Thúy Vân… "hết mình trong yêu, hấp dẫn, quyến rũ bạn tình"?

Ở nước ta, chưa có tác phẩm nào được mọi người quan tâm khảo cứu, bình giảng, bàn luận, chú giải nhiều như Truyện Kiều.

Đã có rất nhiều phát hiện, đánh giá chí lý tôn vinh Truyện Kiều nhưng cũng có không ít quan điểm khá “kỳ cục”, “lập dị” về các nhân vật trong kiệt tác này. Nguyên do, một số nhà nghiên cứu đã “lạc lối” trong tra cứu “khu rừng” Từ điển và tài liệu liên quan đến Truyện Kiều, nhầm lẫn trong việc lựa chọn câu Kiều dị bản để chú giải, hoặc đi theo vết xe chệch hướng của những người đi trước (mà sau này chính họ đã sửa sai, đính chính)...

Thúy Vân…

Bài 1: Thúy Vân… “hết mình trong yêu, hấp dẫn, quyến rũ bạn tình”?

“Truyện Kiều khảo - chú - bình” (NXB Lao Động, 2015) do Tiến sỹ Phan Tử Phùng chủ biên là ấn bản chào mừng 250 năm ngày sinh Nguyễn Du được biên soạn khá công phu, hình thức đẹp, tập hợp rất nhiều ý kiến của các học giả từ xưa tới nay, đồng thời đưa ra quan điểm về nhiều vấn đề nghiên cứu phức tạp. Song chúng tôi thấy, trong quá trình chú giải, một số nội dung đã bị suy luận chủ quan, đẩy đi quá xa so với nguyên tác.

Câu 20 Truyện Kiều tả Thúy Vân: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, đa số các nhà Kiều học từ xưa đến nay chú giải “nét ngài” là nét lông mày. Riêng nhóm tác giả biên soạn thì hiểu về “nét ngài nở nang” theo kiểu “bẻ chữ” như sau: “nét ngài nở nang” = “nét” + “ngài nở nang”. Theo đó:

- “ngài” là con bướm đêm, còn “ngài nở nang là con ngài cái” vì: “nhìn thấy con nào có cái bụng nở nang và thân hình to, mập mạp thì biết ngay là con cái và con gầy hơn là con đực” (trang 117 sđd);

- “nét”: nhóm soạn giả chọn nghĩa thứ 4 của từ này trong Từ điển Tiếng Việt 1992 (cố GS Hoàng Phê chủ biên) là: “Điểm cơ bản tạo nên, khắc họa nên cái chung (Nét chính của tác phẩm. Nét nổi bật..)”, mà “nét” - điểm chung nổi bật của “ngài nở nang = con ngài cái” là: “Tập tính loài ngài, toát ra chất hóa học, hương vị cực mạnh thu hút ngài đực”.

Tóm lại, soạn giả hiểu “nét/ngài nở nang” của Thúy Vân là: “Hết mình trong tình yêu, hấp dẫn, quyến rũ bạn tình”.

Quả là tội nghiệp cho cô Thúy Vân mỏng manh như cành mai, tâm hồn trong trắng thơ ngây (Mai cốt cách, tuyết tinh thần); gia giáo lễ phép không màng tới chuyện gái trai (Êm đềm trướng rủ, màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai) bị gán cho đặc điểm của con ngài cái mập mạp có đặc trưng là luôn chủ động đi thu hút con đực, “dẫn dụ ngài đực ở nơi xa đến giao phối” (sđd) bằng cách tiết ra chất hóa học!

