Chuyện một thủ lĩnh “ăn ngủ” cùng người nghiện

Ngày đầu vào làm việc với người nghiện lấy trộm đồ, nói họ giả vờ điếc, Hoàng Mạnh Thắng (Cơ sở cai nghiện ma túy số 4, Sở LĐTB & XH Hà Nội) lúc ấy đã muốn bỏ nghề. Nhưng với mong muốn giúp những người nghiện quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, Thắng đã ở lại giúp nhiều người tái hòa nhập cộng đồng.

"Thầy" Hoàng Mạnh Thắng (áo trắng) đang trao đổi với các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 (Sở LĐTB & XH Hà Nội)

Từng nghĩ chọn sai nghề, muốn bỏ việc

Tháng 10/2005, chàng trai quê Ba Vì tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành Kỹ thuật điện, ngay sau khi ra trường, Thắng đã được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH DENSO (Công ty liên doanh của Nhật Bản tại Bắc Thăng Long -  Hà Nội). Công việc đúng chuyên ngành, có thu nhập khá cao tại thời điểm đó,  tuy nhiên, do bố mẹ đã cao tuổi, bản thân khi làm việc xa đủ thứ phải chi tiêu: từ thuê nhà cho đến đi lại, tiền làm được “rải đường” gần hết. 

“Hai năm đi làm không tiết kiệm được bao nhiêu, nên tôi cũng mong muốn được làm việc gần nhà. Đầu năm 2007, cơ quan (khi đó là Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội số IV) thông báo tuyển dụng. Tôi quyết định nộp đơn.

Tháng 10/2007, ước mong của mình đã trở thành hiện thực. Mừng đấy, nhưng lo cũng rất nhiều vì nơi tôi làm sẽ là một đơn vị thực hiện công tác cai nghiện phục hồi.

Chưa kể, hồi sinh viên tôi cũng đã rất sợ người nghiện khi từng bị họ lấy trộm xe, cũng chính đối tượng nghiện ma túy chặn đường “xin đểu” tiền vài lần. Thế mà giờ đây, nếu tôi quay về, gắn với nơi này, tức là cả đời– ngày nào tôi cũng tiếp xúc với con nghiện.

Thấy mông lung trên con đường lựa chọn công việc của mình, tôi được gia đình, một số anh chị đang công tác trong ngành động viên, tôi cũng thấy yên tâm phần nào, quyết định “dời đô” chọn một thử thách mới, một công việc mới cho mình”, Thắng bồi hồi nhớ lại.

Đến giờ sau 12 năm gắn với nơi này, Thắng vẫn không thể quên những ngày đầu tiên bước chân vào làm việc. Vừa dẫn tôi đi qua các phòng ở của học viên, Thắng bảo “khó khăn lắm chị ơi”. Bởi môi trường sinh hoạt hoàn toàn khác so với trước, đồng nghiệp mới, mọi thứ đều mới lạ, từ chỗ ăn, ngủ, nghỉ cho đến thời gian, giờ giấc bị đảo lộn hoàn toàn so với trước.

5 ngày làm việc trong tuần thì gần như 24/24h Thắng phải “ăn ngủ cùng người nghiện”, không được ra ngoài, giữa nơi đèo heo, hút gió. Ở môi trường “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, học viên thời điểm đó rất nhiều độ tuổi khác nhau, người trẻ nhất 18, lớn tuổi nhất lên tới 60 tuổi, ai cũng săm trổ, mặt mày bặm trợn, lầm lì… khiến Thắng không khỏi e ngại, dè chừng.

 “Có lẽ nhìn mặt tôi lúc đó “búng ra sữa” nên học viên thử nhiều lần. Bao thuốc tôi để đó, chỉ thoáng chốc lại mất đi vài điếu. Đến giờ lao động, học việc, tôi hướng dẫn thì họ kêu khó làm không làm được. Học viên “Dũng sắt” còn chủ động nhờ tôi mua hộ rượu, thuốc lào mang vào cho anh em với mức “tiền công” vô cùng hậu hĩnh. Nói chung, tôi liên tục bị các học viên “quay” như chong chóng… Nhưng không phải nguyện vọng nào của anh em, tôi cũng đáp ứng được. Vì thế, họ bất hợp tác. Trong khi cơ quan  liên tục nhắc nhở do không hoàn thành nhiệm vụ. Hai tuần đầu tiên đi làm tôi đã nghĩ mình sai lầm khi lựa chọn công việc này. Lúc đó, tôi đã muốn xin nghỉ việc”, Thắng kể.

Rất may, Thắng đã gặp được nhiều đồng nghiệp tốt, các anh Đinh Hoàng Long, Nguyễn Đắc Nam, Nguyễn Văn Hào... đã quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình để người “Thầy” trẻ vượt qua những khó khăn, vất vả ban đầu.

Sau đó, Thắng được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngành. Thắng bảo “đây là lớp học vô cùng ý nghĩa và cần thiết đặt viên gạch đầu tiên giúp tôi được học tập, được biết, được hiểu rõ ràng, kỹ lưỡng hơn về những vấn đề liên quan đến người nghiện và công tác cai nghiện phục hồi, hiểu được ý nghĩa nhân văn, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với người nghiện, cho họ cơ hội vượt qua lầm lỡ, làm lại cuộc đời, và hiểu được ý nghĩa trọng trách đối với chữ “Thầy” mà hàng ngày anh em học viên tôn trọng gọi mình”.

Với kiến thức được trang bị Thắng không còn e dè, bỡ ngỡ với anh em học viên như trước. Việc anh ăn, ngủ, nghỉ, lao động, sinh hoạt cùng anh em học viên cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Khi những rào cản của sự sợ hãi được gỡ bỏ, Thắng dần hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vất vả những “ẩn ức” anh em học viên trước, trong thời gian cai nghiện chữa bệnh tại đơn vị. 

“Học viên mỗi người vào cai nghiện chữa bệnh là một hoàn cảnh, một lý do để họ tìm và sử dụng ma túy. Người có thâm niên nghiện lên tới mấy chục năm, người chỉ một vài tháng, người dùng loại này nhưng có người lại dùng loại khác. Nhưng hầu hết hệ thần kinh của họ đã bị tổn thương, hiện nay gần 70% học viên đang cai nghiện chữa bệnh tại đơn vị đều sử dụng ma túy đá, dẫn đến tổn thương hệ thần kinh của họ rất lớn, từ suy nghĩ, lời nói đến hành động của anh em học viên hiện nay so với những năm về trước trở nên khó kiểm soát. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình cai chữa bệnh tại đơn vị”, Thắng nói.

Hơn nữa, trước khi vào trại, họ vốn bị “gia đình kỳ thị”, xã hội xa lánh. Chẳng ai muốn dây vào “con nghiện”, vì thế mối quan hệ bạn bè của họ cũng chỉ là những người đồng cảnh.Chính những suy nghĩ hành vi lệch chuẩn của người nghiện, mà theo lời Thắng “phần lớn họ có cái nhìn tiêu cực với mọi người. Khi mới vào đơn vị, họ sống thu mình, dè dặt, ít giao tiếp, hay chống đối, lười lao động, ý thức kỷ luật yếu”. 

Trao chân tình nhận được sự hợp tác 

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với mong muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao và hơn hết cả muốn giúp họ - những người vô tình, cố ý sa vào con đường nghiện ngập tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, giúp họ vượt qua sai lầm trở thành người “có ích” chứ không phải đồ “bỏ đi” làm lại cuộc sống bình thường, Thắng đã luôn trăn trở làm thế nào để giúp người nghiện hướng thiện, khơi dậy trong họ những điều tích cực và tốt đẹp, để họ có niềm tin và có quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy.

“Tôn trọng”, đó là điều đầu tiên Thắng nhận ra và đem áp dụng. Người “Thầy” trẻ luôn giữ lễ tiết tác phong công tác chuẩn mực, từ lời ăn, tiếng nói với anh em. Nhiều khi chủ động chào hỏi anh em trước một cách thân thiện, cởi mở, và chân tình sau nữa là đến những hành động ân cần chỉ bảo, phối hợp, lắng nghe giúp đỡ để thầy trò cùng giải quyết công việc nhiệm vụ chung, từ đó khiến cho anh em xóa bỏ mặc cảm, thu hẹp khoảng cách thầy trò. Học viên không còn giữ khoảng cách, thủ thế mà họ bắt đầu giành sự tin tưởng, cởi mở hơn phần nào đối với anh.  

“Ngoài tạo ra môi trường tốt cho anh em bản thân tôi cùng các đồng chí cán bộ nơi đây phải hết sức giữ gìn trong  mọi hành động làm sao một cách văn minh nhất, làm nhiều việc tốt nhất có thể, từ những việc nhỏ như giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở, không vứt rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định, không nói tục, nghiêm túc thực hiện nội quy, quy chế cho đến giúp đỡ anh em giải quyết khó khăn vướng mắc trong sinh hoạt, học tập và chữa bệnh nhiều khi là từ cái bút, quyển vở, cái tăm, lọ kem đánh răng, bàn chải... 

Khi thường xuyên được tiếp xúc với những hành động đẹp, những việc tốt như vậy, mưa dầm thấm lâu, dần dần anh em học viên tích cực làm theo và cùng với các thầy duy trì nó. Người thầy dần có vị trí tốt hơn thiện cảm hơn trong mắt anh em học viên, việc cộng tác cùng nhau làm việc, sinh hoạt trở nên rất hợp tác và hiệu quả, trò gọi là thầy từ cái tâm của mình”, anh Thắng nói. Đó là những “trái ngọt” mà người thầy Hoàng Mạnh Thắng nhận được. 

Anh Nguyễn Văn Long (Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng) là một ví dụ điển hình. Dù có chuyên môn rất giỏi về sửa chữa các loại loa đài, ti vi, quạt điện, đồ điện nước... nhưng khi mới vào cai nghiện tại đơn vị anh luôn giữ khoảng cách, không giúp đỡ, giao tiếp thân mật với bất kỳ ai. Rất nhiều lần tiếp xúc, Thắng cũng chỉ khai thác được từ học viên Long “sự bất mãn, sự oán hận đối với anh chị em trong gia đình”.

Thắng kể “anh ta không quan tâm bất cứ điều gì ngoài lợi ích cá nhân”. “Không ai khác, mình là người gần nhất anh ấy thời điểm này, chỉ khi anh ấy tin tưởng thì mình mới có thể cảm hóa được”, Thắng nghĩ và anh đã kiên nhẫn từng ngày, từng ngày một cùng học viên vượt qua. 

“Tôi đã dành nhiều thời gian với anh hơn. Có lẽ nhìn thấy những việc tôi làm hết sức chân tình không ngoài mục đích giúp anh cai nghiện, chữa bệnh, thay đổi tính tình, có cuộc sống bình thường như bao người ngoài kia, anh đã dần thay đổi sau hơn 2 năm cai nghiện”, Thắng nói.

Hiện anh Long đã không còn lệ thuộc vào ma túy. Gặp lai chúng tôi, anh  gửi lời cảm ơn cán bộ, các thầy Cơ sở cai nghiện ma túy số 4, đặc biệt với thầy giáo Thắng. Không muốn nhắc lại quãng thời gian dài chìm đắm trong những cơn phê ma túy, hay những cơn vật vã khi đói thuốc…Long chỉ nhắc về tương lai. Một tương lai mà ở đó Long muốn làm nhiều điều tốt, bù đắp lại những sai lầm đã qua trong quá khứ xây dựng gia đình hạnh phúc lo lắng tốt cho vợ con...

Không giấu nổi niềm vui, giọng Long nghèn nghẹn: “Thầy Thắng đã giúp tôi nhận ra sai lầm, quyết tâm không sử dụng ma túy nữa. Ngày đó cứ nghĩ  đến cảnh vợ tôi một mình nuôi hai con nhỏ, dành dụm từng đồng cho con ăn học tôi thấy mình đúng là đồ bỏ đi. Được thầy Thắng thường xuyên động viên chia sẻ, trong thời gian cai nghiện tôi đã cố gắng làm việc, lao động và hàng tháng đã gửi một phần nhỏ tiền công của mình về cho vợ tôi trang trải cuộc sống. Giờ đây tôi chỉ mong sao mình đủ sức khỏe nuôi các con ăn học thành người tử tế”. 

Chia sẻ bí quyết giúp mình thành công trong công việc, Thắng cho rằng “mỗi người thầy trong công việc có một cách ứng xử riêng với anh em học viên. Nếu người thầy giáo điều thiếu gần gũi, phân biệt hơn thua với anh em học viên sẽ nhận được sự chống đối, thiếu tôn trọng. Nếu chúng ta nhận ra, trong mỗi con người luôn có những mặt tốt đẹp, nếu người thầy luôn làm gương thực hiện nhiều việc tốt, chân tình, cởi mở thì không lo ngại người khác không chân tình cởi mở và hợp tác với mình”. 

Không chỉ là tấm gương đối với các học viên, thầy Thắng còn “truyền cảm hứng” về lối sống đẹp cho các đoàn viên, cán bộ trẻ trong đơn vị. Với cương vị là thủ lĩnh của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị, Thắng luôn tiên phong gương mẫu trong công việc, trong sinh hoạt và cuộc sống, cố gắng làm nhiều việc tốt, duy trì nhiều hành động đẹp như dọn dẹp khuôn viên, bỏ rác đúng nơi quy định, tiết kiệm điện nước, tự tay nhặt cở, nhặt rác, tưới cây, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh... 

“Tại các kỳ sinh hoạt chi đoàn hàng tháng, hàng quý tôi luôn chú trọng tổ chức thảo luận các chủ đề như: tuyên truyền phổ biến nội dung hai quy tắc ứng xử của UBND thành phố Hà Nội. Thảo luận về cách giao tiếp, ứng xử của thanh niên trong thời đại mới, về việc bày tỏ quan điểm đối với các vấn đề thời sự các tin tức trên mạng xã hội… Đó là cơ hội giúp cho các đồng chí đoàn viên khác có thêm kiến thức, hiểu biết có thái độ đúng đắn hơn trong việc ứng xử giao tiếp với đồng nghiệp, với công việc, với học viên. 

