Dấu tích đào cổ Sa Pa
SaPa giờ vẫn còn sót lại khoảng hơn chục cây đào cổ thụ có tuổi đời từ 40 - 50 năm. Ngày nay, những “nhân chứng” của đào cổ vẫn còn, dù đã bước qua tuổi 80, nhưng hoài niệm về một Sa Pa thắm sắc hoa đào như vẫn còn vẹn nguyên trong họ.
Sa Pa giờ vẫn còn sót lại khoảng hơn chục cây đào cổ thụ có tuổi đời từ 40 - 50 năm, hầu hết là giống đào Vân Nam. Ở đây, đã từng diễn ra phong trào trồng đào, quả đào Sa Pa thuộc hàng “đệ nhất quý hiếm” chỉ dành biếu những nhân vật quan trọng có công trong cuộc giải phóng dân tộc cũng như sự phát triển của đất nước. Ngày nay, những “nhân chứng” của đào cổ vẫn còn, dù đã bước qua tuổi 80, nhưng hoài niệm về một Sa Pa thắm sắc hoa đào như vẫn còn vẹn nguyên trong họ.
![]() |
Hoa đào Sa Pa. Ảnh Lê Hựu. |
Tôi đã từng nghe kể về một Sa Pa “cổ” khác xa so với hiện tại, dù trong đó có vài sự “thêu dệt”, nhưng cũng đủ khiến tôi tò mò muốn lật giở các tài liệu nói về nguồn gốc của những thân đào cổ thụ. Thật may mắn, vẫn còn những cụ già từng đi qua phong trào trồng đào, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn minh mẫn kể lại thời đôi mươi, khi họ còn là những xã viên của Hợp tác xã Thủ Dầu Một. Sa Pa xưa theo lời những tiền bối là vùng đất hoang sơ, nhưng không lạnh lẽo bởi mùa xuân, chỗ nào cũng phơn phớt sắc đào. Cây đào mọc khắp lối đi, trước mỗi ngôi nhà, trên những ngọn núi cao hay dưới những thung sâu. Đào nguyên gốc Sa Pa chỉ có 5 cánh đơn, màu hồng nhạt, chứ không phải loại màu hồng thắm như bây giờ. Thời ấy, đào mọc tập trung ở khu vực thị trấn, không có ai trồng mà đào vẫn kín lối như nó sinh ra với trọng trách tạo cảnh quan cho vùng đất Sa Pa.
Năm 1962, được sự giúp đỡ của bạn bè Trung Quốc, một số giống cây ăn quả, trong đó có 2.000 cây đào Vân Nam được đưa về trồng tại Sa Pa. Hợp tác xã Thủ Dầu Một chia thành 8 đội phụ trách các mảng nông nghiệp: Sản xuất, chăn nuôi, trong đó có một đội trồng cây ăn quả. Khi đó, trồng đào thực sự trở thành phong trào. Các xã viên đoàn kết đồng lòng, mỗi người một việc vì mục tiêu đưa Sa Pa trở thành vùng trồng đào đặc sản của cả nước. Những xã viên của Hợp tác xã Thủ Dầu Một nay vẫn còn nhớ như in không khí lao động hăng say, vẻ mặt tươi cười, hớn hở khi công sức của họ góp phần làm giàu cho mảnh đất còn hoang sơ, ít người biết đến.