Tiếp đến câu 1213: “Khi khóe hạnh, khi nét ngài”, trong khi hầu hết các nhà Kiều học hiểu đây là cách Tú Bà dạy Kiều câu khách làng chơi, gợi tình bằng cách liếc mắt, đưa mày (mà dân gian gọi là “đầu mày cuối mắt”, “chân mày khóe mắt, “đá lông nheo”…), riêng nhóm biên soạn lại giải thích theo hướng: “nét ngài” = nét + ngài = đặc trưng của con ngài (bướm đêm) nói chung là: “xúm sít quây quần bên bạn tình, hết mình trong tình yêu” và “bay nhanh, ít đậu, hướng sáng, xúm xít giao phối…”. “Khi nét ngài: là phải tỏ ra vui tươi, nhí nhảnh, hấp dẫn và quấn quýt bên khách” (trang 446 sđd).

Chúng tôi xin được trao đổi lại với ban biên soạn như sau:

Thứ nhất: Một số từ tiếng Việt thời Nguyễn Du có nghĩa không hoàn toàn giống với tiếng Việt thời nay. Mấu chốt của vấn đề này nằm ở từ “nở nang”. Từ điển Tiếng Việt gần thời Truyện Kiều ở thế kỷ 19 tiêu biểu là Ðại Nam quốc âm tự vị (Sài Gòn, 1895) của Huỳnh - Tịnh Paulus Của đã giải thích: “nở nang” có hai nghĩa : 1. nở ra tươi tốt; 2. đẹp đẽ. Nó không hoàn toàn giống nghĩa từ “nở nang” như ngày nay chúng ta hiểu. Có lẽ do bị ám ảnh bởi nghĩa hiện đại của từ này là: (cơ thể, bộ phận cơ thể) phát triển một cách đầy đặn nên nhóm biên soạn đã đi theo hướng gán cho Nguyễn Du tả về cơ thể con bướm đêm (ngài), chứ không phải tả lông mày Thúy Vân. Nhưng thật đáng tiếc, nếu hiểu như vậy, nhóm biên soạn sẽ chú giải câu 2482 (Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha) thế nào đây? Là mặt mày bị phình to ra ư? Không, không thể, “nét ngài nở nang” và “nở nang mày mặt”, rồi “nở mặt, nở mày” chỉ có thể là sự rạng rỡ, tươi tắn trên nét mày, khuôn mặt mà thôi!

Đây là sự lạc lối đầu tiên, cơ bản nhất dẫn đến hàng loạt suy luận sai khác.

Tương tự với từ “nét” cũng vậy. Từ này, thời Nguyễn Du (thế kỷ 19) được ghi nhận trong nhiều từ điển cùng thời như Từ điển Taberb (1838), Đại Nam quốc âm tự vị (1895) v.v.. rất rõ ràng, không có nghĩa là “Điểm cơ bản tạo nên, khắc họa nên cái chung” như Từ điển Tiếng Việt hiện đại.  Và, điều quan trọng hơn cả là từ “nét” được Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều 12 lần, nghĩa của nó chỉ liên quan đến viết, vẽ như: nét vàng, nét bút, nét vẽ; hoặc liên quan hình dáng, biểu hiện nét mặt như: nét hoa, nét buồn, nét nào, tỏ nét chứ không có trường hợp nào mang nghĩa trừu tượng “Điểm cơ bản tạo nên, khắc họa nên cái chung” cả. Kể cả “nét ngài” trong “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” (câu 20) và “Khi khoé hạnh, khi nét ngài” (câu 1213) cũng không ngoại lệ, chỉ là nét lông mày đẹp; nét xuân sơn trong “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn” (câu 25) là lông mày phơn phớt xanh như núi mùa xuân; nét nguyệt trong “Dường chau nét nguyệt, dường phai vẻ hồng” (câu 1218) thì “chau nét nguyệt” chính là nhăn mày. “Nét thu” trong “Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng” (câu 348) là ánh mắt long lanh như nước mùa thu, vì “thu ba” là sóng thu, ước lệ cho ánh mắt (được nói tắt là “thu”), hình ảnh những gợn sóng mùa thu liên hệ với “nét” phù hợp, dễ cảm nhận cho ra “nét thu ba” nói tắt là “nét thu”.

