Lo nợ xấu, nhà đầu tư nút giao thông Ngã Ba Huế muốn chuyển dự án thành BOT
"Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi kiến nghị cho phép thay đổi hình thức đầu tư dự án từ Xây dựng - chuyển giao (BT) sang hình thức Xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT). Chúng tôi sẽ lắp trạm thu phí giao thông tại tất cả các ngã lên cầu và cũng xin TP cấm xe một số tuyến đường phù hợp để đảm bảo việc thu phí giao thông được thuận lợi. Có như vậy thì mới hoàn trả lại nguồn vốn đầu tư cho dự án” – Văn bản nêu.
Việc vay vốn đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế đang khiến Công tyTNHH BT Ngã Ba Huế có nguy cơ bị ngân hàngđưa vào danh sách nợ xấu (Ảnh: HC) |
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, sở dĩ Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế phải đi đến đề nghị chẳng đặng đừng này là vì dự án xây dựng nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 2720 ngày 17/7/2014 với tổng mức đầu tư hơn 2.050 tỉ đồng; và cũng đã được Chính phủ đồng ý thanh toán từ kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ GTVT, từ năm 2017 – 2020 (theo Công văn 3956/VPCP ngày 17/5/2013 của Văn phòng Chính phủ).
Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành ký hợp đồng BT (Xây dựng – Chuyển giao) với nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam và Công ty TNHH Ngã Ba Huế Trung Nam. Nhà đầu tư đã vay vốn Ngân hàng SHB triển khai đầu tư dự án và đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ ngày 29/3/2015, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cũng như tăng cường an toàn chạy tàu thông suốt trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.
“Hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi đang rất khó khăn do số tiền vay cho dự án từ SHB đã đến hạn thanh toán, nếu dự án Ngã Ba Huế không có nguồn trả cho SHB thì doanh nghiệp sẽ bị đưa vào danh sách nợ xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty chúng tôi!” – ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay. UBND TP Đà Nẵng cũng xác nhận, trường hợp kế hoạch vốn thanh toán không được bố trí đúng hạn, ngân hàng cho vay bắt buộc phải áp dụng điều khoản phạt chậm trả với lãi suất 150% đối với phần dư nợ vốn vay.
Trước tình hình đó, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP Đà Nẵng ngày 28/9/2016, TP Đà Nẵng đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong việc thanh toán vốn cho nhà đầu tư BT. Ngày 4/11/2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 363/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ:
“Giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương xem xét, bố trí nguồn vốn trả cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 – 2020; xử lý cụ thể đề nghị của TP Đà Nẵng về phân bổ phần kinh phí còn dư của 2 dự án nâng cấp, cải tạo QL1A và nâng cấp, cải tạo QL14, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Ngày 18/11/2016, UBND TP Đà Nẵng có công văn đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT quan tâm, tham mưu bố trí đủ vốn hoàn trả cho dự án nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế theo đúng kế hoạch thanh toán đã được Chính phủ chấp thuận tại Công văn 3956/VPCP-KTN ngày 17/5/2013.
Tuy nhiên công văn nêu trên của UBND TP Đà Nẵng không được hồi âm, mà chỉ biết dự án chưa được đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 của Bộ GTVT. Ngày 27/2/2017, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục có công văn 1304/UBND-QLĐTư đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, bố trí vốn thanh toán cho dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ GTVT để Bộ KH-ĐT có cơ sở tổng hợp.
Ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay, được sự ủy thác của UBND TP Đà Nẵng, Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế Trung Nam đã phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở GTVT Đà Nẵng làm việc từ ngày 2/3 đến ngày 6/3/2017 với Bộ KH-ĐT và Bộ GTVT về nguồn vốn thanh toán cho dự án nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế.
“Chúng tôi thật sự quan ngại khi kết quả làm việc với Bộ KH-ĐT và Bộ GTVT về nguồn vốn thanh toán trung hạn cho dự án theo Thông báo 363/TB-VPCP ngày 4/11/2016 của Văn phòng Chính phủ gần như không khả thi. Theo Bộ GTVT thì không còn kinh phí dư thừa từ 02 dự án nâng cấp, cải tạo QL 1A và QL14, do đó không có nguồn vốn để bố trí thanh toán cho dự án Ngã ba Huế trong năm 2017-2020. Hiện nay Bộ GTVTi vẫn chưa đưa nguồn vốn thanh toán cho dự án Ngã ba Huế vào trung hạn để trình Bộ KH-ĐT tổng hợp trình Chính phủ về nguồn vốn trung hạn 2017-2020!” – ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay.
Trước tình hình khó khăn về nguồn vốn, ngày 14/3, Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế tiếp tục có công văn 75/017/CV/TNHTNBH đề nghị UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin bố trí vốn thanh toán hơn 2.050 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng 112 nghìn tỉ của Chính phủ.
Đồng thời nhà đầu tư cũng nhắc lại, ngày 14/01/2014, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản 412/UBND-QLĐTư cam kết “trong trường hợp TƯ chưa chuyển kịp vốn về để thanh toán theo phương án tài chính đã được duyệt kèm theo hợp đồng BT chính thức (đã ký) và hợp đồng tìn dụng đã ký giữa SHB và Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế Trung Nam, UBND TP Đà Nẵng cam kết sẽ sử dụng ngân sách TP để tạm ứng cho phần chậm thanh toán này trả cho SHB (bao gồm cả gốc và lãi và thu hồi tạm ứng khi TƯ chuyển vốn thanh toán cho dự án)".
Do vậy, Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế đề nghị, nếu việc bố trí nguồn vốn trung hạn để thanh toán cho dự án gặp khó khăn trở ngại thì UBND TP Đà Nẵng cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để chi trả cho dự án trong quí 1/2017 như kế hoạch tài chính của dự án đã được UBND TP phê duyệt và theo cam kết tại văn bản 412/UBND-QLĐTư ngày 14/01/2014.
Giải pháp thứ hai theo đề nghị của Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế là UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cho gia hạn thời gian thanh toán với lịch trình cụ thể được đưa vào kế hoạch của Chính phủ. Đồng thời UBND TP Đà Nẵng cũng phải điều chỉnh lại phương án tài chính với tiền trả gốc, tiền trả lãi rõ ràng để Công ty làm việc với Ngân Hàng SHB, xin giãn thời gian thanh toán, tránh phát sinh nợ xấu cho doanh nghiệp.
“Và trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi kiến nghị cho phép thay đổi hình thức đầu tư dự án từ Xây dựng - chuyển giao (BT) sang hình thức Xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) như đã nêu ở trên nhằm đảm bảo việc thu phí giao thông được thuận lợi. Có như vậy thì mới hoàn trả lại nguồn vốn đầu tư cho dự án!” – ông Nguyễn Tâm Tiến nói.