"Liệu có thể giành lại Hoàng Sa không thầy?"

Có một câu hỏi mà sinh viên thường hỏi tôi mỗi khi chúng tôi trao đổi về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo: “Liệu chúng ta có thể giành lại quần đảo Hoàng Sa không thầy?”.

Đây là câu hỏi rất khó, cá nhân tôi không thể trả lời cho các em được, tôi chỉ có thể nói với các em rằng: “Chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, không chỉ vì để giành lại quần đảo Hoàng Sa, mà trước tiên là vì chúng ta cần phải bảo vệ không gian sinh tồn và không gian văn hóa tự ngàn xưa của người Việt”.

Câu trả lời ấy có thể không làm hài lòng sinh viên của tôi, nhưng nó phản ánh một sự thực: Biển Đông không chỉ có Hoàng Sa mà biển Đông chính là không gian sinh tồn của người Việt và là hành lang văn hóa kết nối Việt Nam với thế giới từ ngàn đời nay. Và vì thế mà chúng ta phải làm tất cả để giữ gìn không gian ấy, hành lang ấy.

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, biển đảo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa biển, thiết lập quan hệ giao thương với lân bang và xác lập chủ quyền và an ninh biển quốc gia.

Trưng bày văn hóa biển tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.

Là một quốc gia có bờ biển trải dài hơn 3.260 km, với gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam có một không gian biển rộng lớn, không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống cho các thế hệ người Việt mà còn là nơi hình thành nên các cơ tầng văn hóa Việt và cũng là nơi lưu giữ các trầm tích văn hóa Việt tự bao đời nay.

 Trong các thế kỷ trước và sau Công nguyên, chủ nhân các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Champa, Óc Eo - Phù Nam đã từ vùng trung du, đồng bằng cận duyên tiến dần ra phía biển, khai thác tài nguyên biển để tồn tại và du nhập các yếu tố biển vào văn hóa của cộng đồng mình.

Ngược lại, từ thời đại đá mới, những lớp cư dân thuộc văn hóa Nam Đảo từ phía biển đã bắt đầu thâm nhập sâu vào nội địa Việt Nam. Họ biết khai thác tài nguyên và “tiêu thụ” những “sản phẩm” của đồng bằng và rừng núi để duy trì cuộc sống, để rồi cuối cùng hòa lẫn với cộng đồng cư dân Việt cổ bản địa.

Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ chính là sự phản ánh hai xu thế “di cư” của các cộng đồng cư dân Việt cổ trong thời kỳ lập quốc: những cộng đồng từ vùng rừng núi tràn xuống phía biển và những cộng đồng khác từ biển tiến vào lục địa, hợp nhất với nhau để hình thành nền dân tộc Việt Nam.
Biển đã trở thành môi trường sống, là nhân tố hợp thành và nuôi dưỡng các nền văn hóa Việt cổ, góp phần định hình bản sắc văn hóa và tư duy của dân tộc Việt Nam. Chính các yếu tố biển là tác nhân quan trọng góp phần hình thành nên tư duy thương nghiệp của dân tộc Việt Nam bên cạnh tư duy nông nghiệp lúa nước đã được định hình bởi các nền văn hóa ở sâu trong đất liền.

Có một không gian biển rộng lớn, Việt Nam lại ở vào một vị trí đắc địa khi nằm cạnh các luồng hải thương quan trọng của thế giới, nên không gian biển Việt Nam không chỉ là môi trường sống mà còn là mạch nguồn giao lưu chính trị, kinh tế, văn hóa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các cư dân của nền văn hóa Đông Sơn đã có mối quan hệ mật thiết với cư dân ở nam Trung Hoa, ở tây nam Nhật Bản, ở các quốc đảo trong khu vực Đông Nam Á.

Xét trên khía cạnh “truyền bá văn hóa”, không gian biển chính là “đường dẫn” để văn hóa Việt Nam “nối thông” với thế giới bên ngoài và lưu lại những dấu ấn và ảnh hưởng mạnh mẽ ở những nơi mà văn hóa Việt “cập bến”. Trống đồng Đông Sơn và đồ gốm Việt chính là những “sứ giả” xuất sắc trong hành trình “truyền bá văn hóa Việt” này.

Hũ gốm Chu Đậu, thế kỷ XV, khai quật từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm, Hội An. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.

Trống đồng là biểu tượng của những thành tựu về kỹ thuật, kinh tế và văn hóa của cư dân Việt cổ sống vào thời đại kim khí, mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn. Trống đồng cũng là biểu tượng của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta: nhà nước của các vua Hùng.

Chính vì thế, trống đồng đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt, trở thành “linh vật của dân Giao Chỉ” như ghi nhận của Hậu Hán thư. Tuy nhiên, trống đồng không chỉ hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn được phát hiện ở phía nam Trung Hoa, ở Nhật Bản và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Myanma, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…

Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Nam Á liên quan đến trống đồng trong những năm qua cho thấy những dòng sông và những tuyến giao thương đường bộ xuyên quốc gia chính là những lộ trình để trống đồng Việt thâm nhập vào các quốc gia Đông Nam Á lục địa, trong khi đường biển là con đường duy nhất để trống đồng Việt “cập bến” Nhật Bản và các nước Đông Nam Á hải đảo.

 Những trống đồng Đông Sơn phát hiện trong các di chỉ ở vùng cận duyên, vốn là những cảng thị cổ, ở Philippines, Malaysia và Indonesia là những bằng chứng sống động cho điều này. Đặc biệt, những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Indonesia là những trống đồng có kiểu dáng đẹp nhất, hoa văn tinh xảo nhất và kích thước lớn nhất trong di sản trống đồng Đông Sơn.

Nhiều nhà dân tộc học và văn hóa học đã xác quyết hình thuyền khắc trên trống đồng Đông Sơn chính là hình mẫu của kiểu nhà mái cong và là totem của nhiều tộc người sống trong vòng cung Thái Bình Dương, điển hình là cư dân ở vùng Batak và vùng Tongkonan ở Indonesia.

Thậm chí, nhà dân tộc học người Áo Robert Von Heine Geldern (1885 - 1968), khi nghiên cứu về những điểm tương đồng trong văn hóa của một số dân tộc ở châu Mỹ với văn hóa của cư dân Đông Sơn, đã cho rằng những cư dân đi biển ở Đông Nam Á đã mang văn hóa Đông Sơn tới châu Mỹ trước khi Christopher Columbus đặt chân đến vùng đất này.

Từ thời Bắc thuộc, cư dân Champa ở Trung Bộ Việt Nam đã dong thuyền đi buôn bán với các quốc gia ở tận Trung Đông. Trong các thế kỷ VII - XII, cư dân Óc Eo - Phù Nam ở châu thổ sông Mékông đã giao thương với các quốc gia trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.

Còn Vân Đồn ở vùng biển cực bắc của Tổ quốc đã trở thành một thương cảng quốc tế kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước ở khu vực Đông Bắc Á kể từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV).

Sau trống đồng trong thời Việt cổ chính là đồ gốm trong thời đại đại thương mại hàng hải (thế kỷ XVI - XVII) của thế giới. Sự kiện Christopher Columbus đặt chân đến châu Mỹ vào năm 1492 đã đưa chủ nghĩa tư bản vượt khỏi phạm vi châu Âu và tạo ra một cục diện thương mại mới trong kỷ nguyên đại hàng hải của nhân loại.

Quá trình tìm kiếm thị trường và nguồn hàng hóa mới cho thị trường châu Âu, đặc biệt là hàng gia vị, tơ lụa, đồ gốm sứ... của các quốc gia ở bờ tây Cựu lục địa như Bồ Ðào Nha, Hà Lan, Anh..., đã dẫn đến việc hình thành các con đường tơ lụa, con đường chè, con đường gốm sứ, con đường hồ tiêu... xuyên qua Trung Á, Thái Bình Dương, Ấn Ðộ Dương, Ðịa Trung Hải, nối liền các quốc gia Ả Rập, các nước Ðông Á và Ðông Nam Á với châu Âu.

Đĩa gốm Chu Đậu (Hải Dương), thế kỷ XV, khai quật từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.

