Lớp 1 phải học ca 3: Chuyện buồn giữa thế kỷ 21
![]() |
Cảnh thường thấy ở lớp học ca 3 (ảnh Vnexpress) |
Thực trạng tiểu học học ca 3, "học ké" ở đình chùa giữa Thủ đô... là câu chuyện đáng quan tâm của xã hội. Góp quan điểm xung quanh vấn đề trẻ em học ca 3 giữa phố, Nhà nghiên cứu phát triển trí tuệ trẻ em ThS Lê Thị Lan Anh đã gửi bài đến Infonet bày tỏ ý kiến. Dưới đây là ý kiến của chị.
Những tưởng việc học ca 3 được xóa từ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nhưng không. Ngay tại đây, ở quốc gia này, trong thế kỷ 21, học trò vẫn phải học ca 3.
Thời xưa bàn ghế ít, trường nghèo, ca 3 dành cho các lớp xóa mù chữ, lớp bổ túc, lớp dành cho học trò lớn, cho người lớn; thì nay, "hiện đại" hơn, ca 3 giờ là của học trò lớp 1 - đọc chưa thông, viết còn chưa thạo.
Lớp 1 học ca 3, trường có ép phụ huynh?
Bập bẹ tạm biệt mẫu giáo, chập chững bước vào tiểu học để ngay lập tức 300 em học sinh trường tiểu học Phan Chu Trinh, TP Biên Hòa, Đồng Nai lại ngác ngơ với giờ học bất thường (từ 10h - 13h). Cô giảng mặc cô, thầy giảng mặc thầy, tuổi của trò giờ đó chỉ quen với nhịp sinh học ăn và ngủ từ mẫu giáo. Trò làm sao có thể nạp chữ vô đầu, làm sao nhấc tay viết chữ khi đôi mắt díu lại?
Tại sao nhà trường không sớm sắp xếp để trò lớp 1 được học giờ bình thường? Các con còn quá nhỏ để tự mình thay đổi nhịp sinh học theo cung giờ đó.
Chân ướt chân ráo vào trường mới, phụ huynh chắc hẳn cực chẳng đã mới phải khiên cưỡng chấp nhận giờ học này. Trẻ đến tuổi được quyền tới trường, thầy cô cũng vì thương mà nhận trẻ; nhưng nhận trò rồi, đã có kế hoạch tuyển sinh từ trước đó hàng tháng, vậy mà vẫn xếp lớp 1 học ca 3. Liệu trường có o ép phụ huynh quá không?
Nhận trẻ vượt chỉ tiêu - lỗi tại ai?
Thông thường, chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường phụ thuộc vào số lớp còn trống. Trường Tiểu học Phan Chu Trinh cùng lúc nhận vượt chỉ tiêu 300 học sinh/tổng số phòng hiện có - việc làm này liệu đã đúng?
"Sau khi học được 2 tuần, nhà trường phải chuyển một số phòng chức năng thành phòng học để cho các em không phải học vào giờ trưa". Vẫn biết rằng, cực chẳng đã mới phải nhận trẻ đến trường vượt cầu lớn như thế. Nhưng, khi đã nhận, mà sau 2 tuần vẫn chưa sắp xếp được phòng học - lỗi này tại ai? Trẻ học lệch giờ triền miên, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe - trách nhiệm ai chịu?
Quyền trưởng phòng Giáo dục đào tạo TP Biên Hòa Đỗ Văn Cang cho rằng, việc tăng dân số cơ học quá nhanh ở Biên Hòa khiến cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc dồn lớp, học ca 3 như nhiều năm trở lại đây.
"Nếu trong những năm tới, các trường THCS không được xây mới thêm, khi học sinh tiểu học lên cấp 2 thì việc học ca 3 ở cấp học này là điều không tránh khỏi" Kết quả học không đảm bảo, học trong cơn buồn ngủ và sự ồn ào ngoài sân chơi của các lớp khác - chất lượng giáo dục ai gánh?
Xây trường mới – ước mơ có kịp thành hiện thực?
Đã từng có đề án 4000 tỷ đồng để số hóa sách giáo khoa điện tử - doanh nghiệp vào cuộc rất tích cực. Tỉnh Biên Hòa đang ước ao có 500 tỷ - ¼ số tiền của đề án kia – để xây dựng 11 trường thuộc diện cấp bách – đáp ứng nhu cầu dạy, học và gia tăng dân số cơ học của tỉnh. Ngẫm mà thấy chua xót.
Trong 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến hàng chục ngàn công trình lớn nhỏ được xây mới: chung cư, siêu thị, cao ốc, nhà máy, xí nghiệp – các công trình thương mại – hay nói một cách dân dã là xây xong thì bán được ra tiền. Thế nhưng, tỷ lệ các trường học, bệnh viện được xây mới chiếm bao nhiêu % trong số đó.
Ước mơ sẽ ngày càng trở nên xa vời, vượt khỏi tầm với của Thầy và Trò nếu chính sách giáo dục chưa đủ sức hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đã có ai tự hỏi: Vì sao nhà đầu tư lại thơ ơ hoặc không dám mạo hiểm hùn vốn cho một thị trường mà cung luôn vượt cầu? Vì sao các ngân hàng đều đánh giá dự án đầu tư giáo dục thuộc diện rủi ro cao?
Không cần trả lời, chúng ta đã đi guốc trong bụng hệ quả của hiện tượng này: thiệt hại xã hội được trả giá bằng hàng thế hệ học trò và gia đình học trò phải gánh chịu, xa hơn nữa là hệ lụy đến cả nền giáo dục: trò thì học ca 3, học không tốt nhưng vẫn phải báo cáo số đẹp, tỷ lệ cao…cho thắm bảng vàng đánh giá. Ôi, cái nghề gieo con chữ, mỗi nơi một nghiệp. Học trò ơi, tránh sao cho khỏi hết nắng!!!
Quá nhiều vấn đề phải đặt lên bàn cân, trước khi phán xét bên nặng, bên nhẹ thì việc học sinh lớp 1 phải học ca 3 đã khắc thêm 1 trang vào chuỗi những câu chuyện buồn của thế kỷ 21.