Khả năng cứu hộ, cứu nạn trên biển của Việt Nam hiện nay ra sao?
Đó là câu hỏi của bạn Kiều Vân Anh (Thành phố Hồ Chí Minh)
Trả lời:
Căn cứ vào sách "100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" của Ban Tuyên giáo Trung ương, do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành, xin trả lời bạn như sau:
Hiện cả nước có khoảng 7 lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) trên biển, trong đó có các tàu kiểm ngư, tàu cá thuộc ngành thủy sản. Lực lượng Bộ đội biên phòng địa phương và lực lượng biên phòng cơ động có tàu và ca-nô, nhưng công suất máy của các phương tiện này nhỏ, chỉ 3.000 CV trở lại. Phương tiện chuyên dùng cho hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn trên biển, thềm lục địa và tham gia phối hợp TKCN trên biển khi cần thiết của Cảnh sát biển hiện có gần 20 tàu. Các phương tiện của lực lượng Hải quân đóng vai trò chính trong hoạt động TKCN trên biển thời gian qua là các tàu vận tải Hải quân 1.000 tấn trở xuống. Do có nhiều tính năng không phù hợp với hoạt động TKCN nên hiệu quả sử dụng của các tàu này thường rất thấp. Ngoài ra, còn có Đội bay của Lực lượng Không quân, các phương tiện hoạt động trên biển và phương tiện chuyên dụng của ngành hàng hải cũng tham gia hoạt động TKCN.
Thủy phi cơ của lực lượng tim kiếm cứu nạn Việt Nam (Ảnh Tiền Phong) |
Ở nước ta đã có Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu hộ, Cứu nạn và các Trung tâm vùng (ba vùng) ứng cứu sự cố tràn dầu. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có trách nhiệm phối hợp cùng với Cục Hàng hải Việt Nam và các địa phương ven biển. Nhìn chung năng lực trang thiết bị, cơ chế phối hợp còn yếu, nguồn nhân lực thiếu kỹ năng chuyên nghiệp,... nên hiệu quả chung thấp, chưa tương xứng yêu cầu nhiệm vụ. So với các nước tiên tiến trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc,... thì công tác này ở nước ta còn ở mức rất thấp, phân tán. Riêng nguồn lực tham gia hoạt động TKCN trên biển của ngành hàng hải bao gồm:
1) Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam;
2) Các Cảng vụ Hàng hải;
3) Phương tiện không chuyên dụng TKCN;
4) Hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam thuộc Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam;
5) Hệ thống giám sát thống nhất tàu thuyền và các hoạt động kinh tế khác;
6) Vệ tinh, máy bay.
Những khó khăn bất cập trong hoạt động phối hợp phối hợp TKCN trên biển Việt Nam hiện nay liên quan đến: nhận thức xã hội, cơ quan đơn vị có phương tiện và người tham gia hoạt động trên biển; văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TKCN trên biển còn thiếu, chưa rõ ràng; công tác vận động, giáo dục, thuyết phục còn thiếu, yếu, chưa thường xuyên, sâu rộng và hiệu quả; nhận thức của cộng đồng nói chung và của cơ quan, đơn vị, người tham gia hoạt động trên biển nói riêng còn bất cập, thiếu tính tự giác. Ngoài ra, còn tư tưởng chủ quan, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác cứu hộ, cứu nạn nên chưa chủ động, tự lực trong hoạt động (nhất là đối với phương tiện tàu cá). Công tác TKCN trên biển chưa thực sự được xã hội hóa nên chưa huy động tối đa nguồn lực của xã hội phục vụ cho hoạt động TKCN trên biển.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn hàng hải và TKCN trên biển còn yếu, thể hiện ở một số mặt: Chưa có cơ quan quản lý nhà nước về công tác TKCN (hiện nay phải do Chính phủ trực tiếp quản lý).
Hệ thống tổ chức TKCN trên biển nước ta chưa thực sự
phù hợp.
Trang thiết bị chuyên dụng (thiết bị thông tin liên lạc,...) giữa các lực lượng chưa đồng bộ.
Năng lực của đội ngũ nhân viên tổ chức, điều hành hoạt động TKCN trên biển và các lực lượng phối hợp còn hạn chế, chưa được huấn luyện chuyên sâu, bài bản.
Khả năng ngoại ngữ hạn chế nên hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TKCN chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi.