Tọa đàm Hiến và ghép tạng: Những giá trị nhân văn

Sau 4 năm vận động, cả nước có gần 12.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng. Sau sự kiện bé Hải An hiến giác mạc, chỉ từ tháng 2/2018 đến nay, đã có trên 7.000 người đăng ký hiến tạng, nâng tổng số người đăng ký lên gần 20.000 người.

Tháng 2/2018, nhiều người biết đến hoạt động hiến và ghép tạng hơn sau sự kiện bé Hải An 7 tuổi qua đời vì căn bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa và đã hiến tặng giác mạc của mình.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã gọi bé Hải An là “con gái nhỏ” và món quà bé để lại là “viên ngọc sáng giữa đời”. Trong thư từ biệt, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tin rằng, ở một nơi nào đó, bé Hải An thực sự hạnh phúc vì đã làm được một việc tốt và mang lại vô vàn thương yêu cho cuộc sống. 

Bốn ngày sau ngày mất của bé Hải An, chiều 26/2, Bệnh viện Mắt Trung ương đã ghép giác mạc của bé Hải An cho 2 bệnh nhân đã nhiều năm sống trong bóng tối.

Nhưng có lẽ, niềm vui đó không dừng lại ở 2 bệnh nhân và người thân của họ. Điều mà bé Hải An và gia đình không ngờ tới là hiệu ứng của việc làm tốt đẹp đó đã lan tỏa rộng khắp như thế nào. 

Nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An và gia đình như một ngọn lửa thắp lên trong hàng triệu trái tim con người, đặt ra câu hỏi khiến nhiều người lớn day dứt: Bé làm được sao mình không làm được?

Vậy là, sau 4 năm vận động, cả nước mới có gần 12 nghìn người đăng ký hiến tặng mô tạng, nhưng chỉ từ tháng 2/2018 đến nay, đã có trên 7000 người đăng ký kiến tạng, nâng tổng số người đăng ký lên gần 20 nghìn người.

Từ việc không mấy ai hiểu gì về hiến tạng và rất e ngại, các trường hợp hiến tạng trước đây phải vận động rất vất vả, nay nhiều người tự nguyện đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để đăng ký hiến tạng…

Thượng tọa Thích Nhật Từ (áo vàng) và ThS Nguyễn Hoàng Phúc (áo trắng) tham dự tọa đàm chủ đề hiến và ghép tạng.

Để phong trào này lan tỏa hơn nữa, Báo Bưu điện Việt Nam và Bộ Y tế đã tổ chức Tọa đàm "Hiến và ghép tạng: Những giá trị nhân văn".

Tham dự Tọa đàm có 2 vị khách mời: Thượng tọa Thích Nhật Từ, Thầy trụ trì Chùa Giác Ngộ (TP.HCM) và ThS Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.

Sau đây là nội dung buổi tọa đàm:

Lê Thu Thủy – Hải Phòng: Tôi nghe nói người chết não mới được hiến tạng. Vậy như thế nào gọi là người bị chết não, thưa ông Phúc?

ThS Nguyễn Hoàng Phúc: Người sống có thể hiến 1 quả thận hoặc một phần của lá gan. Còn người chết não có thể hiến tặng tất cả các mô, tạng.

Còn thế nào là người chết não? Theo khoản 9 Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người thì “Chết não là tình trạng toàn não bộ bị tổn thương nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được”. Hiểu một cách đơn giản hơn, Người chết não không thể tự thở (phải có máy thở), không còn bất kỳ phản xạ nào... nhưng tim còn đập. Và người chết não không thể sống lại được.

Người chết não có thể hiến tặng được mô và tạng để cứu được nhiều người nhất vì những lý do sau: Não đã chết nhưng tim vẫn còn đập, vẫn cung cấp máu đủ đến nuôi dưỡng các mô và các tạng (ngoại trừ não) trong vòng từ 1 đến khoảng 3 ngày trước khi ngừng tim thật sự. Trong khoảng thời gian đó, nếu bệnh nhân trước khi chết não có nguyện vọng hiến tạng và gia đình không phản đối thì đó chính là thời gian vàng để chuẩn bị để tiếp nhận mô, tạng của người hiến tặng mô tạng.

Nếu sau khi tim ngừng đập (chết) thì không thể lấy được tạng và chỉ còn có thể tiếp nhận được các mô mà thôi: giác mạc, da, xương, van tim... trong thời gian 8 tiếng kể từ khi tim ngừng đập.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP Hồ Chí Minh).

Mai Loan – Hà Nội: Người dân vẫn quan niệm chết phải nguyên vẹn thể xác để khi quay về kiếp sau không bị khuyết tật. Điều này xuất phát từ đâu, thưa thượng tọa Thích Nhật Từ?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Quan điểm sai lầm trên liên quan đến 3 nguồn gốc. Người Trung Hoa coi rằng “sinh ký, tử quy” – chết vĩnh hằng, sống tạm bợ. Người Ai Cập cổ - trước khi các Pharaon qua đời thường làm kim tự tháp, trong đó chứa nhiều ngọc ngà châu báu và khi đưa thi thể vào thì toàn bộ hoàng hậu, cung tần đều chôn sống theo. 

Người Việt Nam thì có quan niệm trần sao âm vậy, nên khi chết lành lặn thì kiếp sau mới lành lặn. Dù các quan niệm trên có dị biệt nhưng thống nhất khi cho rằng mối quan hệ giữa hai kiếp là giống nhau. Đó là sự ngộ nhận cần được tháo gỡ.

