ năm 2007 và có khoảng 20 đầu đạn hạt nhân.
Bom hạt nhân B61-12 có độ chính xác cao hơn loại B61 đang được sử dụng ở châu Âu nhưng sức công phá lại thấp hơn. Tuy nhiên nó vẫn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và không lường trước đối với an ninh thế giới.
Sau khi kênh truyền hình ZDF của Đức đưa ra thông tin về việc Mỹ dự định bố trí 20 quả bom hạt nhân mới nhất B61-12 tại căn cứ không quân ở Đức, ông Dmitri Peskov- Thư ký báo chí của Tổng thống Nga khẳng định Nga sẽ có những biện pháp đáp trả thích đáng.
Theo ông Peskov, hành động này của Mỹ sẽ làm căng thẳng tình hình ở lục địa già và có làm “cán cân chiến lược ở châu Âu bị phá vỡ. Điều này đòi hỏi Nga phải ngay lập tức áp dụng các biện pháp và bước đi tương ứng để khôi phục lại cán cân lực lượng và trạng thái cân bằng”.
Theo ông Viktor Ozerov- Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng trực thuộc Thượng viện Nga: “Nếu như Mỹ thực hiện bước đi trên, Nga sẽ lập tức rút khỏi Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn INF (INF- là hiệp ước giữa Nga và Mỹ. Theo đó, hai bên không được sở hữu, sản xuất hoặc thử nghiệm các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân, có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km).
Bom hạt nhân B61-12 |
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nga phụ trách vấn đề vũ khí Anatoly Antonov cho biết, hồi tháng 7/15, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm loại bom B61-12. Điều này chứng tỏ Washington sẵn sàng duy trì kho vũ khí hạt nhân ở châu Âu, có khả năng đạt đến lãnh thổ của Nga.
Cũng theo ông Antonov, B61-12 là loại bom hai mục đích: nó có thể như là một loại vũ khí tấn công chiến lược được tích hợp trên trên các máy bay ném bom hạng nặng, cũng như loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược được tích hợp trên các máy bay chiến thuật.
“Trong tình hình hiện nay, bước đi này của Mỹ như là một hành động khiêu khích”, ông Antonov nhấn mạnh và cho biết thêm Mỹ hiện đang triển khai ở châu Âu khoảng 180 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, tại 5 quốc gia: Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới và tờ Lenta.