Trở lại nơi "người đàn bà cọp vồ"...

Con hổ to bằng con nghé vực ôm Dừa băng qua những bụi gai, bụi tre nứa chặt vát ngọn. Một lúc, chị mới nghe thấy tiếng người hô hoán phía sau.

LTS. Một chuyện thật hy hữu, xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ, ấy là tại vùng đất mới Hoàng Tân (huyện Yên Hưng cũ) từng có người đàn bà đã nằm trong nanh vuốt của một con cọp dữ mà vẫn sống sót trở về... Câu chuyện đã được Dương Phượng Toại, một cộng tác viên lâu năm của Báo Quảng Ninh, ghi lại và đăng năm 1998; sau đó ông còn lấy chuyện về cụ Đàm Thị Dừa (tên người đàn bà may mắn ấy), làm nguyên mẫu để viết thành truyện ngắn “Người đàn bà cọp vồ” (in trong tập truyện cùng tên, Nhà xuất bản Văn học, 2009)...

Mới đây, Dương Phượng Toại đã về thăm lại vùng đất cũ, gặp lại con trai cụ Dừa, với rất nhiều cảm xúc buồn vui mà ông đã thể hiện qua bài viết gửi Báo Quảng Ninh; xin giới thiệu cùng bạn đọc...

Đã lâu lắm, hơn chục năm nay tôi mới có dịp trở lại vùng Đượng Hạc, đảo Hoàng Tân. Chuyến đi này chúng tôi chủ ý tìm thăm ông Trần Văn Tu, con trai cụ Đàm Thị Dừa, một người bị cọp vồ còn sống trở về mà tôi đã viết trong tập truyện ngắn “Người đàn bà cọp vồ” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2009.

Trở lại nơi
Di ảnh cụ Đàm Thị Dừa.

Đượng Hạc thay đổi khá nhiều. Con đường đất đỏ ven rừng thông đã phẳng phiu thảm bê tông chạy qua khu cửa sông Bình Hương. Đứng nơi đây, nhìn ra thấy núi đá Vịnh Hạ Long ngay trước mặt. Chúng tôi ngơ ngẩn hồi lâu ngắm nhìn rừng thông, ngắm nhìn non nước nơi đây mà cứ ngỡ như đang ở xứ Đà Lạt mộng mơ. Hỏi thăm mấy người đi làm rừng mới tìm được gò Đượng Hạc. Trên gò, vườn xoan cũ chỉ còn mấy rặng thưa thớt. Qua một bãi cát trắng, men theo lối mòn đầy cỏ dại, chúng tôi gặp một người đàn ông từ khu vườn hoang đi ra. Tôi hỏi thăm, ông cười cười: “-Chính tôi là Trần Văn Tu đây!”. Tôi nắm chặt tay ông mừng rỡ: “-Người sót lại năm cũ đây rồi!”. Ông dẫn chúng tôi qua khu vườn xum xuê tán nhãn và dưới đất mọc dày cây lá lốt. Một lúc mới đến chỗ túp lều năm xưa của cụ Dừa…

Ông Trần Văn Tu năm nào là một cậu bé lạc mẹ trong rừng, nay đã là một người đàn ông 69 tuổi với dáng vóc thấp đậm, nước da đen cháy vì dãi dầu nắng gió và kham khổ. Tôi giới thiệu:

- Tôi là người cách đây 16 năm đã viết bài báo về cụ Dừa…

Ông ôm chầm lấy tôi:

- Vậy mà từ bấy đến giờ tôi mới biết mặt ông. Tôi vẫn còn giữ bài báo ấy trong tủ, cả báo Quảng Ninh và báo Tiền Phong. Tết năm Mậu Dần 1998 phải không ông?

- Đúng rồi! Cảm ơn ông! Ông rất nhớ!

