Hôn nhân khoái lạc - Nhà thổ giam hãm các thiếu nữ Hồi giáo

Cuộc điều tra của BBC đã phát hiện thế giới ngầm bóc lột tình dục phụ nữ và trẻ em ở Iraq, nơi các giáo sĩ dụ dỗ các cô gái dễ bị tổn thương trở thành gái điếm thông qua thực hành tôn giáo gây tranh cãi được gọi là “hôn nhân khoái lạc”.

Rusul tỉnh dậy một mình. Chồng mới của cô đã đi khỏi. Cuộc hôn nhân của họ chỉ kéo dài 3 giờ. Đây không phải cuộc hôn nhân đầu tiên của cô gái tuổi teen. Nó thậm chí không phải cuộc hôn nhân thứ hai, thứ ba hay thứ tư. Thực tế, cô đã kết hôn nhiều lần đến nỗi không thể đếm nổi.

Lối sống này bắt nguồn từ công việc trước đây của cô. Cô thường thấy những cô gái trạc tuổi mình mặc trang phục bó sát và trang điểm đậm chờ những người đàn ông lớn tuổi hơn tới đón. “Họ là những cô gái rất trẻ đẹp, tôi không hiểu sao họ lại bán mình như thế”, cô nói.

Nhà báo Nawal Al-Maghafi, tác giả phóng sự điều tra của BBC về thị trường mại dâm ngầm của Iraq, ở Kadhimiya.

Bị gia đình hắt hủi và phải trợ cấp cho em gái Rula, bản thân Rusul cũng dễ bị tổn thương. Bất chấp khó khăn, cô tự hứa sẽ không dựa dẫm vào đàn ông để sinh tồn. Khi những người đàn ông nhét số điện thoại của họ vào tay cô, cô đều lờ đi.

Một ngày nọ, một người đàn ông đến nơi làm việc của Rusul và bắt đầu trò chuyện với cô. Họ nói về quá khứ của cô, về lý do tại sao cô làm việc thay vì ở trường và cô đến từ đâu. Cô cảm thấy anh thực sự quan tâm.

Cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn đối với Rusul. Sinh hoạt ở Baghdad với mức lương ít ỏi của mình, cô luôn phải vật lộn. Gạt bỏ lời hứa ban đầu về việc duy trì độc lập, cô bắt đầu mơ về một tấm chồng - người sẽ chăm lo cho cả hai.

Người đàn ông đến chỗ làm của Rusul mỗi ngày, tìm cách để cô chú ý. Rusul dần nảy sinh tình cảm với anh. Chỉ sau vài tuần, anh cầu hôn. Anh đưa cô đến Kadhimiya ở Baghdad. Khi họ bước vào văn phòng hôn nhân tôn giáo, Rusul cảm thấy run lên vì phấn khích.

Buổi lễ diễn ra ngắn gọn - giáo sĩ đọc một vài từ, hỏi cô có đồng ý với của hồi môn 200 USD mà cô sẽ nhận được hay không và đưa cho cô hôn thú. Rusul không biết đọc, nhưng ngay cả khi đọc được, cô cũng không thể nhận ra điều gì bất thường.

Trong vài phút sau lời chúc phúc của giáo sĩ, chú rể đưa cô đến một căn hộ gần đó để hoàn tất cuộc hôn nhân. Rusul theo chồng vào phòng ngủ. Khi đóng cánh cửa sau lưng, cô cầu nguyện rằng người đàn ông này sẽ đối xử tốt với cô và họ sẽ sống bên nhau lâu dài.

Những ngày đầu tiên giống như một giấc mơ cổ tích đối với Rusul. Nhưng chỉ sau vài tuần, chồng cô biến mất.

Cô không hề biết rằng cuộc hôn nhân của họ đã kết thúc trước khi nó bắt đầu. Đó là một kiểu hôn nhân Hồi giáo đặc biệt - “zawaj al-mutaa” hay “hôn nhân khoái lạc” - cách để quan hệ tình dục được tôn giáo chấp nhận. Cuộc hôn nhân của cô giờ đã hết hạn.

Hôn nhân mutaa bắt nguồn từ truyền thống tiền Hồi giáo ở cả Iran và Arab. Ngày nay, nó bị các giáo sĩ dòng Shia ở Iraq và nước láng giềng Iran cấm, nơi hầu hết tín đồ Hồi giáo Shia theo nhánh Twelver.

Các chuyên gia nói rằng theo Hồi giáo dòng Shia, mục đích của những cuộc hôn nhân như vậy là hưởng thụ tình dục, không phải sinh sản. Trong các thế kỷ trước, chúng diễn ra chủ yếu tại các địa điểm hành hương và trung tâm thương mại, nơi những người đàn ông cô đơn tìm kiếm bạn tình.

Một cuộc hôn nhân mutaa phải tuân theo hôn thú quy định thời gian và mức bồi thường cho người vợ tạm thời. Hôn thú có thể bằng lời và không cần sự xác nhận của giáo sĩ.

Nó có thể kéo dài từ một giờ đến 99 năm. Người đàn ông không có nghĩa vụ hiện diện hàng ngày và có quyền chấm dứt hôn thú bất cứ lúc nào.

Hôn nhân mutaa không được phép, theo Hồi giáo dòng Sunni. Một số giáo sĩ Sunni tán thành các biến thể thay thế của hôn nhân, chẳng hạn “misyar”, trong khi một số chuyên gia cho rằng hình thức hôn nhân này cũng thực hiện chức năng tương tự hôn nhân mutaa và cũng bị chỉ trích là bóc lột phụ nữ.

Trong trường hợp của những cô gái như Rusul, về cơ bản, hôn nhân mutaa cho phép lạm dụng trẻ em. Nó cũng không được công nhận theo luật dân sự của Iraq. Bộ luật hình sự quy định rằng bất kỳ ai có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân với một cô gái hoặc một phụ nữ đều có thể bị phạt tù tới 7 năm nếu cô ấy ở độ tuổi từ 15 đến 18, hoặc lên đến 10 năm nếu cô ấy dưới 15 tuổi.

Rusul nói rằng giáo sĩ đề nghị cô tiếp tục tham gia nhiều cuộc hôn nhân mutaa hơn nữa. Ông ta lập luận rằng cô không còn lựa chọn nào khác trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại.

Kadhimiya là một trong những địa điểm hành hương quan trọng nhất của Hồi giáo Shia. Hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến thăm nhà thờ Hồi giáo tưởng niệm sự tử vì đạo vào thế kỷ thứ 8 của Moussa al-Kadhim, người thứ bảy trong số 12 imam (thầy tế) dòng Shia.

Nằm rải rác giữa các quầy hàng nhộn nhịp xung quanh đền thờ là hàng chục văn phòng nơi các cặp vợ chồng tới kết hôn theo luật Hồi giáo, hay Sharia, trước khi tới trước thẩm phán để lấy giấy chứng nhận kết hôn chính thức. Hầu hết tìm kiếm hôn nhân vĩnh viễn. Nhưng cũng có một số người tìm kiếm hôn nhân mutaa.

Theo phát hiện của BBC, mặc dù là bất hợp pháp ở Iraq, các cuộc hôn nhân mutaa được thực hành rộng rãi ở Kadhimiya. Trong số 10 giáo sĩ được một phóng viên bí mật của BBC tiếp cận, 8 người nói rằng họ đã thực hiện chúng.

Không thể xác định chính xác mức độ phổ biến của việc thực hành hôn nhân mutaa dưới tuổi ở Iraq.

Trong văn phòng hôn nhân ở Kadhimiya, các giáo sĩ nêu chi tiết việc làm phạm pháp này với phóng viên giả dạng của BBC.

