10 chủ đề nóng của giáo dục năm 2017

Chương trình giáo dục phổ thông mới, mưa điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia, điểm chuẩn ngành Sư phạm thấp… là vấn đề gây xôn xao dư luận.
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

Tháng 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vấp phải khá nhiều phản ứng từ chuyên gia giáo dục, giáo viên, học sinh bởi có quá nhiều môn học mới lần đầu xuất hiện, chương trình học nặng nề.

PGS Đặng Quốc Bảo (nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục) và nhiều nhà giáo dục khác nghi ngại, chương trình theo dự thảo này sẽ làm xáo trộn tình hình dạy và học hiện nay, nhất là khi đội ngũ giáo viên chưa được chuẩn bị. Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sau đó phải điều chỉnh lại, theo hướng tiếp thu ý kiến của dư luận.

Theo kế hoạch, chương trình phổ thông mới được triển khai từ 2018-2019 nhưng các trường phổ thông, Sở Giáo dục đều cho rằng quá gấp gáp. Một năm không đủ để chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đáp ứng dạy học tốt cho chương trình mới này. Chính phủ sau đó trình Quốc hội quyết định lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, chậm nhất đến năm học 2020-2021.

Đổi mới thi THPT quốc gia và "mưa điểm 10"

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hầu hết môn trắc nghiệm, trừ Ngữ văn. Các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) lần đầu được xuất hiện. 24 thí sinh trong một phòng, mỗi em làm một mã đề trắc nghiệm. Cả kỳ thi kéo dài 2,5 ngày, thí sinh được dự thi tại tỉnh nhà.Trái với những lo ngại về hình thức thi trắc nghiệm, nhất là với các môn Toán, Lịch sử, kỳ thi diễn ra gọn nhẹ, giống như thi học kỳ. Cả phụ huynh và học sinh đều hài lòng với cách thức tổ chức thi, đề thi. Bộ Giáo dục đánh giá "rất thành công, sẽ áp dụng phương thức tổ chức thi này cho nhiều năm sau".

Đến ngày công bố điểm thi THPT quốc gia, cả nước lại xôn xao khi "mưa điểm 10". Có hơn 4.000 điểm tuyệt đối, so với kỳ thi năm 2016 cao gấp hơn 50 lần. Thứ trưởng Giáo dục giải thích “không bất thường” bởi “cách ra đề trắc nghiệm khách quan chuẩn hóa, 60% câu hỏi cơ bản, 40% câu hỏi phân hóa, nhưng nội dung bao quát toàn bộ chương trình học”.

29 điểm ba môn vẫn trượt vì điểm cộng


Mùa tuyển sinh 2017 chứng kiến sự tăng đột biến điểm chuẩn các ngành "hot" như công an, quân đội, y dược. Điểm trúng tuyển trung bình của 7 trường công an đứng cao nhất - 26,67, tức mỗi môn trong tổ hợp phải đạt trung bình 8,9. Điểm chuẩn trung bình của 15 trường có đào tạo Y Dược là 24,63, xếp thứ hai.

Một số ngành còn lấy mức trúng tuyển vượt điểm tuyệt đối. Học viện An ninh nhân dân, Đại học Phòng cháy chữa cháy lấy chuẩn cho nữ, lần lượt 30,5 (ngành Ngôn ngữ Anh, khối D1) và 30,25 (phía Bắc, khối A). Như vậy, với điểm thi tối đa ba môn là 30, nếu không được cộng ưu tiên, thí sinh vẫn bị trượt.

Bất cập về điểm ưu tiên xảy ra ở một số khối ngành khác khi có thí sinh đạt điểm thi cao vẫn bị trượt, bạn điểm thi thấp hơn được cộng ưu tiên lại đỗ. Thống kê mùa tuyển sinh năm 2017 của Đại học Y Hà Nội, ngành Y đa khoa chiếm nhiều chỉ tiêu nhất của trường, có hơn 80% thí sinh đỗ nhờ cộng điểm.

Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ thừa nhận chính sách cộng điểm ưu tiên đã có những bất cập. Bộ sẽ lắng nghe để có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

3 điểm mỗi môn đỗ cao đẳng Sư phạm


Câu chuyện điểm chuẩn thấp của các trường Sư phạm khiến dư luận "dậy sóng". Ở khối đại học, trừ hai trường lớn là Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM, phần đông trường lấy điểm trúng tuyển bằng hoặc hơn một chút so với mức sàn của Bộ Giáo dục là 15,5. Trong số này có các cơ sở được Bộ Giáo dục xác định là “trường sư phạm trọng điểm” như: Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Thái Nguyên.

Nhiều Cao đẳng Sư phạm ở địa phương điểm trúng tuyển các ngành đào tạo giáo viên chỉ đạt 9-10, tức trung bình mỗi môn 3 điểm.

Nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội Đinh Quang Báo đã thốt lên: "3 điểm mỗi môn đỗ ngành sư phạm là không thể chấp nhận". Cố phó giáo sư Văn Như Cương thì cho rằng "ra trận mà lính yếu ớt thì còn đánh được ai. Đầu vào trường Sư phạm thấp thì đầu ra cũng không thể cao được".Bộ trưởng Giáo dục đã triệu tập cuộc họp với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm và khẳng định “từ năm 2018 sẽ quy định mức riêng đối với trường đại học, cao đẳng sư phạm và ngành đào tạo giáo viên”. Bộ đồng thời quy hoạch lại mạng lưới các trường để tránh tuyển sinh ồ ạt khiến dư thừa nhân lực ngành này.

"Mùa Vàng" của đội tuyển Olympic quốc tế


Kết quả của đội tuyển Việt Nam thi Olympic quốc tế năm 2017 là điểm sáng lớn nhất của ngành giáo dục năm qua. Cả mùa Olympic khu vực và quốc tế, Việt Nam có 14 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 4 huy chương đồng và 3 bằng khen. Đây là thành tích cao nhất trong lịch sử dự thi Olympic khu vực và quốc tế các môn văn hóa dành cho học sinh phổ thông của Việt Nam.

Đặc biệt, trong đoàn thi Olympic Toán, học sinh Hoàng Hữu Quốc Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đạt điểm cá nhân cao nhất cả kỳ thi, cùng 2 thí sinh khác của Iran và Nhật Bản.

Các thành tích khác của học Viêt Nam như lần đầu tiên đạt huy chương vàng môn Khoa học tại Olympic Toán và Khoa học quốc tế; nam sinh Quảng Trị hai lần bị từ chối visa đạt giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tổ chức ở Mỹ... cũng là những điểm sáng trong bức tranh giáo dục năm 2017.Bảng xếp hạng đại học gây tranh cãi

Đầu tháng 9, nhóm sáu chuyên gia Việt Nam đến từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã công bố bảng xếp hạng cơ sở giáo dục Việt Nam năm học 2016-2017. 49 trường được xếp hạng và cho kết quả khá bất ngờ. Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất với điểm tổng thể vượt xa đại học khác. Bốn vị trí tiếp theo lần lượt là Tôn Đức Thắng, Nông nghiệp, Đà Nẵng và Đại học Quốc gia TP HCM.

Nhiều trường trẻ đứng ở thứ hạng cao, như Tôn Đức Thắng thứ hai, Duy Tân thứ chín, trong khi nhiều đại học lâu đời, điểm chuẩn đầu vào cao, lại đứng giữa hoặc cuối bảng. Cụ thể, Y Hà Nội xếp thứ 20, Ngoại thương thứ 23, Kinh tế Quốc dân thứ 30, Học viện Tài chính thứ 40, Học viện Ngân hàng ở vị trí 47.

Ngay sau khi công bố, nhiều trường bày tỏ nghi ngờ về tính chính xác bảng xếp hạng, khi nhóm nghiên cứu không liên hệ với trường đề nghị cung cấp số liệu. Việc chỉ xếp hạng 49 trong hơn 300 trường đại học toàn quốc cho thấy mức độ tin cậy không cao, không thể xem là "đem lại tiếng nói độc lập, trung thực về bức tranh tổng thể của đại học Việt Nam hiện nay" như nhóm tuyên bố.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc xếp hạng đại học là đòi hỏi khách quan để các trường biết mình mạnh yếu điểm nào, học sinh biết để định hướng lựa chọn trường. Đây cũng là cách để các trường tiếp cận với thế giới.

Ý kiến trái chiều việc bỏ hay giữ hội phụ huynh

Trung tuần tháng 9, ông Võ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP HCM) đã gửi đơn lên các cơ quan quản lý giáo dục đề nghị giải tán hội phụ huynh. Là cha của ba đứa trẻ, ông Bình tỏ ra bức xúc khi cứ dịp đầu năm thì điệp khúc thu tiền lại được hội phụ huynh lặp lại. Vai trò của hội đang bị biến tướng với mục tiêu "phụ thu học sinh".

Ông Bình cho rằng hội phải là nơi gắn kết cha mẹ học sinh, kết nối với nhà trường nhằm chăm lo việc học cho con em tốt nhất, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn. "Ngân sách hàng năm cho giáo dục rất đáng kể, cơ sở vật chất nhà trường có nhà nước lo vậy hà cớ gì cứ đầu năm là phụ huynh thu để lắp máy lạnh, sửa nền gạch, sửa nhà vệ sinh?", ông bố nói.

Đề xuất của ông Bình nhận được sự ủng hộ của phụ huynh. Các tỉnh thành sau đó đã ra văn bản chấn chỉnh tình trạng lạm thu, kỷ luật hiệu trưởng sai phạm.

Đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục

Đề án đào tạo 23.000 giảng viên tiến sĩ với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách 14.000 tỷ đồng sau 5 năm được đánh giá "không đạt mục tiêu" khi đến nay mới có 3.000 tiến sĩ. Tiếp nối đề án và để đáp ứng nhu cầu cao về giảng viên tiến sĩ cho nền giáo dục Việt Nam, đầu tháng 10 Bộ Giáo dục xây dựng dự thảo đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030. Tổng chi phí ước tính 12.000 tỷ đồng với 94% từ ngân sách nhà nước.Dự thảo đề án này gây tranh luận trái chiều từ chuyên gia, dư luận khi Việt Nam đã có hơn 24.000 tiến sĩ, nhưng "kết quả nghiên cứu khoa học tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN", theo đánh giá của Bộ Giáo dục. Trong giai đoạn 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ.

Giáo viên mầm non nhận lương hưu 1,3 triệu đồng

Cuối tháng 10, câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng sau 35 năm công tác của cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) đã làm nóng dư luận. Nhiều người bày tỏ sự cảm thông, thương cho thầy cô nói chung và giáo viên mầm non nói riêng làm công việc vất vả nhưng lại nhận được ưu đãi thấp. Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ trong cuộc trao đổi bên lề Quốc hội chia sẻ "rất trăn trở" với mức lương hưu "1,3 triệu đồng thì sao sống được".

Cô giáo Lan không phải trường hợp cá biệt, riêng tỉnh Hà Tĩnh có hơn 200 giáo viên mầm non đang hưởng lương hưu bằng với mức lương cơ sở - 1,3 triệu đồng. Còn theo thống kê của Bộ Giáo dục, sau 35 năm công tác, lương giáo viên các cấp chỉ từ 9,1 đến 10,5 triệu đồng; sau 18 năm mức lương là 7,2-8,5 triệu. Người mới ra trường lương chỉ 3,2-3,9 triệu đồng.

Trong dự thảo sửa đổi Luật giáo dục công bố tháng 11, Bộ Giáo dục đề xuất nâng mức lương của nhà giáo lên "cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp".Đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ

Cuối tháng 11, cả nước xôn xao trước đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS Bùi Hiền. So với bảng chữ cái hiện hành, bảng mới bổ sung 4 chữ cái Latinh F, J, W, Z và bỏ chữ Đ trong bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành. Giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có cũng được thay đổi. Theo đó, từ Giáo dục sẽ được viết mới thành Záo zụk, tiếng Việt thành tiếq Việt…

Đông đảo dư luận phản đối đề xuất này. Bộ Giáo dục và Chính phủ sau đó phản hồi về đề tài khoa học này. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 1/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ và Bộ Giáo dục chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ.

Giao lưu văn hóa sưu tập tem nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ

Chương trình Giao lưu văn hóa sưu tập tem sẽ giúp học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) thêm yêu quê hương đất nước, góp phần phát triển phong trào sưu tập tem trong trường học.

Nữ sinh Trường Newton và hành trình giành học bổng toàn phần đại học top đầu thế giới

Tháng Tư luôn là giai đoạn sôi động nhất của việc apply học bổng của các học sinh có khát vọng tìm kiếm những môi trường giáo dục lý tưởng trên phạm vi toàn cầu.

Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp

Vừa qua, Trường THCS- THPT Newton đã tổ chức hội thảo “Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp”.

Tuyển sinh 2022: Thí sinh trúng tuyển đại học xác nhận nhập học từ hôm nay

Từ hôm nay (18/9), Bộ GD&ĐT sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến; hạn cuối xác nhận nhập học là 17h ngày 30/9/2022.

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh triển khai phương án phòng, chống virut Corona

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản số 132/SGDĐT-CTTT gửi Trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở; Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh do virut Corona gây ra.

Hải Phòng: Nhiều trường học "nhắc nhở" phụ huynh phòng chống vi rút Corona

Trong ngày 30, 31/1, nhiều trường học tại thành phố Hải Phòng đã có thông báo gửi đến phụ huynh, học sinh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona.

Dọn phòng, bố ngỡ ngàng phát hiện Bộ luật “phải tuân chỉ” của con trai lớp 5

Một học sinh lớp 5 (ở Thanh Hóa) đã tự đề ra bộ luật 21 điều “phải tuân chỉ” riêng cho bản thân khiến cha mẹ vô cùng ngỡ ngàng.

Diễn biến mới nhất vụ hàng chục học sinh ở Đắk Lắk mang "hàng nóng" đi hỗn chiến

Vụ hàng chục học sinh tham gia chuẩn bị đánh nhau tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, các số liệu của nhà trường cung cấp cho báo chí và cơ quan chức năng đã "vênh" nhau một cách khó hiểu.

"Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 của Hà Nội đưa ra yêu cầu hoàn toàn phi lí"

Đó là chia sẻ của TS. Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên trườn THPT Chu Văn An (Hà Nội) về đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 của Hà Nội.

Xã hội càng "trí tuệ nhân tạo" sẽ càng cần "nhân văn số"

Ở Việt Nam, rô-bốt đã làm thay chức năng của nhân viên trong thư viện. Như vậy, để thấy viễn cảnh rô-bốt thay thế hoàn toàn con người trong một số lĩnh vực kỹ thuật không còn xa nữa. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là rô-bốt có thể thay thế mọi lĩnh vực...

Đang cập nhật dữ liệu !