Đồng thời nhằm đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực cho thế hệ trẻ của đơn vị, tôi xin ý kiến Cấp ủy, Ban giám đốc đơn vị tổ chức cho đoàn viên trong đơn vị tham gia các cuộc thi, các buổi tọa đàm, kể chuyện về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Đó là một trong số rất nhiều hoạt động nhằm thôi thúc những đoàn viên trong đơn vị  quyết tâm hơn nữa trong việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, sống có văn hóa, có ý nghĩa, tích cực làm nhiều việc tốt, có nhiều hành động đẹp góp phần nâng cao chất lượng công tác cai nghiện chữa bệnh cho anh em học viên, và xây dựng môi trường làm việc ngày càng văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện trong đơn vị”, Thắng nói.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, với đồng lương công chức, vợ chồng đôi lúc vẫn phải “giật gấu, vá vai”, vay tạm anh em, bạn bè để chi tiêu nhưng với tất cả sự tận tâm, nỗ lực trong công việc, Hoàng Mạnh Thắng đã được Cấp ủy, Ban giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao.

Năm 2019, anh đã được Chủ tịch UBND Thành phố  Nguyễn Đức Chung tặng Bằng khen về thành tích thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. 

Huyền Anh

3 con gái lấy chồng xa, mẹ nuôi đàn gà chỉ mong con cháu về nghỉ lễ

Mới sớm, mẹ đã gọi điện hỏi xem dịp lễ này con có về quê ngoại. Chưa kịp trả lời đã thấy mẹ sụt sùi, giọng nghẹn lại, con cũng cứ thế nước mắt tuôn rơi.

Nữ DJ miền Tây mặc áo dài chơi nhạc gây sốt, kể góc khuất "sống về đêm"

DJ Tina Thảo thường được chú ý bởi hình ảnh mặc áo dài, áo bà ba trong những buổi diễn sôi động. Cô gái gốc Cà Mau cho biết đây là cách cô tạo dấu ấn riêng, bất chấp những tranh cãi.

Câu nói xót xa của cô gái sau hành trình thoát khỏi kẻ buôn người

Hầu hết các nạn nhân của mua bán người, sau khi được giải cứu, đều khá ổn về mặt tâm lý trong vòng 1-3 tháng đầu. Nhưng sau khoảng thời gian này, một số vấn đề ở họ bắt đầu nảy sinh.

Nữ tiến sĩ kể chuyện bị quấy rối và cách vượt lên nỗi đau, giúp người cùng cảnh

Bà Hồng bị quấy rối từ rất sớm. Trong hầu hết những tình huống bị quấy rối, chỉ có một mình bà đối diện với kẻ thực hiện hành vi.

Cao Thái Hà tuổi 34 vui sống độc thân, yêu hết mình nhưng thích tự do

Đi qua nhiều thăng trầm, Cao Thái Hà tận hưởng cuộc sống tích cực, lạc quan. Nữ diễn viên thích yêu nhưng không đặt giới hạn tuổi tác cho việc kết hôn.

Cú liều lúc nửa đêm cứu chàng trai Sơn La khỏi 'sào huyệt' của kẻ buôn người

H. được rủ sang Campuchia làm công việc nhẹ nhàng, lương tháng 10-15 triệu đồng. Nhưng chỉ vài ngày sau khi nhận việc, H. nhận ra mình đang ở trong ''sào huyệt'' của những kẻ buôn người.

Sếp nhìn chòng chọc vào người tôi, rồi chê bai ‘giống chân giò quá vậy’

Có những lần sếp nói những câu làm tôi chỉ muốn òa khóc. Sếp nhìn chòng chọc vào người tôi, rồi chê bai “sao giống chân giò quá vậy?”.

Bất ngờ bị tố quấy rối tình dục, nam giám đốc viết thư 'tuyên bố trong sạch'

Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ, trong quá trình hành nghề, ông từng được biết và nghe về các vụ QRTD mà chính bản thân người quấy rối không cho rằng mình đang quấy rối người khác, đến khi bị tố cáo mới ngớ người.

Cảnh độc đáo ở nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam

Có tuổi đời hàng trăm năm, rặng duối khổng lồ sừng sững bao quanh nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam.

Diễn viên Midu công khai ảnh cưới, hé lộ thời gian diễn ra hôn lễ

Đám cưới của nữ diễn viên Midu và bạn trai doanh nhân kín tiếng sẽ chính thức diễn ra vào ngày 29/6.

Đang cập nhật dữ liệu !