Lợi nhuận hàng loạt đại gia BĐS lao dốc
Lợi nhuận hàng loạt đại gia BĐS lao dốc
Lợi nhuận sụt giảm
Các doanh nghiệp bất động sản lớn như Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Quốc Cường Gia Lai (QCG), Địa ốc Hoàng Quân,… đều đã công bố kết quả kinh doanh trong quý 1 không như mong đợi. Cụ thể, công ty của Bầu Đức đạt 78,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chỉ bằng 21% cùng kỳ năm trước mặc dù doanh thu thuần tăng 21%. Cùng chung cảnh ngộ với HAG, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) chỉ đạt 4,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 15% quý 1 năm trước.
Lợi nhuận của nhiều đại gia bất động sản đang lao dốc.
Một đại gia khác trong ngành là Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, quý 1 công ty lỗ gần 4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 3 quý liên tiếp lên xấp xỉ 134 tỷ đồng. Một đơn vị đình đám khác là Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng báo lãi quý 1 công ty mẹ với mức giảm hơn 43% khi chỉ đạt 1.3 tỷ đồng.
Có thể kể đến hoàng loạt doanh nghiệp bất động sản khác có kết quả lợi nhuận sau thuế quý 1 sụt giảm như Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (lỗ hơn 6 tỷ đồng, công ty mẹ), Công ty Cổ phần Đô thị Kinh Bắc (giảm 64%), Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (giảm 92%), CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (giảm 92%), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (giảm 40%),…
Gánh nặng chi phí, hàng tồn
Đặc điểm chung của nhiều doanh nghiệp là doanh thu tăng nhưng mức tăng giá vốn lớn hơn nhiều so với doanh thu làm lãi gộp giảm. Ngoài ra, doanh thu tài chính sụt giảm nhưng chi phí tài chính lại cao gấp nhiều lần cùng kỳ như HAG (tăng 46%), QCG (gấp 5 lần), HQC (gấp 5 lần). Đặc biệt, toàn bộ chi phí tài chính của HQC đều là lãi vay. Còn doanh nghiệp ITA của bà Đặng Thị Hoàng Yến thì các loại chi phí đều tăng (trừ chi phí tài chính giảm nhẹ).
Thị trường bất động sản đóng băng kéo dài khiến đầu ra của các dự án gặp nhiều khó khăn. Tính đến cuối quý 1, hàng tồn kho của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn rất lớn. Theo báo cáo tài chính của HAG, hàng tồn kho tính đến 31/03 là 4.676 tỷ đồng, tăng 5% so với số đầu năm; QCG là 3.350 tỷ đồng, tăng gần 3% so với đầu năm; Địa ốc Dầu khí 189,6 tỷ đồng, tăng 8%; Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang là 104,7 tỷ đồng...
Ở góc độ của một doanh nghiệp, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương cho rằng, vấn đề của các doanh nghiệp bất động sản hiện tại là thanh khoản của các dự án. Từ đầu năm đến nay, mặc dù có nhiều yếu tố tác động tích cực đến thị trường bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa bán được hàng. Ông kỳ vọng, từ đây đến cuối năm lãi suất sẽ tiếp tục giảm và thanh khoản sẽ được cải thiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, người dân vẫn mong đợi giá nhà sẽ tiếp tục giảm và sẽ mua được nhà với một mức giá hợp lý hơn. Thực tế, giá nhiều dự án mặc dù đã giảm đến 50% nhưng so với thời kỳ tăng nóng 200 - 300% thì vẫn chưa thấm vào đâu.
Theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khủng hoảng trên thị trường bất động sản hiện nay còn là khủng hoảng về niềm tin. Do đó, phải xây dựng lòng tin, cung ứng những sản phẩm phù hợp cho người dân, khi đó thanh khoản sẽ bớt sức ép.
Xuyến Chi