Gia đình ông Trần Văn Tu hiện nay vẫn ở trong làng, thuộc xã Tiền An, thị xã Quảng Yên. Ông bà sinh được 5 người con, ba trai hai gái. Các cháu đều đã trưởng thành, mỗi đứa một phận, làm ăn trong xã này và bên Tân An. Chúng tôi đứng trước ngôi nhà tường gạch vôi nham nhở, mái tôn cũ đổ sập sệ xuống nền đất lúp xúp cỏ dại. Ông Tu bảo:

- Đây chính là túp lều lợp lá năm xưa mẹ tôi tá túc khi còn sống. Nó được xây ngay sau năm mà các nhà báo đến đây nghe chuyện mẹ tôi... Cụ ở đâu được mười năm thì qua đời, thọ 95 tuổi… Sau đó ngôi nhà bị sập đổ do một cơn bão. Nay còn tạm bỏ hoang đấy vì tôi chưa làm được sổ đỏ cho đám đất trên gò Đượng Hạc. Vả lại có xây dựng lại cũng không biết để làm gì. Bài vị cụ tôi đã đặt bàn thờ tại nhà mình ở xã Tiền An… Hàng ngày tôi đi bằng xe máy ra đây làm vườn, trông nom đám cây ăn quả, nuôi bò, làm đầm nuôi tôm...

Trở lại nơi
Ông Trần Văn Tu (bên trái) con trai cụ Dừa, trò chuyện với tác giả.

Đượng Hạc không còn như ngày nào nữa. Nay đã bị cắt ra manh mún thành mấy mảnh, chỗ làm đầm, chỗ cắt nhượng cho người khác, chỗ vườn nhãn hoang với những vạt rau lá lốt xanh um. Diện tích ông Tu quản lý chỉ còn độ 1.500m2. Nhờ thu hoạch từ tạp nham các loại cây cối, hoa màu ngoài này mà đời sống gia đình ông cũng vơi bớt những khó khăn, túng thiếu. Tôi nhớ khu vực này vốn có hai hòn núi đẹp là hòn Bình Hương và hòn Ông Sư - Bà Vãi, được coi là danh thắng sơn thuỷ hữu tình của đảo Hoàng Tân. Thế nhưng nay không biết do đâu người ta đã bắn mìn lấy đá bóc mất hòn Ông Sư - Bà Vãi(!). Ở đây còn có một chiếc giếng ven đồi thông khá sâu gọi là giếng Tiên. Cái giếng thật lạ. Nước màu trắng đục như nước hến, múc vơi lại đầy, không cạn, uống rất mát, lại nhẹ bụng, dễ tiêu. Uống vào một chốc sau đã “đánh rủm” liên hồi. Có thể đây là giếng nước chứa chất khoáng, can xi...(?). Nay giếng cũng đã lẫn đâu mất vào con đường bê tông… Ngồi trên tảng đá xưa của cụ Đàm Thị Dừa còn lại dưới bóng những cây nhãn cuối mùa quả, chúng tôi cùng nhau ôn chuyện lần đầu tiên tôi đến đây và chuyện cụ bị cọp vồ năm nào...

Vào một ngày mùa thu, nắng hanh, đẹp trời năm 1998. Tôi và Phạm Trung Kiên, một bạn làm nghề chụp ảnh ở thị trấn Quảng Yên, đạp xe mang theo đồ nghề tìm ra Đượng Hạc (ở phía bắc đảo Hoàng Tân, thuộc khu vực đông Yên Hưng, cách thị trấn Quảng Yên chừng 20km). Đã từ lâu, tôi nghe các bậc cao tuổi ở quê kể rằng: Ngoài Đượng Hạc có một người đàn bà bị cọp vồ nhưng thoát khỏi nanh vuốt cọp và vẫn còn sống. Người ta còn thêu dệt nhiều chuyện ly kỳ để câu chuyện thêm hấp dẫn. Có người còn cả quyết, rằng bà Dừa còn đánh cướp y như… Triệu Tử Long vậy! Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi quyết đến tận nơi để tìm hiểu xem mọi chuyện thực hư thế nào…

Trở lại nơi
Ông Tu nay vẫn thường sang khu Đượng Hạc, nơi ngày xưa cụ Dừa đã sinh sống.

Đượng Hạc hồi ấy là một gò đất cứng có thảm rừng mọc dày đặc, nằm tách hẳn ra như chiếc lá hoá thạch trên cửa sông Bình Hương. Trên đó có nhiều rặng ổi và xoan mọc hoang dại. Một không gian hoang sơ nằm ngay bên vùng công nghiệp và du lịch. Dưới vòm cây âm u chỉ có một túp lều lợp cỏ và lá ràng ràng thấp lè tè như sót lại từ trong cổ tích. Mái lều mòn vẹt tựa cái lưỡi bò. Nền đất ghẻ lở, vách sụt hở mấy cây cột trơ lũa gỗ. Xung quanh túp nhà là vườn chuối bao bọc. Những buồng chuối cả xanh cả chín ngả vào mảnh sân xỉ vôi, như những đứa con gầy guộc. Ra mảnh ruộng rau muống cằn cỗi do thiếu nước ngọt, chúng tôi thấy một bà cụ đang lúi húi cấu từng đọt rau cho vào chiếc rá rách. Bà ngẩng lên chào khách rồi nhanh thoắt đứng dậy dẫn chúng tôi vào sân ngồi trên những tảng đá trước cửa túp nhà. Bà còn khoẻ mạnh, cao to, gân guốc, da tay nẩy đồi mồi. Bàn chân hình bàn cuốc, ngón cái toẽ ra toang hoác, kiểu bàn chân mà người ta vẫn hay nói, là bàn chân người Giao Chỉ cổ. Thoạt nhìn tôi đã mường tượng chắc hồi trẻ vóc dáng bà phải đồ sộ và tính tình thì ghê gớm lắm! Thế mới thoát khỏi miệng hùm được chứ!

Lâu ngày mới được gặp người trong đất liền ra nên bà cụ nói chuyện liến thoắng, rất vui:

- Già tên là Đàm Thị Dừa. Nhờ Giời, nhờ Phật mà già sống sót, thoát khỏi nanh vuốt “ông Ba mươi”! Nay đã 85 tuổi. Già ở đây có một mình thôi. Còn con trai già là Trần Văn Tu thì ở mãi trên mỏm đất đằng kia, đang chăn một đàn bò. May mà hồi ấy nó bị lạc trong rừng nên còn sống đến bây giờ.

Và câu chuyện cọp vồ bắt đầu được bà Dừa kể cho chúng tôi nghe:

Năm ấy là năm Đinh Dậu 1957. Trời làm đói kém do nắng hạn kéo dài. Vạt lúa cấy cạnh giếng Tiên mất gặt. Bà Dừa, lúc đó mới ngoài bốn mươi tuổi, phải giật từng bông, nhặt từng hạt thóc giấu kỹ để làm giống. Khoai cũng không có mà ăn. Phải bòn từng cái dãi lem rem. Chị Dừa xuống bãi đơm cá, đơm tôm, bắt chuột, bắt rắn làm thịt ăn trừ bữa. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Rồi đến một hôm, cô em gái từ trong làng bên kia sông ra chơi, rủ Dừa đi rừng kiếm cái ăn sống người. Chị Dừa cho con xuống thuyền nan và cùng cô em gái chèo vào khu Ngã Hai lên núi đào củ mài, hái quả thanh mai và tiện thể cắt cây thanh hao về buộc chổi đem bán. Mải làm, chiều tối lúc nào không biết, đành ngủ lại trong rừng. May quá! Có một đoàn thuyền khác cũng bị nhỡ nhật như mẹ con chị. Mọi người buộc thuyền đậu ngoài lạch sông, dưới gốc cây lim cổ thụ. Các nhóm rải chiếu, lót ràng ràng trên vạt đất phẳng phiu bên khe nước có những bụi tre mai có thể tránh được gió lạnh trong nguồn thổi ra. Dưới khe, nước chảy róc rách qua kẽ đá. Mấy người đàn ông lên sườn đồi cắt thêm ràng ràng về bảo: “Trên kia có nhà dân. Hay là mấy chị với mẹ con chị Dừa lên đó nghỉ. Sớm mai chúng tôi đón xuống!”. Dừa lắc đầu: “Chả phải thế đâu! Chỗ nào cũng đất nhà Giời. Ta ngủ ở đây cho có bầy có bạn!”. Hai mẹ con nằm giữa cùng cô em gái và cô bạn nữa chung một chiếu. Đêm giêng hai còn se lạnh. Đống lửa đốt bằng những gộc củi cháy bập bùng toả ấm. Sau một ngày làm lụng vất vả, mọi người ngủ thiếp đi. Lửa tàn dần trong đám củi than âm âm, tí tách. Dừa vẫn nằm yên bên con, chưa ngủ được vì trằn trọc bao ý nghĩ. Dễ quá nửa đêm chị mới thiu thiu. Thằng bé ngủ mê nói ngu ngơ. Chị lơ mơ vỗ về. Hình như có một luồng gió lạnh rờn rợn lẫn mùi thối tạt qua đầu? Bỗng toàn thân chị bị bốc lên khỏi chỗ nằm rất lẹ. Một bàn tay đầy lông lá có vuốt sắc nhọn quặp chặt lấy chị lao vào đêm tối. Phản ứng bất ngờ, chị quàng tay ôm về phía trước. Chạm ngay vào mớ lông lạnh ghê người. Hổ! Giời ơi! Con ơi! Hùm vồ mẹ mất rồi! Chị chết khiếp. Đau đớn và tuyệt vọng. Mắt chị nhắm nghiền. Tay buông thõng. Máu tươi túa ra hai bên thái dương, tràn đầy mặt. Mặn và nóng.

Con hổ to bằng con nghé vực ôm Dừa băng qua những bụi gai, bụi tre nứa chặt vát ngọn. Một lúc, chị mới nghe thấy tiếng người hô hoán phía sau. Nhiều đốm củi lửa văng lên toá loả. Tiếng kêu, tiếng đứa con khóc ré gọi mẹ dưới khe… Dừa vẫn tỉnh táo, nghĩ: “Thôi thế là hết. Tận số rồi! Ai nuôi con tôi đây? Giời ơi! Chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ bị xé làm trăm mảnh cho cái bụng hùm háu đói!”...

Con hổ vẫn băng như cơn lốc lên đồi cao. Miệng ngoạm chắc đầu tóc chị, một chân trên nó quặp chặt, ép ngực chị đến nghẹt thở. Chị lấy sức giãy giụa, đấm dụi, cấu vặn từng túm da lông nó, nghiến răng cắn vào cổ nó đay đi đay lại. Chết thì chết! Đằng nào cũng chết, tao cũng phải cắn mày! Con hổ nhảy chồm chồm bằng ba chân, vun vút qua bãi cỏ tranh, táp chị vào gốc cây, vào đá đau điếng, tê dại. Đến đỉnh dốc, nó đột ngột hạ chị xuống, đứng cả thân lên, ngoái đầu lại đằng sau. Thừa cơ ấy, chị lăn luôn xuống vực. Lăn rõ nhanh. Lăn bất kể qua cây, qua đá. Mặc kệ mọi vật va vào người đôm đốp. Một trời loạn xạ những đốm lửa vung vãi. Không biết lửa của đoàn người đuổi theo con hổ, hay lửa trong tròng mắt chị bốc lên? Chị không biết gì nữa. Thế rồi đoàn người tìm thấy Dừa nằm bất tỉnh dưới chân dốc. Thân thể bầm giập. Mặt mũi bê bết máu…

Ngoài câu chuyện thoát khỏi nanh vuốt của cọp dữ, bà Dừa còn kể cho chúng tôi nghe về những ngày chống bọn cướp để giữ vùng đảo bãi. Một lần, bọn cướp bơi qua sông mò vào lều bóp cổ Dừa định hãm hiếp. Dừa trấn tĩnh bảo thằng đầu sỏ: “Phải nằm lên phản hẳn hoi chứ!”. Hắn hí hửng lôi Dừa đặt xuống tấm ván. Nhanh như cắt, Dừa quờ tay vớ luôn con dao quắm giấu dưới chiếu, chém túi bụi và hét lớn: “Tổ sư chúng bay! Hùm còn phải chịu bà! Bà lại thua chúng bay à? Bò đâu, Bống đâu, ra đánh bỏ mẹ chúng nó cho tao!”. Bọn cướp hoảng hồn tháo chạy. Máu me bắn tung toé khắp vách nhà!

Thật ra có Bò, có Bống nào đâu. Chẳng qua bà đánh đòn gió...

Trở lại với hiện tại, tôi lặng lẽ nhìn khắp khu vườn và dường như vẫn còn thấy bóng bà cụ Dừa tha thẩn đi dưới rặng cây, cánh tay già nâng chống từng buồng chuối đang vào độ tròn cạnh. Vết sẹo hổ vồ còn đậm bên mang tai. Đời một con người nhanh chẳng khác một giấc mơ. Cụ Dừa thoát khỏi nanh vuốt, thoát khỏi cái bụng đói của con hổ dữ giờ cũng đã đi vào cõi thiên cổ. Nhưng câu chuyện “Người đàn bà cọp vồ” thì vẫn còn đó trong dân gian quê tôi…!