Thứ hai: Cách bẻ chữ làm nhịp thơ bị gẫy

Nếu coi “nét ngài nở nang” = nét (đặc trưng) + ngài nở nang (con ngài cái) như sách đã dẫn thì độc giả buộc phải đọc câu thơ 20 thành “Khuôn/ trăng đầy đặn, nét/ ngài nở nang”. Đọc thơ kiểu này rất khó vào tai, gượng ép, âm thanh không còn uyển chuyển, du dương của khuôn nhịp thơ Kiều nữa. 

Thứ ba: Có sự mâu thuẫn trong cách hiểu về cấu trúc từ ghép “nét ngài”

Cùng một từ ghép “nét ngài”, ở câu 1213 thì ban biên soạn đọc không tách rời: “Khi khoé hạnh/ khi nét ngài” (trang 19 sđd khi soạn giả bàn về khuôn nhịp các câu lục), nhưng ở câu 20 thì lại chiết tự, tách rời từ “ngài” ra khỏi từ “nét”, cho đi với “nở nang” thành: “Khuôn trăng đầy đặn, nét/ ngài nở nang”. Rất mâu thuẫn!

Thứ tư: Nga vốn là con ngài (bướm), nhưng khi nga mi nói tắt thành nga thì nga (ngài) lại là lông mày.

Với quan hệ ngữ pháp giữa hai từ đơn tiết ghép lại thành cặp như “nét ngài”, phổ biến người ta vẫn đọc: “Khuôn trăng/ đầy đặn, nét ngài/ nở nang”, vì câu thơ có hai vế đối cân bằng, hài hòa, trong đó đầy đặn bổ nghĩa cho khuôn trăng, nở nang bổ nghĩa cho nét ngài. Do vậy chỉ có cách đọc nét ngài/ nở nang mới hợp lý, trong đó nét ngài là danh từ/chủ ngữ, nở nang là tính từ/vị ngữ. Khi đã xác định được đúng từ loại, chủ ngữ - vị ngữ của vế tiểu đối đó rồi, việc tiếp theo là ta cần khẳng định “nét ngài” là nét lông mày hay nét (đặc trưng) của con bướm ngài.

Hán Việt tự điển của Thiều Chửu (NXB Đà Nẵng, 2005) mục từ NGA: “đàn bà con gái lông mày nhỏ gọi là nga mi (mày ngài), có khi gọi tắt là nga, như song nga: hai hàng lông mày”. Như vậy, nga mi (lông mày đẹp) nói tắt thành nga, tương tự mày ngài nói tắt thành ngài để chỉ lông mày, thu ba (sóng thu - chỉ ánh mắt) nói tắt là thu. Nét ngài chính là nét lông mày. Song nga là hai hàng lông mày chứ không phải hai con bướm ngài.

Thứ năm: Tại sao lại gọi là “nét ngài”?

Trong Truyện Kiều khảo - chú - bình, ban biên soạn có nêu ra thắc mắc: Tại sao trong Truyện Kiều mày ngài dùng cho cả nam (Từ Hải) và nữ (mấy cô gái ở lầu xanh) nhưng nét ngài chỉ dùng cho nữ (Thúy Vân, Thúy Kiều…). Về vấn đề này, học giả An Chi đã trả lời trên Kiến thức ngày nay Online ngày 07-6-2006 như sau:

“Sở dĩ Nguyễn Du không dùng nét ngài cho nam giới thì, đơn giản chỉ vì các đấng mày râu chẳng làm gì có nét ngài. Trên Kiến thức ngày nay 103, chúng tôi có dẫn lời của Từ Thới Đống trong Yên Tự lâu bút ký, giải thích tại sao cả nam lẫn nữ đều có lông mày (mi) nhưng chỉ riêng đàn ông mới được lấy lông mày làm đặc trưng cho giới của mình mà gọi là tu mi (mày râu). Từ Thời Đống trả lời đại ý rằng ngày xưa đàn bà đều cạo lông mày nên người ta coi như họ không có thứ của trời cho này. Nhưng họ không chịu để trống chỗ đã cạo mà lại lấy một thứ phấn màu xanh đen, gọi là đại, để vẽ thay vào chỗ lông mày kia. Cái đường, cái vệt lông mày vẽ, thay vào đó chính là cái mà Nguyễn Du của chúng ta gọi là “nét ngài”. Có vẽ mới có “nét”. Đàn ông không vẽ lông mày thì làm sao có được nét ngài?”.

