Kinh tế Trung Quốc “hắt hơi”, Mỹ “sổ mũi”
Đã có một sự gia tăng đột biến trong cách tính lãi liên ngân hàng ở Trung Quốc. Điều này làm gợi lên những ký ức về sự thiếu hụt tín dụng đã từng làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một con số đáng thất vọng từ khu vực sản xuất tạo ra một dấu hiệu đáng lo ngại trong tuần này, gây ra cảnh báo thêm rằng nền kinh tế của Trung Quốc vẫn tiếp tục đà suy thoái.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc được xem như là nơi mà tiền tuôn ra “như suối”: các sân bay "hoành tráng" được xây dựng, đường cao tốc hiện đại bậc nhất và toàn bộ các thành phố dường như không ngủ đêm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng đó được cho là được thúc đẩy bởi nợ chính quyền địa phương, và hiện nước này đang phải vật lộn để trả nợ, đặc biệt là khi nền kinh tế chậm lại.
Thêm vào đó, việc sử dụng phương pháp vay nợ nhiều để thúc đẩy tăng trưởng đang mất dần hiệu lực của nó. “Phải mất rất nhiều tín dụng hơn để sản xuất cùng một đơn vị sản lượng mà nó đã làm ra cách đây 5 năm”, Nicholas Lardy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Mỹ cho biết.
Các nhà phân tích cũng nói rằng suy thoái của Trung Quốc đang bước vào một vòng luẩn quẩn mới. Khi nền kinh tế phát triển chậm lại thì việc trả nợ càng khó khăn. Các ngân hàng Trung Quốc đang phải cố gắng kéo tín dụng trở lại nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Các nhà đầu tư và kinh tế Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện xảy ra ở Trung Quốc, nơi có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vì mối quan hệ chặt chẽ giữa 2 quốc gia. Trong tuần này, sản xuất ở Trung Quốc chậm lại và lãi suất liên ngân hàng tăng vọt đã góp phần tạo ra biến động trong thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số của các doanh nghiệp ở Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục từ hôm thứ Sáu (21/6).
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận rằng hệ thống tài chính của họ có vấn đề. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ cải cách nền kinh tế của nước này bằng cách cân bằng lại nguồn tăng trưởng của đất nước, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào các nguồn đầu tư có tính chất đầu cơ, bất động sản sang một nền kinh tế dựa vào tiêu dùng nhiều hơn.
"Chúng tôi tin rằng các nhà lãnh đạo mới nhận thức đầy đủ các rủi ro tài chính trong nền kinh tế”, Zhiwei Zhang và Wendy Chen, các nhà kinh tế tại Nomura cho biết, "Khi nhiệm kỳ của họ kéo dài trong 10 năm, họ sẵn sàng chịu đựng một số nỗi đau ngắn hạn để đạt được mục tiêu chính sách dài hạn - ngăn chặn khủng hoảng tài chính và cung cấp sự tăng trưởng bền vững".
Nhưng có một số bất đồng về cách mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thực sự kiểm soát được tình hình, và cách họ có thể quản lý các rủi ro chính trị nếu người dân không có việc làm hoặc nhìn thấy tài sản của mình ngày càng “mất giá”.
Thậm chí, khả năng dự trữ đồng USD khổng lồ của Trung Quốc sẽ suy giảm nếu chính phủ nước này tiến hành củng cố lại hệ thống tài chính của mình. Nó cho thấy Trung Quốc không phải rơi vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản mà đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ, theo một cách có hệ thống hơn và khó vượt qua hơn.
Một phần của vấn đề là hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn tương đối chưa trưởng thành, ít nhất là so với các nền kinh tế phát triển. Lĩnh vực ngân hàng hiện đang tràn ngập cái gọi là sản phẩm quản lý tài sản – cái đã hình thành nên xương sống của ngành công nghiệp ngân hàng ngầm – phần lớn không được kiểm soát. Các sản phẩm ngắn hạn có lợi tức cao, nhưng chúng thường được đầu tư vào tài sản rủi ro như bất động sản.
Sự tăng trưởng của lĩnh vực ngân hàng ngầm đã tăng lên mạnh mẽ khi chính các ngân hàng rút khỏi thị trường cho vay truyền thống. Theo số liệu gần đây của Viện Trong năm 2008, đã có khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ ( khoảng 163 tỷ USD) giá trị của các sản phẩm quản lý tài sản của ngân hàng được phát hành. Vào cuối năm ngoái, số tiền đó đã tăng lên đến hơn 7,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,2 nghìn tỷ USD).
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm truyền thống đang rất thấp và nhiều người Trung Quốc bình thường đã bắt đầu mua các sản phẩm này, dù rủi ro hơn với hy vọng nhận được lợi nhuận cao hơn cho tiền của họ. Các sản phẩm này đang trở nên rất phổ biến mà người dân nước này thường xuyên nhận được thông qua các quảng cáo trên điện thoại di động.
Rủi ro trong cách điều hành thị trường ngân hàng có thể tạo ra một kết quả rất thảm khốc. Tuy nhiên, vẫn có niềm tin cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tham gia vào trước khi mọi thứ xấu đi. "Không giống như hệ thống ngân hàng ở các nước khác, hầu hết các ngân hàng Trung Quốc thuộc về nhà nước. . . . Các nguồn lực mà chính quyền trung ương có thể cung cấp rất phong phú", Chen Gong, người sáng lập và là trưởng nhóm nghiên cứu tại Anbound Consulting ở Bắc Kinh nói. "(Các ngân hàng) luôn ngấp nghé bên bờ sụp đổ, nhưng họ sẽ không bao giờ sụp đổ".