Cơ thể của chúng ta ở kiếp này lệ thuộc vào nhân quả ở kiếp trước thông qua gen di truyền. Ở kiếp sau lệ thuộc vào gen di truyền của cha mẹ ở kiếp sau và bị chi phối bởi nhân quả của kiếp này. Khi một người phát tâm hiến tặng có thể cứu từ 3-13 người, giúp những người đó có cơ hội tái sinh ngay trong kiếp sống này. Vì vậy họ tạo ra quả phúc, sức khỏe và tuổi thọ ở kiếp sau. 

Dựa vào điều này, người hiến tạng sẽ có phước tướng ở ngay kiếp này và sau khi tái sinh sẽ rất hài lòng về sức khỏe, ngoại hình. Quan niệm ngộ nhận về việc thân thể vật lý ở kiếp này và kiếp sau giống nhau là đáng tiếc, thành đà cản về nhận thức.

Các trở ngại đó làm cho số người hiến tạng bị giới hạn, khiến hiện nay mới chỉ có khoảng 19.000 người hiến. Nếu giải phóng nhận thức thì tôi tin rằng số người sẽ tăng lên gấp đôi, 10, 20 thậm chí hàng trăm lần. Để làm được cần có những chính sách của Bộ Y tế và nỗ lực truyền thông để mọi người không còn ngộ nhận, bởi đây là sự trông đợi của những gia đình có thành viên bị bệnh, kỳ vọng vào ghép tạng từ nguồn quần chính phát tâm hiến tặng.

Hải Lý, Nghệ An: Trong quan niệm nhà Phật, làm việc thiện, cứu người như xây bảy tòa tháp. Thượng tọa có thể giải thích rõ hơn về việc này? Hiến tạng có được coi là “xây bảy tòa tháp” không?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Cần phân biệt phước báo và quy đổi từ hành động nhân đạo. Câu nói "Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”, ở đây là tòa tháp có 9 tầng chứ không phải 7 tòa tháp như câu hỏi, tuy nhiên về hàm ý thì giống nhau. Tòa tháp là nơi thờ Phật và Bồ tát, là một biểu tượng tâm linh. Ý cả câu muốn nói, khi làm một tòa tháp với mục đích như trên không bằng cứu cho một người.

Học thuyết Ba-la-mật có nhắc đến chia sẻ, tặng biếu, trong ấy có 3 sự bố thí gồm: Bố thí tài; Bố thí pháp và Vô úy thí. Trong Bố thí tài có “nội tài” và “ngoại tài” thì toàn bộ cơ thể, sự sống của toàn cơ thế, các chi phần, mô tạng thuộc về nội tài. Quyền hiến tặng từ một cơ thể sống sang một cơ thể khác đã được Đạo Phật đề cao từ 26 thế kỷ trước. Như vậy những người tu học sẽ thuận lợi hơn trong việc hiến mô tạng, và việc này thiết thực hơn xây 1 tòa tháp.

Để có quả tốt thì lúc gieo phải trồng đúng trứng nhân, muốn có phước tướng kiếp sau thì ngoài sự chia sẻ vật chất, tinh thần chúng ta nên phát tâm hiến mô tạng, bởi giá trị đó thiết thực hơn xây tòa tháp vì có người được sống thì giá trị đó sẽ phát huy. Còn toàn tháp – nếu không sử dụng cũng chỉ được xem là thứ yếu so với giá trị phụng sự nhân sinh. 

Tôi tha thiết kêu gọi quần chúng nên trở thành các truyền thông viên, giúp mọi người vượt qua ngộ nhận đáng tiếc, trở thành nguồn cung ứng tạng tình nguyện cho nhân sinh, đặc biệt là người Việt Nam.

Chu Thị Thúy – Thái Nguyên: Quan niệm tái sinh của Phật Giáo là như thế nào, thưa Thượng tọa Thích Nhật Từ? Liệu với việc hiến tạng có ảnh hưởng tới tái sinh khiếm khuyết về thể xác hay không?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Học thuyết tái sinh được biết qua khái niệm 12 mặt của sự sống. Sự sống không phải là một đường thẳng, mà là một vòng tròn có 12 mặt – thập nhị nhân duyên, gồm: Quá khứ - Hiện tại – Tương lai. Sau khi chết tâm thức lập tức rời cơ thể để có mặt trong phôi thai, từ đó hình thành mầm sống mới, sau đó vòng tròn lại tiếp tục. Phật giáo cho rằng chết không phải là dấu chấm cuối cùng. 

Cả vật chất và tâm tồn tại trong con người đều được bảo toàn năng lượng. Trong Bát nhã tâm kinh đã nói rằng mọi sự vật hiện tượng không tự nó sinh ra, mất đi, tăng thêm hay giảm bớt. Nó cũng như hiện tượng bồi lở của một dòng sông, chỗ này lở thì chỗ khác bồi và ngược lại, còn tổng thể luôn được bảo toàn.

Phật giáo chứng minh điều này bằng học thuyết hạt giống. Tất cả mọi hình thức từ tư duy, kiến thức, thói quen, lối sống… đều không bị mất đi sau khi các hành động, thói quen này được thực thi, mà chúng tồn tại dưới dạng năng lượng trong kho tàng tâm. Sau khi kết thúc sự sống, những năng lượng đó sẽ đồng hành cùng kho tàng tâm và có mặt trong phối thai. 

Sau hơn 9 tháng, một người qua đời sẽ thành một cậu bé mới, toàn bộ thói quen sẽ được lưu giữ lại, nên dù sinh 2, 3, 4 và ngoại hình giống nhau như đúc nhưng cá tính thì không giống nhau. Bởi con người mang theo những yếu tố tâm lý, phong tục, tập quán…từ kiếp trước, nên tạo ra sự khác biệt giữa các cháu, từ đó có thần đồng, thiên tài.

Phật giáo thừa nhận tính tiếp nối của sự sống và kêu gọi con người sống có trách nhiệm với hành vi của mình trên phương diện luật pháp, dân sự và phải nhận thức rõ việc sai trái sẽ mang lại khổ đau. Tuy vậy nếu lỡ phạm phải thì có học thuyết chuyển nghiệp, đó là gieo trồng các hạt giống tích cực thì tiêu cực trong quá khứ sẽ bị triệt tiêu. 

Đạo Phật kêu gọi mọi người quý trọng hạnh phúc và những đóng góp cho đời, thà mình giàu ít một chút và mình hài lòng, biết đủ để không phạm pháp, đừng bất chấp thủ đoạn để lừa đảo, từ đó tạo ra hành vi ngược về đạo đức và chống lại luật pháp. Học thuyết tái sinh của Phật là minh chứng về bảo toàn năng lượng vật chất và tâm – 2 yếu tố tồn tại không thể tách rời trong con người. 

Tất cả các hành động tốt – xấu, tích cực – tiêu cực sẽ quyết định cảnh giới tái sinh và nơi con người có mặt ở kiếp sau. Không ai có thể can thiệp, sắp xếp được. Suy nghĩ đó làm cho con người sống có giá trị.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.

Nguyễn Minh Nguyệt – Bình Dương: Những người có sức khỏe như thế nào mới được hiến tạng? Họ có cần phải kiểm tra sức khỏe trước để phòng các bệnh lây nhiễm hay không?

ThS Nguyễn Hoàng Phúc: Theo điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, luật không giới hạn, không liên quan tới sức khỏe của người hiến tạng. Ai đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự, cơ thể còn sống, có thể hiến một phần thận và gan. Người chết não hiến được nhiều hơn: thận, gan tim, phổi, giác mạc, da, gân xương, tử cung, ruột…

Muốn hiến tạng ngay khi còn sống mới phải đánh giá các chỉ số sức khoẻ khi cần thiết. Còn chết não chúng ta không cần kiềm tra sức khỏe. Bởi lẽ, hôm nay chúng ta đăng ký hiến tạng nhưng chúng ta không thể biết ngày nào ra đi. Hôm nay đăng ký nhưng 100 tuổi ra đi thì sao? Lúc đó tạng lại không hiến được, nhưng mô thì có thể hiến được. Do đó, chúng ta không cần lo lắng sức khỏe lúc đăng ký như thế nào, miễn chúng ta có tâm, muốn hiến tạng khi còn sống.

Chị Đào – TP.HCM: Nguồn tạng hiến ở Việt Nam hiện nay chủ yếu lấy từ đâu? Có ngân hàng mô tạng hay không? Nếu có thì mô hình đó hoạt động như thế nào?

ThS Nguyễn Hoàng Phúc: Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam rất lớn, hàng chục ngàn người suy gan, suy thận, suy tim, suy phổi cần được ghép. Trên thực tế chúng ta được ghép rất ít.

Năm 1992 chúng ta tiến hành ca ghép tạng đầu tiên. Đến giờ phút này mới có hơn 3000 người được ghép. Con số này quá thấp.

Những trường hợp được ghép đó ở Việt Nam chủ yếu hiện nay đến từ người hiến khi còn sống. Đó là lý do trong số 3000 người đó, chiếm phần lớn là người ghép thận.

Còn một số trường hợp ghép gan, tim, phổi thì được tiếp nhận hiến tạng từ người chết não. Cả nước đến giờ mới chỉ có 60 người chết não hiến tạng. Con số vô cùng bé nhỏ.

Trên thế giới, 80% nguồn tạng hiến từ người chết não, còn Việt Namlại ngược lại, hơn 90% đến từ người hiến sống.

Trong khi đó, một con số rất ấn tượng ở Việt Nam là 1 năm chúng ta có xấp xỉ gần 10000 chết vì tai nạn giao thông. Một ngày, các bệnh viện lớn như Việt Đức, Chợ Rẫy, Bạch Mai, mỗi ngày có 3,4 người xin về vì chết não là bình thường. Nhưng cả nước mới chỉ có 60 người hiến tạng.

Nhu cầu ghép tạng lớn, người chờ ghép tạng đang phải sống trong nỗi đau cùng cực, hầu hết họ lấy bệnh viện làm nhà. Họ khao khát kéo dài sự sống nhưng không được, chúng ta không đủ tạng.

Vì thế, chúng ta kỳ vọng, với chương trình như chúng ta tổ chức hôm nay, chuyển tải được các giá trị nhân văn đó để mọi người hiểu được, đặc biệt là một lĩnh vực liên quan đến tâm linh như Thầy Thích Nhật Từ chia sẻ, để cộng động thấu rõ hơn, vượt qua được nỗi đau, nỗi sợ hãi, nỗi buồn thảm do mất người thân để có thể hiến tạng, đem lại sự sống cho người khác.

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, chúng ta chỉ có 1 loại hình là ngân hàng mô, không có ngân hàng tạng. Bởi tạng như thận, gan, tim, phổi chỉ có thể lấy từ người hiến chết não hoặc hiến sống như gan, thận và phải ghép ngay, không thể bảo quản lâu dài được.

Ví dụ, tim tốt nhất trong vòng 6 tiếng, gan 6-8 tiếng, thận khoảng 12 tiếng… Quá thời gian đó chúng ta không thể tiếp nhận được nữa. Do đó, chỉ có thể có ngân hàng mô. Chúng ta bảo quản được giác mạc, gân, da, xương, mạch máu…

Các khách mời giao lưu trả lời câu hỏi của độc giả.