Lòng tôi thấy bâng khuâng và chợt nghĩ: Đượng Hạc, với non nước sơn thuỷ hữu tình như thế này sao không xây dựng thành một điểm du lịch làng quê được nhỉ? Và nếu  vậy, câu chuyện “người đàn bà bị cọp vồ” có thể sẽ là câu chuyện hấp dẫn, làm cho vùng đất - con người nơi đây thêm “lấp lánh”… Lúc ấy, đến du lịch Hoàng Tân, du khách không chỉ miên man trong không gian sông nước làng đảo, mà còn được đắm mình vào một không gian cổ tích và truyền thuyết làm nên hồn Việt quê hương ta!

Ừ, tại sao không nhỉ?

Dương Phượng Toại

Theo Quảng Ninh online

3 con gái lấy chồng xa, mẹ nuôi đàn gà chỉ mong con cháu về nghỉ lễ

Mới sớm, mẹ đã gọi điện hỏi xem dịp lễ này con có về quê ngoại. Chưa kịp trả lời đã thấy mẹ sụt sùi, giọng nghẹn lại, con cũng cứ thế nước mắt tuôn rơi.

Nữ DJ miền Tây mặc áo dài chơi nhạc gây sốt, kể góc khuất "sống về đêm"

DJ Tina Thảo thường được chú ý bởi hình ảnh mặc áo dài, áo bà ba trong những buổi diễn sôi động. Cô gái gốc Cà Mau cho biết đây là cách cô tạo dấu ấn riêng, bất chấp những tranh cãi.

Câu nói xót xa của cô gái sau hành trình thoát khỏi kẻ buôn người

Hầu hết các nạn nhân của mua bán người, sau khi được giải cứu, đều khá ổn về mặt tâm lý trong vòng 1-3 tháng đầu. Nhưng sau khoảng thời gian này, một số vấn đề ở họ bắt đầu nảy sinh.

Nữ tiến sĩ kể chuyện bị quấy rối và cách vượt lên nỗi đau, giúp người cùng cảnh

Bà Hồng bị quấy rối từ rất sớm. Trong hầu hết những tình huống bị quấy rối, chỉ có một mình bà đối diện với kẻ thực hiện hành vi.

Cao Thái Hà tuổi 34 vui sống độc thân, yêu hết mình nhưng thích tự do

Đi qua nhiều thăng trầm, Cao Thái Hà tận hưởng cuộc sống tích cực, lạc quan. Nữ diễn viên thích yêu nhưng không đặt giới hạn tuổi tác cho việc kết hôn.

Cú liều lúc nửa đêm cứu chàng trai Sơn La khỏi 'sào huyệt' của kẻ buôn người

H. được rủ sang Campuchia làm công việc nhẹ nhàng, lương tháng 10-15 triệu đồng. Nhưng chỉ vài ngày sau khi nhận việc, H. nhận ra mình đang ở trong ''sào huyệt'' của những kẻ buôn người.

Sếp nhìn chòng chọc vào người tôi, rồi chê bai ‘giống chân giò quá vậy’

Có những lần sếp nói những câu làm tôi chỉ muốn òa khóc. Sếp nhìn chòng chọc vào người tôi, rồi chê bai “sao giống chân giò quá vậy?”.

Bất ngờ bị tố quấy rối tình dục, nam giám đốc viết thư 'tuyên bố trong sạch'

Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ, trong quá trình hành nghề, ông từng được biết và nghe về các vụ QRTD mà chính bản thân người quấy rối không cho rằng mình đang quấy rối người khác, đến khi bị tố cáo mới ngớ người.

Cảnh độc đáo ở nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam

Có tuổi đời hàng trăm năm, rặng duối khổng lồ sừng sững bao quanh nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam.

Diễn viên Midu công khai ảnh cưới, hé lộ thời gian diễn ra hôn lễ

Đám cưới của nữ diễn viên Midu và bạn trai doanh nhân kín tiếng sẽ chính thức diễn ra vào ngày 29/6.

Đang cập nhật dữ liệu !