ĐBQH lo ngại Việt Nam thành “bãi rác công nghệ"
Thảo luận tại hội trường về Luật chuyển giao công nghệ vào sáng nay 2/6, nhiều đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải thông qua dự án luật này nhưng cần bổ sung một số nội dung để tránh tình trạng Việt Nam trở thành "bãi rác công nghệ" trong tương lại
Các ĐB đề nghị chỉnh sửa bổ sung để tránh tình trạng Việt Nam trở thành "bãi rác công nghệ" trong tương lai |
Quy định này sẽ đủ sức ngăn chặn công nghệ lạc hậu vào ta?
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, mặc dù việc chuyển giao công nghệ được cấp phép nhưng rõ ràng có những khe hở trong quá trình thực hiện, điều này không khắc phục được tình trạng nguy cơ biến nước ta thành nơi chứa các sản phẩm công nghệ, thiết bị lạc hậu nhiều khi tới 2 – 3 thế hệ như thời gian qua.
“Tôi đề nghị bỏ khoản 2 điều 11 để đảm bảo tình ngăn ngừa cũng như tính nhất quán trong nội dung chính sách. Bên cạnh đó các khoản B, công nghệ máy móc thiết bị không còn sử dụng phổ biến tại các quốc gia phát triển; khoản C tạo ra sản phẩm có sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại cần được bổ sung điều kiện để đảm bảo chặt chẽ hơn”- ĐB Lâm Thành đề nghị.
Trong khi đó, ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cũng bày tỏ lo lắng với việc ngăn chặn kịp thời những công nghệ lạc hậu tràn vào Việt Nam. Đại biểu đánh giá cao việc dự luật quy định danh mục về công nghệ được chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao... Mặc dù được cho rằng, tại dự thảo lần này những quy định đã cụ thể hơn so với trước nhưng đại biểu Quỳnh Dao vẫn “chưa thực sự tin tưởng những quy định này sẽ đủ sức ngăn chặn công nghệ lạc hậu vào ta. Vì thực tế có những doanh nghiệp bị gài, mua những công nghệ lạc hậu, lỗi thời, thiếu đồng bộ. Hoặc có doanh nghiệp biết nhưng cố tình mua từ ngân sách nhà nước.
Để khắc phục được tình trạng này, cần thiết phát triển các tổ chức, cơ quan trung gian trong việc thẩm định, kiểm tra công nghệ trước khi cho nhập vào Việt Nam. Thứ hai, cũng phải chủ động nghiên cứu thực tế để nắm bắt vì có những trường hợp doanh nghiệp mua giá trẻ nhưng giá trên giấy tờ rất cao để trục lợi ngân sách nhà nước hay các đối tác nước ngoài có tâm lý muốn chuyển giao công nghệ lạc hậu sang VN để tránh gây ô nhiễm nước họ. Ta phải rà trước những vấn đề này để có những giải pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn những công nghệ lạc hậu.
Tránh lãng phí cho doanh nghiệp
Một trong những vấn đề cũng được các đại biểu tham gia góp ý đó là vấn đề thẩm định công nghệ. Theo ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), điều khoản quy định trách nhiệm của hội đồng thẩm định chưa quy định rõ thành phần hội đồng, số lượng thành viên hội đồng và thuê chuyên gia nước ngoài khi cần thiết, đồng thời việc quy định trách nhiệm các thành viên hội đồng một cách chung chung như vậy rất khó xử lý.
“Vì hội đồng chỉ mang tính chất tư vấn, việc quyết định theo ý kiến của hội đồng hay không là quyền của người đứng đầu cơ quan chủ trì thẩm định công nghệ. Đồng thời Hội đồng tự giải tán sau khi hoàn thành thẩm định dự án. Hơn nữa, dự án cũng không quy định trách nhiệm xử lý thành viên hội đồng theo căn cứ pháp lý nào nên việc truy cứu trách nhiệm thành viên hội đồng là khó khả thi. Do đó, cần quy định rõ trong luật thành phần, tổ chức, cá nhân tham gia, số lượng , trình độ và chuyên gia trong hội đồng thẩm định. Xác định rõ, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan chủ trì thẩm định”- ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy nói.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Lê Quân (TP Hà Nội) cũng cho rằng, Luật nên đơn giản hóa các thủ tục để tránh lãng phí cho các DN. Cụ thể, đề nghị bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 14 quy định “Trong giai đoạn quyết định đầu tư, đối với dự án đầu tư có sử dụng công nghệ phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật xây dựng….”. Khoản 1, điều 19 cũng quy định rất nhiều tài liệu, hồ sơ khi thẩm định vì vậy cần giản lược bớt.
“Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cũng đề nghị bổ sung tại điều 18 về trình tự, thủ tục quy định rõ 1 cửa, 1 đầu mối và quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, cục vụ sở. Vì thực tế DN đi xin một giấy phép phải đi qua rất nhiều đầu mối khác nhau, ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp có dự án tôi tham gia phải xin ý kiến Cục trồng trọt, rồi đi qua Cục Công nghệ, rồi Bộ TNMT, qua một số khâu.., Doanh nghiệp lần theo những mối đó rất mất thời gian”- ĐB Lê Quân nói.
ĐB Lê Quân nhấn mạnh mặc dù dự thảo lần này có tiến bộ là quy định 1 bộ chủ quản, ngành đầu mối nhưng nên quy định rõ hơn trong thời gian bao nhiêu ngày mà các đơn vị sở ban ngành có liên quan cần cho ý kiến. Quá thời hạn đó, cơ quan thẩm định có quyền và nghĩa vụ quyết định trả lời DN. Như vậy tránh trường hợp DN gửi hồ sơ chỗ này nhưng vì chưa có ý kiến nơi khác nên cơ quan thẩm định chưa trả lời được.