Mức tăng trưởng năm 2015 của Hà Nội cao nhất so với 4 năm trở lại đây
Theo thông tin từ UBND Thành phố Hà Nội, năm 2015, 17/20 chỉ tiêu đạt của Hà Nội và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 146.585 tỷ đồng, đạt 103,5% dự toán. Công tác bình ổn giá tiếp tục được chú trọng thực hiện; lãi suất ngân hàng giảm; nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng cao; lạm phát được kiểm soát; ước chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 tăng khoảng 1%.
Toàn Thành phố đã huy động được 353 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2014. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 33,7%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Về thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng3.600 USD, cao gấp 1,8 lần so với năm 2010.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội |
Các ngành kinh tế phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5% và nông nghiệp 4,5%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố còn những hạn chế, yếu kém. Đó là công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực giải quyết công việc thiếu tập trung, chưa thực sự quyết liệt, chưa chủ động. Việc điều hành và dự báo thị trường, chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp còn có nhiều hạn chế, khả năng về tài chính, quản trị doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh còn yếu….
Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được thông qua tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI và mục tiêu của cả nước năm 2016, trong năm tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2015. Thành phố thực hiện tốt an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, trong năm 2016, Thành phố đề ra các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 8,5 - 9,0% (theo cách tính mới); GRDP bình quân đầu người 85 - 87 triệu đồng; Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 11 - 12%; Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7 – 8%; Giảm tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn mới) so với năm trước 1,3%; Số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chuẩn mới) tăng thêm là 17…
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu này, đặc biệt là về phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, Hà Nội tập trung sẽ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và hội nhập. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trọng tâm là cải cách trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư. Tăng cường xúc tiến đầu tư, các giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng cường thu hút vốn đầu tư FDI và quản lý sau cấp giấy chứng nhận đầu tư….
Thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau sắp xếp, thoái vốn, cổ phần hóa. Phát triển các lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, viễn thông...
Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, nhất là chính sách về đất đai; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; thực hiện tái cơ cấu các ngành công nghiệp, tăng nhanh hàm lượng công nghệ cao; rà soát các sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn giai đoạn 2016 - 2020.
Đáng chú ý, Thành phố tập trung phát triển mạng lưới giao thông hiện đại, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành, đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu đảm bảo trật tự xây dựng và văn minh đô thị, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông; xây dựng các cầu vượt và cải tạo, xây dựng lại các cầu yếu…