Maidan-2016 sẽ tiếp tục nổ ra ở Ukraine?
Sự kiện "maidan" hồi năm 2014 |
Nhận định trên được chính chuyên gia phân tích chính trị của Ukraine Kirill Molchanov đưa ra. Theo đó, nhiều khả năng ngay đầu mùa xuân năm 2016, một “quả bom xã hội” sẽ phát nổ ở Ukraine khi hàng trăm nghìn người đang bất mãn với bối cảnh xã hội Ukraine tiếp tục đổ ra đường biểu tình.
Giải pháp duy nhất để tháo gỡ “ngòi nổ” này là việc chính quyền sẵn sàng tiến hành các cuộc cải tổ triệt để. Tuy nhiên, giới lãnh đạo chính trị Ukraine hiện lại chưa sẵn sàng thực hiện bước đi này.
Một mùa xuân nhiều nguy cơ
Theo nhận định của Ruslan Bortnik, Giám đốc Viện chính trị Ukraine, giai đoạn phức tạp nhất trong xã hội Ukraine sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2016 sau khi người dân đã trải qua một mùa đông lạnh giá, phải trả tiền quá nhiều cho các hóa đơn điện nước, trong khi nền kinh tế tiếp tục suy yếu, thu nhập giảm sút nhưng giá cả lại gia tăng nhanh chóng. Khả năng bất ổn sẽ bùng phát ở Ukraine trong giai đoạn này có xác suất khoảng 60%.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Kirill Molchanov cho rằng một cuộc “Maidan” (cách mạng màu sắc) mới sẽ hoàn toàn có thể xảy ra vì người dân Ukraine đang phải chịu sống trong cảnh nghèo đói, còn giới lãnh đạo nước này lại “không muốn làm gì để thay đổi”.
“Với những gì đã mất đi trong vòng 1,5 năm qua và không có bất cứ cuộc cải cách nào được thực hiện, phúc lợi cho người dân bị cắt giảm, người dân Ukraine bước vào mùa đông lạnh giá với tiền hóa đơn điện nước khá cao, bất cứ một cuộc “Maidan” nào cũng có thể bùng phát sau một sự vụ khiêu khích nào đó”- Kirill Molchanov nhận định.
Ngoài các nguyên nhân do các vấn đề xã hội, Kirill Molchanov cũng không loại trừ nguyên nhân làm bùng phát “Maidan-2016” ở Ukraine còn bắt nguồn từ các nhân tố như khủng hoảng ở Donbass và vấn đề Crimea.
“Khủng hoảng có thể liên quan đến các nhân tố bên ngoài như các vấn đề Donbass và Crimea: tình hình ở khu vực Donbass có thể khiến tình hình ở Kiev “sục sôi” vì những kẻ cực đoan không hài lòng với học thuyết quân sự của giới lãnh đạo Kiev”, Kirill Molchanov nhấn mạnh.
Những con số đáng lo ngại
Tâm lý phản kháng của người dân Ukraine hiện nay đã đạt đến mức độ tương tự như khi bùng phát “Maidan” 2013-2014. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận xã hội mới được công bố, hơn 53% số người được hỏi cho rằng họ sẵn sàng đổ ra đường biểu tình nếu như các khoản bảo đảm xã hội cho người dân tiếp tục bị cắt giảm. Chỉ có 28% số người được hỏi cho biết sẵn sàng chịu đựng khó khăn về vật chất để duy trì sự yên ổn ở Ukraine.
Các nhà tài phiệt sẵn sàng “bùng nổ”
Mới đây, tỷ phú, cựu Tỉnh trưởng Donetsk- Sergey Taruta, người đã từng lọt vào danh sách 10 người giàu nhất Ukraine, đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về khả năng bùng phát các làn sóng biểu tình ở Ukraine. Theo Sergey Taruta, nền kinh tế Ukraine sẽ chỉ chịu được 6-8 tháng nữa để sụp đổ.
“Mô hình kinh tế Ukraine cho thấy chúng ta có nửa năm hoặc tối đa là 8 tháng nữa. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được khi chúng ta làm điều gì đó để thay đổi tình hình trong khoảng thời gian này”- Sergey Taruta tuyên bố trên tạp chí “Sự thật Ukraine”.
Sự kiện "maidan" hồi năm 2014 |
Theo Sergey Taruta, hiện kịch bản khả quan cho nền kinh tế Ukraine chỉ khoảng 5%. Hơn nữa, nếu như trước đây người dân chỉ đơn giản là không hài lòng với tình hình thì hiện nay họ đã “hung hăng, độc ác hơn”.
Nhân tố khác khiến bất ổn có thể bùng phát bất cứ lúc nào ở Ukraine chính là sự can thiệp của các nhà tài phiệt. “Nếu như những nhà tài phiệt, ngồi trong các xe hơi hạng sang, di chuyển bằng máy bay riêng và sống trong các villa sang trọng muốn bất ổn bùng phát thì khả năng rất lớn là điều đó sẽ thành hiện thực.
Nếu họ muốn hệ thống chính trị sụp đổ, muốn bất ổn xã hội nổ ra thì điều này cũng sẽ thành hiện thực”- Ruslan Bortnik bình luận tuyên bố của Sergey Taruta.
Một ngân sách đáng lo ngại
Trong tuần này, Chính phủ Ukraine đã công bố bản dự thảo ngân sách quốc gia năm 2016 có thể làm cho người dân tiếp tục thất vọng.
Theo thủ lĩnh phong trào xã hội “Sự lựa chọn Ukraine” Viktor Medvedchuk, ngân sách 2016 của Ukraine tiếp tục “củng cố thực trạng đói nghèo của phần lớn người dân Ukraine”.
Theo Medvedchuk, việc nâng cao các tiêu chuẩn xã hội sẽ không làm cải thiện mức sống của người dân Ukraine. Ngân sách Ukraine 2016 không có sự gia tăng mức sống tối thiểu cho người dân Ukraine.
“Không chỉ là nghèo mà cái đói đang đe dọa người dân Ukraine và cuộc đấu tranh chống đói nghèo sẽ càng làm họ chán nản hơn. Ngân sách năm 2016 đang thực sự “củng cố” xu hướng này”- Medvedchuk nhận định.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.