Hứng đòn của ông Trump, 'đầu tàu' kinh tế TQ lao dốc
Kinh tế của thành phố Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc, đã có mức tăng trưởng thấp nhất trong 40 năm qua, do chịu tác động của cuộc chiến về thương mại và công nghệ Mỹ-Trung. Sự tăng trưởng của Thâm Quyến vốn được xem là chìa khóa quyết định tới nền kinh tế Trung Quốc nói chung, bởi đây là ‘nhà’ của một số ông lớn trong lĩnh vực công nghệ cao của ‘quốc gia tỷ dân’ như Huawei và Tencent.
Cụ thể, kinh tế Thâm Quyến chỉ tăng trưởng 6,6% trong 9 tháng đầu năm 2019, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Và đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất từ khi thành phố này trở thành đặc khu kinh tế của Trung Quốc từ năm 1979, theo một số dữ liệu chính thức.
Thâm Quyến là ‘đầu tàu” dẫn dắt nền kinh tế TQ. Ảnh: THX |
Theo SCMP, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Thâm Quyến là 7% trong năm nay, cao hơn mục tiêu của toàn Trung Quốc chỉ từ 6-6,5%. Và chính việc kinh tế Thâm Quyến trì trệ đã kéo theo tăng trưởng kinh tế nói chung của cả Trung Quốc chỉ đạt mức 6% trong quý 3/2019, và đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế Trung Quốc kể từ tháng 3/1992.
Việc kinh tế Thâm Quyến suy giảm tăng trưởng sẽ khiến chính quyền Bắc Kinh gặp một vài vấn đề, khi chính quyền trung ương có kế hoạch biến nơi đây thành ‘thành phố kiểu mẫu’ cho Trung Quốc và thế giới, nhằm dẫn dắt nền kinh tế ‘quốc gia tỷ dân’ thoát khỏi vòng vây của cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động.
Đồng thời, Thâm Quyến cũng là nền kinh tế lớn nhất trong dự án “Khu vực Vịnh lớn” của Bắc Kinh, bao gồm 8 thành phố nằm ở phía nam Trung Quốc cùng Hồng Kông và Ma-cao, sẽ trở thành một trung tâm về kinh tế lẫn công nghệ đủ để cạnh tranh với các vùng vịnh khác như San Francisco, Mỹ và Tokyo, Nhật.
Tờ SCMP trích dẫn số liệu mới nhất về thương chiến và sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu cho thấy, việc Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa đã giảm 9,3% trong 3 quý đầu 2019 so với một năm trước đó, trong khi chỉ số nhập khẩu vẫn ở mức 4,8%.
“Chúng ta đang thấy sự giảm mạnh trong việc nhập khẩu. Một mặt, có thể do các tập đoàn lớn ở Thâm Quyến không sẵn lòng mở rộng việc sản xuất, và do đó việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cũng giảm. Mặt khác, có thể do Mỹ giảm xuất khẩu các sản phẩm và thiết bị công nghệ cao cho các ông lớn công nghệ ở Thâm Quyến”, Phó Chủ tịch Viện Phát triển Trung Quốc Guo Wanda nói.
Việc Mỹ hạn chế bán sản phẩm công nghệ khiến TQ giảm nhập khẩu hàng hóa |
“Đầu tư và tiêu dùng cũng giảm mạnh. Chính phủ cần đưa ra các biện pháp nhằm bình ổn đầu tư trong các lãnh vực công nghiệp và tư nhân, đồng thời ngăn các doanh nghiệp trong các lĩnh vực truyền thống và công nghệ rời khỏi Thâm Quyên do chi phí tăng cao”, ông Guo nói thêm.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất của các tập đoàn công nghiệp tại Thâm Quyến đã giảm xuống mức 5,3% hồi tháng 9 so với mức 7,4% nửa đầu 2019, và khiến tăng trưởng sản lượng đã giảm trong tất cả các lĩnh vực công nghệ cao.
Nhìn chung, có tới hơn 1/3 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã không đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong 3 quý đầu năm 2019, và những tỉnh, thành phố kém phát triển hơn có mức tăng trưởng thấp nhất, trong khi các vùng ven biển thì tình hình kinh tế có vẻ khả quan hơn.
Cụ thể tỉnh Quảng Đông, vùng thịnh vượng nhất Trung Quốc với thành phố Thâm Quyến, đã có mức tăng trưởng 6,4% trong 3 quý đầu năm 2019, và đã vượt hơn so với chỉ số tăng trưởng Trung Quốc cùng kỳ, khi chỉ ở mức 6,2%.
“Bởi tác động từ cả thương chiến, lẫn sự thắt chặt về tình hình chính trị… nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và khó khăn hơn trong các hoạt động của họ. Các quan chức địa phương trở nên thận trọng, và không sẵn sàng thúc đẩy các cải cách về kinh tế. Hiện rất khó để thống kê những tổn thất trực tiếp về kinh tế từ những yếu tố này, nhưng tác động sẽ rất lớn và lâu dài”, SCMP trích lời một chuyên gia kinh tế giấu tên tại Quảng Đông nhận định.