Dấu ấn tuổi trẻ của đôi vợ chồng đạp xe 16.000km xuyên lục địa

Gặp nhau ở Sài Gòn, thích nhau từ cái nhìn đầu tiên. Gật đầu cái rụp khi chàng rủ “mình đạp xe từ nhà anh về nhà em đi”. Và thế là họ lên đường.

Trần Nguyễn Khánh Nguyên (26 tuổi) và chồng Thibault Clemenceau (30 tuổi) sung sướng khi về đến Việt Nam.

Hành trang vỏn vẹn 18kg với vài bộ quần áo và không thể thiếu nón lá, Trần Nguyễn Khánh Nguyên (26 tuổi) đã cùng chồng Thibault Clemenceau (30 tuổi)  đạp xe qua 18 quốc gia.

Bước ra khỏi vỏ ốc an toàn

Chào Khánh Nguyên, tình yêu và hành trình đạp xe từ nhà anh (nước Pháp) về nhà em (Việt Nam) với 16.000 km thật phiêu lưu. Đến giờ phút này các bạn đã về đến nhà em (Bà Rịa- Vũng Tàu) chưa?

Khánh Nguyên: Chưa đâu, hiện chúng mình đang đi đến Miền Trung Việt Nam.

Tôi vẫn cứ tò mò không hiểu vì lý do gì, một cô gái vốn là người hướng nội, ưa cuộc sống bình yên lại quyết định có “tuần trăng mật” (chính xác là năm trăng mật) mạo hiểm nhường ấy khi cùng nhau đạp xe chặng đường dài qua những đất nước mà chưa từng một lần đặt chân như vậy. Có ai nói với các bạn việc làm này thật “điên rồ” không ?

Khánh Nguyên: Đạp xe đường dài khám phá thế giới là ước muốn đã từ rất lâu của anh Thibault. Hồi còn là sinh viên, anh đã có một chuyến đạp xe 4000 km vòng quanh Châu Âu cùng em trai trong vòng 45 ngày, sau này anh vẫn luôn ấp ủ một chuyến đi xa hơn.

Trên hành trình họ đi không thể thiếu chiếc nón lá Việt Nam

Lúc hai đứa hẹn hò, có mấy lần anh kể mình nghe về mong muốn của anh, rồi anh cho mình xem những bức ảnh anh đạp xe qua Châu Âu cùng em trai, mình thật sự rất ngưỡng mộ và cảm nhận được. Lúc đó mình luôn tin là sẽ có một ngày anh sẽ thực hiện được.

Đầu năm 2018, sau khi tổ chức đám cưới tại Việt Nam 1 năm, có một ngày anh đi làm về và ngỏ lời với mình: “Hay là năm sau tụi mình đạp xe từ Pháp về Việt Nam, được không em?”.  Đạp xe từ Pháp về Việt Nam, đạp xe từ nhà anh về nhà em ư? Không một tích tắc đắn đo mình đồng ý liền luôn và xem đây chính là chuyến đi trăng mật đặc biệt của vợ chồng mình.

Mình đồng ý với anh không chỉ từ cảm xúc lãng mạn mà còn dựa trên phần tình cảm, thấu hiểu và sự tin tưởng dành cho nhau, có những điều mà tụi mình không cần nói ra nhưng có thể cảm nhận là cùng nhau hai đứa sẽ thực hiện được.

Ngoài ra, một phần nữa vì đây thời điểm thích hợp nhất để thực hiện chuyến đi đạp xe xuyên lục địa vì tụi mình vẫn còn trẻ, năng lượng dồi dào, chưa có em bé, không nợ nần…

Mình cũng như bao người bình thường khác thôi, sau đó cũng phải về xây dựng sự nghiệp, xây dựng một gia đình nhỏ, chỉ là đã từng cùng nhau bỏ ra một năm đi chu du khắp chốn, có những trải nghiệm không dễ có được trong đời, vậy là mãn nguyện rồi.

Sau mỗi chặng đường đi qua, hai vợ chồng trẻ lại cảm nhận được lòng tốt, sự tử tế của rất nhiều người.

Chuyến đi này còn gắn liền với hoạt động gây quỹ từ thiện cho một tổ chức phi lợi nhuận “Poussìeres de Vie” đã hoạt động ở Việt Nam 16 năm và hỗ trợ cho hơn 5.000 trẻ em nghèo ở Việt Nam được đến trường.

Thời điểm lên ý tưởng, tụi mình quyết định đặt tên cho hành trình là “Nón Lá Project”, mang theo hai chiếc nón lá, bắt đầu thực hiện một chuyến đi trăng mật đặc biệt của hai đứa mà mỗi km đạp xe qua sẽ kêu gọi quyên góp 1USD tương ứng để góp một phần công sức hỗ trợ trẻ em nghèo được đến trường.

Vượt qua thách thức

Để chuẩn bị cho chuyến đi, các bạn phải chuẩn bị bao lâu? Các bạn dành bao nhiêu tiền cho chuyến đi này?

Khánh Nguyên: Tụi mình đã bắt tay vào tìm hiểu ngay sau khi cả hai quyết định sẽ đạp xe từ Pháp về Việt Nam: từ loại xe đạp đường trường nào phù hợp nhất, thông tin lộ trình và địa hình, thời tiết, thông tin visa các nước, vấn đề về sức khỏe (những loại vắc xin cần tiêm ngừa), những số liên lạc cần thiết lúc khẩn cấp...

Sau đó là tụi mình có 6 tuần ở Pháp trước ngày khởi hành để luyện tập đạp xe để quen dần và bắt đầu mua các vật dụng cho chuyến đi.

Bọn mình hạn chế mang theo nhiều đồ và chỉ gói ghém những vật dụng thật sự cần thiết như lều trại, dụng cụ nấu ăn, bộ đồ nghề sửa xe cơ bản, vài bộ quần áo, áo mưa, thuốc men và dĩ nhiên không thể thiếu nón lá. Tổng trọng lượng đồ trên xe mình là 18 kg còn Thibault khoảng 24 kg.

Có vài người bạn nói tụi mình thật điên rồ, họ cũng nói thật ngưỡng mộ khi có ai đó đang ấp ủ những ý tưởng điên rồ mà không phải ai muốn điên cũng “điên” được như mình.

Du lịch bằng xe đạp rất ít tốn kém so với các phương tiện khác, hoàn toàn độc lập trên đường, tự do đi lại, mặc đi mặc lại có vài bộ đồ, có đồ nấu ăn, chỗ ngủ thì cắm trại hoặc ngủ nhờ. Mình đặt ra ngân sách cho chuyến đi, rồi trong hành trình mình chi tiêu sao cho hợp lý để không vượt quá ngân sách là được.

Chuyến hành trình trải qua nhiều vất vả, chuyện dựng lều ngủ ngoài trời thành cơm bữa nếu không tìm được chỗ trú chân của đôi vợ chồng trẻ.

Trên hành trình ấy, có lúc nào các bạn gặp hiểm nguy, có lúc nào các bạn muốn bỏ cuộc? Có khi nào các bạn xảy ra bất đồng, cãi vã hay không?  

Khánh Nguyên: Ngày 16/4/2019, bọn mình bắt đầu cho chuyến đi. Phải thú thật là, dù đã chuẩn bị mọi thứ thì chuyến đi của bọn mình vẫn là một cuộc phiêu lưu thật sự mà ở đó là vô vàn khó khăn.

Đó là những khi ở trong rừng, cả hai phải chống chọi với những cơn lạnh tới -4 độ C. Đó là những ngày mưa tầm tã nhưng tụi mình vẫn cố đạp. Nước mưa trút hết vào ủng khiến mọi thứ trở nên nặng nề.

Đó là khi mình đã liên tục bị ngộ độc thực phẩm ở vùng Đông Bắc Ấn Độ, hai tuần sau đó, mình lại gặp nạn, bị bong gân mắt cá chân ở Myanmar.

Đó là những lo ngại về “an toàn giao thông”, những hiểm nguy luôn rình rập trên đường khi phải đạp xe chung với các phương tiện khác, nhất là lúc đi chung đường với xe tải, đi qua đường hầm dài và tối hay lúc đổ đèo qua khúc cua hiểm trở …

Vì vậy nên tụi mình luôn trên tinh thần là cẩn trọng, quan sát xung quanh, hạn chế đặt bản thân mình vào tình thế nguy hiểm. Tìm hiểu thông tin mới nhất những nơi sắp đến để kịp thay đổi lộ trình nếu cần thiết, khúc nào thấy thật sự nguy hiểm thì tụi mình sẽ đón tàu hay đi nhờ phương tiện khác để tránh những nơi đó.

Một lần Nguyên bị sốt

Có thể nói, khó khăn cũng muôn hình vạn trạng, sẽ có những chuyện chẳng ngờ tới có thể đến với mình bất cứ lúc nào, làm đảo lộn mọi thứ. Những lúc đó thì tùy vào tình hình thực tế mà tùy cơ ứng biến, cả hai đều cần bình tĩnh nhanh chóng tìm cách giải quyết.

Trở ngại là một phần của chuyến đi, mình không thể tránh khỏi nên phải chấp nhận đối mặt và tích cực cùng nhau tìm cách giải quyết. Có thể là do tụi mình đã chuẩn bị tinh thần trước rồi nên khi gặp khó khăn nào, tụi mình nhìn nhận mọi chuyện nó nhẹ nhàng đi.

Đôi khi cơ thể mệt mỏi và gặp phải nhiều khó khăn trong cùng một ngày làm mình bị xuống tinh thần, nhưng mình luôn có anh Thibault là chỗ dựa tinh thần vững chắc, có bạn bè và gia đình luôn ở bên ủng hộ động viên.

Hãy làm ngay khi bạn có cơ hội

Và điều các bạn nhận được khi hành trình đã sắp đi đến đích...

Khánh Nguyên: Gần 11 tháng trên đường, mình tin rằng đây là chuyến đi kỳ diệu nhất đến cuộc đời mình. Nếu không có hành trình này, mình sẽ không biết rằng cơ thể, tinh thần và ý chí của mình có thể mạnh mẽ đến vậy.

Mình không biết rằng thế giới bên ngoài rộng lớn đến vậy, có những cảnh quan thiên nhiên choáng ngợp, có những nền văn hóa độc đáo mà chỉ khi bạn thật sự đến và trải nghiệm bạn mới biết nó thú vị đến thế nào.

Mình cũng không biết rằng tình người có ở khắp mọi nơi trên thế giới này, mình đã gặp những người tử tế tốt bụng dù không quen không biết nhưng người ta vẫn mở lòng đối đãi mình bằng cả tấm lòng chân thành của họ, mở cửa nhà và mời tụi mình quây quần bên bữa cơm cùng gia đình họ. Sẵn sàng giúp đỡ tụi mình khi gặp khó khăn…

Mang về những trải nghiệm vô giá không thể nào quên trong đời, mang về vô vàng câu chuyện quý báu về tình người…

Khánh Nguyên: "Hãy làm ngay khi bạn có cơ hội"

Về phần hai đứa mình, chuyến đi phần nào khẳng định cả hai thật sự dành cho nhau. Cùng nhau đi qua những ngày gian nan đầy sóng gió, giải quyết những mâu thuẫn để hiểu nhau hơn, ở bên nhau những ngày ý nghĩa hạnh phúc. Tụi mình biết rằng trong tương lai, sẽ có lúc nào đó phải đối mặt với những khó khăn, nhưng mình tin tưởng cùng nhau sẽ vượt qua tất cả.

Mỗi ngày trôi qua, tụi mình đều trân trọng và tận hưởng những giây phút hiện tại, những nơi mình đến, những người tuyệt vời mà mình gặp. Để khi về sau mỗi khi nhìn lại, không có gì phải tiếc nuối.

Hằn là sẽ hạnh phúc lắm ở thời khắc khi sắp đến biên giới Việt Nam, coi như đích đến của cuộc hành trình đã gần như đạt được?

Khánh Nguyên: Đêm cuối ở Lào khi chỉ còn cách biên giới của khẩu Tây Trang 7km, mình ngước nhìn những vì sao sáng trên trời, cảm xúc rất khó tả. Chỉ sau đêm nay, sau gần một năm rong ruổi trên đường, chúng mình đã trở lại quê hương.

Sáng hôm sau, mình và Thibault đạp xe hướng về cửa khẩu Tây Trang (bản Ka Hâu, xã Nà Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên)...

Không còn nghi ngờ gì nữa, mình đã vỡ òa cảm xúc khi chúng mình đã về đến Việt Nam sau 14.500km, 18 quốc gia, trên 2 chiếc xe đạp thân thương.

Câu chuyện của các bạn thực sự truyền cảm hứng về tình yêu, sự quyết tâm. Khi chúng ta có được những điều đó, chúng ta có thể vượt qua được mọi khó khăn. Điều mà các bạn muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ là gì?

Khánh Nguyên: Trong vài ngày tới, chúng mình sẽ về tới Sài Gòn, chính thức kết thúc chuyến đi 16.000km từ "nhà anh" về "nhà em" và trao tặng tổ chức "Poussìeres de Vie" món quà được đúc kết bằng tình thương yêu và sự tử tế.

Hy vọng hành trình Nón Lá Project sẽ truyền được cảm hứng, truyền động lực và năng lượng tích cực cho các bạn trẻ theo đuổi ước mơ của riêng mình.

Hãy làm ngay khi bạn có cơ hội và hãy luôn đặt niềm tin vào bản thân. Khi bạn đang thực hiện hay đã đạt được ước mơ đó, hãy tìm cách chia sẻ, giúp đỡ những ai đang gặp hoàn cảnh khó khăn, để họ cũng có thể biến ước mơ của họ thành sự thật.

Những dự định của các bạn trong thời gian tới như thế nào?

Khánh Nguyên: Vợ chồng mình cũng tính sẽ ở lại Việt Nam vài năm tiếp tục xây dựng sự nghiệp, còn về lâu về dài thì tụi mình chưa nghĩ tới sẽ sống ở đâu, tương lai mình cũng không biết trước được điều gì.

* Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trong suốt chuyến đi, Thibault và Khánh Nguyên mong muốn có thể kêu gọi gây quỹ cho tổ chức phi lợi nhuận "Poussìeres de Vie" (Dust of Life), nơi cho phép những đứa trẻ từ những gia đình nghèo khó được đến trường, được đào tạo và được hỗ trợ tìm việc làm khi các em trưởng thành.

"Nón Lá Project" dự kiến kêu gọi 1 USD cho mỗi km đạp xe. Như vậy, chuyến hành trình dài 16.000 km từ Pháp về Việt Nam sẽ nhận được số tiền gây quỹ tương đương 16.000 USD, và toàn bộ số tiền quyên góp này sẽ chuyển trực tiếp tới "Poussìeres de Vie".

Cho đến bây giờ, sau khi hoàn thành 14.500 km, "Nón Lá Project" đã nhận được 13.384 USD, tiến sát gần hơn kế hoạch đề ra từ ban đầu.

N. Huyền (thực hiện)

Cuộc thi sáng tạo STEM thu hút hàng trăm nghìn giáo viên, học sinh tham gia

Cuộc thi nhằm đem đến cho các em học sinh cơ hội ứng dụng kiến thức giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để tìm ra và hiện thực hóa các giải pháp sáng tạo.

Hồ Quỳnh Hương tiết lộ bạn trai hơn 2 tuổi, yêu mặn nồng nhưng chưa muốn cưới

Dịp trở lại âm nhạc với MV 'Cứ để cho em', ca sĩ Hồ Quỳnh Hương xác nhận đang yêu một người đàn ông hơn 2 tuổi.

Giảng viên trình độ giáo sư, tiến sĩ phía Bắc nhiều hơn các vùng khác cộng lại

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay quy mô và chất lượng giảng viên được nâng lên rõ rệt trong những năm qua. Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, số người có trình độ tiến sĩ bằng cả nước cộng lại.

Cô gái miền Tây đổi đời nhờ vịt con duyên dáng, bất ngờ nổi tiếng châu Á

Câu chuyện cô gái Vĩnh Long đổi đời nhờ vịt con nở ra từ quả trứng hỏng được chọn làm thành phim, công chiếu trên kênh Discovery Asia đang thu hút sự chú ý của nhiều người châu Á.

Gác bằng thạc sĩ, chàng trai Cần Thơ về quê làm nông dân kiếm 1 tỷ đồng/năm

Có 2 bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ nhưng Dương Đình Tuyễn ở TP Cần Thơ vẫn quyết định về quê chăm sóc khu vườn của gia đình, nhờ vậy anh có doanh thu cả tỷ đồng/năm.

'Khóc ròng' ở trường quốc tế học phí tiền tỷ: Đi không được, ở cũng không xong

Tin tưởng nhà trường, không ít phụ huynh ‘xuống tiền’ cho vay từ vài tỷ đến chục tỷ. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập với mức chi phí 0 đồng. Đây cũng là nguồn cơn khiến nhiều phụ huynh ‘khóc ròng’ vì chờ mòn mỏi nhưng không đòi được “nợ”.

Học sinh lớp 11 Hà Nội lọt nhóm đầu tư chứng khoán xuất sắc tại trường Mỹ

Trong vòng 1 tháng khi tham gia trên sàn giao dịch chứng khoán ảo, Thái Toàn làm tăng khối lượng “tài sản” từ 1 triệu USD lên 7,5 triệu USD.

Tình tiết lạ vụ học sinh nghi bị thầy giáo đánh phù nề vùng đầu

Một số học sinh khẳng định thầy giáo có dùng que nhỏ đánh vào đầu Q., nhưng số khác cho biết do Q. đi xe đạp buông hai tay nên bị ngã ra đường.

Dòng họ nức tiếng có 3 cha con cùng đỗ tiến sĩ, nhiều năm làm quan lớn

Dòng họ Phan Huy ở Hà Tĩnh vang danh cả nước về truyền thống hiếu học, khoa bảng, có nhiều hiền tài được sử sách lưu danh. Trong đó, có 3 cha con Phan Huy Cẩn cùng đỗ tiến sĩ, đóng góp nhiều công trạng cho đất nước.

Ý kiến trái chiều về đề xuất người dưới 18 tuổi đi xe máy điện phải có bằng lái

Đại diện Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị bổ sung quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi đi xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối (50cc) phải có bằng lái nhưng nhiều ý kiến không đồng tình.

Đang cập nhật dữ liệu !