‘Kẻ phản bội nước Mỹ’ và cuộc trốn chạy lịch sử
Edward Snowden |
Tiết lộ động trời
Ngày 5/6/2013, tờ The Guardian (Người bảo vệ) của Anh đã làm cả nước Mỹ rung động bởi tin chính quyền của Tổng thống Obama, cụ thể là Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã bí mật nghe lén điện thoại của hàng chục triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ của Hãng viễn thông Verizon.
Sau đó 1 ngày, tờ Washington tiếp tục "phát súng xé toang màn bí mật" này khi tố cáo NSA và Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của hàng loạt các hãng công nghệ khổng lồ để lấy thông tin của người sử dụng Internet, điển hình là các hãng Google, Microsoft, Apple, Yahoo, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube...
Đây là chương trình theo dõi lén của NSA có mật danh là PRISM, khởi nguồn từ năm 2007 dưới thời cựu Tổng thống George Bush nhưng trở nên bùng nổ trong vài năm qua dưới quyền của Tổng thống Barack Obama. NSA và FBI đã bắt tay với các hãng công nghệ để có thể thu thập thông tin một cách trái phép dưới danh nghĩa là để “ngăn chặn khủng bố”.
Tự bước ra ánh sáng
Chương trình PRISM của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA |
Những thông tin mà tờ The Guardian cũng như tờ The Washington Post đã có được là do một thanh niên có tên là Edward Snowden cung cấp.
Edward Snowden, 29 tuổi, là một chuyên gia kỹ thuật làm việc cho một công ty tư nhân nhận hợp đồng phụ của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Anh ta đã đi trốn sau khi lấy trộm các tài liệu mật của NSA tại cơ sở ở Hawaii và đến Hongkong ngày 20/5.
Ngày 9/6, chỉ sau 3 ngày khi các báo tấn công mạnh vào chính phủ Mỹ, chàng thanh niên Edward Snowden đã tự lộ diện mình trước toàn thế giới bằng đoạn video trả lời phỏng vấn tờ Washington Post tại một khách sạn của Hồng Kông, nơi anh đã trú ngụ sau khi bỏ trốn.
Động cơ nào khiến Snowden dám từ bỏ tự do cá nhân của chính mình và một cuộc sống đang rất tốt để làm một việc như vậy? Snowden cho biết anh có một nghề nghiệp ổn định với mức lương 200.000 USD/năm, một gia đình mà anh yêu dấu, và một người bạn gái chung sống với anh trong 1 ngôi nhà tại Hawaii.
Snowden ý thức rõ những hậu quả đối với bản thân khi tiết lộ những bí mật mang tầm cỡ không chỉ riêng nước Mỹ như vậy. Tuy nhiên, với chàng trai trẻ, lý tưởng sống mới là điều quan trọng. “Có nhiều thứ quan trọng hơn tiền”, Snowden nói, nhấn mạnh rằng anh không thể để cho chính phủ Mỹ phá hủy quyền riêng tư, quyền tự do internet, và các quyền tự do cơ bản của nhân dân toàn thế giới bằng cỗ máy giám sát khổng lồ mà họ đang bí mật xây dựng mà không có sự giám sát của chính người dân.
Snowden khẳng định anh không hối tiếc những việc anh làm vì đó là quyết định của bản thân anh. Và anh cũng không sợ công khai danh tính bởi vì “tôi biết tôi chả làm gì sai”. Tuy nhiên, khi nhắc tới gia đình, anh đã tỏ ra xúc động đặc biệt. Anh lo vì hành động của mình mà gia đình anh có thể bị liên lụy. “Điều này khiến tôi thức trắng đêm”, Snowden nói.
Con đường trốn chạy
Vào ngày 9/6/2013, khi xuất hiện trên video trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post, Edward Snowden được xác định là đang trốn tại Hồng Kông, đặc khu tự trị của Trung Quốc. Trong suốt hơn 10 ngày ở đây, Snowden đã chờ đợi được Hồng Kông cho phép trú ngụ như là một người tị nạn chính trị. Tuy nhiên, giữa Hồng Kông và Mỹ đã có những văn bản thỏa thuận về an ninh nhất định, trong đó cho phép dẫn độ tội phạm giữa hai bên nếu hai bên chứng minh được tội của phạm nhân đó.
Ngày 21/6, Chính phủ Mỹ quyết định truy tố Edward Snowden vì 2 tội danh: ăn cắp tài sản bí mật quốc gia và tiết lộ thông tin bí mật quốc gia cho bên thứ ba không liên quan và gửi yêu cầu dẫn độ anh về Mỹ tới chính quyền Hồng Kông. Tuy nhiên, Hồng Kông từ chối yêu cầu dẫn độ này vì cho rằng Mỹ chưa đưa ra đủ bằng chứng kết tội Snowden cũng như các lí do chính trị khác.
Điều đáng chú ý là ngay thời điểm vừa bị kết tội, Snowden lập tức công bố thông tin rằng Chính phủ Mỹ đã cho phép NSA tấn công mạng vào các công ty điện thoại di động của Trung Quốc để thu thập dữ liệu từ hàng triệu tin nhắn điện thoại.
Snowden cho hay các điệp viên Mỹ cũng đã tấn công vào đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh – nơi là một trong 6 “mạng lưới xương sống” của tất cả hoạt động Internet trên lãnh thổ Trung Quóc – cùng trụ sở Pacnet ở Hồng Kông, nơi điều hành một trong các mạng lưới cáp quang lớn nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này đã khiến cho Trung Quốc nổi giận cũng như yêu cầu Washington phải có lời giải thích.
Cho đến nay, Edward Snowden đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của nước Mỹ. Và liệu Mỹ sẽ làm gì để giải quyết hậu khủng hoảng và cân bằng được giữa lợi ích quốc gia và quyền tự do thông tin cá nhân cho từng công dân của họ?