Đề nghị mỗi bộ chỉ giới hạn 3 – 4 thứ trưởng
![]() |
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định mỗi bộ chỉ từ 3 - 4 thứ trưởng |
Tránh dồn trách nhiệm lên Thủ tướng
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Chương III Dự thảo Luật quy định về Thủ tướng Chính phủ, trong đó, Điều 24 quy định chi tiết 6 nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 98 Hiến pháp và bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo Luật “chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ”.
Uỷ ban Pháp luật đề nghị nên xây dựng quy định về địa vị pháp lý, cơ chế bầu, thẩm quyền, mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ với Chính phủ và với các thành viên khác của Chính phủ.
Đặc biệt theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự thảo chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ là “Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp. Đồng thời, các quy định này phải khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban pháp luật đề nghị mỗi nội dung quy định trong Hiến pháp về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nên cụ thể hóa thành các điều luật riêng. Đồng thời, cân nhắc 3 thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp quy định của Hiến pháp:
Giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp chờ phê chuẩn; Tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được; Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp…
Giới hạn thứ trưởng
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề: Việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn thì có nên cụ thể hóa đối với những trường hợp tín nhiệm thấp không? Có nên có cơ chế từ chức với những ai đạt tín nhiệm thấp không? Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, quy định trong dự thảo về quyền hạn thì khá rõ nhưng trách nhiệm của Chính phủ, các thành viên Chính phủ lại chưa rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN Phan Xuân Dũng thì ủng hộ không quy định cụ thể tên gọi cũng như số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và chỉ quy định có tính nguyên tắc. Tên gọi và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn do Quốc hội xem xét, quyết định trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình. Như thế sẽ bảo đảm được tính năng động, chủ động của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị không qui định cụ thể số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ nhưng phải có tiêu chí rõ ràng để thành lập 1 bộ, cơ quan ngang bộ, chứ không chỉ qui định đơn giản như khoản 1 điều 4.
“Chính phủ có theo hướng chỉ có thể thay Bộ trưởng, Quốc vụ khanh còn bộ máy từ thứ trưởng trở xuống là bộ phận ổn định chuyên sâu để tạo đột phá trong tổ chức? Hay tiếp tục theo mô hình hiện nay, thứ trưởng vẫn có thể được bổ nhiệm là Bộ trưởng?”.
Ông Hiển nêu và đề nghị Luật phải qui định rõ giới hạn 3-4 thứ trưởng mỗi bộ, tránh quá nhiều thứ trưởng để khắc phục tồn hại hiện nay.