Trong thời kỳ này có một sự kiện đáng chú ý đó là lệnh cấm vận hàng hải do triều Minh ban hành từ năm 1371 đến năm 1567 đã khiến cho một số mặt hàng thông thương truyền thống giữa Trung Hoa với Nhật Bản và một số nước phương Tây như tơ lụa, gốm sứ... bị cấm vận.

Do đó, thương thuyền của Nhật Bản và các nước phương Tây phải tìm mua những mặt hàng thay thế ở các nước khác như Việt Nam, Ấn Ðộ, Xiêm La, hoặc dùng hải cảng của các nước này để trung chuyển hàng hóa giữa Nhật Bản và Trung Hoa.

Ðiều này đã khiến cho các cảng thị ở miền Trung Việt Nam như: Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn... trở thành những nơi “trung chuyển” hàng hóa trong vùng biển tây nam Thái Bình Dương và là mắt xích quan trọng trong mạng lưới hải thương từ Á sang Âu và ngược lại.

Thực tế, việc “bế môn tỏa cảng” của Trung Quốc trong thời kỳ này đã tạo điều kiện cho đồ gốm Việt Nam từ các trung tâm gốm ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ “vượt biển” đi đến các nước trong khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản. Theo kết quả nghiên cứu của nhà khảo cổ học người Nhật Aoyagi Yoji, cho đến năm 1990 đã có 32 địa điểm di tích trong vùng Đông Nam Á có phát hiện đồ gốm sứ Việt Nam. Cụ thể: Malaysia: 9 địa điểm; Brunei: 2 địa điểm; Philippines: 10 địa điểm; Indonesia: 11 địa điểm. Những đồ gốm này phần lớn là đồ gốm hoa lam, niên đại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI, bao gồm nhiều loại bát đĩa, chậu hoa, hũ và đồ uống trà... được phát hiện với số lượng lớn.

Một học giả Nhật Bản khác là GS. Hasebe Gakuji cho biết “kỹ thuật sản xuất đồ gốm ở Nhật Bản vào thế kỷ XIV còn kém xa so với kỹ thuật Việt Nam”. Vì thế, cho đến đầu thế kỷ XVI, người Nhật vẫn nhập khẩu nhiều đồ gốm sứ Việt Nam, trong đó ngoài nhu cầu sử dụng còn có mục đích tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật làm gốm sứ của người Việt Nam.

Vì chưa sản xuất được gốm sứ chất lượng cao nên, các tàu buôn Nhật Bản đã mua nhiều sành sứ từ Trung Quốc và Việt Nam. Nhiều thương nhân người Nhật đã tìm mua những đồ gốm Việt Nam để sử dụng trong nghi thức trà đạo.

Theo sách Trà hội ký, từ cuối thế kỷ XIV, người Nhật đã nhập đồ gốm Việt Nam và gọi là Nanban Shimamono (nếu là đồ gốm) và An Nam (nếu là đồ sành sứ). Người ta đã phát hiện đồ gốm Việt Nam trong các di chỉ khảo cổ học ở Nhật Bản và trong các sưu tập tư nhân của các “thế gia vọng tộc” thời kỳ Mạc phủ (1192 - 1867).

Dựa vào kết quả giám định niên đại, các nhà khảo cổ học Nhật Bản như: Tani Akira, Nishino Noriko… cho rằng đồ gốm Việt Nam du nhập vào Nhật Bản trải qua bốn thời kỳ: thời kỳ thứ 1 là nửa sau thế kỷ XIV; thời kỳ thứ 2 là cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI; thời kỳ thứ 3 là cuối thế kỷ XVI và thời kỳ thứ 4 là nửa đầu thế kỷ XVII.

Và con đường để du nhập đồ gốm Việt Nam vào Nhật Bản chính là tuyến hải thương xuyên biển Đông trong thời kỳ thương mại shuinsen (châu ấn thuyền) do Mạc phủ Tokugawa Ieyasu ban hành và thực thi từ năm 1602 đến năm 1635. Đó chính là lý do giải thích về sự hiện diện của những món đồ gốm Việt Nam hoàn hảo nhất, toàn mỹ nhất trong các bảo tàng hàng đầu ở Nhật Bản như: Bảo tàng Quốc gia Fukuoka, Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya, Bảo tàng Machida ở Tokyo.

