ĐBQH cũng bức xúc với vấn nạn "xuất toán" của Bảo hiểm Y tế
Đây là ý kiến của ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) tranh luận với đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tại phiên chất vấn vào chiều nay 16/4.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu, qua tiếp xúc cử tri là bác sĩ trong và ngoài công lập họ rất bức xúc về chuyện ngành BHXH từ giám định viên không phải bác sĩ và không có kiến thức gì về y tế xuống giám định bảo hiểm y tế nên xảy ra tình trạng "thích cắt ai là cắt, cắt cật lực".
“Bác sĩ thì bức xúc, bệnh nhân thì thiệt thòi, còn cơ sở y tế vẫn cứ thực hiện nếu không thực hiện thì dọa cắt BHYT. Cho nên người ta đòi hỏi Bộ Y tế cùng với BHXH cần ban hành bộ công cụ chuẩn quốc gia để công khai hóa thực hiện chứ không thể cơ chế xin cho được quyết định bởi các giám định viên BHYT như thời gian vừa rồi”- ĐB Nguyễn Hữu Cầu nêu.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) |
Chung mối quan tâm này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP. HCM) cũng cho rằng, khi đưa ra nhận xét, báo cáo thì phải nhìn trên bình diện tổng thể. Ở đây mục tiêu là phục vụ cho người dân tốt nhất, chính người dân là chủ số tiền mà BHXH đang quản lý thay.
“Nhưng ở đây chỉ thấy tập trung một khía cạnh tiêu cực trong lạm dụng, trục lợi của quỹ BHYT. Tôi xin nói, tiêu cực này có thể xảy ra bất cứ đâu, nhất là khi chúng ta có cơ chế quản lý còn lỏng lẻo. Ở đây chúng ta phải xem lại trách nhiệm chứ không nên đổ lỗi cho người dân và cho ngành y tế muốn tiêu cực”- ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu.
Cũng theo bà Lan, trước nguy cơ vỡ quỹ BHYT chúng ta phải thấy nguyên nhân của nó là "với cái khung rất ít nhưng chúng ta muốn chi nhiều" thì đến một lúc nào đó chắc chắn sẽ vỡ. Chính Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc BHXH cũng đã khẳng định điều này.
Như vậy, để tránh vỡ quỹ, cần phải xem lại việc tăng nguồn bảo hiểm, đa dạng hóa những mức thu bảo hiểm... chứ không phải chỉ "nhăm nhăm siết chi".
“Đặc biệt, xin chia sẻ là các anh em ở các bệnh viện rất bức xúc là luôn luôn bị siết chi… tôi cũng thấy tiềm ẩn yếu tố tiêu cực không kém gì những người có thể trục lợi quỹ BHYT. Các bác sĩ, dược sĩ tại các BV hiện nay cũng rất khó khăn trong việc tập trung vào chuyên môn bởi họ luôn luôn phải xem xét làm sao để thuốc đó, kỹ thuật đó có trong danh mục chi hay không và có bị xuất toán hay không?.
Trước sinh mạng bệnh nhân, ngành y tế chúng tôi không từ chối khám chữa bệnh thì cũng mong sau đó chúng tôi không phải gánh chịu hậu quả. Ở đây cần vai trò của Bộ Y tế trong việc đại diện cho ngành đấu tranh cho nâng cao chất lượng KCB của ngành đặc biệt là việc sửa đổi các thông tư tránh việc dựa vào các thông tư đó mà bảo hiểm từ chối chi”- ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Tham gia vào nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, giữa 2 ngành hiện nay còn “bối rối”. BHXH Việt Nam muốn giữ tiền cho chắc, cho tốt, cho đúng quy định. Điều này rất đáng hoan nghênh nhưng trong khi đó, ngành y tế cũng luôn muốn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân với chính sách tốt nhất.
“Tuy nhiên, chúng ta thực hiện thông tuyến và một số chính sách khác thì khả năng mất cân bằng quỹ trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra. Đề nghị BHXH VN và BHYT ngồi với nhau để giải quyết những việc: một số văn bản giữa hai cơ quan có sự chồng chéo, không thống nhất nên khi thanh toán quyết toán giữa hai cơ quan có vướng mắc. Hiện nay còn khoảng 33-40 tỷ đang bị BHXH khoanh nợ không được thanh toán nên kiến nghị 2 cơ quan ngồi với nhau xử lý và nếu bệnh viện sai thì cắt”- ĐB Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Làm rõ những câu hỏi chất vấn của ĐBQH về vấn đề lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Ở một số bệnh viện tuyến huyện, có nơi đề nghị thanh toán lên đến 200%-300% công suất, mặc dù ai cũng biết tuyến huyện bình thường không sử dụng hết công suất. Trước tình hình đó tổng quỹ BHYT sử dụng năm 2017 là 73 nghìn tỷ thì số chi báo cáo lên quý I là 80 nghìn tỷ tăng 7 nghìn tỷ. Tăng 10% là yếu tố không bình thường, nếu chúng ta làm tốt vấn đề này thì quỹ BHYT cân đối không bội chi.
Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra giám sát để sử dụng quỹ này có hiệu quả hơn. BHXH VN cũng có văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo. Mong ĐBQH và các đoàn quan tâm giám sát để quỹ bảo hiểm thực sự đến được với người bệnh.
"Chúng tôi chỉ làm trong chức năng của mình, có khoảng 7 nghìn tỷ dự phòng phân bổ hết, nếu không có giải pháp tích cực sẽ âm 7 nghìn tỷ" - bà Minh nói.