Người hồi sinh "Trung thu xưa" về cho trẻ em

Buồn lòng trước việc trẻ em ngày nay thiệt thòi nhiều khi không được biết đến đầy đủ hương vị Trung thu truyền thống, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách đã dựa vào ký ức xưa cũ để phục chế lại những món đồ chơi đượm hồn dân tộc.

Phục chế đồ chơi niên đại trăm tuổi vì thương trẻ em

Là người yêu văn hóa cổ truyền Việt Nam, từ khi trở về nước, cứ mỗi dịp tháng 8 Âm lịch đến gần là nhà nghiên cứu Trịnh Bách lại không khỏi buồn lòng trước một không khí Trung thu đã không còn được như ngày nào.

Thương trẻ em ngày nay bị thiệt thòi nhiều, khi không được biết đến hương vị của một ngày Tết Trung thu đầy đủ ý nghĩa của dân tộc, trong khi những món đồ chơi Trung Quốc lại tràn ngập thị trường, ông Bách đã bỏ công sức nhiều năm để khôi phục lại những món đồ chơi độc đáo được dùng trong mỗi dịp Trung thu ngày xưa.

"Lễ hội Trung thu thì ở các nước dùng Âm lịch đều có, nhưng chỉ riêng Việt Nam gọi Trung thu là ngày Tết thiếu nhi, với những đồ chơi Trung thu cho trẻ em rất phong phú, đầy màu sắc.

Nếu như Tết Nguyên đán bắt đầu từ tháng Chạp, thì tết Trung thu cũng bắt đầu được rục rịch chuẩn bị từ sau Rằm tháng Bảy. Không khí tết nhất của Trung thu ngày xưa cũng nhộn nhịp gần như Tết Nguyên đán" – ông Trịnh Bách cho biết.

Mâm cỗ trung thu cổ truyền của người Việt Nam với đầy đủ ngũ quả, con giống bột màu, tiến sĩ giấy.

Theo ông Bách, Tết Trung thu ngày xưa, trẻ em không thể thiếu 3 món là bánh, con giống bằng bột và đèn (nhiều loại). Việt Nam là đất nước độc nhất có tục lệ nặn con giống bột làm đồ chơi trẻ em trong dịp Tết Trung thu. Tục nặn con giống bột có từ hàng trăm năm trước.

Viện Viễn đông Bác Cổ hiện còn lưu giữ được ảnh những con giống bột được chụp từ đầu thế kỷ 20, với chú thích là “Đồ chơi bằng bột nhuộm màu của Tết Trung thu Hà Nội”.

Bộ con giống bột màu "Tứ linh" nặn theo phong cách Phố Khách.

Con giống bột Hà Thành hồi xưa được chia làm 2 loại căn bản là con giống Đồng Xuân và con giống Phố Khách. Con giống Đồng Xuân thường do các bà, các cô nặn khi đến mùa lễ tết, hay khi nhàn rỗi.

Đề tài thông dụng nhất của con giống bột Trung thu Đồng Xuân được lấy từ các loại vật nuôi và vật dụng gần gụi với con người thời xưa. Phổ biến nhất là sáu con vật có ích với chủ nuôi. Tức là các con trâu, ngựa, lợn, dê, gà và chó.

Con giống Phố Khách cầu kỳ, tinh xảo hơn, và còn được gọi là con giống vẩy. Đề tài của các con giống Phố Khách thiên về thần thoại, thí dụ như nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá hóa long, con thiềm thừ (cóc 3 chân trên cung Trăng),... Các con giống bột Hà thành được làm bằng bột hoành tinh trộn bột nếp, sau này bột hoành tinh được thay bằng bột năng.

Bộ ngũ hổ nặn theo phong cách phố Đồng Xuân (Phố ta).

Ngoài con giống bột Hà Thành ngày xưa còn có loại con giống làm bằng bột tẻ gọi là bánh chim cò ở Xuân La, Phú Xuyên. Những bánh bột tẻ này cũng mang hình dáng các loại chim, thú. Và sau khi trẻ em chơi chán có thể hấp lên để ăn.

Bên cạnh con giống bột còn có những chiếc đèn Trung thu nhiều màu sắc, đa dạng. Những chiếc đèn lồng này mang đủ hình dáng đáng yêu của con thỏ, con bướm, con cá. Chúng được sơn phết kỳ công, sống động, khác hẳn những chiếc đèn ông sao xẹp lép đang được bán hàng loạt trên thị trường hiện nay.

Một chiếc đèn lồng trung thu hình cá chép cổ truyền được ông Trịnh Bách phục dựng lại.

Theo ông Trịnh Bách, lồng đèn hình con thú có nguồn gốc từ thời Đường, Trung Hoa. Khởi thủy chúng được làm với hình cá chép. Rồi sau đó còn có thỏ ngọc và cóc 3 chân, là những con vật sống với Hằng Nga trên cung Trăng… Nhưng phong tục này đã mất ở Trung Quốc từ lâu. Trong khi đó, người Việt về sau còn tiếp tục tạo thêm đèn hình các con vật khác như gà, bướm, chuồn chuồn, ông sao, củ ấu,... Và cũng như con giống bột, đèn lồng là đồ chơi dành cho trẻ em chỉ trong dịp Tết Trung thu.

Làng Báo Đáp ở huyện Nam Trực (Nam Định) ngày xưa là trung tâm cung cấp đèn Trung thu cho cả nước. Nhất là cho các thành phố lớn như Hà Nội. Đèn Trung thu cũng được dân làng Báo Đáp đem vào Sài Gòn năm 1954.

Vì các biến động lịch sử nên con giống bột Hà Nội và đèn Trung thu đã dần bị thất truyền từ hơn nửa thế kỷ nay ở miền Bắc và cũng đã vài ba thập kỷ ở trong Nam. Người Báo Đáp trong Nam sau này cũng có làm đèn Trung thu, nhưng với hình thức rất đơn giản.

Phục chế khó khăn, trăn trở việc quảng bá lưu giữ

Nhìn phố Trung thu Hàng Mã ngày càng mất đi màu sắc truyền thống, ông Bách đau đáu nỗi niềm phải bằng mọi cách khôi phục đồ chơi Trung thu cổ truyền. “Khi thấy con giống bột không còn nữa, tôi vẫn đau đáu tìm cách nào để mang nó trở lại được với đời sống, vì thấy thương trẻ con ngày nay không biết được nhiều cái hay, đẹp của nền văn hóa truyền thống Việt. Trong khi đó, các nghề truyền thống trong nước cứ mất dần đi trước mắt mình. Không làm gì đó thì sẽ mất hết. Nhiều người nói tôi mất của, mất công đi “vác tù và hàng tổng” nhưng tôi không nghĩ thế” – nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách trăn trở về việc gìn giữ và quảng bá những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Để phục chế các món đồ chơi Trung thu đó, ông Trịnh Bách cố gắng tìm các nghệ nhân còn sót lại. Đi từ Nam ra Bắc, giữa khi tưởng như vô vọng, ông Trịnh Bách gặp được một nghệ nhân nặn con giống bột cũ. Đó là bà Phạm Nguyệt Ánh (Trung Hòa, Hà Nội), có lẽ bà là người nặn con giống bột Đồng Xuân cuối cùng ở Hà thành. Sau đó, ông cũng tìm được nghệ nhân 8X Đặng Văn Hậu (Phú Xuyên, Hà Nội). Ý định ấp ủ hàng chục năm cuối cùng cũng hoàn thành khi những con giống bột khi xưa được hồi sinh trước những cặp mắt tròn xoe thích thú của trẻ nhỏ khi được trưng bày tại bảo tàng dân tộc học.

Bên cạnh việc phục chế con giống bột, cách đây khoảng 7 năm, ông Bách đến phố lồng đèn trong TP.HCM và ngỏ ý hướng dẫn một vài người cách làm đèn và cách dán lông cho lồng đèn nhưng không thành công. Bẵng đi một thời gian, khi ông quay trở lại thì những chiếc đèn trung thu được dán lông tứ tung đủ màu sắc và không theo quy luật nào cả.

Chiếc đèn lồng hình con thỏ đáng yêu được phục chế.

Đang buồn lòng vì điều đó thì ông lại có duyên được gặp một bà cụ nghệ nhân làm đèn Trung thu từng sống ở làng Báo Đáp (Nam Định), nay định cư tại làng Phú Bình (Tân Sơn Nhất). Đó là bà Nguyễn Trọng Văn, người đã từng có thâm niên gần 70 năm làm đèn. May mắn là 2 người con của cụ lại yêu thích và cùng với ông Bách khôi phục lại được những chiếc đèn Trung thu như trước năm 1975.

Với nỗi niềm của người đi tìm và phục chế, bảo tồn nền văn hóa cổ của Việt Nam, ông Bách không khỏi buồn khi nhắc đến việc quảng bá và lưu giữ những giá trị cổ truyền dân tộc. Điều khó khăn nhất là hầu hết những món đồ chơi này chỉ còn tồn tại trong ký ức, gần như vô vọng trong việc tìm người có thể thực hiện được chúng. Thêm nữa, đứng trước áp lực của cơ chế kinh tế thị trường, những người thợ cũng dần trở nên ăn xổi hơn, trong khi ít chịu luyện tay nghề. Phần đông chỉ làm qua loa với tâm lý “tưởng không ai biết gì”. Chính tư duy này là điều mà ông Bách trăn trở nhất. “Họ phải thay đổi được lối suy nghĩ đó thì họ mới có thể giữ và phát triển nghề được” – ông Trịnh Bách khẳng định.

