ĐBQH đề nghị công khai hành vi phi pháp của Trung Quốc ra tòa quốc tế
Chiều 30/10, phát biểu tại nghị trường Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đề cập tình hình Biển Đông cũng như vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang). (ảnh: Quochoi.vn) |
Theo ông Hiếu, nếu nói đến việc khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá môi trường thì không thể không nhắc đến nước láng giềng Trung Quốc. Khi họ khai thác cạn kiệt tài nguyên từ biển của họ, họ sẽ vươn sang các vùng biển lân cận và vươn xa hơn trên Biển Đông.
"Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn bồi đắp sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác sử dụng. Chúng ta cần công khai cập nhật chi tiết các hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ để dư luận tiến bộ Việt Nam và trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc được biết"- Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh, các phương pháp nước ta đã sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên quyết, kiên trì xử lý hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của họ. Do đó, cần có thêm các biện pháp mới theo nguyên tắc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định bất di, bất dịch là “không bao giờ nhân nhượng chủ quyền, những gì thuộc về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, tuy nhiên chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính mà chúng ta sẽ đưa toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam, xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá trong Biển Đông suốt thời gian qua. Khi có chính nghĩa, dư luận quốc tế và nhân dân Trung Quốc sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền họ".
“Không Chính phủ nào có thể phớt lờ lẽ phải hiển nhiên được cộng đồng quốc tế công nhận”- đại biểu khẳng định.
Giảm họp hành, hội thảo để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu đoàn An Giang còn nhắc tới vấn đề môi trường, nhất là tình hình ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đã đến mức báo động đỏ.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, nguồn khí thải không chỉ có từ phương tiện giao thông đường bộ mà chiếm 75% là từ nguồn khác. Chính vì vậy cần can thiệp của chính sách, sự phối hợp giữa nhiều ban ngành, địa phương. Không thể cải thiện môi trường không khí chỉ bằng biện pháp đơn lẻ mà cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
“Vừa qua, vấn đề nước sạch đã tạo hình ảnh rất đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội như thời bao cấp khi người dân xếp hàng lấy nước. Qua đó cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, tạo ra nhiều khe hở để đối tượng vô lương tâm thu lợi bất chấp sức khỏe của người dân” – ông Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh và cho rằng, nhiều sự việc về môi trường vẫn được tặc lưỡi cho qua với suy nghĩ “môi trường là cái gì đó rất chung chung, không chết ngay đâu mà sợ!”.
Cùng đề cập nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh, nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường như vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông, vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà... cho thấy chính quyền nhiều nơi, trong đó có chính quyền đô thị còn lúng túng, chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm với dân.
Từ thực tế đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao chính quyền nhiều vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại cho dân như tăng cường trồng rừng, xây dựng công trình kiên cố chống lũ? Vì sao chính quyền nhiều vùng ô nhiễm không có biện pháp kiểm tra giám sát để kịp thời xử lý vi phạm? Rồi khi xảy ra vụ sự cố không kịp thời thông báo cho người dân để có biện pháp bảo vệ sức khỏe, tính mạng?
Bà Thủy nhấn mạnh: “Bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người dân là trách nhiệm lớn nhất của chính quyền. Chúng ta nên giảm bớt họp hành, mít tinh và các công việc bề nổi để nâng cao năng lực quản lý, phục vụ, hoàn thành những nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chính phủ trong thời gian tới cần có biện pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tập thể, cá nhân có trách nhiệm để làm thay đổi thực trạng đáng buồn này”.