Tọa đàm trực tuyến: Nâng cao sức khỏe, dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm

Thống kê của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong. Làm thế nào để nâng cao sức khỏe, dự phòng và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng?

Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính và bên cạnh đó là các rối loạn tâm thần. 

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có hơn bảy người chết do các bệnh không lây nhiễm. Số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng gánh nặng bệnh tật.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm, việc phát triển năng lực dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài các bệnh không lây nhiễm ngay tại tuyến y tế cơ sở là một trong những giải pháp trọng tâm.
Đó cũng là mục đích của cuộc tọa đàm với chủ đề “Hướng dẫn người dân nâng cao sức khỏe, dự phòng và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng” do Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM. 

Khách mời tham dự buổi tọa đàm gồm có TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM; PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch.

Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm.

Dưới đây là nội dung buổi tọa đàm:

Nam Trân – Tân Biên – Tây Ninh: Bệnh không lây nhiễm là những bệnh gì, nguyên nhân gây ra bệnh không lây nhiễm và cách phòng tránh, thưa BS Hiệp?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Bệnh không lây nhiễm không do tác nhân truyền nhiễm giữa các người bệnh với nhau. Các bệnh phổ biến bao gồm cao huyết áp, ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, rối loạn sức khỏe tâm thần…

Nguyên nhân gây ra các bệnh này bao gồm: Lối sống (Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ít vận động, chế độ dinh dưỡng không phù hợp…); Di truyền; Do môi trường sống…

Cách phòng tránh: Lối sống lành mạnh, tích cực; Dinh dưỡng hợp lý; Vận động thể lực, tránh thừa cân béo phì, stress. Bạn nên tầm soát sớm và điều chỉnh lối sống để tránh mắc các bệnh không lây nhiễm nêu trên.

Gia Bảo – quận 4, TP.HCM: Gánh nặng từ bệnh không lây nhiễm hiện nay ở Việt Nam như thế nào, thưa TS Trương Đình Bắc? 

TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

TS Trương Đình Bắc: Tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm hiện nay ở Việt Nam là rất nhanh. Mỗi năm có khoảng trên 500.000 ca tử vong bởi tất cả các nguyên nhân, thì nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77%. Trong đó, cứ 10 người tử vong thì có gần 8 người do các bệnh không lây, cụ thể là các bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch chiếm tới 31%, ung thư 18%, tiểu đường 8%...

Các bệnh không lây nhiễm nói trên có nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, cắt cụt chi, mù lòa… Gánh nặng bệnh không lây nhiễm đang hàng ngày tiêu tốn nhiều tiền của của xã hội và làm nghèo hóa các gia đình có người bệnh do chi phí điều trị cao, điều trị suốt đời, mất sức lao động do tàn tật, phải có người chăm sóc, hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày.

Các bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay phải kể đến là tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh hen phế quản và các rối loạn sức khỏe tâm thần.

Ngoài tỉ lệ mắc và tử vong, các yếu tố nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm cũng gia tăng rất nhanh. Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, tỉ lệ người hút thuốc lá ở nam giới tới 44%. 

Việt Nam là nước được đánh giá là nước tiêu thụ rượu bia đứng đầu trong khu vực. Mỗi năm tiêu thụ trên 3 tỷ lít bia, gần tương đương với tiền xuất khẩu gạo hàng năm. Có tới 71% số người được hỏi có sử dụng rượu bia trong 1 tháng qua, trong đó 45% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại (trên 6 lon bia/ngày). Có tới gần 60% người Việt Nam có chế độ ăn chưa bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và thiếu hoạt động thể lực. Chúng ta mới ăn được gần ½ lượng rau quả theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (khuyến cáo 400g rau quả/ngày). Lượng muối tiêu thụ của người Việt ở mức cao (9,4g/người/ngày), gấp đôi khuyến cáo.

Vân Anh – Quận 12 – TP.HCM: Cơ sở vật chất của y tế cơ sở đáp ứng đến đâu trong phòng chống bệnh không lây nhiễm, thưa ông Bắc? 

TS Trương Đình Bắc: Việt Nam hiện nay được thế giới đánh giá cao về hệ thống y tế cơ sở. Chúng ta có 11.000 xã phường đều có trạm y tế xã, 80% số thôn ấp có y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản. Trên 80% số trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia, 80% trạm y tế xã có bác sĩ và từ 1-2 y sĩ khám chữa bệnh đa khoa. Các trạm y tế xã đều có phòng khám bệnh, có 2-3 giường lưu. 

