DN Việt Nam ráo riết tìm một hướng đi mới chính thức vào thị trường TQ
Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ cùng với các doanh nghiệp Việt Nam đến Trung Quốc tìm cơ hội tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, trực tiếp làm việc với các đối tác sản xuất cùng nhà tư vấn thương mại tại Trung Quốc vào đầu tháng 5 tới.
Các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện rõ quan điểm tận dụng lợi thế của hiệp định ASEAN + 1 để thâm nhập thị trường này một cách chính thức, bài bản và tập trung phát triển các kênh thương mại hiện đại.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit cho rằng con đường đi bằng tiểu ngạch thông qua các thương lái ở biên giới không thể đảm bảo cho hàng hóa Việt Nam tăng giá trị tại thị trường Trung Quốc. Điều chắc chắn những tiểu thương nay cũng chỉ ở vai trò môi giới tại khu vực biên giới nên việc tường tận thị trường còn hạn chế. Trong khi đó càng tiếp tục chúng ta càng nuôi dưỡng lực lượng này phình to và điều quan trong nhất là việc làm chủ cuộc chơi của doanh nghiệp Việt Nam là không thể.
Tuy vậy, mở con đường chính thức theo ông Viên vẫn chưa hẳn là việc dễ dàng. Mức giá giữa hàng từ các thương lái và hàng được bán trong hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối vẫn còn chênh lệch khá lớn lên đến 1,5 lần. Một rào cản lớn là việc đăng ký thương hiệu tại thị trường này không phải là điều dễ dàng. Nhiều thương hiệu Việt Nam đều bị mất tại đây vì việc chậm đăng ký cũng như không đua kịp với các đơn vị phân phối sản phẩm từ hàng tiểu ngạch.
Trung Nguyên bước đầu thành công trên thị trường Trung Quốc.
Như vậy cách thức xuất khẩu tốt nhất là tìm cách giảm thiểu tối đa hàng đi qua đường tiểu ngạch. Việc tham gia chính thức vào hệ thống siêu thị tại đây việc hoạch toán các khoản chi về thuế, phí là bước đầu làm cho doanh nghiệp Việt chủ động hơn trong cuộc chơi này.
Ông Nguyễn Trung Dũng, chủ tịch HĐQT công ty Vifon cho rằng: "Thâm nhập thị trường này không nên hoạt động đơn lẻ mà cần sự liên kết của các doanh nghiệp Việt. Đây là cách để rút gọn thời gian tiếp cận bằng cách nương tựa vào những doanh nghiệp đã đi trước. Ngoài ra sử dụng nhiều mặt hàng sẽ là cách tăng sức mạnh đàm phán khi đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ tại đây."
Tuy vậy vấn nạn hàng Việt bị làm giả tại thị trường Trung Quốc đang ngày càng phổ biến. Mới đây sản phẩm giả của Vinamit và cà phê Buôn Ma Thuột được bày bán rất nhiều ở Trung Quốc. Đây là rào cản lớn nhất cho việc doanh nghiệp Việt khẳng định thương hiệu tại đây.
Ông Viên cho biết sau khi nhận được thông tin trên đã liên lạc với văn phòng tại Trung Quốc để giải quyết về mặt pháp lý. Đây cũng là bài học cần phải rút ra khi tham gia kinh doanh ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp thường xuyên tương tác với bộ phận pháp lý tại đây và việc bảo hộ thương hiệu cần phải được rà soát liên tục.
Một kế hoạch cụ thể đi vào thị trường này đang được nhiều doanh nghiệp tính đến. Tuy nhiên việc phối hợp cũng nhau là điều cần thiết cho mọi doanh nghiệp. doanh ngiệp đi trước cần là nhà phân phối cho doanh nghiệp đi sau để con đường đi được rút ngắn hơn.
Điển hình như việc hiện nay Vifon vẫn đang đi vào Trung Quốc trên con đường phân phối của Vinamit. Ông Nguyễn Trung Dũng, chủ tịch HĐQT công ty Vifon chia sẻ.
Nhìn nhận quá trình thâm nhập thị trường Trung Quốc trong suốt gần 20 năm qua đã cho thấy được việc nắm bắt cơ hội là điều không thể thiếu. Bên cạnh đó, việc phát huy được vai trò cầu nối của các hiệp hội và doanh nghiệp là cách tạo nên thành công cho Bitis suốt thời gian qua. Ngoài ra sự thành công còn được Bitis chia sẻ đó là cần tạo lập quan hệ với cộng đồng thậm chí là chính quyền địa phương để có được điều kiện kinh doanh tốt nhất
Mới đây, việc đàm phán với Trung tâm thương mại Thẩm Quyến về dự án xúc tiến cho doanh nghiệp Việt Nam 6.000m2 mặt bằng tại đây đã dần hoàn thành.
Theo kế hoạch, doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư kinh doanh tại khu thương mại này sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt trong 5 năm đầu tiên, dưới sự bảo trợ của chính quyền sở tại.
"Bước khởi đầu tương đối thuận lợi nhưng để khai thác và tận dụng cơ hội này không phải việc đơn giản, các doanh nghiệp Việt cần phải có nghệ thuật để tạo nên con đường riêng của mình trong thị trường này", bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) chia sẻ.