EU ra tuyên bố chung không có Anh
Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký thông qua Tuyên bố chung về tương lai của EU thời kỳ hậu Brexit. |
Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký thông qua Tuyên bố chung về tương lai của EU thời kỳ hậu Brexit. Tuyên bố chung này là kết quả tổng hợp của Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Roma (Italia) để kỷ niệm 60 năm Thỏa thuận Roma (1957), thỏa thuận đặt nền tảng cho sự hình thành EU.
Được biết, Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này cũng được tổ chức tại Roma, nơi đã ký Tuyên bố chung 1957.
Bản Tuyên bố bị Ba Lan dọa sẽ phong tỏa đã phản ánh cái nhìn của EU trong tương lai trong tất cả các lĩnh vực. Trước khi ký kết văn kiện này không lâu, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết văn kiện này sẽ đề cập đến các thành công của EU trong vòng 60 năm qua, trong đó nhấn mạnh đến hòa bình, sự phồn vinh và mô hình xã hội châu Âu. Tuyên bố chung cũng đưa ra các thách thức đối với châu Âu: sự phát triển của Chủ nghĩa Dân túy, sự thiếu tin tưởng vào các thể chế châu Âu và mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh rằng châu Âu cần phải trở nên thống nhất: “Hãy nói tại sao chúng ta phải mất niềm tin vào các mục tiêu ngày nay của liên minh? Chỉ vì đó đã trở thành thực tế của chúng ta hay vì chúng ta đã chán nản, chúng ta đã mệt mỏi vì điều đó? Chúng ta sẽ hoặc là thống nhất, hoặc là sẽ không tồn tại. Chỉ có một châu Âu thống nhất mới có thể tự tin trong quan hệ với các nước khác”.
Trong bản tuyên bố chung này, lãnh đạo các quốc gia EU cũng bày tỏ mong muốn phản ứng đối với các thách thức một cách đoàn kết, đồng thời cũng chỉ ra các ưu tiên cho tương lai gồm: an ninh và được bảo vệ, sự phồn vinh và kinh tế tăng trưởng, chính sách xã hội và quan điểm sức mạnh trên trường quốc tế.
Trước đó, EU cũng đã đưa ra bản đánh giá về chi phí Anh phải thanh toán cho châu Âu để hoàn tất quá trình Brexit. Theo đó, Anh phải trả cho EU 50 tỷ bảng (62 tỷ Euro) để hoàn thành toàn bộ quá trình Brexit.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, đây là khoản tiền trả lương hưu cho các quan chức EU, cung cấp tài chính cho hệ thống cơ sở hạ tầng… Ông Jean-Claude Juncker cũng khẳng định rằng EU không có bất cứ mong muốn nào trong việc trừng phạt Anh nhưng đây là điều cần thiết để ngăn chặn khả năng các nước khác cũng muốn hành động như Anh.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 29/3 tới đây sẽ chính thức khởi động quá trình đàm phán về Brexit. Vấn đề về lượng tiền mà Anh phải thanh toán cho EU để hoàn toàn rút khỏi tổ chức này sẽ là một trong các vấn đề then chốt trong quá trình thảo luận.