Vị tết

Có bao giờ bạn nghĩ giả sử không có món “ký ức” thì vị tết sẽ như thế nào? Riêng tôi nghĩ, nếu thế, tết sẽ không còn là tết nữa.

Chiều tháng chạp, ngoài trời mưa bụi bay lất phất, rét ngọt. Trong nhà đốt cái lò nhỏ thơm hương vỏ cam, quế, mùi già. Trên bàn thờ, hương trầm xen lẫn mùi phật thủ thoang thoảng, đào bích bắt đầu nở. Trong bếp, nồi thịt đang ướp thơm nức mùi gia vị và rượu thiệu hưng… Tiếng Mỹ Linh từ loa vọng ra thổn thức “kìa đóa hoa đào bỗng như cười báo tin mùa xuân về…”…

Nồi nước mùi già, vỏ bưởi như nhắc rằng xuân đã về quanh đây
Nồi nước mùi già, vỏ bưởi như nhắc rằng xuân đã về quanh đây

Qua rằm tháng Chạp, trời bắt đầu rét ngọt, mưa phùn, gió bấc. Lúc ấy, hai bên đường đã thấy rất nhiều xe thồ bán cà rốt ta, gừng ta, bưởi Diễn, táo ta… - những thứ thường thấy khi bắt đầu vào tháng Chạp. Giữa đám xe thồ cà rốt, rau xanh ấy rất hay xen lẫn ít hoa thược dược, đồng tiền đơn, violet - những loài hoa mà người đất kinh kỳ thường cắm vào dịp tết. Trong những tháng ngày đói khổ, gian nan của thời bao cấp, có thể không đào, không quất nhưng tết không thể thiếu một bình hoa bởi nó vừa là nét văn hóa vừa là ấp ủ hy vọng cho một năm mới tốt lành hơn.

Thôi thì mua ít hoa về nhà chơi tết sớm. Thật kỳ lạ, chỉ mấy bông hoa cắm vào chiếc bình đặt ở góc tường bỗng khiến căn nhà có luôn “vị tết”. 

Những ngày tiếp theo dành cho việc chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, sắm nguyên liệu để nấu đồ tết. Trang hoàng nhà cửa cũng phải lên kế hoạch trước cả tuần. Ngoài việc dọn dẹp, sắp xếp lại cho đẹp mắt, nan giải nhất là mua đào và quất. Tìm được cây hay cành đào, chậu quất đẹp mà hợp túi tiền quả thật ong hết cả đầu. Có khi phải mất 2-3 ngày lượn chợ hoa mới mua được đào, quất ưng ý. Đành rằng đào Nhật Tân nhưng phải là cành già, bông to, cánh dày, có hoa, nụ, lộc và lá. 

Quất phải là quất Tứ Liên, Nghi Tàm dáng đẹp, phải đủ tứ quý, quả to, tròn và căng; lá xanh và bóng; nhiều hoa, nụ, quả xanh quả chín đan nhau, lộc lên mơn mởn. Mua được đào, quất ưng ý, mệt thì có mệt nhưng khi mua xong sẽ phấn khởi vô cùng. Còn một việc nữa là mua mấy chậu thủy tiên để chơi và biếu bố mẹ. Phải chọn sao cho gần giao thừa, nụ thủy tiên từ từ hé nở và đúng giao thừa thì nở bung, hương thơm ngọt ngào như mật hòa lẫn hương trầm thoang thoảng tạo nên một thứ vị đặc trưng của tết.

 

Những ngày giáp tết mệt mà rất vui. Nhạc xuân rộn rã, mùi thức ăn trên bếp thơm phức, mấy mẹ con đi ra đi vào cắm hoa, bày biện ngũ quả, chuẩn bị bao lì xì, chăng dây đèn, lau dọn tủ lạnh… Thỉnh thoảng lại thấy điện thoại của bà ngoại với nội dung kiểu như: “Mẹ vẫn gói giò hoa cho cả nhà con, con đừng mua ở ngoài nhé”…

Mua đào, quất, thủy tiên xong là đã xong phần quan trọng nhất, giờ chỉ còn chế biến các món ăn. Nào thì mứt bí, mứt gừng ngọt lịm, mứt quất chua chua, chè lam dẻo quánh, bò một nắng cay nồng, hành muối giòn tan, giò xào sừn sựt, bánh chưng thịt mỡ béo ngậy bùi bùi, thịt kho trứng beo béo, thịt đông mát lạnh, bóng thả thanh thanh, cá kho mằn mặn, nem rán giòn rụm, nem chua dìu dịu… Mỗi thứ một vị như một giàn hợp xướng hòa với nhau thành cái gọi là vị tết. 

