Phụ huynh lại than trời các khoản đóng đầu năm

Lạ là năm nào cũng than, nhưng khoản đóng năm sau cứ cao và nhiều hơn năm trước.

Trên mạng xã hội vừa xuất hiện tấm hình chụp phiếu thu tiền mua ghế ngồi của một trường THCS. Có vị phụ huynh thấy vậy đã tếu táo viết dòng trạng thái:

“Các ông bà cứ làm như mình con ông bà đi học mà thở ngắn than dài. Con tôi đây từ cái rèm cửa sổ, cái kệ úp ly, kệ treo khăn, kệ giày, móc dán tường, bảng thi đua, hoa giả, hoa thật, quạt treo, quạt trần, khăn lau, phấn màu, khoá cửa, mực tím, màn hình, máy chiếu, gối nằm, ghế ngồi chào cờ, mái che sân trường, chiếu ngủ, nước uống, tiền quỹ các loại, ủng hộ các kiểu... có thứ gì thoát. Mà tôi có than đâu???”

Những dòng chữ tưởng đùa, nhưng lại không đùa, nó đúng với mỗi mệt mỏi, áp lực lặp lại từ năm này sang năm khác của phụ huynh nghèo. Đến nỗi mùa thu tựu trường đã được nhiều người gọi là mùa... thu tiền, bởi quá ám ảnh.

Một tấm hình đang lan trên mạng xã hội. Ảnh minh họa
Một tấm hình đang lan trên mạng xã hội. Ảnh minh họa

Những khoản thu đầu năm với nhà có con học giữa cấp còn đỡ, vì đã quen. Nhà có con đầu cấp thường choáng váng. Ngoài những khoản thu "được phép", còn có vài chục khoản "thu thêm - thu nếm - thu ngoài", thu né qua hội cha mẹ học sinh. Nhiều bạn bè tôi đùa rằng, hội cha mẹ học sinh như tay sai của trường, thu giùm - thu hộ nhiệt tình.

Hội cha mẹ học sinh còn có trách nhiệm “tự nguyện chi” như chi mua hoa quà nhân ngày lễ của trường, của thầy cô, thậm chí ngày 20/10 và cả ngày 8/3. Tiền thuê phông bạt, gắn cờ hoa, bắn pháo giấy cho ngày khai giảng cũng lấy từ quỹ cha mẹ. Khi đi họp phụ huynh, chỉ được nghe vanh vách những khoản chi tiền triệu, chục triệu mà khó thấy một chứng từ nào kèm theo, ai duyệt chi, ai thực hiện?

Năm ngoái, khi trường con chị Lan kêu gọi ủng hộ làm lại lan can cầu thang, có vị phụ huynh “vía cứng” đã đứng lên phản đối. Anh vanh vách đọc ra những khoản cấm không được thu, thì chị đại diện cha mẹ học sinh đứng lên dàn hòa với lời lẽ rất đâu ra đó, êm tai và cực kỳ có lý.

Đại khái chị nói: “Một học sinh đóng có mấy chục ngàn đồng, nhiều nhặn gì đâu anh? Cũng là phục vụ cho con em mình chứ đi đâu mà thiệt, nếu phụ huynh phản đối trường, thì em sẽ trích quỹ lớp ra đóng”. Không biết sao mà một số phụ huynh khác quay nhìn anh kia rồi xì xầm, có mấy chục ngàn đồng mà khó khăn thế.

Và giữa phòng họp chừng bốn chục phụ huynh, anh thắc mắc bỗng trở thành tội đồ, có người còn nói người ta không đóng thì mình đóng nhiều hơn chút bù vào cho lớp khỏi mang tiếng. Người ta tiếng to tiếng nhỏ mà không biết vị ấy đang đấu tranh vì quyền lợi của cả con em họ, chứ đâu phải cho mình anh ta. Nhưng đấu tranh có nghĩa là... trúng đạn, vì biết tránh vào đâu?

Đấu tranh có nghĩa là trúng đạn vì biết tránh vào đâu?. Ảnh minh họa
Thu tiền cũng là tiêu chí thi đua. Ảnh minh họa

Chưa hết, giờ nhiều trường học được xây khang trang, nhưng được bàn giao trong tình trạng trống lốc, trơ trọi, rồi thì sẽ phải đắp "thêm da thêm thịt". Trường cần công trình măng non hay vườn sinh vật là có phụ huynh; cần công trình bồn hoa cây cảnh cũng phụ huynh; lớp cần photo bài thi cũng lấy trong quỹ lớp do phụ huynh đóng góp.

Con trai tôi từng vui mừng được học trường mới, nhưng phụ huynh chúng tôi phải gánh không chừa khoản nào. Khoản lớn là quạt trần, quạt treo tường (trường có trang bị một phòng chừng ba cái quạt), rồi rèm cửa, rồi khăn bàn giáo viên, tủ đựng tài liệu, tủ sách thư viện lớp em, màn hình, máy chiếu, bảng thi đua gắn tường, rồi hoa giả hoa thật và cả kệ đựng giày, kệ úp ly, kệ treo khăn, sách truyện cho thư viện lớp. Sân trường thẳng thớm sạch sẽ, nhưng phải mua ghế đá ngồi... 

Có cô giáo còn lấy quỹ lớp mua mực về cho cả lớp viết vì sợ các em người mua mực này người mua mực kia màu sắc sẽ đậm nhạt viết không đẹp, không được thi vở sạch chữ đẹp. 

Một số người nói những khoản đó là “kêu gọi” kiểu hảo tâm, không đóng thì thôi. Xin thưa, kêu gọi là nói giảm nói tránh thôi, khi con đã vào trường thì đố cha mẹ nào dám “tâm” không “hảo”.

Hảo tâm gì mà ấn định sẵn con số như cái dù che sân trường là hai mươi triệu đồng thì hai mươi lớp mỗi lớp sẽ góp một triệu đồng, phân bổ rõ ràng. Lớp nào góp ít, góp không đủ là cô chủ nhiệm lại ca bài ca não lòng rằng lớp bị phê bình vì không đủ chỉ tiêu.

Từng có vị phụ huynh tếu táo: “Sao tôi cho con đi học mà giống như thèm ăn bát bún mà phải đi mua bún mua chân giò rau sống rồi mang kèm nồi niêu xoong chảo đến nơi đó tự nấu tự ăn. Lúc nào cũng một bài ca trường không có kinh phí, kinh phí rót xuống không đủ nên cần phụ huynh hỗ trợ”. 

Lạ một điều là năm nào cũng than, nhưng những khoản đóng năm sau cứ cao và nhiều hơn năm trước. Còn chất lượng giáo dục thì chưa thấy tia khởi sắc nào, nhắc đến giáo dục người ta chỉ nhớ đến những thi đua và thành tích. Học hành thi đua đã đành, ngay việc thu tiền cũng được mang ra thi đua.

Khẩu hiệu cứ ra rả “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng các con có thể vui khi mỗi chiều về trẻ thấy mặt mẹ nhăn nhó, trán cha cau lại. Tiền trường trở thành nỗi ám ảnh, cơn ác mộng chưa bao giờ ngừng với phụ huynh nghèo.

Mong
Mong "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Ảnh minh họa

Một chị bạn tôi có con học cấp Một nói, từ lâu lắm chị không cần phải đến phòng giáo vụ nộp tiền cho con, vì giáo viên có trách nhiệm thu hộ. Nghĩa là các thầy cô giáo, ngoài nhiệm vụ soạn bài, lên lớp còn phải nhận việc thu tiền rồi tất tả đi nộp lại, thời gian đâu gần gũi chuyện trò với học sinh trước giờ học. Có khi nào cô vào lớp nhìn thấy học sinh mà trong đầu lại đưa ra thông tin "em này học phí chưa đóng, quỹ phụ huynh cũng chưa..."

Than thì than vậy, mà không than cũng vậy. Tiền thì cứ đóng, rồi nuốt cho nước mắt chảy vào trong, chứ nào dám để con cái thấy, lỡ tạo áp lực tâm lý nặng nề cho chúng thì còn khổ nữa... 

Linh Lan

(Thủ Đức, TPHCM)

Theo www.phunuonline.com.vn

'Xin phụ huynh hãy trả lại sự tôn nghiêm cho người thầy'

Chẳng thể chịu thêm áp lực, cùng đồng lương bấp bênh, chị nộp đơn xin thôi công việc đã gắn bó 5 năm, từng là niềm tự hào, mơ ước. Suốt chặng đường từ trường về nhà, chị òa khóc với quyết định của chính mình.

Nam sinh mồ côi bố giành học bổng 7 tỷ: Làm nghề bưng bê lấy tiền thi IELTS, SAT

Biến cố mất bố vào năm lớp 2 khiến Quang dần thu mình, không muốn giao tiếp với ai. Cho đến tận đầu năm lớp 8, em mới bắt đầu có khát khao xóa bỏ con người nhút nhát để bước ra khỏi vùng an toàn.

Đam mê về game đưa nữ sinh trúng tuyển ĐH Mỹ, học bổng 6,6 tỷ

Tự tin chọn lối đi riêng với niềm đam mê về game, Trịnh Bảo Hân (học sinh lớp 12 Anh 2 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) vừa giành học bổng trị giá 6,6 tỷ đồng vào ĐH Drexel, Mỹ.

'Tôi nghỉ việc để giữ sự uy nghiêm cuối cùng của người thầy'

Trước áp lực của học sinh và phụ huynh, sau một tình huống sư phạm gây tranh cãi, cô H. đã quyết định nộp đơn nghỉ việc, chia tay với nghề đã nhiều năm gắn bó.

Nữ sinh xứ Nghệ trúng tuyển 9 đại học Mỹ

Từ Nghệ An ra Hà Nội học trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, Quỳnh Anh phải chật vật để bắt kịp với các bạn. Nhưng cũng chính cú sốc ấy đã tạo đà giúp nữ sinh chinh phục hàng loạt đại học hàng đầu nước Mỹ.

Người lao công ăn bánh mì trên phố 'giúp' nữ sinh Hà Nội vào ĐH top đầu Mỹ

Thay vì chọn những ngành học đang được coi là thời thượng, Võ Nguyễn Gia Minh (học sinh lớp 12, Hà Nội) quyết theo đuổi ngành Khoa học môi trường ở đại học công lập top đầu Mỹ với khát khao trở về giúp đất nước xanh và sạch hơn.

Cuộc thi sáng tạo STEM thu hút hàng trăm nghìn giáo viên, học sinh tham gia

Cuộc thi nhằm đem đến cho các em học sinh cơ hội ứng dụng kiến thức giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để tìm ra và hiện thực hóa các giải pháp sáng tạo.

Giảng viên trình độ giáo sư, tiến sĩ phía Bắc nhiều hơn các vùng khác cộng lại

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay quy mô và chất lượng giảng viên được nâng lên rõ rệt trong những năm qua. Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, số người có trình độ tiến sĩ bằng cả nước cộng lại.

'Khóc ròng' ở trường quốc tế học phí tiền tỷ: Đi không được, ở cũng không xong

Tin tưởng nhà trường, không ít phụ huynh ‘xuống tiền’ cho vay từ vài tỷ đến chục tỷ. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập với mức chi phí 0 đồng. Đây cũng là nguồn cơn khiến nhiều phụ huynh ‘khóc ròng’ vì chờ mòn mỏi nhưng không đòi được “nợ”.

Học sinh lớp 11 Hà Nội lọt nhóm đầu tư chứng khoán xuất sắc tại trường Mỹ

Trong vòng 1 tháng khi tham gia trên sàn giao dịch chứng khoán ảo, Thái Toàn làm tăng khối lượng “tài sản” từ 1 triệu USD lên 7,5 triệu USD.

Đang cập nhật dữ liệu !