Hiện nay phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện, hoạt động sôi nổi và sinh động theo các tiêu chí đề ra.
Trong giáo dục phổ thông, các trường học thực hiện nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong chương trình sách giáo khoa hiện hành trên cơ sở rà soát, tinh giản những nội dung trùng lặp, chưa thực sự cần thiết đối với học sinh.
Lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, của xã hội; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn.
Đến nay, đa số các cơ sở giáo dục tại các tỉnh đều thực hiện xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Trong đó, chú trọng về thái độ, thực hành hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của người học, của nhà giáo, cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường học.
Không có học sinh cá biệt, chỉ có học sinh cần giúp đỡ đặc biệt
Đó là quan niệm của cán bộ, giáo viên Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (tỉnh Thanh Hoá). Theo thầy Nguyễn Trọng Loan – Hiệu trưởng THCS Nhữ Bá Sỹ, bất cứ trường nào cũng có một tỷ lệ học sinh chậm tiến bộ, lâu nay hay gọi là “học sinh cá biệt”.
Cách gọi này không còn phù hợp vì thể hiện sự phân biệt và định kiến, trong khi những học sinh đó có môi trường gia đình khác nhau, nhiều hoàn cảnh éo le, rất thương tâm. Sự quan tâm và tình thương chân thành của thầy cô, bạn bè đã cảm hóa được nhiều học sinh, giúp các em tiến bộ rõ rệt.
![]() |
Ảnh minh họa |
“Những học sinh cần giúp đỡ đặc biệt được chúng tôi quan tâm thường xuyên, từ lời hỏi han đến chút vật chất nhỏ như tấm áo mới, sách giáo khoa hay miễn đóng góp một số khoản kinh phí, hỗ trợ quà Tết… Học sinh nào cũng có cơ hội phấn đấu mới là giáo dục đúng nghĩa”, thầy Loan cho biết.
Đồng thời, nhà trường lấy phương châm “Khi tôi giảng, tôi tạo điều kiện cho học sinh dạy tôi” là trọng tâm để khuyến khích học sinh phản biện. Trường đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách bằng nhiều cách thức sáng tạo, hiệu quả.
Suốt 5 năm qua, cứ 6h20 mỗi sáng, học sinh tới trường đều được nghe những giai điệu trữ tình, hào hùng về tình yêu quê hương, đất nước, về biển đảo, về Bác Hồ.
Một cây bàng vuông Trường Sa ngày một lớn trong sân trường và một quả bàng vuông to bằng ấm trà do các chú bộ đội hải quân của Lữ đoàn Trường Sa trao tặng đã được các em học sinh xung phong chăm sóc mỗi ngày và trân trọng như hồn cốt của đảo xa.
Thầy Loan tin tưởng, cùng với những buổi ngoại khóa, những giờ học kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm thực tế, tất cả những việc làm này đã tạo nên nguồn giá trị mát lành, nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Nhữ Bá Sỹ khẳng định, chỉ có sự sáng tạo trong cách nghĩ, tận tâm, tận lực trong cách làm thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục toàn diện.
Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Nội dung giáo dục đạo đức được xây dựng dựa trên các phẩm chất chủ yếu: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, thay thế cho nội dung giáo dục đạo đức trong chương trình hiện hành được xây dựng theo các mối quan hệ.
Các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống được tìm tòi, triển khai đa dạng, thiết thực. Công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin và mạng xã hội có nhiều đổi mới, hình thức phong phú, hiện đại.
Văn hóa học đường được cụ thể hoá trong những hoạt động: Xây dựng nền nếp, quy tắc ứng xử văn hóa, tổ chức hát Quốc ca trong Lễ chào cờ Tổ quốc, tập thể dục, hoạt động thể thao, tham gia lao động, dọn dẹp vệ sinh, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, thân thiện, văn minh.
Hoàng Thanh
HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận