Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: May ra đến 2021 mới có hệ thống thu phí ô tô vào trung tâm
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm. |
Theo ông Lâm, việc nghiên cứu thu phí xe vào trung tâm đã có trong chủ trương của Chính phủ từ năm 2010. Kèm theo đó là nhiều giải pháp khác như tăng phí giữ xe, hạn chế xe vào một số khu vực… với mục đích tăng cường vận tải công cộng và kiểm soát nhu cầu cá nhân.
Tại TP.HCM, năm 2010 TP đã giao một công ty tự bỏ kinh phí nghiên cứu, lập đề xuất. Tuy nhiên lúc đó còn tồn tại nhiều vấn đề về kỹ thuật, pháp lý và chính sách phát triển giao thông công cộng nên tạm thời ngưng.
Đến năm 2018 Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TP quyết định các loại phí, lệ phí ngoài danh mục. Đồng thời TP có chương trình đột phá để phát triển hạ tầng giao thông như hoàn thiện các tuyến đường vành đai, metro… Theo ông Lâm đây là “những điểm thuận lợi để bắt đầu nghiên cứu lại”.
“Thủ tướng và Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt để triển khai hệ thống thu phí không dừng – áp dụng công nghệ này cho thu phí xe vào trung tâm rất thuận lợi, người dân không phải mua thêm thiết bị trong khi hệ thống kết nối được với hệ thống thu phí trên quốc lộ.
Ngoài ra TP đang đẩy mạnh tuyến metro số 1 để phấn đấu khai thác năm 2021 và khép kín Vành đai 2 cùng năm. Các dự án tại cửa ngõ Tân Sơn Nhất, Cát Lái, các tuyến đường hướng tâm, Quốc lộ 1, 22 cũng đang được tập trung đầu tư.
Khi nghiên cứu lại chúng tôi thấy những giải pháp này rất đồng bộ và cần có chính sách hạn chế nhu cầu giao thông cá nhân” – ông Lâm cho hay.
Khu vực thu phí theo đề xuất của công ty tư nhân. |
Ông Giám đốc Sở cũng “trấn an” rằng “đây chỉ là xin chủ trương”, và nếu TP đồng thuận thì còn phải tiến hành một loạt thủ tục trước khi ra được dự án.
“Nếu TP đồng ý thì Sở mới trình lại đề xuất cụ thể hơn về quy mô, nguồn vốn và lộ trình đầu tư. Sau đó mới qua hội đồng thẩm định, rồi tới HĐND, nếu cơ quan này thông qua thì dự án mới bắt đầu phôi thai. Lúc đó mới lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thuê đơn vị tư vấn và lập dự án.
Khi ấy mới trả lời được các câu hỏi dư luận đang đặt ra như vành đai hợp lý chưa, công nghệ có tối ưu, tác động đến người dân ra sao?… Nếu mọi việc thuận lợi, người dân đồng thuận thì đến 2021 may ra mới có hệ thống này” – ông Lâm nói.
Lãnh đạo Sở GTVT cũng bày tỏ rằng “chỉ mong muốn 10% người dùng ô tô chuyển sang phương tiện công cộng là đã thành công, bởi so với 1 người đi xe buýt thì theo tính toán loại phương tiện này đang chiếm mặt đường gấp 8,5 lần.
Cũng theo ông nhiều người đang lo lắng không đúng về việc sẽ xuất hiện các trạm, cổng thu phí, bởi chỉ là hệ thống camera nhận dạng và các thiết bị đọc tự động khi xe chạy qua chứ hoàn toàn không có các hạng mục trên.
“Chúng ta đang đẩy lên cao trào và định hướng dư luận là sắp làm, như vậy là không nên” – ông Lâm nói với báo chí.
“Khi nào tổ chức được giao thông công cộng và có phương tiện thay thế thì chúng ta mới nói đến chuyện hạn chế. Chúng tôi mới xin UB nghiên cứu, thậm chí UB chưa có chủ trương, chưa tới HĐND. Chưa phải chúng ta đã có dự án và sẽ làm đâu, xin nói lại để người dân có sự đồng thuận, có góp ý tích cực” – ông Trần Quang Lâm trần tình.