Về trang thiết bị, trạm y tế bảo đảm trang bị tối thiểu để khám chữa bệnh thông thường. Nhiều xã phường ngoài máy đo huyết áp đã có máy thử đường huyết mao mạch, có nơi có máy siêu âm, điện tim. 

Về thuốc điều trị: cơ bản đảm bảo theo nhu cầu khám chữa bệnh của dân. Đặc biệt, năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 39 về gói dịch vụ y tế cơ bản, trong đó có quy định trạm y tế xã được sử dụng 8 loại thuốc điều trị huyết áp, 3 loại thuốc điều trị tiểu đường, một số thuốc điều trị bệnh COPD, hen phế quản, tâm thần phân liệt và động kinh…

Với những điều kiện như vậy, các trạm y tế xã nếu triển khai tốt gói dịch vụ cơ bản đều có thể đáp ứng được việc quản lý điều trị các bệnh không lây.

Bùi Phước Hòa – Hóc Môn – TP.HCM: Mức độ gia tăng của bệnh không lây nhiễm ngày càng cao, vậy ngành y tế đã có những giải pháp nào về chính sách để phòng chống bệnh không lây nhiễm? 

TS Trương Đình Bắc: Bộ Y tế đang rất tập trung trong việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách để phòng chống các bệnh không lây nhiễm một cách hiệu quả, khống chế tốc độ gia tăng của bệnh, nâng cao sức khỏe và giảm tử vong sớm, tàn tật do các bệnh không lây. 

Một trong những chính sách quan trọng là Bộ Y tế đã ban hành và thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá từ năm 2013. Mặc dù trong một thời gian chưa dài nhưng đã giảm được trên 2% tỉ lệ người hút thuốc lá, hút thuốc lá nơi công cộng giảm trên 10%. 

Việt Nam cũng đã có Quỹ phòng chống thuốc lá, tập trung vào truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện, cũng thu được kết quả khả quan trong thời gian qua.

Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng Luật phòng chống tác hại rượu bia nhằm mục đích giảm cung, giảm cầu, giảm tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam. Trong dự thảo đã đề cập phải tạo nguồn tài chính ổn định từ thuế rượu bia, thuốc lá để hỗ trợ nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm.

Về bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý trong khẩu phần ân hàng ngày của người dân, Bộ Y tế cũng đã có khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam sửa đổi năm 2016, trong đó đã xây dựng những hướng dẫn khẩu phần ăn đảm bảo đủ năng lượng, cân bằng dinh dưỡng theo các nhóm tuổi, giới và tình trạng sinh lý. 

Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cũng đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các tài liệu chi tiết để truyền tải kiến thức này đến người dân, tập trung nhiều vào giáo dục dinh dưỡng, tổ chức bữa ăn cho học sinh đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong các trường học, hướng dẫn dinh dưỡng bệnh lý cho các người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng. 

Với mức độ gia tăng nhanh của tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, cần triển khai đẩy mạnh truyền thông giảm sử dụng muối ăn trong các bữa ăn hàng ngày.
Chúng ta đã có Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhiều các quy định về tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh các sản phẩm thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Hiện nay xu thế của xã hội đang chú trọng phát triển thực phẩm sạch, tuy nhiên các sản phẩm sản xuất công nghiệp của Việt Nam chưa có đầy đủ nhãn thực phẩm có thông tin về dinh dưỡng như các quốc gia tiên tiến. 

Cục Y tế dự phòng đang có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu, đề xuất quy định về dán nhãn thực phẩm, trong đó những thông tin người dân cần phải được biết là: Tổng năng lượng, hàm lượng protit, lipid, gluxit, lượng đường, muối… giúp người dân lựa chọn sử dụng những thực phẩm đảm bảo cho sức khỏe.

Tỉ lệ người dân Việt Nam thiếu hoạt động thể lực còn cao, nhưng chúng ta thiếu rất nhiều đường dành riêng cho xe đạp, quy hoạch khu dân cư thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng, thiếu các dụng cụ thể dục thể thao nơi công cộng và gần như bị lệ thuộc quá nhiều vào phương tiện, ít vận động. 

Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GDĐT xây dựng chương trình giáo dục dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực cho học sinh trong các nhà trường. Một số mô hình triển khai thí điểm đã có thành công bước đầu, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình mẫu trên phạm vi toàn quốc. 

Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình truyền thông để hướng dẫn người dân tăng cường vận động thể lực, bảo đảm tối thiểu mỗi người có được 30 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình mỗi ngày, 5 ngày/tuần. Tư vấn về chế độ vận động của người bệnh không lây nhiễm phù hợp với tình trạng sức khỏe, giúp tăng cường hiệu quả điều trị.

Nguyễn Phương – Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk: Thưa bác sĩ Hiệp, tỉ lệ người đến khám bệnh không truyền nhiễm tại phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch có cao không? Phòng khám có tài liệu nào tuyên truyền cho bệnh này đối với các bệnh nhân đến khám hay không? 

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Số lượng bệnh nhân mắc bệnh không truyền nhiễm đến khám tại phòng khám đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm ngọc Thạch ngày càng gia tăng. Hiện tại phòng khám đang quản lý hơn 2500 hồ sơ sức khỏe, trong đó hơn 60% là các bệnh không truyền nhiễm. 

Phòng khám thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông sức khỏe cho người dân vào sáng thứ 7 tuần đầu tiên của mỗi tháng liên quan đến các chủ đề bảo vệ, nâng cao sức khỏe và quản lý các bệnh không truyền nhiễm.

Quỳnh Anh – Biên Hòa – Đồng Nai: Những nguy cơ nào khiến bệnh không truyền nhiễm gia tăng, thưa bác sĩ Hiệp? 

Nguy cơ bao gồm: Thay đổi lối sống hoặc môi trường sống, nhất là các vùng thành thị; áp lực công việc gia tăng, stress, ít thời gian vận động; thừa cân; lạm dụng các chất kích thích và bia rượu.

Các yếu tố nguy cơ không được tầm soát, điều chỉnh kịp thời.

Ngọc Thêm – Nhà Bè – TP.HCM: Xin hỏi bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, một trong những nguyên nhân gây ra bệnh không lây nhiễm là do tập tục ăn uống của người dân. Ăn mặn, uống ít nước, ăn quá nhiều thực phẩm chiên rán… Liệu chúng ta có thể truyền thông như thế nào để người dân hiểu được và thay đổi cách ăn uống của chính mình và gia đình? 

BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM

BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp: Yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm bao gồm chế độ dinh dưỡng không hớp lý, ít hoạt động thể lực, lạm dụng rượu, bia, hút thuốc lá, căng thẳng trong lối sống.  

Người Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở đô thị lớn có chế độ dinh dưỡng không hợp lý như  ăn mặn, ăn nhiều chất béo trong đó có chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa (trans-fat)…, tiêu thụ ít rau, trái cây, chất xơ so với nhu cầu khuyến nghị. Nếu thay đổi được các thói quen dinh dưỡng không hợp lý như đã nêu chắc chắn sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

Truyền thông, giáo dục kiến thức về dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng và là giải pháp ưu tiên hàng đầu trong dự phòng và điều trị các bệnh không lây nhiễm. 

Để có thể truyền thông hiệu quả cho người dân cần tập trung vào các giải pháp chính như: 

- Đưa giáo dục kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, lựa chọn các thực phẩm lành mạnh như thực phẩm ít muối, ít chất béo bão hòa, ít chất béo chuyển hóa, ít đường… vào trường học để giúp trẻ em có kiến thức và hình thành thói quen đúng về dinh dưỡng hợp lý.

- Xây dựng các chương trình truyền thông hướng về thực hành, dễ hiểu, dễ thực hiện về dinh dưỡng hợp lý trên các phương tiện truyền thông đại chúng…

- Cung cấp các thông tin về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm,  lượng muối , lượng đường, lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol… trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân dễ dàng nhận diện ra các thực phẩm không có lợi.

- Tổ chức các chương trình hướng dẫn, thực hành về các chế độ ăn, phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, béo phì, rối loạn mỡ máu…

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các chương trình truyền thông cho người dân.

Bích Kiều – Quận Ninh Kiều - Cần Thơ: Người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho gia đình, con cái. Thưa bà Diệp, bên phía Trung tâm của mình đã có những chương trình gì cho việc thay đổi nhận thức của phụ nữ, hỗ trợ cho việc xây dựng một chế độ ăn dinh dưỡng cho gia đình?

BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp: Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đã và đang tổ chức các hình thức truyền thông giúp thay đổi nhận thức của phụ nữ hỗ trợ xây dựng chế độ dinh dưỡng cho gia đình thông qua các câu lạc bộ dinh dưỡng và sức khỏe; câu lạc bộ đái tháo đường; các lớp hướng dẫn xây dựng và chế biến chế độ ăn cho các bệnh lý không lây nhiễm, phòng ngừa béo phì, loãng xương, nâng cao tầm vóc cho trẻ em; xây dựng các tài liệu truyền thông về dinh dưỡng, thực phẩm, vận động cho các đối tượng khác nhau; tổ chức các sự kiện truyền thông nhân các ngày Sức khỏe thế giới, Vi chất dinh dưỡng, ngày Đái tháo đường thế giới, tuần lễ dinh dưỡng và phát triển… 

Trung tâm dinh dưỡng cũng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều địa phương để hỗ trợ phụ nữ và người bệnh có cơ hội học tập, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho người thân và gia đình.

Đăng Bằng – TP.Vinh – Nghệ An: Vai trò của nguồn tài chính bền vững đối với phòng chống bệnh không lây nhiễm và các giải pháp? 

TS Trương Đình Bắc: Bộ Y tế đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng các cơ chế tài chính cho y tế cơ sở. Tỉ lệ người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế hiện nay đạt trên 83%, về cơ bản, chi phí cho khám, điều trị hàng tháng cho người bệnh không lây nhiễm do bảo hiểm y tế chi trả. 

Tuy nhiên, tỉ lệ người có yếu tố nguy cơ, người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện còn rất nhiều. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người mắc huyết áp nhưng mới phát hiện được trên 40%; có tới 3,5 triệu người mắc tiểu đường nhưng mới phát hiện được 30%. Nhiều người mắc bệnh ung thư, rối loạn sức khỏe tâm thần chưa được phát hiện. 

Kinh phí từ nguồn bảo hiểm chưa chi trả được cho sàng lọc phát hiện sớm. Kinh phí hoạt động chuyên môn của các trạm y tế xã phường rất ít, có nơi kinh phí được cấp chỉ đủ chi thường xuyên. 

Như vậy có thể thấy, hiện đang thiếu kinh phí cho dự phòng nâng cao sức khỏe và phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, nguồn tài chính bền vững trong dự phòng phát hiện sớm các bệnh không lây là rất quan trọng. Việt Nam hiện mới chỉ có Quỹ phòng chống thuốc lá, mặc dù hoạt động tương đối hiệu quả nhưng chỉ mới tập trung vào truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá, hỗ trợ cai nghiện, chưa có những mục chi cho nâng cao sức khỏe và sàng lọc các bệnh do thuốc lá gây ra.

Chúng tôi rất mong muốn được Quốc hội ủng hộ có nguồn tài chính bền vững của Nhà nước hàng năm để chi cho các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm, quản lý hỗ trợ người bệnh tại cộng đồng.

Lê Thu Hương – Hà Tĩnh: Giải pháp nào để phát huy vai trò của y tế cơ sở trong phòng chống bệnh không lây nhiễm? 

TS Trương Đình Bắc: Y tế cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Triển khai tốt việc dự phòng, nâng cao sức khỏe, phát hiện sớm và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế xã phường sẽ giảm được nhiều chi phí, đỡ vất vả cho người dân, góp phần giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên. 

Vì thế, Bộ Y tế đang nỗ lực triển khai năng lực cho trạm y tế cơ sở để triển khai phòng chống các bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình, trong đó tập trung vào: Tập huấn nâng cao năng lực cho các bác sĩ, y sĩ và các cán bộ của trạm y tế xã phường về dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình; Triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản để bảo đảm các dịch vụ cần thiết trong phát hiện và quản lý điều trị, bao gồm cả thuốc điều trị và một số xét nghiệm cơ bản được bảo hiểm chi trả; Hướng dẫn chuẩn mô hình trạm y tế xã theo phân vùng. 

Hiện nay, đang tập trung xây dựng các gói dịch vụ về dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý người bệnh, là cơ sở để Nhà nước giao kinh phí và đặt hàng cho các trạm y tế xã. Nhiều sở y tế quan tâm, chỉ đạo hướng dẫn sử dụng nguồn thu từ nguồn khám bệnh BHYT để hỗ trợ tăng thêm thu nhập cho cán bộ y tế làm việc tại trạm.

Về chuyên môn, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh, Sở y tế các tỉnh, thành phố và Tổ chức Y tế thế giới đào tạo các giảng viên tuyến tỉnh, tuyến huyện để tham gia tập huấn, giám sát hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã theo hình thức cầm tay chỉ việc cho trạm y tế xã; các trung tâm y tế huyện cử bác sĩ về xã phường để hỗ trợ chuyên môn theo hình thức luân phiên giúp người dân tin tưởng hơn vào năng lực trạm y tế xã. 

Mai Anh – Bình Chánh – TP.HCM: Bệnh không lây nhiễm được bảo hiểm như thế nào so với bệnh lây nhiễm? 

TS Trương Đình Bắc: Về chi trả BHYT đối với bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm không có khác biệt. Những người có BHYT khi mắc bệnh, đến khám đều được chi trả theo đúng quy định của Bộ Y tế và BHXH. 

Về phòng bệnh, một số bệnh truyền nhiễm của trẻ em trong Chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả. 

Tuy nhiên, đối với các bệnh không lây nhiễm, một số bệnh không có vắc xin phòng bệnh thì không được nhà nước cũng như bảo hiểm chi trả như vắc xin ung thư cổ tử cung… Việc sàng lọc, phát hiện các bệnh không lây nhiễm hiện chưa được bảo hiểm chi trả.

Ngô Thị Hiền – Gò Vấp – TP.HCM: Tôi thấy bệnh không lây như cao huyết áp, đái tháo đường là những bệnh nếu biến chứng sẽ để lại di chứng nặng nề. Liệu chúng tôi đi khám và điều trị tại tuyến cơ sở, cụ thể là tuyến xã thì có đảm bảo không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Hiện nay tại y tế cơ sở đang triển khai quản lý các bệnh mãn tính không lây, trong đó có cao huyết áp, đái tháo đường, nên bạn có thể đến trạm y tế gần nhất để được quản lý, theo dõi và phát hiện bệnh sớm nhất. Ngoài việc các bác sĩ tuyến cơ sở được đào tạo tập huấn để quản lý tốt các bệnh không lây nhiễm thì bác sĩ tuyến y tế cơ sở còn được hỗ trợ chuyên môn bởi các bác sĩ tuyến trên và các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan. Bởi vậy, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng khi khám và điều trị tại tuyến cơ sở.

Hơn nữa, tại đây có bảo hiểm y tế, các trang thiết bị và thuốc cơ bản, đáp ứng phần nào nhu cầu điều trị của những bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm.

Lê Văn Dương, quận 3, TP.HCM: Thưa bác sĩ, tôi năm nay 55 tuổi, hút thuốc lá đã nhiều năm nhưng hiện giờ hạn chế dần và sắp tới sẽ bỏ. Tuy nhiên nhiều người nói rằng nếu đã hút quá lâu thì bỏ hay không không còn nhiều ý nghĩa. Tôi khá băn khoăn với những ý kiến này vì công việc hiện tại của tôi rất căng thẳng và cần hút thuốc. Xin bác sĩ cho tôi lời khẳng định. Chân thành cảm ơn bác sĩ. 

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Bác có ý định hạn chế và tiến tới bỏ hẳn thuốc lá là rất tốt. Việc ngưng hút thuốc lá càng sớm càng tốt, ngay từ bây giờ! Tuy nhiên việc bỏ hẳn thuốc lá là không đơn giản, nhất là với những người đã hút lâu năm. Họ cần phải có nghị lực cao, có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Trường hợp cần thiết bác nên đến gặp bác sĩ để có sự hỗ trợ, tư vấn và điều trị bỏ hẳn thuốc lá. Việc ngưng hút thuốc lá không chỉ bảo vệ cho bác mà còn bảo vệ cả người thân, gia đình, cũng như bạn bè.

Áp lực công việc căng thẳng là không tránh khỏi. Bác nên tìm biện pháp dung hòa, hợp lý hơn để giảm stress như tập thể dục, nghe nhạc, tăng cường giao tiếp với người thân, bạn bè… để giảm căng thẳng.

Mai Loan – Long An: Tuyến trên và tuyến dưới khác gì nhau, thưa TS Bắc? Quyền lợi của người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường khi tới khám tại trạm y tế? 

TS Trương Đình Bắc: Theo tôi, khi bị tăng huyết áp, nơi đầu tiên mà người bệnh nên đến để được thăm khám, chẩn đoán, tư vấn là trạm y tế xã. Ở nhiều nước tiên tiến, vai trò của bác sĩ gia đình như một người gác cổng để chuyển bệnh nhân đến những nơi cần thiết theo tình trạng bệnh. 

Còn ở nước ta, nhiều người dân đi thẳng lên bệnh viện tuyến trên. Tại tuyến y tế cơ sở hiện nay đã có đủ các điều kiện về thuốc, thiết bị tốt thiểu, bác sĩ để giúp bệnh nhân trong chẩn đoán điều trị, không tốn kém chi phí đi lại, không phải đồng chi trả bảo hiểm. 

Nhưng ở tuyến trên, vừa mất công đi lại, phải chờ đợi do quá tải và phải đồng chi trả với BHYT, trong khi 80% những người mắc bệnh có thể điều trị ngay tại trạm y tế xã.

Bệnh không lây nhiễm là bệnh phải điều trị liên tục, hàng tháng phải lên khám, lấy thuốc nên việc đi lại lên tuyến trên là rất tốn kém. Nhiều trường hợp đã tự bỏ điều trị dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Lan Hương – Vĩnh Long: Hiện nay có chủ trương tăng cường y tế cơ sở với mô hình bác sĩ gia đình thì chúng tôi có nên tin tưởng, các bác sĩ ở xã phường có đảm bảo trình độ khám cho bệnh nhân không, thưa TS Bắc

TS Trương Đình Bắc: Người mắc bệnh không lây nhiễm cần phải có hồ sơ sức khỏe để theo dõi diễn biến tình trạng bệnh tật trong suốt cuộc đời của họ, hàng tháng phải được tái khám và phải duy trì sử dụng thuốc cũng như thực hiện hành vi lối sống có lợi cho sức khỏe hàng ngày. 

Chủ trương của Bộ Y tế là triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tức là mỗi người dân đều có hồ sơ sức khỏe cá nhân, được cập nhật thông tin đầy đủ. Cán bộ y tế của trạm nắm rõ tình trạng bệnh tật cũng như tiền sử bệnh tật của mỗi gia đình, từ đó có những dự phòng, sàng lọc phát hiện chẩn đoán bệnh sớm và quản lý bệnh hiệu quả. 

Do đó, trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là nơi chúng ta tin tưởng và là nơi cung cấp đầy đủ các hướng dẫn, theo dõi, tư vấn, chẩn đoán bệnh ngay từ sớm.

Lê Hương – Thái Nguyên: Vai trò của dinh dưỡng và hoạt động thể lực trong phòng chống bệnh không lây nhiễm?

BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Dinh dưỡng và hoạt động thể lực có vai trò hàng đầu trong phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm vì đóng góp 60-80% yếu tố nguy cơ. Nếu áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý đồng bộ với hoạt động thể lực tối thiểu 150 phút/tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm, giảm nguy cơ biến chứng, nâng cao chất lượng sống cho người không may mắc bệnh.

Lan Anh – Bình Thạnh – TP.HCM: Con trai tôi 10 tuổi, cao 1m30 nặng 54kg vậy có béo phì không? Được biết béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường? Nhưng trẻ nhỏ có mắc những bệnh này không? 

BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Cháu trai 10 tuổi đã nặng 54kg là đã béo phì. Béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu của tăng huyếp áp, đái tháo đường. Trẻ em cũng mắc các bệnh lý này và trẻ em Việt Nam hiện này đã có nhiều cháu mắc tháo đường dù mới 9, 10 tuổi. 

Chị nên cho cháu đi khám để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn điều trị về dinh dưỡng, vận động, lối sống giúp cháu tiếp tục tăng chiều cao, giảm lượng mỡ dư thừa và không bị mắc bệnh béo phì.

Lê Hồng – Hải Dương: Tôi là bệnh nhân bị cao huyết áp lâu năm. Thường xuyên đi khám ở bệnh viện lớn. Nếu tôi chuyển về khám ở tuyến cơ sở thì tôi được hưởng những lợi ích gì? 

TS Trương Đình Bắc: Nhiều bệnh nhân bị cao huyết áp lâu năm đã có những biến chứng thường hay lên các cơ sở y tế tuyến trên (Tỉnh, trung ương) để thăm khám và duy trì điều trị. 

Ở đây, ngoài thuốc điều trị, bệnh nhân thường được kiểm tra theo dõi các biến chứng thông qua các xét nghiệm, tuy nhiên không nhất thiết cũng phải làm tất cả các xét nghiệm này hàng tháng mà quan trọng là tuân thủ chế độ dùng thuốc và chế độ sinh hoạt, ăn uống tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Với tình trạng bệnh ổn định, hàng tháng chỉ cần đến trạm y tế xã kiểm tra huyết áp và nhận thuốc, chỉ cần lên tuyến trên để làm xét nghiệm khi cần thiết (thường 3-6 tháng/lần theo chỉ định)

Văn Hữu – Hải Phòng: Chúng tôi là người dân sống ở TP lớn, môi trường sống dễ bị bênh. Nếu nhà nước có một nguồn tài chính bền vững cho phòng chống bệnh không lây nhiễm thì người dân như tôi được hưởng lợi gì? 

TS Trương Đình Bắc: Những người dân sống ở các TP lớn cũng có những thiệt thòi do tập trung đông người, ô  nhiễm môi trường do khí thải, nước thải, nhịp sống căng thẳng gây nhiều stress, thiếu không gian xanh, không gian vận động. Đây cũng là những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh tật, trong đó có bệnh không lây nhiễm. 

Nếu chúng ta có nguồn tài chính bền vững để chi cho các hoạt động dự phòng nâng cao sức khỏe, phát hiện sớm bệnh tật thì mọi người dân đều được hưởng lợi, đặc biệt là môi trường hỗ trợ để thay đổi hành vi lối sống của người dân.

Hoài Nam, Thủ Dầu Một – Bình Dương: Thưa bà Diệp, chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của Việt Nam có nội dung gì? Ưu tiên cho bệnh không lây nhiễm như thế nào? 

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng có mục tiêu: bữa ăn  của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh; suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt thể thấp còi được giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

- Các hoạt động chính của chiến lược bao gồm: Tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân.

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em.

Cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng trong đó ưu tiên các vi chất dinh dưỡng là vitamin A, I ốt, sắt, kẽm, vitamin D

Kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý.

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế.

- Do thực trạng các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng và trẻ hóa nên kế hoạch của chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trong thời điểm này đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm thông qua can thiệp dinh dưỡng. 

Các hoạt động đã và đang thực hiện như xây dựng khuyến nghị về dinh dưỡng cho các đối tượng, xây dựng các thực đơn cho các bệnh lý không lây nhiễm, tập trung truyền thông về các yếu tố nguy cơ và cách thức dự phòng bằng dinh dưỡng  vận động, nghiên cứu thói quen tiêu thụ các thực phẩm không có lợi và đưa ra các khuyến nghị phù hợp; đề xuất xây dựng các chính sách như quy định về nhãn dinh dưỡng của thực phẩm, trong đó ưu tiên thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghiệp

Văn Thạnh – Đăk Nông: Tôi phải làm gì để nâng cao sức khỏe cho gia đình, người thân, phòng chống những bệnh “thời đại”? 

TS Trương Đình Bắc: Để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, nhất là các bệnh không lây nhiễm cho cá nhân, gia đình, chúng ta cần loại bỏ những yếu tố nguy cơ sức khỏe như hút bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia (Không uống quá 2 đơn vị rượu/ngày đối với nam giới và 1 đơn vị rượu/ngày đối với nữ), tăng cường vận động thể lực đủ tối thiểu 30 phút/ngày, ăn đủ rau và trái cây 400g/ngày, thực hiện chế độ ăn giảm muối, kiểm soát lượng muối ăn vào dưới 5g/người/ngày, hạn chế sử dụng nước ngọt, đồ ăn chế biến sẵn…

Thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành y tế, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu chưa mắc bệnh huyết áp thì mỗi năm cần kiểm tra 1-2 lần; nếu đã bị huyết áp phải đo thường xuyên. Mỗi năm nên kiểm tra đường huyết bằng test mao mạch tối thiểu 1 lần, người mắc bệnh phải tuân thủ uống thuốc và kiểm tra đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ.

Lê Văn Vinh, Dĩ An, Bình Dương: Thưa bác sĩ, vận động quá sức ở cường độ cao trong thời gian dài có thể gây ra các bệnh về tim mạch hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Có thể! Không những thế còn ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp. Đặc biệt ở những người có các dị dạng về mạch máu não.

Nếu trên một nền cơ thể bình thường thì cơ thể sẽ dần quen với cường độ và nhịp điệu tập. Còn trên nền cơ thể yếu hoặc vi tổn thương trước đó sẽ làm bệnh nặng hơn. Ví dụ, hồi bé bị rạn xương rồi, giờ vận động cao sẽ bị nặng hơn.

Do đó, bạn cần phải được tầm soát sức khỏe trước để chọn môn thể thao phù hợp. Đặc biệt, sau những đợt thi đấu có chấn thương, cần phải được đánh giá và can thiệp kịp thời để có hướng tập luyện phù hợp.

Lê Lan – Bình Phước: Hiện nay tôi thấy ở tuyến xã hầu như không có bác sĩ thì làm sao điều trị cho bệnh nhân? Thời gian tới nhà nước có phương án gì để chúng tôi yên tâm? 

TS Trương Đình Bắc: Hiện nay trên 80% trạm y tế xã phường đã có bác sĩ và có từ 1-2 y sĩ đa khoa thực hiện viện khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Những nơi có bác sĩ và đang thực hiện việc khám chữa bệnh đều có đủ khả năng để khám chữa bệnh thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Những nơi hiện chưa có bác sĩ thì chủ trương của Bộ Y tế là chỉ đạo các địa phương tăng cường bác sĩ từ trung tâm y tế huyện tới trạm y tế xã mỗi tuần 1-2 ngày để thực hiện việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Hàng năm, cán bộ y tế tại các trạm y tế xã phường đều được tập huấn, đào tạo liên tục về chuyên môn nghiệp vụ và có sự giám sát của tuyến trên. Về cơ bản, các trạm y tế đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của người dân.

PV
Từ khóa: Bệnh không lây nhiễm TS. Trương Đình Bắc y tế dự phòng

Nâng mũi giống 'thần tiên tỷ tỷ', cô gái khẩn cầu bác sĩ 'trả về nguyên bản'

Có khuôn mặt ưa nhìn gần như không điểm 'chết' nhưng cô gái Hà Thành vẫn quyết tâm đi nâng mũi giống thần tiên tỷ tỷ ở Trung Quốc - trào lưu đang rầm rộ trên mạng. 6 tháng sau, cô gái tìm gặp TS. Tống Hải khẩn cầu bác sĩ 'trả về nguyên bản'.

Nửa thế giới ăn cơm đều đặn có tốt cho sức khỏe?

Là lương thực chính của hơn 3,5 tỷ người trên thế giới, hiếm có loại thực phẩm nào được ưa chuộng rộng rãi như gạo. Người dân nhiều nước như Việt Nam còn ăn cơm hằng ngày.

Nguy kịch sau khi uống chai nước do người thân đưa

Một bé trai ở Kiên Giang bị ngộ độc cấp, suy gan thận sau khi uống một chai nước. Người thân không biết bên trong chai là keo dán thuyền và dung môi hữu cơ.

Nước dừa ngon ngọt, nhiều chất bổ nhưng tối kỵ với một số người

Bù nước hiệu quả, ổn định đường huyết nhưng nước dừa lại là thức uống không phù hợp với người có bệnh thận, hội chứng ruột kích thích.

Hơn 2000 người cao tuổi Hà Nội đồng diễn thể dục dưỡng sinh trên phố đi bộ

Không chỉ thể hiện các bài đồng diễn thể dục, múa dưỡng sinh nhẹ nhàng, các “vũ công” U60 - 80 gây ấn tượng với người xem bởi các động tác võ thuật khỏe khoắn, bài thái cực quyền điêu luyện hay những điệu khiêu vũ tập thể sôi động.

FWD triển khai chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người Việt

Từ ngày 22/9, người dân Việt Nam đã có thể nhận được sự hỗ trợ miễn phí trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần từ chương trình “FWD Vững tinh thần” của FWD Việt Nam.

Long An: Ứng dụng phần mềm sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em từ Ajinomoto

Ajinomoto Việt Nam vừa phối hợp Vụ Sức Khỏe Bà mẹ & Trẻ em (Bộ Y tế), Sở Y tế tỉnh Long An tổ chức Hội nghị triển khai phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi”.

Bộ Y tế đề xuất hộ sinh cũng được xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân

Trong dự thảo Nghị định mới về xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất bổ sung hộ sinh vào đối tượng xét tặng.

Bỏng nặng vì dùng gậy nhôm gạt đường dây điện cao thế

Trong lúc đang làm việc tại nhà, thấy đường dây điện cao thế vướng víu nên người đàn ông này dùng gậy nhôm gạt dẫn tới bị điện giật.

Căn bệnh 'tử thần thời 4.0', mỗi năm có 200.000 người Việt mắc phải

Mỗi năm, khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ tại Việt Nam, chủ yếu trên 65 tuổi. Người bệnh có thể bị yếu liệt, tê, mất cảm giác, mất thị lực, ngôn ngữ, hôn mê tùy vào phần não bị tổn thương.

Đang cập nhật dữ liệu !