Những con đường tơ lụa, con đường gốm sứ, con đường gia vị… thành hình trên biển Đông, cũng là những con đường mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và du nhập văn hóa bên ngoài vào Việt Nam. Như vậy, biển không chỉ là giao lộ, là huyết mạch kinh tế mà còn là một “hành lang” trao đổi văn hóa và giao lưu chính trị giữa Việt Nam với bên ngoài.

Các chúa Nguyễn đã gửi những “đặc sứ” của mình, theo đường biển, đến đặt quan hệ bang giao với Mạc phủ Tokugawa cầm quyền ở Nhật Bản và các lãnh chúa dòng họ Sho trị vì vương quốc Lưu Cầu (nay thuộc tỉnh Okinawa, Nhật Bản). Theo sau các bang giao chính trị là những giao lưu về kinh tế và văn hóa. Tàu thuyền của các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Lưu Cầu, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Tây Ban Nha đến các thương cảng của Việt Nam để trao đổi, mua bán hàng hóa, để tránh bão, tiếp thêm nước ngọt… và du nhập văn hóa bên ngoài vào Việt Nam, đồng thời cũng đưa sản phẩm, văn hóa Việt Nam lan tỏa ra bên ngoài.

Trên những con tàu đắm được phát hiện ở Hòn Cau, Cù Lao Chàm, Bình Thuận, Cà Mau, Bình Sơn… trong những năm qua, người ta không chỉ tìm thấy những sản phẩm gốm sứ của Trung Quốc, của Nhật Bản, của Thái Lan hay của Việt Nam mà còn phát hiện những trầm tích văn hóa Việt lưu dấu trong đồ dùng và trang phục của thủy thủ đoàn, trong vật liệu và kỹ thuật làm nên những con tàu này.
Một nghiên cứu của GS. Li Tana, nhà sử học người Úc gốc Hoa, cho biết người Việt thời chúa Nguyễn đã từng đóng tàu để cung cấp cho người Hoa và người Thái. Người Hoa đến Gia Định thuê người Việt đóng tàu cho họ từ các nguồn vật liệu địa phương rồi dùng các con tàu ấy buôn gạo từ châu thổ sông Mékông về bán lại cho dân vùng Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến…

Sau đó, họ bán lại những con tàu đó cho thương nhân người Hoa khác ở quê hương, lấy tiền mang sang Việt Nam đóng những con tàu mới. Những thương nhân người Hoa tại Phúc Kiến, Hạ Môn lại dùng những con tàu đóng ở Việt Nam để chở hàng hóa Trung Hoa đi buôn bán ở Lưu Cầu, Nam Dương... Còn người Thái thì dùng những con tàu do chúa Nguyễn cung cấp để chiến đấu với thủy binh Khmer.

Nếu không có tri thức biển và kinh nghiệm đóng thuyền đi biển, hẳn những người thợ đóng thuyền Việt Nam thời chúa Nguyễn đã không được người Hoa, người Thái tin tưởng thuê đóng những con tàu phục vụ cho nhu cầu thương mại và chiến tranh của họ.

 Dấu ấn của văn hóa biển trong diễn trình lịch sử của dân tộc Việt Nam là như vậy. Những giao lưu nội vùng và ngoại vi gắn liền với biển của cư dân Việt đã góp phần hình thành nên “đường viền văn hóa biển” như cách nói của GS. Hà Văn Tấn, hay nói cách khác, đã khiến cho biển đảo Việt Nam không chỉ là không gian sinh tồn của người Việt mà còn là một hành lang để truyền bá văn hóa Việt ra bên ngoài và tiếp nhận văn hóa bên ngoài vào Việt Nam.

Vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển đảo không đơn giản chỉ là đấu tranh đòi lại những gì thuộc chủ quyền Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm, mà phải giữ gìn những gì mà biển đảo đã mang lại cho dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, trong đó, có cả những “trầm tích văn hóa” đã được tích tụ từ ngàn xưa, đang cần được khơi thông mạch nguồn để tiếp nối giữa quá khứ với tương lai của dân tộc Việt Nam.

(Bài viết của tác giả Trần Đức Anh Sơn đăng trên website của huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), tiêu đề do Infonet đặt lại)

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !