"Tọa độ lửa" Truông Bồn: Khúc tráng ca 50 năm quân dân kề vai nơi đạn lửa

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “tọa độ lửa” Truông Bồn. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau khúc tráng ca 50 năm trước của lực lượng TNXP là cả một tập thể những người dân địa phương luôn kề vai, trở thành hậu phương vững chắc.

Ông Nguyễn Tất Lữ kể về những ngày tháng sống cùng Đại đội TNXP.

Hậu phương nơi tiền tuyến

Những ngày tháng 10 lịch sử, hướng đến kỷ niệm 50 Chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 – 31/10/2018), chúng tôi tìm về xóm 9, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây được xem là hậu phương vững chắc, nơi mà các TNXP và bộ đội công binh trú ngụ những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất trên cung đường 15A huyền thoại.

Chiến tranh đã lùi xa, song Truông Bồn tràn đầy sức sống ngày nay vẫn là nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng cao cả, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Mặc dù đã ở tuổi ngoại bát tuần nhưng cụ ông Nguyễn Tất Lữ (trú xóm 9, xã Mỹ Sơn) vẫn còn rất minh mẫn. Khi chúng tôi hỏi về những năm tháng góp sức cùng Đại đội TNXP 317 (Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An) làm nên chiến thắng Truông Bồn, cụ rất hào hứng, đôi mắt sáng lên lấp lánh.

Thời ấy, cụ Lữ là Xóm trưởng nên mọi hoạt động diễn ra trong xóm, cụ là người tường tận nhất.

Cụ Lữ kể lại: “Ngoài việc tổ chức sản xuất cho bà con nhân dân, tôi còn cùng với dân quân địa phương tham gia đào hầm, đào công sự cùng bộ đội, TNXP. Ngày ấy vất vả lắm, dân quân, bộ đội, TNXP khi rảnh lại tăng gia sản xuất, lúc nghỉ giải lao còn đàn hát rất vui”.

Lực lượng TNXP mở đường trên tuyến lửa Truông Bồn. (Ảnh tư liệu).

Những ngày mùa hối hả trên đồng, nhưng đêm sáng trăng trục lúa giữa sân kho HTX Mỹ Thái (nay thuộc xóm 9) luôn rộn rã tiếng hát, tiếng cười. Nhiều người dân xóm 9 Mỹ Sơn vẫn còn nhớ tiếng hát o Đa, o Yến, o Doãn thuở trước.

Xóm 9, xã Mỹ Sơn thời ấy chỉ là mấy chục ngôi nhà dựa lưng vào triền núi. Hậu phương vững chắc của những nông dân chất phác nơi ấy chỉ cách tiền tuyến Truông Bồn một cánh đồng chừng 1,5km.

Rồi cụ Lữ kể tiếp cho chúng tôi nghe về cây đa giữa làng, cây đa được người dân nơi đây xem như một biểu tượng, niềm tự hào của xóm, của làng.

“Cả xóm 9 thời đó có 39 hộ thì có đến 33 hộ có TNXP và bộ đội công binh ở. Cuối năm 1967, đơn vị TNXP 317 về đóng quân ở làng, sống trong nhà dân. Đến giờ đi làm thường tụ tập đông đủ dưới gốc đa như để điểm danh quân số”, cụ Lữ bồi hồi nhớ lại.

33 hộ nông dân thời kỳ ấy đã thực sự trở thành 33 pháo đài chống đế quốc Mỹ kiên cường. Họ vừa là người luôn động viên, khích lệ, vừa tiếp lửa cho những TNXP vượt qua gian khổ, khốc liệt của chiến tranh.

Bà Nguyễn Thị Hồng chỉ vị trí căn hầm đã từng trú cùng TNXP.

Còn với bà Nguyễn Thị Hồng (trú xóm 9, Mỹ Sơn) vẫn còn nhớ như in về những tháng ngày các anh, chị thuộc Đại đội TNXP 317 chống Mỹ cứu nước ở trong nhà mình, làm nhiệm vụ thông đường ở “tọa độ lửa” ngày ấy.

“Hai vợ chồng bàn với nhau chịu khó ở chật một tý, nhường hai gian nhà cho các anh, chị ấy ở. Thời điểm đó có năm người ở trong nhà tôi là anh Thỏa, Phương, Tràn, Hạp và o Dương”, bà Hồng kể lại.

Những cái tên mà bà Hồng vừa nhắc tới, bà không thể nào quên. Ký ức ấy đã trở thành một phần của cuộc sống, neo lại vững chắc trong tâm khảm của bà cho mãi tận hôm nay.

“Chúng tôi coi các o, các chú TNXP như con cháu trong nhà. Thỉnh thoảng chúng tôi đưa họ mớ khoai, sắn hay bò gạo… vì thấy họ ăn mì lắm cũng tội”, bà Hồng nhớ lại.

Cùng với bà Hồng, hàng chục hộ dân khác tại xóm 9, xã Mỹ Sơn cũng đã từng sống với những chàng trai, cô gái TNXP trong những ngày đói khổ nhất, khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh này. Một tập thể những người nông dân xóm 9 và lực lượng TNXP cùng tựa lưng vào nhau để viết nên khẩu hiệu: “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.

Giờ đây, kẻ mất, người còn, những gia đình từng nuôi TNXP chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng có một điều rất đặc biệt, những người sống trong năm tháng ấy không bao giờ quên những gương mặt TNXP đã về làng ngày ấy.

Ông Nguyễn Tâm Cớn – Nguyên đại đội trưởng, Đại đội TNXP 317 vẫn còn nhớ như in tình cảm nồng ấm mà người dân xóm 9, Mỹ Sơn đã dành cho mình, cho đồng đội mình thuở trước. Những bát nước chè xanh hay vối đặc quánh, những củ khoai, củ sắn… được bà con san sẻ đã khiến cho những đôi tay cầm súng, cầm cuốc xẻng của TNXP thêm chắc khỏe, để mở đường cho những đoàn xe ra tiền tuyến.

Tiểu đội 2 (Tiểu đội thép) - Thuộc Đại đội TNXP 317 làm nhiệm vụ ở Truông Bồn.

Khúc tráng ca bất tử

Cho đến tận bây giờ, người dân xóm 9, xã Mỹ Sơn, nhất là những con người đã sống những năm tháng ấy không thể nào quên ký ức đau thương của 50 năm trước. 

Ngày 31/10/1968, trở thành ngày đau thương nhất tại tuyến lửa Truông Bồn. Đó cũng là ngày mà nhân dân xóm 9 mất đi 13 người con anh dũng, quả cảm vào một thời khắc đặc biệt của cuộc chiến tranh – ngày Đế quốc Mỹ ký hiệp định ngừng bắn trên toàn miền Bắc.

13 thanh niên nam, nữ thuộc Tiểu đội 2 (tiểu đội cảm tử), Đại đội TNXP 317 đã mãi mãi nằm xuống khi vừa tròn mười tám, đôi mươi trong một trận bom định mệnh. Hầu hết những người hi sinh đều đã hoàn thành nhiệm vụ và có quyết định ra quân, có người đã có quyết định đi học hay có người đã định ngày tổ chức đám cưới...

Kể với chúng tôi về ngày định mệnh ấy, giọng cụ Nguyễn Tất Lữ chùng xuống, nghẹn ngào: "Sáng sớm, nghe tiếng nổ thật to, ai cũng giật mình. Sau đó, là tiếng người chạy hối hả, loan báo TNXP hi sinh rất nhiều. Ai trong xóm cũng khóc bởi chúng tôi coi TNXP như người thân trong gia đình".

Ông Nguyễn Tất Phác kể lại giây phút tìm kiếm các TNXP hi sinh trong trận bom định mệnh sáng ngày 31/10/1968.

Ông Nguyễn Tất Phác (nguyên là Trung đội trưởng trung đội dân quân HTX Tân Quý, nhà ở xóm 10, xã Mỹ Sơn) ngậm ngùi: “Chúng tôi tìm mãi mà chỉ thấy 6 người còn nguyên vẹn; đó là o Đang, o Yên, o Doãn, o Tâm… 7 người khác không còn gì".

Chị Trần Thị Thông là TNXP duy nhất sống sót trong trận bom sáng 31/10. Mọi người phát hiện ra nhờ nòng súng chị Thông mang theo nhô cao trên mặt đất.

Sau đó, đồng đội đưa chị Thông về sân kho HTX, ai cũng nghĩ sẽ không cứu kịp. Đầu tóc, quần áo chị bê bết bùn đất, hơi thở yếu ớt. Còn nước còn tát, cụ Lữ và cụ Sơn (nay đã mất) băng đồi sang phía bên kia nhờ đoàn bộ đội công binh cứu giúp.

Bà Trần Thị Thông, nữ TNXP sống sót duy nhất ở "Tiểu đội thép" anh hùng.

"Khi đó, gặp một người mang súng lục, tôi nghĩ là chỉ huy nên nói có người bị thương, ngất xỉu. Bộ đội cho y tá sang tiêm, một lúc sau chị Thông tỉnh. Sống dân nuôi, ốm đau dân chăm sóc. Suốt mấy tháng sau đó, chị Thông được bà con xóm 9 chăm sóc tận tình, giành giật sự sống cho chị", ông Lữ kể thêm.

Phần mộ chung của 13 liệt sĩ TNXP ở khu tưởng niệm.

Tượng đài chiến thắng Truông Bồn, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, Truông Bồn không còn dấu vết của những trận bom, và màu xanh đã thay thế những đau thương, mất mát của một thời đạn lửa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng tình quân dân nơi “tọa độ lửa” Truông Bồn sẽ còn mãi mãi trường tồn nơi mảnh đất huyền thoại này.

Tiểu đội 2 và 13 Chiến sĩ Thanh niên Xung phong.

Đêm 30, rạng sáng 31/10/1968, Đại đội TNXP 317 nhận được mật lệnh “0h ngày 1/11 máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc; 7h sáng có đoàn xe quân sự đi qua, các đơn vị đóng quân trên tuyến đường 30 nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu; khẩn trương sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, bảo vệ an toàn cho đoàn xe vượt qua”.

