Dịch sởi quay lại: Do mất niềm tin vào vắc xin
Hơn 1 năm nay con trai chị Nguyễn Thu Hương trú tại Trương Định, Hà Nội gạt bỏ mọi mũi tiêm phòng ngừa bệnh ra khỏi người bé. Chị Hương kể khi con trai chị tiêm được một mũi lao, chị chuẩn bị cho con đi tiêm mũi 5 trong 1 thì liên tiếp xảy ra các trường hợp tai biến do vắc xin nên gia đình chị bỏ không tiêm.
Ông bà trong nhà xót cháu cho rằng các cụ ngày xưa không tiêm vẫn sống khỏe. Mỗi lần thấy tin có tai biến vắc xin các cụ lại bảo "Đấy đấy! Không tiêm hóa ra lành lặn". Con trai chị Hương bị bệnh sởi đã được bác sĩ điều trị khỏi hai hôm nay. Khi bé ở viện nghe bác sĩ giải thích việc bỏ không tiêm phòng cho trẻ chị Hương ngậm ngùi "ai cũng bảo bây giờ không còn bệnh này nữa".
Đến nay, nhiều gia đình nói không với vắc xin vì họ sợ khi đi tiêm khỏe, tiêm về nhà con lại ốm thêm. Chính vì thế nhiều vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng "ế ẩm".
Chị Hà nhân viên trạm y tế một phường tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết trong sổ lưu tại trạm thì có đến 40% trẻ em tiêm mũi một sởi nhưng không thấy quay lại tiêm mũi 2. Có bé được bố mẹ chuyển sang tiêm mũi 3 trong 1 (quai bị, sởi, rubenla) nhưng nhiều bé gia đình bỏ không tiêm đủ.
![]() |
Phụ huynh đang "quay đầu lại" với vắc xin nên dịch sởi đang lan rộng |
GS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết quan niệm dịch hết hay nhiều cha mẹ cho rằng cả xóm tiêm thì không còn dịch hoàn toàn không đúng. Hiện nay bệnh sởi chưa được loại trừ, nghĩa là vi rút sởi hiện vẫn đang còn lưu hành trong cộng đồng. Bên cạnh đó với sự giao lưu toàn cầu hóa nhanh và mạnh như hiện nay, vi rút có thể lây từ các nước hiện đang có dịch.
Mọi người bất cứ ở lứa tuổi nào nếu chưa mắc sởi bao giờ hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi có nghĩa là chưa có kháng thể chống lại vi rút sởi đều có khả năng mắc bệnh sởi. Vì bệnh sởi là một bệnh rất dễ lây, nếu ai không được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng bị mắc sởi trước đó, thì khả năng bị mắc bệnh sởi là rất cao nếu có tiếp xúc với bệnh nhân sởi.
Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có thể có miễn dịch bền vững suốt đời. Người lớn ít bị mắc sởi do đã có phơi nhiễm tự nhiên với vi rút sởi hay mắc sởi thể nhẹ và đã có kháng thể chống lại vi rút sởi. Do đó bệnh thường xảy ra ở trẻ em, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, do chưa mắc sởi trước đó hay chưa được tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi.
Ngoài ra trẻ cần được nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng: ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Khử trùng và vệ sinh thông khí, thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học...
Khi trẻ mắc bệnh sởi, cần cách ly và chăm sóc bệnh nhân trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Để trẻ nằm trong buồng thoáng khí, không nên kiêng khem quá mức, vệ sinh răng miệng và thân thể cho trẻ. Nhỏ mũi, mắt cho trẻ bằng dung dịch nước nhỏ mũi, mắt ngày 3 -4 lần.
Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước quả và Vitamin B1, C liều cao, uống bổ sung vitamin A. Trường hợp sởi có dấu hiệu biến chứng (viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não..) đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng phải đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.