Hướng đi nào cho lao động nông thôn?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2010, số người thất nghiệp của khu vực nông thôn là 766.733 người, chiếm 57% tổng số người thất nghiệp cả nước (1.343.578 người). Tuy nhiên, số người thất nghiệp của nông thôn giảm nhanh, năm 2018 chỉ còn 576.289, chiếm 52,4% tổng số người bị thất nghiệp (1.100.045 người).
Theo giới tính, mức độ cải thiện tình trạng thất nghiệp tốt hơn, tỷ trọng nữ trong tổng số người bị thất nghiệp giảm từ 60% năm 2010 xuống còn trên 51% năm 2018;
Theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, người không có chuyên môn kỹ thuật chiếm số lượng nhiều nhất, tuy nhiên giảm từ 86,32% năm 2010 còn 80,48% năm 2018.
Mức độ cải thiện tốt nhất là người có bằng trung cấp, tỷ trọng trong tổng số người bị thất nghiệp giảm từ 7,1% năm 2010 xuống còn 2,35% năm 2018.
Tỷ trọng nhóm thất nghiệp trình độ cao đẳng tăng trong tổng số người bị thất nghiệp, từ 2,78% lên 8,93%; Nhóm trình độ đại học tăng từ 2,67% lên 6,82% .
Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn thấp và có xu hướng giảm, từ 2,09% năm 2010 xuống còn 1,54% năm 2018. Theo giới tính, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới cao hơn nam giới và cũng có xu hướng giảm, từ 2,55% xuống còn 1,84% (nam giới giảm từ 1,65% xuống còn 1,27%).
Theo nhóm tuổi, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm lao động trẻ và giảm dần ở các nhóm tuổi cao hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ (15-19) cao nhất, 6,23% năm 2010, giảm nhẹ và dừng ở mức cao là 5,69% năm 2018; Nhóm thanh niên (20-29) cao thứ hai, năm 2010 là 3,94%, song lại tăng lên 4,12% năm 2018; Các nhóm tuổi còn lại, tỷ lệ thất nghiệp khá thấp và cũng có xu hướng giảm trong thời kỳ 2010-2018.
Về thu nhập của lao động, nhìn chung, mức thu nhập của lao động nông thôn rất thấp. Năm 2010, bình quân một lao động là 2,132 triệu/tháng, tăng 4,74%/năm, đạt 3,766 triệu/tháng năm 2018.
Lao động nông thôn thu nhập thấp hơn khu vực thành thị và khoảng cách thu nhập ngày càng dãn cách. Thời kỳ 2010-2018, tốc độ tăng thu nhập của lao động thành thị gần gấp đôi lao động nông thôn, đạt 8,81%/năm. Năm 2010, thu nhập của lao động nông thôn bằng 73,34% so với lao động thành thị, chỉ bẳng 60% năm 2018.
Trong nội bộ khu vực nông thôn, khoảng cách thu nhập cũng có xu hướng gia tăng giữa nhóm lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp. Năm 2010, lao động nông nghiệp thu nhập một tháng là 1,732 triệu đồng, bẳng 78,36% thu nhập lao động phi nông nghiệp. Tuy nhiên, khoảng cách này giãn ra, năm 2018, lao động nông nghiệp thu nhập chỉ bằng 45,18% so với lao động phi nông nghiệp.
Theo PGS – TS Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia về nông nghiệp và nông thôn, so sánh chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm nông thôn- thành thị, có thể rút ra một số vấn đề sau đây:
Trước hết, tăng trưởng kinh tế nói chung và của khu vực nông thôn nói chung không đủ tạo ra việc làm. Cụ thể, các ngành kinh tế truyền thống (đặc biệt là nông nghiệp và ngành chế tạo nông thôn) đã không tạo ra được sự tăng mạnh về việc làm như đã diễn ra tại các nước khác. Điều này làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu việc làm chậm lại, khiến một lượng lao động vẫn bị dồn nén trong nông nghiệp với năng suất thấp, thu nhập thấp.
Khu vực dịch vụ nông thôn tạo ra nhiều việc làm, song chủ yếu là kinh tế tự làm và kinh tế hộ gia đình, có năng suất, tiền lương và độ đảm bảo về việc làm thấp.
Thứ hai, các chương trình phát triển nông thôn, chiến lược tăng trưởng kinh tế nông thôn chưa chú trọng đến mối quan hệ giữa tăng trưởng và tạo việc làm.
Trong khi năng suất lao động tăng lên chủ yếu trong các ngành có nhiều vốn, các doanh nghiệp lớn, khu khu vực nhà nước, song nhóm này lại thu hút ít lao động. Ngay cả khu vực FDI và khu vực kinh tế tư nhân cũng không tạo cú huých để dẫn đến sự chuyển dịch của lao động. Tỷ trọng lao động trong khu vực tư nhân, FDI mới chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn trong khu vực nông thôn.
Thứ ba, so với tốc độ cầu lao động và phát triển thị trường lao động, chất lượng cung lao động, đặc biệt là lao động trong khu vực nông thôn chưa đáp ứng và hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu việc làm. Điều này là nguyên nhân khiến cho lao động nông thôn vẫn tiếp tục bị dồn nén trong khu vực nông nghiệp, trong các ngành truyền thống, khi di cư ra thành thị, cũng chủ yếu làm việc trong nhóm ngành truyền thống hoặc là khu vực phi chính thức. Theo tiêu chuẩn quốc tế, lực lượng lao động của Việt Nam có tay nghề thấp, thua xa kịp với các nước láng giềng trong khu vực.
Thứ tư, mối liên kết giữa đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn chưa tốt. Lao động nông thôn còn bị hạn chế về khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản, khó khăn trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt trong nông thôn. Các ngành kinh tế đô thị phát triển không dựa trên mối liên kết với nông thôn, trong khi khu vực nông thôn lại không đủ điểu kiện để phát triển các ngành chế biến và dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp.