Giật mình khi gần 50% học sinh TPHCM thừa cân, béo phì
Các học sinh tham gia phần thi tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng |
Chiều 22/12, Sở GDĐT phối hợp cùng Sở Y tế TPHCM tổ chức hoạt động truyền thông và hội thi kiến thức về dinh dưỡng trong chương trình tuyên truyền chiến lược quốc gia về dinh dưỡng năm 2015.
Hơn 300 học sinh THCS đến từ 12 trường trong thành phố đã tham gia thi tài ở các phần thi về kiến thức dinh dưỡng, tiểu phẩm và đồng diễn thể dục. Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, đầu tư cho dinh dưỡng là đầu tư cho nguồn nhân lực, cho sự phát triển của đất nước.
Thành phố hiện đang đối mặt với hàng loạt thách thức về sức khỏe học đường như tình trạng cận thị, cong vẹo cột sống, béo phì, suy dinh dưỡng… cũng như nguy cơ lây lan các dịch bệnh trong trường học, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Vì thế, hoạt động này nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về dinh dưỡng, rèn luyện sức khỏe học sinh, tạo cho người dân có ý thức quan tâm đến dinh dưỡng.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM nhấn mạnh, chỉ sau 5 năm (từ 2009 – 2014), tỉ lệ học sinh béo phì của TPHCM đã tăng từ 4% lên 19%, tỉ lệ trẻ thừa cân tăng từ 14,6% lên 22,4%. Càng ở các cấp học nhỏ tuổi, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì càng nhiều.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng tiếp các phụ huynh đến khám cho con, người nào cũng hỏi con tôi cao như thế, nặng như thế có suy dinh dưỡng không. Thực ra, phần lớn các cháu nhìn thấy gầy gầy mới là phát triển bình thường, nhưng tâm lý chung của các bậc cha mẹ, ông bà đều muốn con cháu mình phải bụ bẫm mà không biết rằng, trẻ như vậy đã là thừa cân hoặc béo phì”.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thói quen dinh dưỡng không hợp lý, chế độ ăn không cân đối, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều đường, uống ít sữa hoặc chọn không đúng loại sữa.
Bác sĩ Ngọc Diệp cho biết, học sinh hiện nay ăn quá ít rau quả, số học sinh ăn 2-3 phần rau/ngày chỉ chiếm từ 5-7%. “Nhiều phụ huynh phàn nàn rằng do trường cho con họ ăn như vậy nhưng họ không nhận ra rằng, lượng thức ăn trẻ ăn ở trường chỉ chiếm 50%, còn lại là ăn ở gia đình.
Trong trường các thầy cô bớt cơm, bớt khẩu phần của trẻ béo phì thì đón ra cổng, cha mẹ lại mua nước ngọt, xúc xích cho con ăn, như vậy thì làm sao có tác dụng”, bác sĩ Ngọc Diệp chia sẻ.
Đáng giật mình hơn, khi tiến hành khảo sát ở 30 trường học tại TPHCM, có đến 15,4% học sinh bị tăng huyết áp. Bác sĩ Ngọc Diệp nhấn mạnh, gần như 100% trẻ béo phì đều tăng huyết áp. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại về sức khỏe học đường.
Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM đưa các khuyến nghị: cần có chương trình can thiệp nhanh, đồng bộ, hiệu quả nhằm khống chế sự gia tăng thừa cân, béo phì; Rà soát, sửa đổi, xây dựng các quy định cụ thể về vận động, dinh dưỡng trong trường học; Giao chỉ tiêu kiểm soát học sinh thừa cân, béo phì cho các trường; Tăng cường nhân lực phụ trách y tế, bán trú.
Đồng thời, phải phát hiện sớm các rối loạn dinh dưỡng trong học sinh, hướng dẫn học sinh tăng cường vận động, chuẩn hóa thực đơn bữa ăn học đường và triển khai “căng tin lành mạnh” trong mỗi trường học.