Chánh Nghĩa – Gia Lai: Chùa Giác Ngộ là nơi kêu gọi các phật tử, tăng ni hiến tạng. Thưa Thượng tọa, đến thời điểm này có bao nhiêu người đã hiến tạng thông qua chùa Giác Ngộ? Có gia đình nào tham gia hiến tạng cả gia đình hay không?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Năm 2014 tôi hiến tạng và tổ chức sự kiện để Phật tử tham gia. Khi đó có 215 người hiến tập thể tại chùa Giác Ngộ. Năm 2015 chùa tiếp tục tổ chức, lần này có 250 người hiến. Năm 2016 chùa tổ chức truyền thông trên facebook thì thấy hiệu quả hơn hẳn khi có 583 người hiến.

Năm 2017 chúng tôi tiếp tục làm và có 527 người hiến. 

Đến năm 2018 chúng tôi dự tính tổ chức 3 sự kiện, trong đó sự kiện ngày 29/9 vừa qua đã có 588 Phật tử đăng ký hiến tặng. Qua 5 năm chùa đã vận động được hơn 2.163 người hiến.

Vào tháng 11 vừa qua, chúng tôi tổ chức tại chùa Pháp Vân (Hà Nội). Lúc đầu chỉ có 100 người hiến, nhưng khi lắng nghe sự giải thích của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia và tôi thì đã tăng lên 166 người. Đến ngày 22/12, cả nước có hơn 19.000 người hiến tạng thì chùa rất vinh hạnh khi vận động được hơn 2.300 người. 

Từ năm 2018 trở đi, chùa sẽ phấn đấu vận động mỗi năm 2 lần và có thể lên đến 4 lần. 

Trong số những người hiến tạng tôi ấn tượng đặc biệt với 3 trường hợp. Thứ nhất là chị Vũ Thị Thành và hai con gái. Ba mẹ con chị Thành đều phát tâm hiến tạng khi nghe vận động. 

Thứ hai là chị Đinh Thị Ngọc Minh. Là phụng sự viên của chùa, hiểu được lợi ích của việc hiến tạng, chị đã đăng ký và vận động cha mẹ nuôi hưởng ứng lời kêu gọi. 

Thứ ba là chị Nguyễn Thị Thanh Vân cùng chồng và ba người con, cả 5 người đều phát tâm hiến tạng trong một lần đến chùa và được nghe giải thích.

Tôi tin rằng nếu mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ – những người có ảnh hưởng cùng tham gia làm truyền thông viên cho chương trình này thì chắc chắn số người hiểu và tham gia sẽ lớn hơn rất nhiều. Rất mong anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu… tham gia cùng Trung tâm điều phối và chúng tôi để việc làm nhân văn này ngày càng được lan tỏa.

Tú Anh – Hà Tĩnh: Sau 2 trường hợp bé Hải An và Vân Nhi, phong trào tự nguyện hiến tạng đã có bước đột phá mạnh mẽ. Nhiều người lớn phải suy nghĩ và thay đổi quan niệm của họ. Từ lo sợ, nghĩ ngợi đến giải phóng tư tưởng và đi hiến tạng. Thượng tọa nghĩ sao về hai bé và ý nghĩa việc làm hai bé mang lại? 

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Tôi đánh giá rất cao tấm lòng cao thượng của Hải An và Vân Nhi. Khi đọc thông tin giác mạc của 2 cháu đã mang lại ánh sáng cho 2 người khác tôi rất xúc động. Từ đó tôi kêu gọi Phật tử nhớ đến lời dạy của Bồ Tát để trở thành những người có các hành động từ bi lớn, mang lại niềm vui, giá trị lớn cho nhân sinh. 

Hành động của hai cháu đã tạo ra sự thức tỉnh về thương yêu, sự chia sẻ, chuyển giao sự sống và những giá trị cao quý, dù các cháu chỉ mấy tuổi. Điều này trên địa cầu không nhiều người làm được. Mong rằng với sự thức tỉnh, mang lại ánh sáng cho 2 người khác, chúng ta hãy đưa ra lời cam kết rằng nếu các cháu có thể chuyển giao sự thức tỉnh, thì chúng ta – những người trưởng thành không có lý do gì không làm được.

Nếu người khác là bậc trượng phu thì cũng như thế, sẽ không bỏ qua cơ hội cao quý. Bằng sự so sánh đó chúng ta sẽ không mặc cảm, viện dẫn lý do biện hộ cho yếu kém mà hãy phấn đấu, bằng cách đó chúng ta sẽ tiến bộ theo nghĩa tích cực.

Tôi tha thiết kêu gọi mọi người hãy quý trọng sự sống và bớt tiếc nuối cơ thể này – vốn là nơi tạm bợ, chỉ đồng hành trong mấy chục năm và sẽ vĩnh viễn chia tay. 

Hãy tạo cơ hội mang lại giá trị hữu ích cho con người. Chẳng bao lâu thân thể này sẽ vứt bỏ như một khúc cây, vậy nên đừng để làm vô dụng, mà hãy chuyển giao sự sống cho những người cần ghép mô tạng. Mong mọi người hãy nhớ đến Hải An, Vân Nhi để không ân hận, tiếc nuối sau này.

Anh Khải – TP.HCM: Được biết việc ghép tạng là một cuộc đại phẫu đòi hỏi rất nhiều người có chuyên môn cao, vậy nguồn nhân lực để thực hiện việc ghép tạng ở Việt Nam hiện được đào tạo như thế nào, thưa ông?

ThS Nguyễn Hoàng Phúc: Tôi xin được đưa ra một vài con số để chúng ta hình dung: Năm 1992 chúng ta ghép thận. Năm 2017 chúng ta ghép được phổi. Giữa quãng thời gian đó, chúng ta ghép được gan, tim. Những tạng ghép khó khăn như thận, gan, tim, phổi ta đã làm chủ được khoa học kỹ thuật rồi và rất nhiều bệnh viện trong nước ghép được.

Thứ 2 tới, tại Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi công bố 1 ca hiến ghép đa tạng từ 1 người chết não, họ hiến và ghép được 5 tạng cùng một lúc.

Về mặt khoa học kỹ thuật, chúng ta tự hào được ghi tên ngang với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, một vấn đề chúng tôi nói từ trước giờ vẫn là cái khó nhất là nguồn tạng hiến. Nếu vượt qua được trở ngại như nhiều người đã hỏi về mặt tâm linh, sợ hãi sau cái chết, cho kiếp sau… thì y học chúng ta còn phát triển hơn rất nhiều.

Hiện nay cả nước có 19 cơ sở đủ khả năng lấy và ghép mô tạng, trải dài từ bắc trung nam. Miền nam có BV Chợ Rẫy, Nhi Đồng 2, BV 115, BV Đại học y dược, BV nhân dân Gia Định, BV Kiên Giang. Miền Trung có BV TƯ Huế, BV Đà Nẵng, BV Thanh Hoá. Miền Bắc có BV Việt Đức, Bạch Mai, 103, 108, 198, Nhi Trung ương, Xanh Pôn, BV tư nhân Vinmec.. Các tỉnh miền núi phía Bắc có BV đa khoa Phú Thọ, Thái Nguyên… Một số BV khác cũng đang triển khai và hầu hết các nhân lực đầu tiên đều được đi học ở nước ngoài. 

Các ca ghép đầu tiên có các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ cho BV Việt Nam, từ thận, gan, tim, phổi. Còn bây giờ, các BV các tỉnh đều được chuyển giao công nghệ từ chính các BV tuyến cuối như Việt Đức, 103, Chợ Rẫy… Họ đang hỗ trợ đào tạo kỹ thuật phép thận, tim, gan, mang lại nhiều cơ hội cho bệnh nhân khác.

Điều này cho thấy các chuyên gia y tế của chúng ta rất tuyệt vời. Họ không những ghép mà còn chuyển giao công nghệ rất tốt, mang lại cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân khác.

Anh Khoa – Bình Dương: Xin hỏi thầy Thích Nhật Từ, nếu tôi nhớ không nhầm thì chùa Giác Ngộ là nơi duy nhất và đầu tiên về lĩnh vực phật pháp tuyên truyền về lĩnh vực hiến và ghép tạng. Tại sao thầy đồng ý tuyên truyền vấn đề “hóc búa” này? Thầy có nhận được ý kiến trái chiều trong phật tử không ạ?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Trong suốt 5 năm làm việc tôi chưa gặp ý kiến trái chiều, chỉ có một số người chống đối mang tính phá hoại, họ dùng nick ảo trên mạng xã hội để tấn công bằng cách nói rằng việc này bị lạm dụng để mua bán. Những người đó họ đã mất đi tính nhân văn, sự đồng cảm với nỗi đau, chỉ thích gây trở ngại, tạo hoang mang. 

Trên thực tế, nếu cơ chế quản lý chưa được tốt thì tình trạng đó có thể phát sinh, nhưng tôi tin rằng ở Việt Nam, Bộ Y tế và Trung tâm điều phối là hai nơi làm việc rất tốt. Đặt ra trường hợp nếu môt tạng bị sử dụng sai mục đích thì vẫn có giá trị vì mang lại sự sống, huống hồ những nơi chúng tôi hợp tác đều rất uy tín, vì vậy chúng ta cần chọn nơi để hợp tác, không cho sự rủi ro có mặt.

Bản thân tôi không cho rằng đây là vấn đề hóc búa, mà rất nhân văn, cao quý. Nếu chúng ta chịu khó giải thích để người dân không còn ngộ nhận, hỗ trợ an ổn về tâm lý, không còn sợ hãi cũng như ảnh hưởng bởi những tiêu cực từ xung quanh thì khi đó tính phát tâm sẽ được nâng cao, đồng thời tạo cơ hội cho những người có quan điểm trái chiều hiểu được vấn đề thì họ có thể sẽ đồng hành. Đây là quá trình dài lâu chứ không phải chỉ một lúc, nếu chúng ta không tham gia thường xuyên thì nó sẽ lịm tắt, rơi vào tình trạng thờ ơ. 

Bởi vậy chúng ta hãy tiếp tục vấn đề mọi khi có thể, không nên xem đó là phong trào bột phát. Khi gặp lãnh đạo giáo hội tôi vẫn chia sẻ vấn đề này và nhận được sự đồng tình lớn. 

Mong rằng Bộ Y tế và Trung tâm điều phối sẽ làm việc chính thức với giáo hội để công việc này được lan tỏa trên cả 63 tỉnh thành, khi đó đại diện Phật giáo lãnh đạo 63 tỉnh thành sẽ nắm bắt được tinh thần này và triển khai tại các quận huyện. Chúng ta có 55.000 tăng ni, 18.000 ngôi chùa và tôi tin chắc rằng nếu những rào cản, ngộ nhận mà tôi đề cập được tháo gỡ thì số lượng người hưởng ứng sẽ đông hơn rất nhiều.

Thu Hồng – TP.HCM: Vai trò của trung tâm điều phối tạng quốc gia là gì, thưa ông? Đã có trường hợp nào Trung tâm được nhờ hỗ trợ tạng ghép từ quốc tế chưa, thưa ông?

ThS Nguyễn Hoàng Phúc: Nói một cách đơn giản nhất, TT là đơn vị điều phối các nguồn mô tạng, từ các có sở y tế, từ đơn vị tới ghép cho các bệnh nhân suy mô tạng trên cả nước. Việc điều phối đó thực hiện công khai, minh bạch và kịp thời nhất.

Ngoài ra, TT còn truyền thông, tư vấn, đào tạo, hợp tác quốc tế. Tựu trung lại là làm thế nào để tăng nguồn hiến tạng lên, giúp hệ thống y tế đủ nguồn tạng, để đủ ghép, cứu chữa cho các bệnh nhân suy mô tạng.

Trong vấn đề hợp tác quốc tế, chúng tôi phối hợp với chuyên gia quốc tế rất nhiều. Chúng tôi đến các tổ chức của Mỹ, Nhật, Pháp, để hợp tác trong vấn đề xây dựng hệ thống phần mềm điều phối, xây dựng danh sách chờ ghép quốc gia sao cho hiệu quả, khả thi nhất.

Cũng nhờ các chuyên gia quốc tế, chúng ta được cập nhật thông tin nhanh nhất, những nguyên tắc, đạo đức pháp lý của quốc tế đang được vận hành. 

Và có rất nhiều chuyên gia nước ngoài tới giúp trung tâm, các cơ sở ghép tạng cả nước để cập nhận nhiều kiến thức trong lấy, ghép, điều phối và cả truyền thông, tài chính trong lĩnh vực này.

Nói về điều phối hiến và ghép tạng quốc tế chúng ta chưa có trường hợp nào. 100% nhân lực Việt Nam triển khai. 

Ví dụ, những ca điều phối xuyên Việt. Nếu ở các nước, thường trong vòng 500km, lấy 1 tạng từ cơ sở y tế này sang cơ sở y tế khác họ có trực thăng. Nhiều hơn 500km họ có chuyến bay riêng. Và các bác sĩ rất thuận lợi.

Một cơ sở y tế có người chết não thì toàn bộ dữ liệu của người chết não sẽ cập nhật lên hệ thống điều phối quốc gia. Và cơ sở nào được thông báo có bệnh nhân nằm trong danh sách chờ ghép phù hợp sẽ được tiếp nhận thận, gan, tim phổi, thì các cơ sở đó sẽ tới bệnh viện đó để nhận tạng. Họ có cảnh sát hỗ trợ về giao thông. 

Việt Nam không có các điều kiện đặc biệt như thế. Và chúng ta phải làm các việc vô tiền khoáng hậu, chưa có trong lịch sử. Đó là chúng ta vận chuyển tạng bằng máy bay dân dụng. Những chuyến bay từ nam ra bắc đều thế, mang theo các tạng, các sự sống như vậy.

Về mặt lý thuyết thì chuyến bay nào cũng đảm bảo tính an toàn. Tuy nhiên, chúng ta phải tính toán rất chặt chẽ, từ thời gian lấy tạng, thời gian vận chuyển ra sân bay, thời gian bay, thời gian tiếp nhận và vận chuyển đến đầu cuối… Tất cả đều là bài toán khó khăn của chúng ta và có nhiều trường hợp phải lệ thuộc nhiều vào hoàn cảnh khách quan. Tôi lấy ví dụ, nếu thời tiết thay đổi, máy bay không thể hạ cánh như dự kiến, không đáp được sân bay như dự kiến, thời gian đó chúng ta không bảo quản kịp tạng.

Rất may là hiện nay chưa xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Các ca điều phối thành công tốt đẹp. Gần đây nhất có ca điều phối từ Hà Nội vào BV Nhi đồng II ưu tiên 1 tạng cho trẻ em.

Bên cạnh đó, với việc điều phối như thế này, đòi hỏi cán bộ y tế phải năng động hơn, sáng tạo hơn trong việc có thùng vận chuyển tạng hiệu quả, làm thế nào vận chuyển sao cho nhanh, kịp thời; làm thế nào bảo quản hiệu quả, ghép sao cho hiệu quả, thành công…

Như vậy, để 1 ca ghép tạng thành công, không chỉ là từ 1 ekip từ lấy tạng, mà còn ekip vận chuyển, ekip bảo quản, ekip ghép cũng phải vận động nhịp nhàng, đồng bộ. Do đó, có nhiều ca ghép đa tạng phải có sự tập hợp của hàng trăm cán bộ y tế của các cơ sở y tế cùng một lúc. Như vậy, một sự sống hồi sinh không đơn giản tí nào, không đong đếm bằng một giá trị vật chất.

Tôi xin chia sẻ nữa, tại sao chúng tôi nỗ lực tận cùng với những ca điều phối như thế này: Bởi vì để có 1 người chết não hiến tạng là vô cùng khó khăn. Vượt qua mọi nỗi đau, mất mát, trở ngại đó, còn 1 vấn đề nữa, khi người thân đã hiểu ra rồi thì họ còn kỳ vọng người thân của họ cứu được càng nhiều người càng tốt.

Điều gì sẽ xảy ra nếu vì một lý do nào đó, chúng ta không thể lấy được nhiều tạng hơn để ghép? Khi người ta mong muốn, kỳ vọng như thế, người thân họ hiện hữu được nhiều hơn trong cuộc đời này, họ mong muốn được nghe nhịp đập trái tim, mắt nhìn thấy nụ cười của người thân đâu đó, mà không còn cơ hội, thì nỗi đau có lẽ còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, những cán bộ y tế chúng tôi phải làm bằng hết sức tâm huyết. 

Đến giờ phút này, chúng tôi có một người bạn đồng hành đặc biệt nữa là Vietnam Airlines. Khi biết những câu chuyện đó, họ đã đồng hành trong phối hợp vận chuyển tạng. Trong mọi trường hợp khó khăn đến mấy, họ nỗ lực hết sức, để chúng tôi có thể có vị trí đặt thùng tạng trên máy bay, vé máy bay, kịp thời về thời gian.

Khi Vietnam Airlines đồng hành với chúng tôi cho thấy rằng, không phải đơn thuần là một mệnh lệnh hành chính đâu, mà là tất cả tình yêu, cảm xúc, vinh hạnh, tự hào của mỗi nhân viên Vietnam Airlines khi họ được tham gia hỗ trợ cho vấn đề vận chuyển, đem đến sự sống cho những người chờ được ghép. Đó là những điều chúng tôi vô cùng trân trọng tình cảm đó. 

Nếu không có tất cả sự hỗ trợ của toàn ngành y tế, truyền thông, Vietnam Airlines, sự giúp đỡ của các vị chức sắc tôn giáo trong truyền tải các thông điệp về tâm linh, về quan điểm chính thống của tôn giáo, chắc chắn nhiều người còn không có cơ hội được lĩnh hội, vẫn còn sống trong nỗi sợ hãi. 

Hải Yến – TP.HCM: Có mấy cách để người dân có thể đăng ký tham gia hiến tạng? Hiện tôi đang ở TP.HCM, tôi đến đâu để được hiến tạng?

ThS Nguyễn Hoàng Phúc: Bạn có thể đăng ký trực tiếp với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) hoặc đăng ký online.

Đăng ký trực tiếp tại Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế), địa chỉ: 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phòng 230 - Tầng 2, nhà C2, Bệnh viện Việt Đức. Điện thoại: 091.5060550 hoặc 024.39386693.

Tại TP.HCM, bạn có thể đến Bệnh viện Chợ Rẫy, địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, TP Hồ Chí Minh. Điện thoại: 028.39560139/028.38554137-184; 0913677016. (Khi đến đăng ký trực tiếp cần mang theo chứng minh nhân dân và 1 ảnh thẻ 3x4cm).

Đăng ký online: Tải mẫu đơn tại Cổng thông tin điện tử của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia theo tên miền vnhot.vn hoặc vnhot.com.vn. (Mẫu số 1).

Sau khi in đơn ra, các bạn điền thông tin đầy đủ vào mẫu đơn rồi gửi kèm 1 bản photo chứng minh nhân dân kèm 1 ảnh thẻ 3 x4 gửi về Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia. Địa chỉ: Phòng 230 – Nhà C2 – Bệnh viện Việt Đức – số 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội.

Sau khi tiếp nhận đơn, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia sẽ tiến hành làm thẻ và gửi về địa chỉ của người đăng ký.

Định Văn Hiếu, 32 tuổi, Đức Hòa, Long An: Kính thưa Thượng tọa, là người có nhiều buổi thuyết pháp trước các Phật tử, thầy có góp ý gì cho Trung tâm điều phối và hiến tạng quốc gia, để thu hút được người dân tham gia hiến tạng nhiều hơn nữa?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Theo tôi việc này cần tháo gỡ dưới nhiều góc độ. Về pháp lý cần cập nhật theo xu thế toàn cầu, đó là những người không muốn hiến sẽ làm giấy tờ xác định không hiến, còn nếu không làm thì mặc định đã đồng ý hiến. Ngoài ra cần bỏ những rào cản về tuổi tác… nếu được Quốc hội thảo luận thì sẽ có nhiều cánh cửa để thực thi. 

Tôi cũng mong vấn đề nguồn tạng từ những người tử tù sẽ được xem xét, khi họ muốn chuyển nghiệp từ các hành động xấu trước đó để cuộc đời nhìn nhận lại. Chúng ta đã thay đổi từ việc chôn tại trường bắn đến chỗ cho người thân mang thi thể về nhà tổ chức an táng, giờ đây cần bước một bước tiến bộ hơn nữa là cho hiến mô tạng. Còn việc quản lý như thế nào để không bị lạm dụng thì chúng ta sẽ có cách, chúng ta tìm giải pháp thì sẽ có giải pháp thích hợp, nếu pháp luật được khai thông tin việc hiến sẽ được mở rộng hơn.

Chúng ta cũng cần có nhiều hình thức truyền thông khác nhau, đó là trên báo giấy, báo mạng, truyền hình, radio, mạng xã hội, đặt các cuốn sách ở ngay bệnh viện, phòng khám…để mọi người có thể tiếp cận và tháo gỡ suy nghĩ. Chúng ta cần tạo điều kiện cho mọi thành phần xã hội tiếp xúc với những thông tin này, tôi tin lúc đó hiệu quả truyền thông mới thực sự cao hơn, số người hiến mô tạng sẽ nhiều hơn.

ThS Nguyễn Hoàng Phúc: Những gì thầy Thích Nhật Từ nói đều đúng và trúng. Về việc hoàn thiện thể chế và pháp luật: Đây là một nhiệm vụ then chốt. Chúng ta phải điều chỉnh pháp luật và chính sách để mở rộng cơ hội hiến tạng nhiều hơn, mở rộng nguồn hiến tạng nhiều nhất.

