Không thể có chuyện chồng đánh vợ là việc riêng của gia đình?
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 về công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay, Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng phải bỏ quam niệm đánh cãi nhau là việc riêng của mỗi gia đình.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội). Ảnh. Xuân Hải. |
Bà An cho biết: Bạo lực gia đình hiện nay vẫn tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau, không chỉ bạo lực về mặt thể xác mà còn bạo lực về tinh thần, cái này tồn tại ở nhiều loại hình gia đình kể cả trong giới trí thức, công nhân và nông dân lao động.
Tình trạng, bạo lực gia đình đã gây ra một áp lực rất nặng nề cho phụ nữ. Theo tôi việc chống bạo lực gia đình cần phải làm rất thường xuyên và tất cả mọi người cần vào cuộc. Vì nếu giải quyết cái này tốt, gia đình mà đầm ấm thì nó sẽ góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Gia đình có đầm ấm, bố mẹ có hòa thuận thì con cái sẽ phát triển bình thường, tốt đẹp hơn nhiều so với gia đình mà bố mẹ suốt ngày hục hoặc với nhau, lạnh nhạt, tra tấn nhau về mặt tinh thần hoặc thể xác.
Thưa bà, chúng ta đã có Luật phòng chống bạo lực gia đình nhưng hiệu quả của luật đã thực sự đi vào cuộc sống chưa?
Luật phòng chống bạo lực gia đình đã bắt đầu đi vào cuộc sống và nhất là các tổ chức chính trị xã hội như là phụ nữ, công đoàn, thanh niên, mặt trận hay những tổ chức xã hội đã làm được việc này nhiều hơn thậm chí là hơn cả chính quyền. Thường là họ hòa giải, vận động, tuyên truyền, giáo dục nên đã góp phần giảm bớt tình trạng bạo lực ở gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ. Theo tôi công tác này phải được triển khai tốt hơn, triệt để hơn thì mới kịp thời ngăn chặn tình trạng bạo lực trong gia đình.
Theo quan niệm Á đông người phụ nữ cho rằng nếu chồng có đánh mình vài cái cũng là chuyện bình thường. Chính suy nghĩ như vậy đã tạo điều kiện để những người đàn ông trong gia đình có những hành vi bạo lực và các hành vi ấy đã và đang ngày có chiều hướng gia tăng, thưa bà?
Đúng như vậy bởi cái tư tưởng phong kiến vẫn còn rất nặng nề, nó ảnh hưởng và thấm sâu vào máu của từng người và qua nhiều thế hệ. Tư tưởng của người phụ nữ coi việc chồng đánh mình là mặc nhiên, phải chịu đựng và coi đó là quyền của chồng, suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm.
Theo tôi chuyện đó cần tuyên truyền phổ biến cho chính những người phụ nữ việc chồng đánh là không đúng, là vi phạm pháp luật. Chính việc người vợ cắn răng chịu đựng khi bị chồng bạo hành đã khiến cho người đàn ông nghĩ mình có quyền và hành xử không đúng về mặt văn hóa nên đã gây ra những tổn thất về mặt tinh thần rất lớn cho bản thân những phụ nữ và chính con cái của họ.
Về phía chính quyền địa phương, nhiều khi quan niệm gia đình cãi nhau đó là chuyện riêng của mỗi gia đình và chưa kịp thời can thiệp, chỉ khi có vụ việc nào đó gây hậu quả nặng nề thì chính quyền mới vào cuộc. Ý kiến của bà về việc này như thế nào?
Mọi người phải coi đây là vấn đề của cộng đồng chứ không phải là của riêng từng gia đình. Quan niệm xưa nay vẫn coi chuyện cãi nhau, mâu thuẫn là của riêng từng gia đình một và mọi người tự lo nhưng cái trách nhiệm của cộng đồng theo tôi hiện phải thể hiện rõ hơn. Bởi vì chính quyền ở cơ sở và các tổ chức đoàn thể phải thấy rằng đó là trách nhiệm của cộng đồng, vì từng gia đình không tốt, không êm ấm tất nhiên cộng đồng sẽ không tốt. Quan niệm gia đình cãi nhau nhưng hàng xóm cho rằng đó là việc riêng của mỗi gia đình vẫn tồn tại ở từng khu dân cư, chính quyền cơ sở nên việc này cần phải tuyên truyền cho cả vợ, chồng, từng người dân để họ hiểu rằng trách nhiệm của họ đối với tất cả dân cư trong cuộc sống.
Để giúp cho những người phụ nữ khỏi tình trạng bạo lực gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có ngôi nhà bình yên, tuy nhiên đây chưa phải là biện pháp lâu dài thưa bà?
Ngôi nhà bình yên phải nói rất là tốt, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, nó không thể có ở khắp mọi nơi được và không thể liên tục được vì chuyện tình thế chỉ có một thời gian nhất định. Còn về lâu dài tôi vẫn nói, đó là phải thay đổi nhận từ gốc, từ trẻ em, người lớn, người già, ở đâu cũng phải tuyên truyền, giáo dục. Thậm chí phải tuyên truyền vào những trường học, toàn xã hội và thông qua các đoàn thể để làm việc này vừa giáo dục vừa có chế tài xử lý nguyên các trường hợp vi phạm thì sẽ chấm dứt được bạo lực gia đình.
Để việc phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả và Luật thực sự đi vào cuộc sống cần những biện pháp gì, thưa bà?
Đầu tiên là công tác tuyên truyền để mọi người thay đổi nhận thức. Mà cái thay đổi nhận thức là rất khó, phải làm thường xuyên, lâu dài, kiên nhẫn ở tất cả các góc độ, các giới và đặc biệt là phải đưa vào trường học từ cấp mầm non trở lên về sự bình đẳng giới. Thứ hai là phải có chế tài, nếu người nào hành xử quá phải dùng luật để xử lý.