Dù thứ nào cũng ngon nhưng món ngon nhất, vị đầy đủ nhất trong ngày tết lại không phải là những món ấy. Món ngon nhất, đơn giản nhất mà nhà nào cũng thích, cũng nhâm nhi trong mấy ngày tết ấy chính là món “ký ức”. Trong câu chuyện bên mâm cỗ tết hay bên bàn trà, thế nào rồi cũng quay về chuyện ký ức tết hồi ấy, ngày ấy, ngày xưa…

Hay nhất là cái vị tết ấy chẳng nhà nào giống nhà nào nhưng lại có điểm chung là ngọt ngào và thật tuyệt. Vị tết nhà tôi luôn bắt đầu từ ngày xửa ngày xưa. Năm nào chúng tôi cũng nhâm nhi “món ấy” mà không thấy ngán.

Những hương vị quen thuộc trong mâm cỗ tết miền Bắc
Những hương vị quen thuộc trong mâm cỗ tết miền Bắc

Đó là ký ức trong một phố cổ của Hà Nội, có một căn phòng nhỏ. Bình hoa rực rỡ ngày tết, nồi bánh chưng sôi ùng ục đêm trừ tịch, có ba đứa trẻ háo hức đợi mẹ vớt bánh chưng để nếm trước mấy cái bánh cóc mà lúc gói bố đã để riêng, đợi thử bộ quần áo mới sẽ mặc vào sớm mùng Một tết. Vừa nhồm nhoàm cắn miếng bánh còn nghi ngút khói, chúng vừa khấp khởi nghĩ về những đồng hào mới cóng sắp được ông bà, bố mẹ mừng tuổi vào những giây phút đầu tiên của năm mới. Mùa xuân lặng lẽ sang từ lúc cả ba đứa mải mê với quần áo mới chẳng hề hay biết.

Đó là hương nước mùi già tẩy trần thơm nức cả nhà chiều 30 và sáng mùng Một; là khoanh giò hoa mẹ gói ngon “vô đối”, cả nhà vừa ăn vừa bảo mẹ là số một, không có chỗ nào ngon bằng; là cảnh em trai chở gốc đào thế về nhà, bố đi ra đi vào ngắm nghía và tấm tắc: “Cành đào năm nay đẹp hơn năm ngoái con ạ, gốc già hơn và hoa cũng đậm hơn”. Ông em trai được khen mặt mũi hớn hở như lập được công to.

Đó còn là cảnh cả nhà quây quần đón giao thừa và chúc nhau năm mới mạnh khỏe, bình an; là cảnh mẹ và con gái, con dâu vừa nấu nướng vừa buôn chuyện rôm rả, cánh đàn ông ngồi bên bàn trà nhâm nhi trà lá; cảnh bố ngồi chơi guitar dưới tán hoa đào, bọn trẻ con mặc áo đẹp chạy ra chạy vào đùa nhau chí chóe.

Lúc ăn xong cả nhà tụ tập đàn hát. Bố và em trai đệm đàn cho mấy mẹ con nghêu ngao hát Hãy yêu nhau đi của Trịnh Công Sơn. Cũng có những buổi cà phê vỉa hè mùng Một tết với một Hà Nội yên tĩnh như ngày xửa ngày xưa.

Trong vô vàn “món ngon” ấy, có những ký ức tiếp tục được nối dài, có những ký ức đã vĩnh viễn dừng lại. Hai năm nay mẹ không còn gói giò hoa được nữa vì bị run tay. Sau này, bọn trẻ con lớn lên cũng chỉ biết đến món ngon này của mẹ này qua lời kể lại. Bố cũng đã đi xa. Không còn cảnh bố chơi guitar bên hoa đào khiến tết chông chênh như thiếu đi một góc.

Vị tết trên bàn thờ gia tiên
Vị tết trên bàn thờ gia tiên

Bây giờ, thế hệ thứ tư trong gia đình đã xuất hiện. Khi chúng lớn dần lên cũng là lúc những thành viên khác đã rời xa cõi tạm. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục giống như hết mùa đông là đến mùa xuân, đến tết. Lại sẽ có những thành viên khác kể cho chúng nghe về các cụ, các ông các bà, về “vị tết nhà mình” ngày xưa. Nhờ thế, ký ức về tết, “vị tết” vẫn tiếp tục có mặt trong mỗi gia đình.

