Hiệp ước INF sụp đổ, Australia có đồng ý để Mỹ triển khai tên lửa tầm trung?
Sputnik đưa tin trên đường tới Australia để tham dự Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng thường niên giữa Australia và Mỹ (AUSMIN), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có phát biểu ám chỉ Washington có ý định triển khai các tên lửa truyền thống phóng từ mặt đất ở nhiều khu vực tại châu Á – Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Autstralia Linda Reynolds phát biểu bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ ở Sydney hôm 4/8. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, phát biểu với kênh radio ABC trước khi tham gia đối thoại với giới chức Mỹ ở Sydney vào cuối tuần qua, bà Reynolds nhấn mạnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper “không đưa ra đề nghị và ông ấy cũng không thảo luận bất cứ đề nghị nào” với Australia về việc đặt cơ sở triển khai các tên lửa tầm trung.
“Tôi đã hỏi trực tiếp ông ấy, ‘liệu ngài có muốn đưa ra đề xuất?’, và ông ấy trả lời ‘Không’”, bà Reynolds cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Reynolds, các vị trí triển khai tên lửa của Mỹ hiện vẫn chưa được công bố, nhưng Australiakhông nằm trong số này.
Hôm nay (5/8), Thủ tướng Scott Morrison cũng đã lên tiếng xác nhận Australia sẽ không phải là nơi triển khai các tên lửa của Mỹ.
“Mỹ không đề nghị chúng tôi cũng không hề cân nhắc và không đặt tên lửa ở đất nước chúng tôi”, ông Morrison phát biểu trước báo chí ở Brisbane.
Trước đó, trong chuyến thăm một tuần tới châu Á – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho hay ông muốn triển khai các tên lửa truyền thống tầm trung tới nhiều địa điểm ở khu vực trong vài tháng tới. Động thái của Mỹ có thể khiến Trung Quốc có hành động đáp trả.
“Chúng tôi sẽ cho triển khai năng lực sớm còn hơn là muộn”, ông Esper nói.
Tuy nhiên, ông Esper không tiết lộ vị trí chính xác triển khai các tên lửa tầm trung của Mỹ, song nhấn mạnh Washington thường thảo luận những vấn đề như trên với các nước đồng minh.
Hiện Australia đang bị đặt vào tình thế khó xử khi Mỹ - Trung không ngừng cạnh tranh. Trong đó, với Australia thì Mỹ vốn là một đồng minh chiến lược còn Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất.
Hôm 2/8, Mỹchính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF) sau khi xác định Nga vi phạm hiệp ước. Song Nga bác bỏ điều này.
Đáp trả, Nga thông báo chính thức chấm dứt INF. Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Ngày 2/8/2019, với sự khởi đầu từ phía Mỹ, hiệp ước giữa Liên Xô và Mỹ về việc loại bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung... đã chấm dứt".
Hiệp ước INFđược ký kết ngày 8/12/1987 giữa Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhằm chấm dứt những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.
Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (có tầm bắn từ 500 - 5.500 km).