Vậy đó, “nét ngài” là nét lông mày chứ không phải là nét (đặc trưng) của con bướm ngài.

Do vậy, điều đầu tiên và mấu chốt nhất ở đây là phải hiểu đúng về từ nở nang, muốn làm được điều này chúng ta hãy liên hệ chặt chẽ với câu 2482 (Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha) và câu 2993 (Nghe tin nở mặt, nở mày) sẽ thấy rằng nở nang ở đây Nguyễn Du dùng để tả lông mày, vẻ mặt. Nét ngài nở nang là nét lông mày tươi đẹp, rạng rỡ chứ không phải là đặc trưng của con ngài cái. Hiểu cặn kẽ văn bản, từ ngữ Nguyễn Du dùng mới mong không bị “lạc lối” trong chú giải Truyện Kiều.

Theo Nguyễn Dương/An ninh Hải Phòng

Giao lưu văn hóa sưu tập tem nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ

Chương trình Giao lưu văn hóa sưu tập tem sẽ giúp học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) thêm yêu quê hương đất nước, góp phần phát triển phong trào sưu tập tem trong trường học.

Nữ sinh Trường Newton và hành trình giành học bổng toàn phần đại học top đầu thế giới

Tháng Tư luôn là giai đoạn sôi động nhất của việc apply học bổng của các học sinh có khát vọng tìm kiếm những môi trường giáo dục lý tưởng trên phạm vi toàn cầu.

Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp

Vừa qua, Trường THCS- THPT Newton đã tổ chức hội thảo “Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp”.

Tuyển sinh 2022: Thí sinh trúng tuyển đại học xác nhận nhập học từ hôm nay

Từ hôm nay (18/9), Bộ GD&ĐT sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến; hạn cuối xác nhận nhập học là 17h ngày 30/9/2022.

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh triển khai phương án phòng, chống virut Corona

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản số 132/SGDĐT-CTTT gửi Trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở; Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh do virut Corona gây ra.

Hải Phòng: Nhiều trường học "nhắc nhở" phụ huynh phòng chống vi rút Corona

Trong ngày 30, 31/1, nhiều trường học tại thành phố Hải Phòng đã có thông báo gửi đến phụ huynh, học sinh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona.

Dọn phòng, bố ngỡ ngàng phát hiện Bộ luật “phải tuân chỉ” của con trai lớp 5

Một học sinh lớp 5 (ở Thanh Hóa) đã tự đề ra bộ luật 21 điều “phải tuân chỉ” riêng cho bản thân khiến cha mẹ vô cùng ngỡ ngàng.

Diễn biến mới nhất vụ hàng chục học sinh ở Đắk Lắk mang "hàng nóng" đi hỗn chiến

Vụ hàng chục học sinh tham gia chuẩn bị đánh nhau tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, các số liệu của nhà trường cung cấp cho báo chí và cơ quan chức năng đã "vênh" nhau một cách khó hiểu.

"Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 của Hà Nội đưa ra yêu cầu hoàn toàn phi lí"

Đó là chia sẻ của TS. Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên trườn THPT Chu Văn An (Hà Nội) về đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 của Hà Nội.

Xã hội càng "trí tuệ nhân tạo" sẽ càng cần "nhân văn số"

Ở Việt Nam, rô-bốt đã làm thay chức năng của nhân viên trong thư viện. Như vậy, để thấy viễn cảnh rô-bốt thay thế hoàn toàn con người trong một số lĩnh vực kỹ thuật không còn xa nữa. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là rô-bốt có thể thay thế mọi lĩnh vực...

Đang cập nhật dữ liệu !