Dự kiến mất 8 năm để cơ cấu lại Sacombank
Đề án tái cấu trúc chính thức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phê duyệt theo Công văn số 426 và Quyết định số 34. Theo đó, quá trình tái cơ cấu sẽ kéo dài trong 8 năm, từ nay đến năm 2025. Cụ thể như sau:
Sacombank được phép phân bổ thoái dần lãi dự thu trong thời hạn tối đa 10 năm. Tổng giá trị thoái lãi dự thu được phân bổ theo phương pháp đặc biệt này khoảng 21.575 tỷ đồng theo BCTC đã kiểm toán.
Sacombank được phép trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro tín dụng theo năng lực tài chính và theo Đề án tái cơ cấu. Sau kiểm toán, tỷ lệ nợ xấu năm 2016 tăng mạnh từ 2,81% lên 6,89%. Với giá trị tuyệt đối của nợ xấu là 8.140 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán, Sacombank hiện có 8.378 tỷ đồng nợ nhóm 1 và khoảng 12.226 tỷ đồng phải thu khác/tài sản khác, là những tài sản sẽ được áp dụng cơ chế hạch toán đặc biệt. Như vậy, tổng giá trị nợ xấu tại ngân hàng này lên tới khoảng 28.745 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016.
Đề án cho phép Sacombank trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC theo năng lực tài chính trong thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu. Sacombank hiện nắm giữ 37.300 tỷ đồng trái phiếu VAMC và giá trị trích lập lũy kế tính đến cuối năm 2016 chỉ là 1.649 tỷ đồng. Do đó, mệnh giá trái phiếu VAMC cần được trích lập dự phòng là 35.651 tỷ đồng, số trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm.
Đề án cho phép Sacombank bán nợ xấu và/hoặc tài sản đảm bảo cho các tổ chức hoặc cá nhân theo giá thị trường. Trong trường hợp giá bán nợ xấu/tài sản đảm bảo thấp hơn giá trị sổ sách ban đầu và do đó phát sinh lỗ, ngân hàng có thể phân bổ phần lỗ này trên BCTC theo năng lực tài chính nhưng không quá 5 năm từ ngày thanh lý.
Tổng giá trị “tài sản được tái cơ cấu” của Sacombank khoảng 85,97 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016, so với 87,66 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015. Trong khi đó Sacombank không công bố thông tin về tài sản đảm bảo. Theo Công ty Chứng khoán HSC, thậm chí nếu ước tính giá trị thị trường của tài sản đảm bảo khoảng 50% giá trị “tài sản được tái cơ cấu” trong trường hợp tốt nhất, sacombank vẫn có thể lỗ khoảng 43 nghìn tỷ đồng.
Theo kế hoạch tái cơ cấu hiện tại, Sacombank có thể phân bổ dần số lỗ này trong tối đa 10 năm. Có nghĩa là ngân hàng sẽ phải trích lập ít nhất 4.300 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian tái cơ cấu. Tuy nhiên, chi phí hoạt động bình quân của ngân hàng trong 2 năm qua sau sáp nhập là 5.413 tỷ đồng/năm. Do đó, để duy trì lợi nhuận danh nghĩa trong 10 năm tới, tổng thu nhập hoạt động tối thiểu ngân hàng cần đạt được là 10.000 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011-2014 trước sáp nhập, thu nhập lãi thuần bình quân của Sacombank là 6.382 tỷ đồng/năm, tổng thu nhập hoạt động là 7.364 tỷ đồng. Do đó, mục tiêu lợi nhuận trên sẽ là thách thức lớn.
Tổng giá trị “tài sản được tái cơ cấu” của Sacombank giảm nhẹ từ 87,66 nghìn tỷ đồng trong năm 2015 còn 85,97 nghìn tỷ đồng trong năm 2016 (giảm 1.689 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong hai năm này Sacombank cũng đã trích lập 2.952 tỷ đồng dự phòng.