Phát triển pháp luật theo hướng như các nước phát triển trên thế giới. Gần nhất là Singapore. Nếu ai từ chối hiến tạng thì đăng ký. Còn nếu không, cứ đủ tuổi mặc định sẽ là người hiến tạng tiềm năng. Như vậy chúng ta sẽ đỡ nhiều thủ tục. 

Khách mời chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức tọa đàm.

Tuy nhiên điều này không dễ, vì liên quan đến văn hoá Á đông của chúng ta. Nhưng đó là mục tiêu lâu dài, 10-15 năm tới chẳng hạn.

Còn trước mắt, thì mở rộng hình thức đăng ký khác. Ví dụ đăng ký qua thi bằng lái xe. Hầu hết ai cũng có bằng lái xe, có nên có mục đăng ký là đồng ý hiến tạng hay không?

Nhưng để làm được điều này phải thay đổi cả luật hiến ghép tạng mà cả hệ thống pháp luật liên quan đến cấp bằng lái xe, luật trong giao thông.

Hoặc trong khi cấp thẻ BHYT nên có đề cập đến việc hiến tạng. Các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước hoặc lực lượng vũ trang đều phải mua BHYT cho người lao động… Vậy nên có mục để tích về việc có hiến tạng hay không?

Hoặc khi cấp chứng minh thư định dạng như bây giờ, có nên có hay không?

Thứ 3 này Bộ Y tế sẽ có hội nghị khoa học liên quan đến đề xuất sửa đổi luật hiến ghép mô tạng và sẽ chính thức trình quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

Kinh nghiệm các nước phát triển, để giải quyết được nguồn tạng, giải quyết được hệ luỵ phía sau như buôn bán mô tạng… thì Nhà nước phải đầu tư một cách tuyệt đối, BHYT phải vào cuộc 100%. Toàn bộ kinh phí hoạt động phải do ngân sách nhà nước đầu tư, không có cách nào khác vì đây là vấn đề xã hội!

Đất nước chúng ta trải dài, để có thể phát triển việc tuyên truyền hiến mô tạng cũng cần có hệ thống trung tâm điều phối ở ba miền.

Điều cuối cùng, tôi mong cần có sự vào cuộc của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đặc biệt là các cấp tôn giáo… thì thông điệp đó lan toả mạnh mẽ hơn. 

PV

Vợ chồng bác sĩ kể lại giây phút cấp cứu hàng chục người gặp tai nạn giao thông

"Em là bác sĩ, em sẽ hướng dẫn mọi người sơ cứu đúng cách", bác sĩ Giáp không kịp cởi mũ bảo hiểm, vừa hô to, vừa xắn tay áo lao vào cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Kon Tum.

Loại quả giúp chống lão hoá đang được bán khắp nơi ở Việt Nam

Dâu tây là trái cây được nhiều người yêu thích, tốt cho sức khỏe, hỗ trợ quá trình chống lão hóa. Dâu tây khó bảo quản, ở nhiệt độ thường chỉ 24 giờ sẽ bị thâm, héo cuống. Nếu mua phải loại quả để bên ngoài 4-5 ngày vẫn tươi ngon bạn nên thận trọng.

Bác sĩ bức xúc với 'đơn thuốc quốc dân chữa bách bệnh' được lan truyền khắp nơi

Khó chịu vì bị tiểu buốt, chị M. vào nhà thuốc kể bệnh và được bán cho đơn thuốc "thần kỳ" chỉ 2 ngày sau hết triệu chứng nhưng tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm.

Xử phạt bác sĩ không ghi đơn thuốc rõ ràng: Có quy định sao khó áp dụng?

Theo Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, một trong các hành vi liên quan đến kê đơn thuốc sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng là “không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc".

Đề nghị xử lý bác sĩ viết đơn thuốc chữ như 'giun dế quái đản'

"Thời buổi hiện đại mà bác sĩ vẫn kê đơn thuốc viết tay với chữ như "giun dế" đến quái đản, không ai dịch được thì không thể chấp nhận nổi", độc giả Minh Phạm gửi ý kiến về diễn đàn của VietNamNet.

'Chữ bác sĩ trên đơn thuốc đến dược sĩ cũng phải đoán mò thì nguy hiểm quá'

Chữ viết, đặc biệt là của các bác sĩ khi kê đơn thuốc, cần phải đủ cẩn thận, rõ ràng, để đa số người dân, dược sĩ có thể đọc được mà không phải "dịch ngược dịch xuôi, đoán già đoán non".

Những đơn thuốc như 'vẽ giun ra giấy' không ai dịch nổi vì chữ bác sĩ quá xấu

Xung quanh câu chuyện bác sĩ viết chữ trong đơn thuốc nhưng không ai luận dịch nổi, kể cả dược sĩ, bạn đọc VietNamNet cho rằng chuyện này không hiếm, dù hiện nay đơn thuốc in máy đã phổ biến.

Hành trình đi nhờ người dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc

Để mua được 4 loại thuốc trong đơn bác sĩ viết tay, một gia đình ở Nghệ An đã phải đi qua nhiều quầy thuốc ngoài viện, nhờ 4 người dịch chữ bác sĩ và chỉ kết thúc khi đến mua ở nhà thuốc bệnh viện.

AI cứu mạng người

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cứu mạng nhiều người bằng cách chẩn đoán sớm đột quỵ hay phát hiện các cơn đau tim và ung thư nhanh chóng.

Tại sao xe nồng nặc mùi rượu nhưng tài xế có nồng độ cồn bằng 0?

Nữ tài xế ở Hà Nội thừa nhận uống rượu bia nhưng nồng độ cồn bằng 0 nên không bị phạt.

Đang cập nhật dữ liệu !