Để con trẻ có thể nhớ và gìn giữ được những giá trị tốt đẹp của Tết Trung thu thì cần phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. “Tôi vẫn còn nhớ như in những bài thơ, bài học thuộc lòng về Trung thu mà khi còn ở bậc tiểu học, cứ mỗi dịp Rằm tháng Tám lại được các thầy cô lấy ra dạy” – ông Bách bộc bạch. Bên cạnh đó, việc nhộn nhịp sửa soạn của mọi gia đình cũng làm cho không khí Trung thu ngày xưa đình đám hơn.

Những khó khăn rồi cũng đến ngày được hồi đáp khi những món đồ chơi Trung thu truyền thống mà ông cùng các đồng sự bỏ công sức phục dựng đã được trưng bầy tại Bảo tàng Dân tộc học nhân dịp Trung thu năm nay. Và mọi người, từ người lớn đến trẻ nhỏ, đều rất hâm mộ, yêu thích. Khi đưa những món đồ chơi này ra với công chúng, điều ông mong muốn là mọi người hãy cùng nhìn lại, trân trọng hơn và gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc hơn nữa.

Xuất thân từ một gia đình quan lại triều Nguyễn, ông Trịnh Bách sang Mỹ từ năm 1972. Trong những năm 1980, ông đã học guitar với Andres Segovia, nghệ sỹ guitar cổ điển xuất sắc nhất thế kỷ 20. Đầu những năm 1990, ông và bạn bè xuất bản tạp chí VietNow bằng tiếng Anh ở Mỹ để truyền bá về lịch sử và truyền thống văn hoá Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1994, ông về Việt Nam để phục dựng các hiện vật cung đình triều Nguyễn. Những hiện vật này hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Huy Phạm

Diễn viên Thanh Hương: Tôi đang độc thân, có gì đẹp thì cứ khoe

Diễn viên Thanh Hương khẳng định vẫn đang độc thân và đến với ai cũng phải tính toán hơn sau một lần đổ vỡ.

Cựu binh hơn 8 năm làm điều đặc biệt trên phố, từ chối nhận tiền hỗ trợ

Hơn 8 năm qua, tại TP. Hội An, một cựu binh lớn tuổi hằng ngày cần mẫn đẩy chiếc xe tự chế rong ruổi khắp nẻo đường để nhặt rác. Ông từ chối nhận lương cho công việc này.

Xôn xao clip bé gái 3 tuổi bị bé trai hàng xóm đánh liên tiếp trong phòng

Trong đoạn clip được chia sẻ, một bé trai liên tục đánh bé gái nhà hàng xóm, thậm chí còn lấy dây đồ chơi quất mạnh vào người khiến bé gái khóc lớn.

Isaac khuấy động đường đua VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Không chỉ tham gia đường đua 5km tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024, nam ca sĩ Isaac còn chiêu đãi khán giả loạt bản hit được phối EDM sôi động.

Có một Ba Na Hills mới với loạt trải nghiệm hấp dẫn

Sau 15 năm, Sun World Ba Na Hills ngày càng rực rỡ, đẳng cấp và quyến rũ hơn. Không chỉ sở hữu cây Cầu Vàng nổi tiếng toàn cầu, khu du lịch này có nhiều lý do để gây thương nhớ, khiến du khách muốn quay trở lại nhiều lần.

Trương Ngọc Ánh: Giờ tôi không có người nối nghiệp!

Trương Ngọc Ánh chia sẻ: "Con gái tôi xinh đẹp, chân dài, hát được, nhảy rất đẹp, diễn tốt lại không theo nghề của bố mẹ mà học làm dược sĩ. Giờ tôi không có người nối nghiệp".

Chuyện cảm động ở khu dân cư thấy nữ cử nhân chở con 1 tuổi đi giao hàng đến đêm

Thương bé gái 1 tuổi theo mẹ đi giao hàng, những phụ nữ tốt bụng ở ngõ 885, Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội âm thầm hỗ trợ chỗ ở, miễn giảm học phí, san sẻ bỉm sữa, thức ăn…

Jennifer Lopez mặc nội y khoe đường cong ở tuổi 55 khiến gái trẻ phải ghen tỵ

Jennifer Lopez khoe đường cong nghẹt thở trong loạt ảnh quảng cáo nội y mới.

Diễn viên Thu Quỳnh tuyên bố không làm đám cưới, không muốn tái hôn

Thu Quỳnh cho biết cô quyết định làm mẹ đơn thân, không kết hôn và không làm đám cưới và đó là lựa chọn của nữ diễn viên 'Về nhà đi con'.

Lã Thanh Huyền gửi lời ngọt ngào kỷ niệm 18 năm bên chồng đại gia

Với Lã Thanh Huyền, có được một người bạn đời như chồng mình là hạnh phúc lớn nhất của cô.

Đang cập nhật dữ liệu !