"Đố anh làm cho dân bỏ xe máy đi xe đạp lúc này"
Ghi nhận của phóng viên, phần lớn các ý kiến đều có cùng một nhận định khi sử dụng xe đạp sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tai nạn, đặc biệt là các vụ tai nạn thương tâm do tốc độ cao gây ra. Nhưng với cách làm giao thông hiện nay, giới chuyên gia đều cho rằng mục tiêu phát triển xe đạp sẽ “không khả thi”.
Trao đổi với báo điện tử Infonet về tính khả thi của xe đạp, TS. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định “khả thi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách làm”. Ông cho biết, chủ trương này Nhật Bản đã làm, và làm một cách bài bản có tổ chức, có kỷ luật. Còn với quy hoạch giao thông như của ta hiện nay, ông cho biết người dân sẽ “không muốn đi xe đạp vì tốc độ quá chậm lại phải mất nhiều sức”.
Hàng nửa thế kỷ làm việc, nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông, TS. Thủy đã đưa ra tổng kết ba giai đoạn phát triển của phương tiện: từ đầu thế kỷ 19 đến cuối những năm 80, sang đầu những năm 90 là sự phát triển của phương tiện xe đạp; giai đoạn 2 từ những năm 90 đến năm 2005 là sự bùng nổ của xe máy; Và từ 2005 đến nay là “thời” của phương tiện ô tô.
Rất khó để hình thành thói quen đi xe đạp tại Việt Nam như ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh minh họa |
Sự phát triển của phương tiện đi lại cũng chứng minh cho sự phát triển của một nền kinh tế. Ông Thủy cho biết những năm 80 thế kỷ trước Hà Nội có từ 1,5 – 2 triệu xe đạp. Nhưng đến bây giờ xe đạp chỉ còn khoảng 15 vạn chiếc. Thậm chí có xe đạp trong nhà nhưng người dân vẫn không đi, mà chỉ đi xe máy, đi ô tô (nếu có).
TS. Thủy cũng cho rằng quy hoạch giao thông đô thị không hề “quên” xe đạp. Trên nhiều đoạn đường có phần đường ngoài cùng bên phải dành cho xe đạp, được đánh dấu bằng kẻ vạch trên đường. Nhưng đã từ lâu người ta không còn quan tâm đến đường dành cho xe đạp nữa. Dù chỉ đi lại 500 mét người ta vẫn đi xe máy, và xe đạp đã trở thành “thiên cổ”.
Quy hoạch giao thông đô thị không “quên” xe đạp. Nhưng đã từ lâu người ta không còn quan tâm đến đường dành cho xe đạp nữa. Dù chỉ đi lại 500 mét người ta vẫn đi xe máy, và xe đạp đã trở thành “thiên cổ”.
Với khoảng cách dưới 10 km khuyến khích người dân đi xe đạp luôn là mong muốn của Hà Nội. Nhưng để thành công như các nước đang làm, TS. Thủy khẳng định Hà Nội phải phát triển một mạng lưới liên kết hoàn chỉnh.
Ông dẫn dụ đất nước Nhật Bản, phương tiện di chuyển của họ chủ yếu là tàu điện và ô tô. Nhà cách ga khoảng 2 km người ta sẽ đi xe đạp đến nhà ga rồi đi tàu điện. Hoặc khi xuống nhà ga cuối cùng họ sẽ đi xe đạp đến nơi làm việc. Với liên kết như vậy xe đạp tham gia nhiều vào sự đi lại của người dân, nhưng cũng chỉ mang tính chất “phụ trợ” cho các phương tiện vận tải công cộng.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Đinh Thị Thanh Bình – Viện trưởng Viện Quy hoạch & Quản lý GTVT cũng cho rằng phương tiện xe đạp chỉ phát huy tác dụng khi phát triển và hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng.
Phong trào đạp xe trong giới trẻ Hà Nội khá phát triển nhưng chủ yếu để... chơi. Ảnh Ivivu.
Khi hình thành mạng lưới đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, buýt nhanh… xe đạp sẽ trở thành “phương tiện phụ trợ” để người dân di chuyển từ nhà đến các điểm đỗ. Tại các điểm đỗ nhà chờ khi đó sẽ phải quy hoạch các bãi đỗ dành cho xe đạp, tạo thuận lợi cho người dân.
“Câu hỏi khó nhất là làm thế nào để người dân bỏ xe máy, đi xe đạp? giải quyết bài toàn này chỉ có cách phát triển mạng lưới giao thông công cộng hoàn chỉnh, hiện đại. Khi vận tải công cộng chưa phát triển đã vận động khuyến khích người dân đi xe đạp sẽ là quá sớm” – TS. Bình đưa ra nhận định.
Phát triển xe đạp rất cần thiết để chống ô nhiễm môi trường, giảm bớt ùn tắc, nhưng TS. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định “giải pháp này không khả thi vì xe đạp không thắng được xe máy”. Ông cho biết, sự thua kém về tốc độ, mạng lưới giao thông công cộng kém phát triển nên phương án này Việt Nam “chưa làm được”.
Trong khi ở Việt Nam bùng nổ xe máy, tại sao các nước lại không đi? Theo TS. Thủy do thời tiết lạnh nên người dân các nước không đi xe máy mà chủ yếu đi ô tô, phương tiện công cộng. Còn ở ta có thể đi xe máy cả bốn mùa.
Riêng một số nước điển hình như Thái Lan do được hỗ trợ nên họ có sự phát triển nhảy vọt, thấy đi xe máy khổ quá liền chuyển sang đi ô tô luôn. Nhưng nước mình còn nghèo, có chiếc xe máy đã tốt rồi vì phương tiện này vừa cơ động lại vừa hợp với túi tiền của người dân.
“Đi xe đạp rất tốt. Nhưng đố anh làm cho dân bỏ xe máy đi xe đạp vào thời điểm này” – TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.