Khởi nghiệp khát khao có báo chí đồng hành
Đa dạng kênh truyền thông
Từ rất sớm, Báo Bưu điện Việt Nam đã có riêng một chuyên mục Khởi nghiệp trên chuyên trang ICTnews hỗ trợ tuyên truyền miễn phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ. |
Khởi nghiệp là một con đường đầy gian nan thử thách, nhưng cũng hứa hẹn đầy trái ngọt cho những ai có đủ sự can đảm và ý chí quyết tâm. Những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) còn non trẻ vừa không có tiền, lại chưa có tiếng, cần phải tận dụng nhiều kênh khác nhau để sản phẩm, giải pháp của mình được nhiều người biết đến. Trong đó, báo chí là một trong những kênh hỗ trợ rất hiệu quả.
Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, ông Phùng Khắc Huy, nhà sáng lập (founder) của Mạng Giao thông vận tải Ship60 cho biết, trong quá trình hình thành và phát triển Ship60, đã sử dụng 4 kênh truyền thông để quảng bá dự án, sản phẩm, gồm: Gọi điện quảng cáo trực tiếp đến khách hàng; Quảng cáo trên Facebook có trả phí; Thông qua các sự kiện dành cho startup; Thông qua các phóng viên, nhà báo quan tâm viết bài về startup. Trong đó, kênh quảng cáo trên Facebook tốn chi phí khá cao.
Ông Tạ Quang Thái, founder của ứng dụng Rada (ứng dụng kết nối người có nhu cầu với các dịch vụ sửa chữa, bảo trì xe cộ, trang thiết bị, chăm sóc, giúp việc gia đình...) chia sẻ: “Việc truyền thông, quảng bá sản phẩm đến với khách hàng cho những giải pháp, công nghệ mới, đặc biệt là các giải pháp của startup là tối quan trọng. Tuy nhiên với nguồn lực hạn chế thì startup thường không có khả năng áp dụng được tất cả các kênh hiện có trên thị trường. Thường thì các kênh thông tin giá rẻ sẽ là giải pháp đầu tiên mà các startup sử dụng”.
Trên thực tế hiện nay, để truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, các startup có thể tìm hiểu và khai thác những kênh chi phí rẻ, thậm chí miễn phí như: Truyền miệng - sử dụng những người quen biết, thân quen để giới thiệu về sản phẩm; Tờ rơi quảng cáo - phương thức rải tờ rơi, quảng cáo cũng thường hay được sử dụng đến mặc dù hiệu quả không cao; Hội thảo, hội chợ, các sự kiện offline; Tham gia các kênh diễn đàn trên các website có lượng truy cập lớn để nói chuyện, giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ và giải pháp của mình; Sử dụng các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, Tumblr, Instagram, LinkedIn... để giao lưu, trao đổi, giới thiệu về sản phẩm của mình...
Nếu có điều kiện về kinh tế, startup có thể sử dụng các kênh truyền thông như quảng cáo mất tiền trên mạng xã hội, mạng tìm kiếm, mạng hiển thị (đây cũng là một cách để đo đếm chính xác hiệu quả của sản phẩm mình cung cấp đến cộng đồng); Tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm, giải pháp;...
Đặc biệt, “báo điện tử, các trang điện tử, báo giấy, báo hình là kênh có giá trị cao để quảng bá sản phẩm”, ông Tạ Quang Thái nhấn mạnh.
Hiện đã có một số cơ quan báo chí triển khai chương trình, chuyên mục riêng để hỗ trợ khởi nghiệp. Chẳng hạn như chương trình “Chuyến xe khởi nghiệp” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) được triển khai với mục đích tạo ra không gian riêng tư để mỗi vị khách (là đại diện của startup Việt) bước lên xe sẽ mang theo một câu chuyện đầy máu, mồ hôi và nước mắt trong quá trình hiện thực hóa đam mê của mình.
Hoặc Báo Bưu điện Việt Nam từ rất lâu nay cũng đã có riêng một chuyên mục Khởi nghiệp trên chuyên trang ICTnews, hỗ trợ tuyên truyền miễn phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ nhưng có ứng dụng, giải pháp hữu hiệu cho cộng đồng.
Kỳ vọng lớn vào sự đồng hành của báo chí
Theo quan sát của Báo Bưu điện Việt Nam, nhiều startup do mới thành lập, chưa có nhiều quan hệ với báo chí, và luôn nghĩ rằng nếu muốn truyền thông trên báo chí thì phải chi một khoản tiền để làm dịch vụ PR, nên thời gian đầu hầu như không có ý tưởng truyền thông về dự án khởi nghiệp của mình trên báo chí.
Đồng quan điểm về thực trạng nêu trên, ông Tạ Quang Thái phân tích thêm: “Nhiều startup do mới thành lập, các sáng lập viên còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, thường dễ sa đà vào việc sử dụng tài chính cấp tập cho một chiến dịch PR nào đó, vì vậy, ý tưởng thường bị hạn chế, bó hẹp, và rất dễ dẫn đến sai lầm khi thực hiện. Rada may mắn được thành lập bởi các thành viên cũng đã có kinh nghiệm lâu năm hoạt động ở các thị trường truyền thống, vì vậy cũng có lợi thế hơn các startup khác trong việc phối hợp với các kênh báo chí, truyền thông. Đây chỉ là lợi thế nhỏ ban đầu và lợi thế này cũng sẽ không tồn tại lâu dài nếu thực sự sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để được chú ý đến nhiều, các startup cần tập trung tối đa cho sản phẩm, dịch vụ hoặc giải pháp mà mình cung cấp nhằm mang lại giá trị thực tế hơn là nhắm đến các kênh quảng bá. Việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ khi còn chưa chín, chưa hoàn thiện sẽ có tác dụng ngược đối với các startup trong giai đoạn ban đầu”.
Ông Nguyễn Khánh Trình, founder dự án Trang Trại Trung Thực (chuyên cung cấp thực phẩm, rau sạch) cũng nhấn mạnh kinh nghiệm “không nên tốn tiền cho các hoạt động marketing, PR, mà nên tập trung làm tốt công việc, sản phẩm của mình để các hoạt động được viral (lan truyền) một cách tự nhiên”.
Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, ông Phùng Khắc Huy cho biết: “Ship60 đã nghiên cứu và xác định rõ chiến lược theo từng giai đoạn để biết được giai đoạn nào mình cần tiếp xúc với các kênh không tốn phí, khi nào cần các kênh trả phí như báo chí hoặc quảng cáo trả phí qua mạng xã hội”.
Dù còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc nên hay không nên sử dụng kênh báo chí để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trong giai đoạn đầu non trẻ của startup, song không thể phủ nhận rằng báo chí, truyền thông luôn có giá trị tích cực đối với sự phát triển của startup Việt Nam.
Một điểm chung của các startup Việt khi được hỏi đều cho rằng, rất mong có sự đồng hành, hỗ trợ của báo chí một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
“Theo xu thế hỗ trợ startup, từ chủ trương của Chính phủ đến các Bộ, ngành, các cơ quan báo chí cũng đang hỗ trợ rất tốt cho các hoạt động khởi nghiệp. Bản thân các startup luôn khát khao có sự đồng hành cùng các cơ quan báo chí truyền thông, song vấn đề lớn nhất hiện nay là vấn đề chi phí. Thiết nghĩ, cần công bố rộng rãi các kênh, chương trình mà cơ quan báo chí có kế hoạch PR hỗ trợ startup, kể cả có phí hoặc miễn phí. Hiện tại, startup không biết rõ các cơ quan báo chí hỗ trợ stratup thì viết bài chi phí sẽ bao nhiêu, kênh nào không tốn phí. Bên cạnh đó, có thể tổ chức các chương trình, sự kiện, giải thưởng hỗ trợ PR startup (ví dụ StartupViet của VnExpress). Hiện tại, các giải thưởng về giải trí, âm nhạc rất nhiều. Nếu có thể có các giải thưởng tương tự cho startup thì rất tốt”, ông Phùng Khắc Huy bày tỏ.
Ở một góc nhìn khác, ông Tạ Quang Thái đề xuất: “Cá nhân tôi thấy việc truyền thông hỗ trợ khởi nghiệp của các cơ quan báo chí trong thời gian gần đây là khá tích cực, nhanh nhạy, nhưng vẫn còn thiếu các phân tích chuyên sâu về từng vấn đề. Báo chí cũng cần cẩn trọng trong việc thông tin, định hình xu hướng cho các startup. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tỉnh táo, luôn luôn cập nhật kỹ năng, nghiên cứu thông tin để có thể đưa tin một cách trung thực, chính xác, tránh nói quá, nói thiếu hoặc nói sai về khởi nghiệp”.
“Mong muốn của tôi là các đơn vị truyền thông, báo chí sẽ đưa tin nhiều chiều về các dự án khởi nghiệp. Không chỉ hô hào cổ vũ, mà còn phân tích cả những mặt trái ngược, mặt tiêu cực, để mọi người có cái nhìn toàn diện hơn về khái niệm khởi nghiệp tại Việt Nam”, ông Nguyễn Khánh Trình kiến nghị.