Ngay sau đó, Đại đội 317 triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cùng làm với đơn vị Tiểu đội 2 được tiếp tục giao nhiệm vụ trực chiến, san lấp nhiều hố bom còn sót lại, sẵn sàng đón đoàn xe.

Cả đêm hôm đó, 12 nữ TNXP cùng 2 chiến sỹ Cao Ngọc Hòa và Trần Văn Hạp cầm quốc, xẻng, xà beng, quang gánh ra trận địa.

Đến 6h10’, khi hố bom cuối cùng được san lấp, bỗng kẻng báo động vang lên, máy bay địch gầm rú trên bầu trời, bom rơi nhiều như vãi trấu, cả tiểu đội chưa kịp chạy vào hầm thì nhiều tiếng nổ chát chúa vang lên, Truông Bồn chìm trong biển lửa khói.

13/14 TNXP đã hi sinh (trong đó có 11 nữ, 2 nam), khi còn ít giờ nữa máy bay Mỹ ngừng ném bom trên toàn miền Bắc.

Hầu hết, các anh chị đã hoàn thành nhiệm vụ. Có người đã có quyết định ra quân, người có quyết định đi học, người chuẩn bị cưới… nhưng, các anh chị đã mãi mãi để lại tuổi hai mươi, 7 chiến sĩ không tìm thấy thi thể, máu xương của họ đã hòa với đất trời, cỏ cây nơi đây, tạo nên khúc ca về TNXP, về huyền thoại Truông Bồn bất tử!

Ghi nhận vai trò, vị trí của Truông Bồn và tri ân những đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân ta tại địa danh lịch sử này, ngày 12/9/1996, Bộ Văn hóa – Thông tin đã có Quyết định số 51 QĐ/BT xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia. 

Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng vũ trang cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội TNXP 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.

Khu di tích Truông Bồn là biểu tượng cho ý chí, sức mạnh tinh thần của quân, dân ta trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, làm tỏa sáng thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạnh, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ mai sau. 

Việt Hòa

Diễn viên Thanh Hương: Tôi đang độc thân, có gì đẹp thì cứ khoe

Diễn viên Thanh Hương khẳng định vẫn đang độc thân và đến với ai cũng phải tính toán hơn sau một lần đổ vỡ.

Cựu binh hơn 8 năm làm điều đặc biệt trên phố, từ chối nhận tiền hỗ trợ

Hơn 8 năm qua, tại TP. Hội An, một cựu binh lớn tuổi hằng ngày cần mẫn đẩy chiếc xe tự chế rong ruổi khắp nẻo đường để nhặt rác. Ông từ chối nhận lương cho công việc này.

Xôn xao clip bé gái 3 tuổi bị bé trai hàng xóm đánh liên tiếp trong phòng

Trong đoạn clip được chia sẻ, một bé trai liên tục đánh bé gái nhà hàng xóm, thậm chí còn lấy dây đồ chơi quất mạnh vào người khiến bé gái khóc lớn.

Isaac khuấy động đường đua VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Không chỉ tham gia đường đua 5km tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024, nam ca sĩ Isaac còn chiêu đãi khán giả loạt bản hit được phối EDM sôi động.

Có một Ba Na Hills mới với loạt trải nghiệm hấp dẫn

Sau 15 năm, Sun World Ba Na Hills ngày càng rực rỡ, đẳng cấp và quyến rũ hơn. Không chỉ sở hữu cây Cầu Vàng nổi tiếng toàn cầu, khu du lịch này có nhiều lý do để gây thương nhớ, khiến du khách muốn quay trở lại nhiều lần.

Trương Ngọc Ánh: Giờ tôi không có người nối nghiệp!

Trương Ngọc Ánh chia sẻ: "Con gái tôi xinh đẹp, chân dài, hát được, nhảy rất đẹp, diễn tốt lại không theo nghề của bố mẹ mà học làm dược sĩ. Giờ tôi không có người nối nghiệp".

Chuyện cảm động ở khu dân cư thấy nữ cử nhân chở con 1 tuổi đi giao hàng đến đêm

Thương bé gái 1 tuổi theo mẹ đi giao hàng, những phụ nữ tốt bụng ở ngõ 885, Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội âm thầm hỗ trợ chỗ ở, miễn giảm học phí, san sẻ bỉm sữa, thức ăn…

Jennifer Lopez mặc nội y khoe đường cong ở tuổi 55 khiến gái trẻ phải ghen tỵ

Jennifer Lopez khoe đường cong nghẹt thở trong loạt ảnh quảng cáo nội y mới.

Diễn viên Thu Quỳnh tuyên bố không làm đám cưới, không muốn tái hôn

Thu Quỳnh cho biết cô quyết định làm mẹ đơn thân, không kết hôn và không làm đám cưới và đó là lựa chọn của nữ diễn viên 'Về nhà đi con'.

Lã Thanh Huyền gửi lời ngọt ngào kỷ niệm 18 năm bên chồng đại gia

Với Lã Thanh Huyền, có được một người bạn đời như chồng mình là hạnh phúc lớn nhất của cô.

Đang cập nhật dữ liệu !