Sự diệu kỳ của trái tim người mẹ, tột cùng mềm mỏng, rất đỗi kiên cường

Nếu hỏi những người mẹ rằng họ kỳ vọng gì ở con, bạn có thể có được hàng nghìn câu trả lời khác biệt. Nhưng nếu hỏi câu ấy với các mẹ chăm con ốm trong bệnh viện, bạn sẽ chỉ nhận được một câu trả lời: “Con khỏe lại”.

Chuyện ghi chép trong bệnh viện: Sự diệu kỳ của trái tim người mẹ, tột cùng mềm mỏng, rất đỗi kiên cường - Ảnh 1.

Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ” - nhà văn Bernard Shaw nói như thế đó. Bởi vì, trái tim người mẹ là thứ “vật liệu” mềm dẻo, dịu nhẹ nhất thế giới, mà cũng cứng cỏi, khó bị bào mòn nhất thế giới. Bình thường, các mẹ đã là “siêu nhân”, có thể chăm chút con từng li từng tí, làm đủ điều để con vui vẻ, khỏe mạnh với sự kiên nhẫn tuyệt đối. Nhưng khi phải chăm lũ trẻ ốm, sự diệu kỳ ấy của trái tim người mẹ càng được hiển lộ rõ ràng hơn bao giờ hết: Tột cùng mềm mỏng mà cũng rất đỗi kiên cường.

Chuyện ghi chép trong bệnh viện: Sự diệu kỳ của trái tim người mẹ, tột cùng mềm mỏng, rất đỗi kiên cường - Ảnh 2.

“Nhìn kìa, ngoài cửa sổ có cái gì hay lắm, con nhìn thử xem”. Bé gái chừng 4 tuổi đang nước mắt nước mũi tèm lem đang ngồi xổm ở góc hành lang bệnh viện bỗng im thin thít, ngó nghiêng theo hướng tay mẹ chỉ. Con bé quên luôn “việc” khóc nhè, quên đi cả cơn đau quanh quẩn bên mình mấy hôm nay. Ở một góc khác, có mẹ kể truyện cười, dụ con vỗ tay, ú òa… bằng cái tay còn nguyên kim bướm... 

Chuyện ghi chép trong bệnh viện: Sự diệu kỳ của trái tim người mẹ, tột cùng mềm mỏng, rất đỗi kiên cường - Ảnh 2.

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội)

Trong bệnh viện, người mẹ nào cũng nói rất khẽ, cười rất ngọt và dịu dàng quá đỗi. Bạn biết đấy, bạn sẽ không thể tìm thấy một “mẹ hổ” nào khi các con đang ốm đâu, dù những khi con khỏe, nghịch phá, chính người mẹ ấy có thể trách mắng cáu gắt với con. Con ốm, đó là khi những người mẹ hệt như những tấm chăn bông, nhẹ nhàng từ ánh mắt, cái nhìn cho đến cử chỉ trìu mến, chiều con hết cỡ, cười “làm mẫu” để con thấy thế mà vui hơn, mà mau khỏe lại. 

Ảnh chụp ở Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội)

Phía sau sự dịu dàng ấy, hóa ra là bao vất vả, bao lo âu, căng thẳng mà mẹ giấu đi chỉ cho một mình mẹ biết. Hóa ra là những bữa cơm lùa vội sau khi dỗ con ăn được một chút; là chập chờn tỉnh mê mình giữa những cơn quấy khóc. Mẹ ngủ tranh thủ một tí thôi, nhưng tay vẫn không quên vỗ vỗ mông con, không quên nắm tay con thật chặt, ôm lấy thiên thần bé bỏng ấy vào lòng. Để rồi, một cử động nhỏ, một cái giật mình, một tiếng ọ ẹ của con cũng khiến mẹ vội vàng tỉnh giấc.

Chuyện ghi chép trong bệnh viện: Sự diệu kỳ của trái tim người mẹ, tột cùng mềm mỏng, rất đỗi kiên cường - Ảnh 4.

Ảnh chụp ở Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội), Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội), Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Chăm một em bé ốm đã đủ căng, thế mà chị Dung (Sơn Tây, Hà Nội) còn chăm cả đôi mới tài. Hai công chúa của chị “ham chơi” đòi ra đời ở tuần thai thứ 32. Có dấu hiệu sinh non, chị Dung vội vàng bê bụng vào bệnh viện giữ thai, nhưng chỉ giữ được 3 ngày là hai em bé đã “rủ nhau” lọt lòng.

“Những ngày tháng đầu, mình stress khủng khiếp. Sinh con xong chỉ được nhìn chớp nhoáng vài giây rồi hai con nằm lồng kính cách ly, mẹ vừa đau vết mổ, vừa lo cho con, không ăn không ngủ nổi. Khi mẹ con được gặp nhau thì chỉ bạn em được ra trước, bạn chị phải theo dõi thêm, mình lại càng lo. Rồi con không hợp tác với mẹ, 3 ngày liền không chịu ăn. Da bé lại tím tái, khóc một tí là đen cả người, mình vừa dỗ con vừa nghĩ ngợi, nước mắt ngắn dài…

Chuyện ghi chép trong bệnh viện: Sự diệu kỳ của trái tim người mẹ, tột cùng mềm mỏng, rất đỗi kiên cường - Ảnh 5.

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội)

Từ khi hai bạn chào đời đến giờ là chuỗi ngày ra - vào viện triền miên. Cô chị bị thiếu máu, thoát vị bẹn, bác sĩ dặn nuôi cho cứng cáp rồi mổ. Nhưng chưa kịp cứng cáp, cả hai bé đã viêm phổi 2 lần rồi. Lần gần đây nhất, bệnh viện tuyến trên sợ nhiễm khuẩn chéo, gửi con về tuyến dưới điều trị. Thứ bảy vừa được ra viện về nhà thì thứ hai lại khăn gói vào lại” - chị Dung kể.

Vừa thơm nhẹ lên cặp má trắng nõn của em bé đang ngủ, chị Dung vừa “mách tội”: “Chỉ khi ngủ thì cô ta mới đáng yêu thế này thôi, chứ bình thường thì hét to, nghịch lắm, khua khoắng tay chân làm vỡ hết ven, phải lấy ven đầu để tiêm kháng sinh đấy. Cô chị hiền hơn một tí thì giao cho bà nội “quản lý”. Trưa bà ngủ ở ghế xếp với chị, đến tối đổi ca, mẹ với em lại xuống ghế ngủ cho bà nằm giường”.  

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội)

Từ ánh mắt cho đến giọng nói, chị Dung dường như không có chút “hờn trách”, buồn lòng gì, dù chồng đi làm xa, bà ngoại nhận việc cơm nước và chăm bé lớn, chị và bà nội túc trực ngày đêm ở viện chăm cặp sinh đôi. Chị lý giải: “Nếu mẹ suốt ngày ủ dột, khóc lóc thì lấy đâu tinh thần mà chăm con được? Các bạn đã thiệt thòi, không được gần mẹ thời gian sơ sinh rồi, nên từ giờ về sau, ở cạnh mẹ sẽ chỉ có nụ cười, tinh thần tích cực thôi, thì con mới nhanh lớn! Một tiếng cười của các con cũng đủ “sạc pin” cho mẹ rồi”.  

Chuyện ghi chép trong bệnh viện: Sự diệu kỳ của trái tim người mẹ, tột cùng mềm mỏng, rất đỗi kiên cường - Ảnh 10.

Nhìn Phương Thảo với gương mặt tươi tỉnh, đi lại nhanh nhẹn, đúng giờ là uống nước, đủng đỉnh vắt sữa, đúng giờ là gửi cho con những “giọt vàng” thương yêu từ bầu ngực, có thể mọi người sẽ tưởng con Thảo chỉ ốm sương sương. Cho đến khi chứng kiến cảnh cô xếp hàng cùng những mẹ có con nằm phòng cách ly chỉ để nghe thông báo tình hình của con, nhìn thật sâu vào đôi mắt mà nỗi âu lo như một “chiếc đập” ngăn nước mắt chảy, người ta mới thấm thía sự cứng cỏi của Thảo.

Khi chúng tôi gặp Thảo, bé Khôi Nguyên con cô mới hơn 2 tuần tuổi. Bé bị viêm phổi, nhiễm trùng máu và phải nằm thở máy, truyền kháng sinh. Em bé bị ngạt khi mẹ lâm bồn, nhưng 2 tuần sau đó vẫn khá ổn, chỉ bị sụt sịt, ho hắng nhẹ. Cho đến đêm nọ, con bỗng dưng rút lồng ngực, tím tái, Thảo vội bế vào đến viện thì bé đã viêm phổi và phải thở máy.

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)

Mới sinh 2 tuần, người ta ở cữ, được chăm bẵm cơm nước, không phải động tay vào việc. Còn Thảo ở cữ trong viện, cố nghĩ về những điều tốt đẹp để vắt sữa gửi cho con. “Từng giọt sữa là tình yêu em gửi cho con, vừa vắt sữa em vừa nghĩ đến con, mong con khá lên. Dù không được ôm ấp, không cho con bú, nhưng em tin con vẫn cảm nhận được tình yêu của em trong đó”.

Người mẹ kiên cường ấy chỉ bật khóc khi trong một lần hiếm hoi được bác sĩ tạo điều kiện vào nhìn con trong giây lát, chứng kiến thân hình bé xíu của con bị cắm đầy dây rợ, máy móc, thiêm thiếp ngủ trong nôi. Thảo khẽ gọi tên con, khẽ cầu nguyện em bé của mình sẽ hồi phục thật nhanh, để hai mẹ con sớm ôm nhau về nhà. 

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)

Có con, đó là khi cuộc đời của bạn rẽ sang một lối khác và không bao giờ có thể quay lại đường cũ, dù đứa trẻ khỏe mạnh hay ốm đau, sống bên bạn dài lâu hay chỉ dạo chơi vài bước chân trên trần thế. Đó chính xác là tâm lý của Trang khi ngắm nhìn cậu con trai 13 tháng tuổi của mình.  

Em bé của Trang bị đa dị tật từ sơ sinh: Não không có nếp nhăn, hở hàm, viêm phổi, suy đa tạng… 13 tháng qua, con sống ở viện còn nhiều hơn ở nhà, phẫu thuật và điều trị kháng sinh triền miên. Người ngoài nhìn vào, có người thở dài thương chị, có người buông một tiếng chép miệng, ám chỉ đứa bé là gánh nặng. Nhưng với Trang, đứa trẻ là “kho báu” của chị. 

“Từ 17 tuần, bác sĩ đã bảo mình cân nhắc chuyện giữ con, vì khả năng rất cao con sẽ bị Down, hộp sọ dị dạng, nếu sinh ra thì sẽ vất vả cả đời. 22 tuần, rồi 32 tuần, lần nào mình đi khám cũng nhận được thông báo rằng tình hình đang tệ hơn. 

Nhưng mấy lần nâng lên đặt xuống, gia đình mình vẫn quyết định giữ con lại. Con đến với mình đã là một cái duyên, dù “tròn” hay “méo” thì cũng là giọt máu của mình. Ngần ấy thời gian con ở trong dạ, con máy, con đạp, con sống trong mình, cũng là một sinh linh, một con người, đâu phải vì con không hoàn hảo mà mình được quyền bỏ con đi. Sau tuần 32, mình quyết định không kiểm tra gì nữa. và hy vọng sẽ có phép màu.

Chuyện ghi chép trong bệnh viện: Sự diệu kỳ của trái tim người mẹ, tột cùng mềm mỏng, rất đỗi kiên cường - Ảnh 11.

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội)

Khi con sinh ra, mình đã biết là chẳng có phép màu nào cả. Đưa bé xuống viện Nhi Trung ương kiểm tra tổng thể, mỗi ngày lại thấy thêm một tin xấu. Đầu óc con có thể khả quan hay không, khoảng 1 - 2 tuổi mới có thể kết luận. Hàm con có khe hở, không ngậm được miệng. Con viêm phổi suốt. Con được cho ăn qua dây truyền, mãi sau khi mổ cắt hàm, kéo lưỡi lên thì con mới bắt đầu bú bình, ăn được cháo, bột loãng. Trước mắt, con còn phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nữa...

Có nhiều người bảo mình điên vì biết thế rồi mà vẫn giữ con, nhưng chưa một giây nào mình nghĩ đến chuyện buông tay. Con kém may mắn, mình càng phải thương con nhiều hơn, kiên nhẫn với con hơn. Mình mong chờ sự tiến bộ của con nhưng không đặt áp lực nhiều, mà ghi nhận từng biểu hiện nho nhỏ của con làm động lực. 

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội)

7 tháng tuổi, con biết vỗ tay, mắt mình giàn giụa nước. Rồi con biết cười khi người nhà hỏi chuyện, mình cũng sướng âm ỉ cả tháng. Những gì tốt đẹp nhất có thể lo cho con, gia đình đã lo hết rồi. Còn lại là do nội lực của con thôi. Mình không dám kỳ vọng nhiều vào tương lai, chỉ biết rằng, con ở bên mình ngày nào, mình sẽ yêu thương, chăm chút con ngày ấy, và không cho phép ai buông lời tồi tệ về bé!”.

Trái tim của Trang, làm từ kim cương có phải không, chứ thịt da nào có thể cứng cỏi nhường ấy?

Chuyện ghi chép trong bệnh viện: Sự diệu kỳ của trái tim người mẹ, tột cùng mềm mỏng, rất đỗi kiên cường - Ảnh 15.

Có ai đó đã nói rằng, khi sinh con, đó là lúc bạn quyết định để trái tim mình bên ngoài lồng ngực. Vì đó là lúc trái tim bạn sẽ phập phồng cùng những an nguy, nỗi đau, niềm hạnh phúc, và cả bất hạnh của con mình nữa. Nhưng không phải chỉ những người mẹ mới đặt trái tim mình ở bên ngoài lồng ngực. Còn có cả những người bà, và những người cha nữa chứ, đừng quên họ.

Trong bệnh viện, chúng ta dễ gặp những bàn tay gầy guộc, năm xưa vỗ về con trong cơn mộng mị sài đẹn tuổi thơ ngây, nay lại ôm ấp cháu khi ốm đau quấy khóc. Những bờ ngực, năm xưa cho con bú mớm, nay lại thành gối thành đệm cho cháu tựa đầu, thành bờ võng ru giấc ngủ nghê. 

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội)

Như bà ngoại của bé Quỳnh Như (13 tuổi) ở Phú Thọ, đang nằm hồi sức tích cực chẳng hạn. Hồi nhỏ, chân Như đã khòng khèo yếu ớt, đi bị ngã suốt, sẹo đầy chân. Năm 8 tuổi, Như bị sốt co giật, rồi đột ngột chân yếu dần, không đi lại được, lại thêm suy đa tạng...

Đến lớp 5 thì Như nghỉ học hẳn, gần như “nhập hộ khẩu” ở bệnh viện. Bệnh nền ở trong gen kéo theo hàng loạt bệnh cơ hội (viêm phổi, viêm tụy, nhiễm trùng máu…) khiến Như xanh xao, yếu ớt trông thấy. Sau phẫu thuật mở thanh quản, Như giờ còn chẳng nói được nữa. 

Đồng hành với Như trong bệnh viện, giúp em mọi hoạt động sinh hoạt là bà ngoại em. Bà chiều Như hết mực vì thương em thiệt thòi, “giành” tất việc chăm em. Có những đợt có người thay ca, nhưng bà cũng chẳng yên tâm. Bà chiều Như lắm, cho bé sơn móng chân móng tay, mua nhẫn cho đeo, cho Như xem điện thoại suốt nữa. 

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)

“Bố mẹ nó chỉ đến buổi tối, chơi với con một tí rồi về, còn cả ngày cả đêm tôi túc trực ở đây. Bố mẹ nó cũng xót con lắm, nhất là mẹ nó, cứ thấy con là khóc lả đi. Nhưng mà còn phải đi kiếm tiền thuốc men, rồi còn hai đứa em của nó nữa, sao mà ở viện suốt được. Thương con thì cũng thương luôn cả cháu, nên tôi cố, chứ tôi mà buông thì con bé biết dựa vào ai”, bà kể, giọng nhỏ nhẻ như sợ con bé nghe thấy thì tủi thân. 

Ở gần đó, bố của bé Đức Trung (10 tháng tuổi), đang rút đờm dãi, massage tay chân cho con. Cậu bé trắng nõn nà, tay chân bụ bẫm phải thở máy từ mấy tháng nay liếc mắt qua nhìn bố, thỉnh thoảng cười toe như nghĩ ra chuyện gì thú vị lắm. Bố em cho biết, em bị teo cơ tủy sống từ sơ sinh - một bệnh về gen rất hiếm.

Biết bệnh của con, anh chị quay cuồng tìm cách cứu. Họ được bạn bè ở Mỹ giới thiệu, được các bác sĩ ở BV Nhi Đồng 2 TP. Hồ Chí Minh giúp làm hồ sơ, lấy máu gửi sang Thụy Sĩ xét nghiệm để tham gia chương trình “xổ số” giành 1 trong 100 liều thuốc nhân đạo dành cho trẻ em bị suy cơ tủy trên toàn thế giới. 

Liều thuốc đặc trị ấy có giá 2,1 triệu đô (tương đương 48,6 tỷ đồng), và điều kiện để được áp dụng là em bé mắc bệnh dưới 2 tuổi, chưa sử dụng máy thở. Ngày duyệt hồ sơ, bé Trung đủ điều kiện tham gia. Kết quả bốc thăm lần đầu, có 3/6 em bé Việt Nam được duyệt nhận thuốc, trong đó có Trung.

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)

Bố mẹ em chưa kịp mừng thì đến tháng 7, Trung bất ngờ bị suy hô hấp, bắt buộc phải thở máy để duy trì sự sống. Tháng 8, bên Mỹ gửi thuốc về. Chỉ có 2 liều. Trung hụt mất cơ hội. 

“Khi đó, vợ chồng mình sốc khủng khiếp, giống như người bị đột ngột đẩy xuống đáy vực, được kéo lên nửa chừng rồi lại hất xuống lần nữa vậy. Nhưng sốc và buồn cũng qua. Có khóc thì con cũng chẳng khỏe thêm, giờ chỉ còn biết vui vẻ mà chăm con. Cuộc đời không gì buồn bã bằng con ốm cả, nhưng phải nhìn vào niềm vui mà sống tiếp thôi” - bố em bé tâm sự. 

Giờ thì, bé Trung cần người túc trực chăm sóc 24/7, để ý hút dịch, lau mồ hôi, cho ăn. Mỗi ngày, con được cai máy thở khoảng 15 phút, đó là thời gian để tắm rửa, massage trị liệu. Bố mẹ bé thay phiên nhau vừa chăm Trung vừa lo cơm nước, học hành cho chị của bé ở nhà.

Chuyện ghi chép trong bệnh viện: Sự diệu kỳ của trái tim người mẹ, tột cùng mềm mỏng, rất đỗi kiên cường - Ảnh 16.

Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)

Công việc, anh chị bỏ hết, dồn toàn bộ thời gian cho các con. “Liều thuốc 2,1 triệu đô tưởng đến tay mình rồi mà còn hụt cơ mà. Tiền tầm này có ý nghĩa gì đâu. Một năm, hai năm nghỉ việc cũng chẳng có gì nghiêm trọng, mình cố được, nhưng rời mắt khỏi con 1 phút thì không” - nhìn xa xăm, bố bé Trung bảo vậy.

Trái tim của anh, và cả vợ anh nữa, giờ đang treo lơ lửng trên nhịp thở của cậu con trai nhỏ, nhảy múa mỗi khi con hé cười, liếc mắt sang nhìn mình, chứ nào còn nằm trong cơ thể mình nữa...

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Khi mượn xe phải trả lại với bình xăng thật đầy: Bài học tỷ phú Mỹ dạy con

Tất cả con cái của tỷ phú Charlie Munger đều tốt nghiệp các trường đại học danh giá và thành công trong lĩnh vực của mình. Những bài học ông áp dụng sẽ giúp các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái.

Con trai bị bạn bắt nạt đến mức muốn tự tử, người mẹ Hà Nội xử trí đáng nể

Cách xử trí của bà mẹ Phương Thảo - người có con bị bạn bắt nạt đến mức muốn tự tử - rất đáng để các bậc phụ huynh tham khảo và suy nghĩ.

Trúng 5 vé độc đắc, người phụ nữ chi 2,4 tỷ đồng mua vàng tặng con cháu

Người phụ nữ ở Kiên Giang vừa trúng 5 tờ vé số độc đắc liền ra tiệm vàng, chi 2,4 tỷ đồng mua vàng khiến dân mạng xôn xao, gửi lời nhắn “xin vía”.

Ma túy 'núp bóng' các loại nước giải khát, thực phẩm chức năng

Ma túy được các đối tượng ngụy trang, "núp bóng" dưới hai dạng nước giải khát và thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy hoặc ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử...

Mẹ 'đỏ mắt' tìm con gái thất lạc 40 năm để trao khoản tiền lớn

TRUNG QUỐC - Con gái "thất lạc" 40 năm nhưng người mẹ vẫn kiên trì tìm kiếm, muốn gặp lại con để thực hiện ước nguyện đau đáu từ lâu.

Cha nuôi nhường con ăn cơm thịt, chỉ mong con lớn khôn từng ngày

TRUNG QUỐC - Câu chuyện tình cảm gia đình của cô gái hiếu thảo và người cha nuôi nghèo đã chạm đến trái tim của hàng triệu người trên mạng xã hội ở đất nước tỷ dân.

Cậu bé 6 tuổi giữ chặt chiếc thang sắp gãy, cứu bố khỏi bị ngã

TRUNG QUỐC - Đoạn video giám sát tại nhà ghi lại khoảnh khắc một cậu bé 6 tuổi giữ chặt chiếc thang sắp bị gãy, cứu bố khỏi bị ngã, khiến người dùng mạng cảm động.

Nỗi sợ của anh Chánh Văn

“Tôi là kẻ có nhiều nỗi sợ và đang mỗi ngày tự mình học cách chấp nhận, chứ không phải để chiến thắng nỗi sợ đó”, anh 'Chánh Văn' Hoàng Anh Tú tâm sự.

Con trai trách đón muộn sao người làm mẹ chỉ biết lặng im?

Cậu con trai trách mẹ đến đón muộn nhưng người phụ nữ chỉ im lặng, không lên tiếng giải thích.

Mẹ nghèo vượt 1.500km về quê trong đêm động viên con thi tốt nghiệp THPT

Từ Bình Dương, nữ công nhân lặng lẽ bắt xe về quê động viên con trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đến khi gặp, con trai chị mới biết là mẹ về thăm. Hai mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi.

Đang cập nhật dữ liệu !