Những ký ức đẹp đẽ về tết như một sợi dây yêu thương vô hình neo giữ, gắn kết chặt chẽ các thành viên trong gia đình với nhau. Nhờ có “vị tết” mà tình thân giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc được bồi đắp. Nó như sợi dây vô hình kết nối chặt chẽ quá khứ - hiện tại - tương lai.

Có bao giờ bạn nghĩ giả sử không có món “ký ức” thì vị tết sẽ như thế nào? Riêng tôi nghĩ, nếu thế, tết sẽ không còn là tết nữa.

Tết nấu món gì: 26 món ngon truyền thống và hiện đại chinh phục mọi khẩu vị

Tết nấu món gì: 26 món ngon truyền thống và hiện đại chinh phục mọi khẩu vị

Vào dịp Tết Nguyên đán, bà nội trợ nào cũng muốn trổ tài làm nhiều món ngon cho gia đình thưởng thức. Dưới đây là gợi ý 30 món ngon để chị em linh hoạt thay đổi thực đơn cho Tết này nhé!

Theo www.phunuonline.com.vn

Lừa đảo trực tuyến đang nhắm đến trẻ em và người cao tuổi

Không chỉ là nạn nhân trực tiếp của các vụ lừa đảo trực tuyến, trẻ em và người già còn có thể bị các đối tượng xấu sử dụng thông tin cá nhân để tấn công lừa đảo những người thân của họ.

Á hậu tiết lộ bí quyết gắn kết tình cảm vợ chồng khi hôn nhân căng thẳng

Sau sinh, Á hậu Ngọc Khánh có dấu hiệu trầm cảm, chồng của cô cũng căng thẳng do con khó nuôi. Để hâm nóng tình cảm, cả hai đặt ra quy tắc nắm tay nhau trong lúc ngủ.

Tạm giữ kẻ tống tiền người tình đã có chồng bằng clip ân ái

Trong thời gian yêu nhau, Phạm Viết Khoa đã quay lại nhiều video clip ân ái với người tình rồi dùng nó để đe dọa, tống tiền người tình.

Có môn nào dạy cho người ta bớt buông lời cay nghiệt không?

Thiên hạ vẫn đang bàn đủ thứ chuyện về giáo dục, môn nào chính, môn nào phụ, nên học môn nào, bỏ môn nào; nhưng có môn nào dạy cho người ta bớt buông lời cay nghiệt không?

Lời chúc Ngày Gia đình Việt Nam hay, ý nghĩa

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, hãy gửi tới người thân yêu của chúng ta những lời chúc tốt đẹp nhất.

6 tác động xấu đối với đàn ông khi quá lâu không làm 'chuyện ấy'

Một số nghiên cứu chỉ ra đàn ông quan hệ tình dục đều đặn có thể tăng cường sức khỏe, tăng tuổi thọ. Như vậy, nếu họ lười làm "chuyện ấy" có thể gặp một số bất lợi về cả thể chất lẫn tinh thần.

Những điều kiêng kỵ và nên làm trong tết Đoan ngọ 2023

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, trong tết Đoan ngọ, ngoài chuẩn bị mâm cúng chu đáo để dâng lên tổ tiên, thần linh mọi người cần chú ý những việc sau để nhận về may mắn, tránh xui xẻo.

Khung giờ vàng cúng tết Đoan ngọ năm 2023

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, có 4 khung giờ đẹp để cúng tết Đoan ngọ năm 2023.

Tết Đoan ngọ 2023 rơi vào ngày nào?

Hàng năm, tết Đoan ngọ diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch. Năm 2023, tết Đoan ngọ rơi vào thứ Năm, ngày 22/6 dương lịch.

Thoát khỏi địa ngục bạo hành sau đám cưới cổ tích làm dâu hào môn

Từ câu chuyện của Thủy Hương, chuyên gia tâm lý cảnh báo, mỗi phụ nữ khi bị bạo hành thì đừng cam chịu. Hãy phá vỡ sự im lặng, tìm đến trợ giúp pháp lý, chuyên gia tâm lý hoặc cơ quan công an để được tư vấn, bảo vệ kịp thời.

Đang cập nhật dữ liệu !