Mỹ hoảng hốt vì kế hoạch 'tái xây dựng Liên Xô' của Nga
“Một nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà nước Mỹ sẽ phải làm và làm cho bằng được đó là phải ngăn chặn nước Nga tái xây dựng lại một Liên bang Xô viết nếu không tất cả chúng ta, những người đang ngồi ở đây sẽ không có đêm nào được ngủ ngon nữa đâu”, bà Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh và ngay sau câu nói của bà, người ta thấy có rất nhiều quan chức hàng đầu của chính phủ Mỹ đưa tay nới lỏng cà-vạt với dáng vẻ khá nóng bức trong người dù chiếc điều hòa vẫn đang chạy ro ro.
Xe tăng Nga tham gia lễ duyệt binh chào mừng ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít (9/5) hồi năm 2010. |
Bà Clinton đã không hề phóng đại mối nguy cơ này. Nhắc tới cụm từ “Liên bang Xô viết”, các quan chức Mỹ ngay lập tức nghĩ đến những năm tháng chiến tranh lạnh căng thẳng và kéo theo đó là cả hệ thống các quốc gia phương Tây mất ăn, mất ngủ nhiều năm trời vì phải lo nghĩ cách đối phó với một siêu cường có sức mạnh vô cùng khủng khiếp. Cái mà bà Clinton nhắc đến chính là sự khái quát hóa các hoạt động thúc đẩy xây dựng một liên minh Âu – Á mà Nga đang rất tích cực thúc đẩy trong những năm gần đây. Đây là một liên minh xuyên quốc gia bao gồm Nga và các nước như Belarus, Kazakhstan, Kirgistan, Tajikistan hay một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Mục đích chính của liên minh này là gia tăng sự hợp tác kinh tế, chính trị giữa các quốc gia thành viên. Ban đầu, kế hoạch này không mấy thành công nhưng kể từ khi Tổng thống Nga Putin quyết định đẩy mạnh các dự án và chương trình hợp tác, liên minh này đã có những bước phát triển khá ấn tượng.
Thực tế, có thể Nga và Tổng thống Putin không quan tâm đến việc tái dựng lại Liên Xô vì họ chỉ muốn mượn liên minh Âu – Á này để thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế qua đó đưa Nga trở lại thành một cường quốc. Song, với Mỹ điều này là không thể chấp nhận được. Dưới con mắt của Mỹ, lãnh thổ của Nga rộng lớn, tài nguyên phong phú nhưng quan trọng hơn cả, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có tiềm lực quân sự đủ để đối kháng với Mỹ nên nếu để cho Nga một lần nữa trở thành cường quốc, chắc chắn họ sẽ lại là một đối thủ khó chịu và khó đối phó nhất của Mỹ. Đây cũng chính là lý do vì sao mà Liên Xô đã tan rã hơn 20 năm nhưng Mỹ chưa bao giờ lơi là sự cảnh giác đối với nước Nga.
Nhưng trên tất cả, Mỹ hiểu rằng khát vọng trở lại với tư cách là một cường quốc hàng đầu thế giới của Nga chưa bao giờ tắt kể cả trong những giai đoạn quốc gia này gần như kiệt sức. Dù Liên Xô đã tan rã nhưng Nga vẫn coi những nước cộng hòa trước đây nằm trong phạm vi thế lực của mình và luôn tìm cách để tổ chức các quốc gia này với nhau, liên minh với họ để trở thành một liên minh có thể đối đầu “một cách tự tin” với Mỹ. Liên minh Âu-Á được phát triển nhanh trong bối cảnh như vậy càng khiến cho Mỹ cảm thấy hết sức bất an.
Cách đây mấy ngày, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua Luật Magnitsky trong đó nhấn mạnh đến việc trừng phạt một số quan chức Nga bị cho là đã vi phạm nhân quyền. Đạo luật này của Mỹ đã bị phía Nga phản đối kịch liệt, thậm chí nó còn được coi là một sự “sỉ nhục quá mức”, là lời thách thức trắng trợn từ phía Mỹ. Nhiều quan chức chính phủ Nga đã lên tiếng kêu gọi cần phải trả đũa đối với đạo luật này.
Nhưng xét trên một bình diện rộng rãi hơn, có vẻ như Mỹ đang bất lực trong việc ngăn chặn Nga trở thành một cường quốc thế giới.
Tiêm kích tàng hình loại hiện đại nhất của Nga Sukhoi SU-35 |
Thứ nhất, lực lượng của Mỹ hiện nay quá phân tán. Họ vừa cần phải “trở lại châu Á” để kiềm chế Trung Quốc, vừa phải duy trì sự hiện diện ở Trung Đông trong khi nền kinh tế trong nước tiếp tục lún sâu vào khó khăn, trì trệ. Người ta chắc chưa thể quên, thời kỳ chiến tranh lạnh, gần như toàn bộ mọi nguồn lực của Mỹ đều được tập trung để cùng với các đồng minh và NATO để chống Liên Xô mà họ vẫn không thể “ra đòn quyết định”. Nếu như ngày đó, không phải do Liên Xô “tự ngã” thì chắc chắn đến giờ này Mỹ vẫn chưa thể có được chút thượng phong nào.
Trong hiện tại, việc tập trung lực lượng để ngăn cản Nga là điều gần như không tưởng.
Thứ hai, nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây đã “đi theo Mỹ” kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ và đến giờ này họ đã hiểu ra rằng làm đồng minh của Mỹ cũng chẳng có điều gì hay ho tốt đẹp như bấy lâu nay họ vẫn tưởng. Người ta có câu “Anh em xa không bằng láng giềng gần” hơn nữa Nga vẫn là người anh em thân thích, vừa là láng giềng quan trọng của họ nên việc đứng về phía Nga mới là có lợi cho họ.
Không thể ngăn chặn nổi Nga, chưa biết có ngăn được sự lớn lên của Trung Quốc hay không thì nước Mỹ định làm gì?