“Anh có thể kết hôn với một phụ nữ trong một tiếng rưỡi. Khi nó kết thúc, anh có thể cưới ngay cô khác”, Sayyed Raad nói.Raad cho biết ông có thể sắp xếp phòng khách sạn hạng sang cho phóng viên và cô dâu mutaa của anh mặc dù việc một cặp đôi thuê phòng khách sạn ở Iraq là bất hợp pháp trừ khi họ kết hôn theo luật dân sự.

Một số giáo sĩ cũng tỏ ra không quan tâm việc cô dâu còn rất nhỏ. Không có số liệu thống kê về việc có bao nhiêu cuộc hôn nhân mutaa được tiến hành nhưng dường như chúng đã trở nên phổ biến hơn sau cuộc xâm lược Iraq do Mỹ lãnh đạo năm 2003.

Cuộc xâm lược đã lật đổ chính phủ của Saddam Hussein, chấm dứt sự thống trị chính trị và kinh tế của người thiểu số Sunni ở Iraq và cuộc đàn áp đa số người Shia của đất nước. Kể từ đó, người Shia ở Iraq đã tìm cách thay đổi và đảo ngược sự mất cân bằng quyền lực. Giới giáo sĩ Shia của đất nước hiện nắm giữ rất nhiều ảnh hưởng.

Không giống các cuộc hôn nhân mutaa, các cuộc hôn nhân Sharia vĩnh viễn không bị cấm ở Iraq, mặc dù nó cần phải được một thẩm phán chấp thuận để được chính thức công nhận. Nhưng giống như những cuộc hôn nhân mutaa, nó cũng có thể khiến những cô gái yếu đuối gặp rủi ro nếu hệ thống luật dân sự bị bỏ qua.

Một giáo sĩ nói rằng theo Sharia, cô dâu chỉ đơn giản là có thể “quan hệ tình dục. Đôi khi chỉ cần họ đủ 10 tuổi”.

Để con gái lấy chồng khi còn nhỏ tuổi là cám dỗ với những cha mẹ phải vật lộn nuôi con. “Các bé gái bị xem như gánh nặng tài chính”, Yanar Mohammed, Chủ tịch Tổ chức Tự do của Phụ nữ, nói với BBC.

Ngoài ra, nhiều cha mẹ bảo thủ gả con gái sớm để giữ gìn hoặc bảo vệ danh tiếng của họ, bằng cách đảm bảo chúng không tiếp xúc với đàn ông hoặc có bạn trai - điều mà các cộng đồng bảo thủ coi là hủy hoại danh dự của cô gái và gia đình.

Nhưng tại thời điểm mà các cuộc hôn nhân Sharia vĩnh viễn được tòa án chấp thuận - điều cần thiết để các cặp vợ chồng sinh con ở bệnh viện - quy định về độ tuổi tối thiểu để kết hôn cần được thi hành. Tuy nhiên, một số cơ quan tư pháp của đất nước dường như không thiết tha trong việc thực thi luật pháp. 

Tại tòa án thành phố Sadr, các cặp đôi tập trung cùng cha mẹ họ để đợi thẩm phán chấp thuận cuộc hôn nhân Sharia. Một trong số họ, Haneen, mới 13 tuổi. Một giáo sĩ đã kết đôi Haneen với chồng cô trong cuộc hôn nhân Sharia vĩnh viễn cách đây 6 tháng và hiện cô đang mang thai.

Vì cô chưa đủ tuổi khi kết hôn, cha và chú rể của cô có thể phải ngồi tù hai năm. Thay vào đó, họ chỉ bị phạt 50 USD. Nhân viên xã hội của tòa án nói rằng, cô đã xử lý 126 cuộc hôn nhân ở tuổi vị thành niên chỉ trong 6 tuần qua. Cô dự đoán hầu hết sẽ kết thúc trong ly hôn.

“Chỉ 4 hoặc 5 cuộc hôn nhân sẽ thành công”, cô nói, giải thích rằng những người trẻ tuổi như vậy không thể xử lý trách nhiệm của hôn nhân. Sự kỳ thị xã hội gắn liền với ly hôn ở Iraq là rất lớn. Một cô gái hoặc phụ nữ đã ly dị có thể bị gia đình hắt hủi.

Yanar Mohammed cho biết điều này khiến họ dễ bị dụ dỗ. “Nếu bạn là một phụ nữ đã ly hôn, bạn không có tương lai, bạn sẽ bị coi là một người bại hoại. Một khi rơi vào hoàn cảnh đó, bạn sẽ dễ dàng nghe theo những lời thì thầm của giáo sĩ rằng họ có giải pháp”, cô nói.

Theo Tuyết Mai/news.zing.vn
Từ khóa: Phụ nữ và trẻ em Iraq bóc lột tình dục

Hưng Yên triển khai phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho mẹ và bé

Bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi tại Hưng Yên được tiếp cận ngân hàng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đa dạng từ Ajinomoto Việt Nam với phần mềm thực đơn dinh dưỡng được Bộ Y tế phê duyệt.

400 học sinh Đồng Nai nhận học bổng ‘Cho em đến trường’

Quỹ học bổng “Cho em đến trường” đã trao 400 suất học bổng trị giá 540 triệu đồng cho những em có hoàn cảnh khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập.

Hồ Quỳnh Hương tiết lộ bạn trai hơn 2 tuổi, yêu mặn nồng nhưng chưa muốn cưới

Dịp trở lại âm nhạc với MV 'Cứ để cho em', ca sĩ Hồ Quỳnh Hương xác nhận đang yêu một người đàn ông hơn 2 tuổi.

Cô gái miền Tây đổi đời nhờ vịt con duyên dáng, bất ngờ nổi tiếng châu Á

Câu chuyện cô gái Vĩnh Long đổi đời nhờ vịt con nở ra từ quả trứng hỏng được chọn làm thành phim, công chiếu trên kênh Discovery Asia đang thu hút sự chú ý của nhiều người châu Á.

Gác bằng thạc sĩ, chàng trai Cần Thơ về quê làm nông dân kiếm 1 tỷ đồng/năm

Có 2 bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ nhưng Dương Đình Tuyễn ở TP Cần Thơ vẫn quyết định về quê chăm sóc khu vườn của gia đình, nhờ vậy anh có doanh thu cả tỷ đồng/năm.

Cụ ông 80 tuổi qua đời, con cháu phát hiện 'kho tiền' được chôn dưới lòng đất

Sau khi qua đời, gia đình ông tình cờ phát hiện ra số tiền lớn nhưng khi đào lên thì tiền bị mốc, hỏng hơn một nửa.

Học lỏm nghề lạ, cậu bé mồ côi thành người giàu thứ 3 Sài Gòn xưa

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, cậu thiếu niên 13 tuổi học lỏm được nghề lạ, từng bước thoát nghèo rồi trở thành bá hộ, độc chiếm vị trí thứ 3 trong số tứ đại phú hào Sài Gòn xưa.

Gia tộc xưa có trăm nhà mặt phố, căn phòng bí mật nuôi gia nhân chỉ để đếm tiền

Đầu óc nhạy bén, khéo léo sử dụng “quyền lực” trong tay, vị phú hào sở hữu khối gia sản khổng lồ khiến người Pháp phải ngạc nhiên.

Người giàu nhất Sài Gòn xưa, giai thoại thuê nhân công phơi tiền cho khỏi mốc

Trong thời kỳ cực thịnh, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia.

Ngôi làng tỷ phú ở Vĩnh Phúc, người dân 'hái ra tiền' xây lâu đài nhờ một nghề

Tại xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có một ngôi làng nhỏ nhưng biệt thự mọc lên như nấm. Người dân quanh đây gọi nơi này là làng tỷ phú.

Đang cập nhật dữ liệu !