Kỳ lạ dịch vụ phụ nữ ngủ với người lạ để cứu vãn hôn nhân
Farah đã gặp và cưới chồng trong độ tuổi 20 sau khi được một người bạn trong gia đình giới thiệu. Họ đã có con nhưng cô luôn bị lạm dụng cả về thể chất và tinh thần.
BBC dẫn lời Farah cho hay: "Đầu tiên, anh ta đánh tôi vì tiền. Anh ta nắm lấy tóc tôi, lôi qua hai phòng và cố đẩy tôi ra khỏi nhà. Có lúc anh ta dường như phát điên”.
Mặc dù bị lạm dụng, Farah vẫn nuôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi. Hành vi của chồng cô ngày càng bất thường và tồi tệ. Cho đến một ngày, anh ta ly dị cô qua tin nhắn.
Ảnh minh họa. |
Farah kể: "Tôi ở nhà với các con còn anh ta đi làm. Chúng tôi nhắn tin gay gắt qua lại một hồi, anh ta nhắn tin đòi ly dị. Nội dung tin nhắn đó là: “talaq, talaq, talaq”. Từ talaq có nghĩa là ly dị. Ba từ talaq được nhắn cùng một lúc được hiểu là cuộc hôn nhân đó đã bị kết thúc ngay lúc đó.
Mặc dù hủ tục ly hôn ngay lập tức này đã bị cấm ở hầu hết các quốc gia Hồi giáo, nhưng nó vẫn diễn ra. Ở Anh, nhiều phụ nữ Hồi giáo đã bị ly hôn theo cách này.
Farah cho hay: "Tôi kể cho bố tôi nghe và bố tôi đã nói: “Cuộc hôn nhân của con đã kết thúc, con không thể quay trở lại với cậu ta được nữa".
Farah rất đau khổ và tuyệt vọng bởi dù bị bạo hành nhưng cô vẫn sẵn sàng quay trở lại với chồng cũ. Cô gọi anh ta là “tình yêu của cuộc đời tôi". Cô nói chồng cô cũng thấy tiếc khi đòi ly hôn với cô.
Bà Khola Hasan thuộc Hội đồng Hồi giáo Sharia ở Đông London phản đối mạnh mẽ "halala". |
Cuối cùng, họ đi đến quyết định dùng “halala”, một hủ tục gây tranh cãi khác đang được một số ít người Hồi giáo tin tưởng. Họ tin “halala” là cách duy nhất giúp một cặp vợ chồng đã ly hôn nhưng muốn hòa giải, có thể tái hôn.
Theo hủ tục này, người phụ nữ đã “ly dị” đó sẽ kết hôn với người khác, ngủ với anh ta và sau đó có thể tái hôn với người chồng đầu tiên. Tuy nhiên, những người tìm kiếm dịch vụ này (chủ yếu hoạt động trực tuyến) thường bị lừa tiền bạc, bị ngược đãi và thậm chí bị lạm dụng tình dục. Do vậy, phần lớn người Hồi giáo phản đối hủ tục “halala” và cho rằng, những người theo “halala” đang hiểu lầm về luật ly hôn của Hồi giáo.
Theo BBC, rất nhiều tài khoản mạng xã hội đang cung cấp dịch vụ halala. Thậm chí, một số tài khoản còn tính phí đến cả hàng ngàn bảng Anh.
Một người đàn ông quảng cáo dịch vụ “halala” trên Facebook nói với phóng viên BBC trong vai trò là người tìm kiếm dịch vụ rằng, một người phụ nữ Hồi giáo đã bị ly dị theo cách ngay lập tức sẽ phải trả 2.500 bảng Anh để được quan hệ tình dục với anh ta thì cuộc hôn nhân đó mới hoàn thiện, sau đó cô mới được ly dị và quay về với chồng cũ.
Không có gì chứng minh hành động của những kẻ cung cấp “halala” trên là bất hợp pháp. BBC đã liên lạc lại với người trên nhưng anh ta bác bỏ bất kỳ cáo buộc nào chống lại mình đồng thời tuyên bố anh ta chưa bao giờ cung cấp dịch vụ halala và rằng tài khoản Facebook anh ta tạo ra chỉ để cho vui.
Trong cơn tuyệt vọng và mong muốn được đoàn tụ với chồng, Farah đã từng tìm kiếm những người đàn ông cung cấp dịch vụ “halala”. Cô nói: "Tôi biết nhiều cô gái đã giấu gia đình mình và tìm kiếm dịch vụ này”.
Hội đồng Hồi giáo Sharia ở Đông London, tổ chức chuyên đưa ra lời khuyên về vấn đề ly hôn cho phụ nữ, phản đối mạnh mẽ “halala”.
Bà Khola Hasan, một người thuộc tổ chức này nói: "Đó là một cuộc hôn nhân giả dối. Một hành động kiếm tiền và lợi dụng những người dễ bị tổn thương. Nó bị cấm. Tôi không biết dùng từ nào để thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của mình đối với hủ tục này”.
Farah cuối cùng đã quyết định không trở lại với chồng cũ và không thực hiện hủ tục “halala” nữa. Cô cũng cảnh báo những phụ nữ khác, những người giống như cô, đang rất tuyệt vọng. Cô khuyên họ không nên ngủ với một người lạ để quay trở lại với chồng cũ dù có thể họ đang rất đau khổ.