Dịch sởi tái xuất: Tháng 4 là đỉnh dịch
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Xanh - Pon cho biết: “Trong suốt một tháng qua, Khoa đã cấp cứu và tiếp nhận 110 ca mắc sởi và nghi mắc sởi trong quá trình điều trị, đã có trường hợp phụ huynh chăm con bị cũng bị lây và mắc sởi.
Theo hồ sơ bệnh án ghi lại trong số các ca mắc sởi, hầu hết là các cháu dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm phòng. Tại bệnh viện chỉ mới tiếp nhận 4 ca đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc sởi".
Lý giải về điều này, bác sĩ Thường cho biết có nhiều khả năng các cháu đã tiêm phòng sởi nhưng hệ miễn dịch kém quá nên vẫn không chống lại được bệnh.
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh lo lắng cho rằng chất lượng vắc xin có vấn đề. Tuy nhiên, các chuyên gia về dịch tễ đều khẳng định vắc xin sởi chất lượng tốt và việc tiêm vắc xin có hiệu quả phòng bệnh cao. Song vẫn có những sai số, tức là tỷ lệ trẻ tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh vẫn có nhưng hãn hữu.
![]() |
Trẻ bị sởi điều trị ở Bệnh viện Xanh Pôn |
Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay có hơn 80 cháu nhập viện vì bệnh sởi. Hiện nay còn nhiều cháu bé kể cả dưới 9 tháng tuổi cũng đang điều trị bệnh sởi. Tại đây không chỉ có bệnh nhi ở Hà Nội mà còn có bệnh nhi ở các tỉnh lân cận, như: Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương…bị sởi chuyển sang biến chứng nặng như viêm phổi, viêm kết mạc.
Chiều 10/2 tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nhiều bậc cha mẹ đưa con đi tiêm phòng sởi với tâm lý lo sợ lây nhiễm bệnh. Vợ chồng anh Trương Văn Hải trú tại Lương Thế Vinh, Hà Nội đưa con đến trung tâm y tế dự phòng tiêm phòng sởi mũi 2. Anh Hải cho biết con trai anh đã tiêm ở đây mũi 1 khi được 1 năm. Đến nay cháu bé được 19 tháng tuổi, anh sợ con bị sởi nên đưa bé đi tiêm luôn mũi hai phòng bệnh.
![]() |
Lo sợ bệnh thành đại dịch, nhiều phụ huynh đưa con đi tiêm phòng |
Hay như trường hợp của bé Nguyễn Thanh Trúc trú tại Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội còn thiếu 6 ngày nữa mới được 9 tháng tuổi nhưng bố mẹ bé đã đưa con đi tiêm phòng sởi vì lo sợ con bị bệnh.
Mẹ cháu Trúc cho biết ở phường phải đợi thêm 20 ngày nữa mới tới lịch nên bố mẹ cho cháu đi tiêm dịch vụ. Tuy nhiên, các nhân viên y tá tại trung tâm không tiêm cho bé vì theo quy định trẻ phải đủ 9 tháng tuổi mới có thể trích ngừa bệnh sởi.
Lý giải về hiện tượng, hiện nay việc người dân bỏ tiêm phòng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chọn tiêm vắc xin dịch vụ, ông Cảm cho rằng "Việc cho con đi tiêm hay không là ở các bậc phụ huynh chứ không phải vì chất lượng vắc xin kém. Do đó, dịch sởi bùng phát không phải do lỗi vắc xin mà do người dân chủ quan không đưa con mình đi tiêm!"
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội) khẳng định thêm lần nữa, chất lượng vắc xin tiêm phòng sởi hoàn toàn an toàn. Vắc xin sởi được bảo quản ở các trung tâm y tế quận, huyện. Trước khi đến lịch tiêm phòng các cơ sở y tế cấp phường, xã thường làm danh sách trẻ em sinh và đối chiếu với danh sách trẻ đến lịch tiêm định kỳ để dự trù vắc xin tiêm phòng cho trẻ nên không có chuyện vắc xin không sử dụng để lưu cữu.
Nếu các địa phương còn dư vắc xin đều được chuyển về bảo quản ở trung tâm y tế quận huyện theo đúng quy định.
"Việc các bậc phụ huynh bỏ tiêm cho con là điều đáng phải suy nghĩ. Các bà mẹ không đưa con đi tiêm chủng vì sợ các tai biến liên quan đến vắc xin là quan điểm sai lầm. Trong số 40 trẻ được khẳng định chắc chắn là mắc sởi tại Hà Nội thì có 31 trẻ trên 1 tuổi chưa được tiêm chủng vắc xin (trong khi lịch tiêm là 9 tháng tuổi)" - ông Cảm khẳng định.
GS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tế Trung ương cho biết từ tháng 10-2014, với sự hỗ trợ của Liên minh Toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, Rubella cho tất cả trẻ em Việt Nam từ 1 đến 14 tuổi hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc.