GPMB sân bay Long Thành: Phải tính kỹ để thu hồi vốn cho Nhà nước
Do dự án sân bay Long Thành là một dự án quá lớn, nên Chính phủ đã xin ý kiến Quốc hội về việc tách tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần.
Mặc dù đồng ý với việc tách nội dung đền bù giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần, nhưng ĐB Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cho rằng cần phải có sự gắn kết giữa việc bồi thường GPMB tái định cư với việc triển khai dự án xây dựng, nếu không sẽ gây nên sự lãng phí.
“Chúng ta đã có bài học từ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhưng câu chuyện ở điện hạt nhân Ninh Thuận là 1.800 tỷ đồng, còn đối với dự án sân bay Long Thành là 23.000 tỷ đồng. Do vậy tôi đề nghị cần phải xác định tiến độ triển khai dự án, tránh tình trạng giải phóng mặt bằng rồi nhưng không biết bao giờ mới triển khai dự án” - ĐB Nguyễn Hữu Quang nói.
Theo ĐB Quang, khi nhà nước đầu tư, vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng phải được ghi chép, phản ánh qua sổ sách kế toán đầy đủ trong tổng mức đầu tư của dự án sau này. Lý do là để nếu như sau này nhà nước đầu tư 100% cho dự án này, có thể tính thêm phần 23.000 tỷ đồng này để có cơ sở tính vào phí dịch vụ sân bay sau này, để đảm bảo chính xác chi phí. Còn nếu như sau này không phải nhà nước đầu tư hoàn toàn, chúng ta có thể kêu gọi PPP hay cổ phần hóa thì phần vốn nhà nước bỏ ra này cũng phải được tính vào phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để thu hồi vốn. Chứ nếu tách ra, sau này quyết toán không phản ánh vào giá thành sẽ không được về mặt lợi ích quốc gia.
Trong công tác đền bù GPMB tái định cư có thể phát sinh tiêu cực. Đã có nhiều bài học khi triển khai một dự án, ngay từ giai đoạn đầu đã có tiêu cực trong áp giá đền bù, thống kê khối lượng, có sự thông đồng giữa hội đồng đền bù với các cá nhân. Đây là dự án lớn, cần quan tâm đến việc này ngay từ đầu.
ĐB Quang nói: “Tôi biết có nhiều dự án đã phải mất người vì vướng vào vòng lao lý từ những tiêu cực như thế này.”
Phản hồi lại ý kiến của ông Nguyễn Hữu Quang về đề xuất vừa GPMB vừa thi công, ĐB Đinh La Thăng cho rằng đến 2019 mới thông qua báo cáo khả thi nên không thể vừa GPMB vừa thi công.
Tuy nhiên, ĐB Quang cho biết chỉ đề xuất gắn kết việc đền bù, có thể trong năm nay tập trung xong phần vốn, nhưng đồng thời phải có lộ trình triển khai xây dựng như thế nào.
ĐB Thăng cho rằng điều này còn phụ thuộc vào báo cáo khả thi, sau đó mới có thiết kế kỹ thuật, sau đó mới có thiết kế chi tiết rồi mới ra tiến độ.
Về việc này, ông Quang tỏ ra tự tin: “Tôi tin chắc đến năm 2019 Quốc hội sẽ thông qua báo cáo khả thi”.
Ông Đinh La Thăng (ngoài cùng bên phải) - ông Nguyễn Hữu Quang (ngoài cùng bên trái) và ông Bùi Sỹ Lợi (thứ 2 từ trái sang) thảo luận tại tổ. |
Theo ĐB Quang, báo cáo triển khai được duyệt là có thể triển khai được, nhưng liệu nhà nước có đủ điều kiện để bỏ vốn vào đầu tư hay không. Báo cáo khả thi có thể thông qua, nhưng việc triển khai dự án thực tế là có nguồn vốn của nhà nước hay DN hay không.
Về việc ĐB Nguyễn Hữu Quang nói đến chi phí, ĐB Đinh La Thăng cho rằng trong phương án tài chính đã nêu rõ toàn bộ khu bay sẽ do nhà nước đầu tư bao gồm đường băng, sân đỗ. Toàn bộ phần cảng còn lại được thực hiện theo phương thức PPP. Toàn bộ bộ tiền GPMB do nhà nước bỏ ra, còn nếu muốn tính thêm vào thì phải kéo dài thời gian trả nợ, lãi suất cũng sẽ phải tăng. Việc này đã có trong phương án tài chính.
Tuy nhiên, theo ĐB Quang, đường bay và khu bay và các dịch vụ khác liên quan đến dịch vụ bay, tính đồng bộ trong dự án là rất quan trọng.
Là người từng nắm vị trí "tư lệnh" ngành giao thông, ĐB Đinh La Thăng cho rằng đương nhiên sẽ phải làm đường bộ, phải có quản lý bay và dịch vụ sửa chữa kèm theo. Con số 5000 tỷ đồng là ưu tiên giải phóng mặt bằng khu vực đường băng, khu cảng khai thác.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Tỉnh Đồng Nai cũng đã báo cáo việc GPMB diễn ra thuận lợi, nhưng chúng ta không chủ quan, việc diễn ra khiếu kiện thường bắt đầu từ khi thu hồi đất và phát tiền đền bù, hoặc trả chậm”.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, Nghị quyết 94 ghi rõ QH yêu cầu lập báo cáo khả thi từng giai đoạn để trình QH, chính vì lý do đó nên việc tách phần này thành một tiểu dự án là hoàn toàn chính xác nên không nhất thiết phải sửa Nghị quyết 94. Còn đây là đi tiếp một bước trong cấu phần của Nghị quyết 94.
“Tách ra là để đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành bởi hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Quan trọng nhất là tránh phát sinh kinh phí và kéo dài thời gian cho dự án. Nếu chúng ta chờ Chính phủ quyết định đầu tư cho dự án chắc chắn sẽ phải kéo dài, rõ ràng nếu chúng ta đi trước đón đầu sẽ giải quyết được tiến độ và tiết kiệm chi phí. Nó còn thể hiện được tâm tư nguyện vọng của người dân, người dân đã chờ dự án này 12 năm qua”, ông Lợi cho biết.