![]() |
Cây đào rêu phong trong khuôn viên Khách sạn Công đoàn. |
Ông Đặng Trung nhớ lại khoảng thời gian năm 1963: “Chúng tôi, những xã viên của Hợp tác xã Thủ Dầu Một phải dồn sức khai hoang mấy quả đồi đầy cây dại, tự tay đánh từng bậc thang trên những quả đồi để lấy đất trồng đào và tạo thành lối đi tiện cho việc chăm sóc cũng như thu hoạch”. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của các xã viên đã thấm xuống đất để tạo nên những mùa quả ngọt. Do hợp khí hậu Sa Pa và nhờ công chăm sóc, giống đào VânNam bén rễ tốt tươi, chỉ sau 2 năm đã cho quả ngọt. Trong ký ức của ông Đặng Trung, khoảng tháng 6, tháng 7 là mùa thu hoạch quả đào, từng xe tải nối đuôi nhau chở đào về Hà Nội phân phối cho các cửa hàng và cơ quan, đơn vị. Cả miền Bắc lúc đó duy nhất Sa Pa trồng được giống đào ngon, nên quý lắm. Đào Sa Pa trở thành quà biếu cho những người có công với cách mạng.Ông Đặng Trung, một trong những xã viên của Hợp tác xã Thủ Dầu Một, năm nay đã bước sang tuổi 84 nhưng ánh mắt vẫn còn tinh tường. Tôi tìm đến nhà ông trong một ngày đông lạnh giá, khi những bậc tam cấp dẫn lên ngôi nhà ẩm ướt bởi sương mù. Cũng như mọi ngày, ông ngồi bên lò sưởi bập bùng lửa, đeo kính, đọc sách, uống trà. Cuộc đời ông như một câu chuyện dài nhiều vết gợn. Quê ở Thanh Hóa, nhưng ông Trung đến với Sa Pa như một mối “duyên trời định”. Ông Đặng Trung là người tài hoa, điều đó được khẳng định cho đến tận bây giờ, khi những người làm ngành nông nghiệp vẫn thỉnh thoảng gặp ông để tìm hiểu về một số kỹ thuật chuyên ngành. Từng học y khoa, nhưng lại giỏi chiết, ghép cây, nên những năm 60 của thế kỷ XX, cái tên Đặng Trung được nhiều người nể trọng vì tài ghép đào. Khi phong trào trồng đào Vân Nam lan tỏa ở Sa Pa, ông Trung là thành viên của đội 2, Hợp tác xã Thủ Dầu Một.
Trải qua bao năm tháng, ngày nay, trên núi Hàm Rồng, trong khuôn viên Khách sạn Công Đoàn và cạnh nhà dân vẫn còn sót lại một số gốc đào từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Cây đào Sa Pa cũng từng gắn với kỷ niệm về lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là năm 1969, khi Bác Hồ qua đời, Hợp tác xã Thủ Dầu Một đã xây dựng “Vườn đào Bác Hồ” tại xóm 1, xã Sa Pa xưa (thị trấn Sa Pa ngày nay). Vườn đào này có 79 cây, tượng trưng cho tuổi thọ của Người. Thanh niên Sa Pa, các xã viên Hợp tác xã Thủ Dầu Một thay phiên chăm sóc vườn đào để có những mùa quả ngọt kính dâng lên Người.
Không được vinh hạnh tự tay trồng cây tại “Vườn đào Bác Hồ” năm xưa, nhưng ông Hoàng Bá Tiệp (78 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Sa Pa đã tìm hiểu và ghi chép lại những dấu tích liên quan đến vườn cây đặc biệt này. Ông Tiệp chia sẻ: “Khi lên Sa Pa xây dựng vùng kinh tế mới, tôi được nghe người dân ở đây kể về “Vườn đào Bác Hồ”, vốn là người thích viết nhật ký hằng ngày, tôi đã ghi lại những lời kể ấy”. Năm 1976, ông Tiệp từ Hà Nam lên định cư tại Sa Pa, ông và 5 gia đình khác sống trên núi Hàm Rồng. Xóm nhỏ của ông được Hợp tác xã Thủ Dầu Một giao 10 ha đất để trồng rau và đào. Con đường lên núi Hàm Rồng trước khi được đổ bê tông, lát đá như ngày nay là do xóm này mở. Đến nay, ở Hàm Rồng vẫn còn một số cây đào cổ thụ rêu phong do ông Tiệp và 5 gia đình kia trồng, vẫn hiên ngang cùng gió núi, mây ngàn…
Trong vườn đào thuộc khuôn viên Khách sạn Công Đoàn, ngay cổng chính có 5 cây đào cổ thụ rêu xanh đã phủ kín. Thân cây giờ ngả màu đen chứ không còn xám hồng như những cây đào vài năm tuổi. Những cây đào cổ thụ được người làm vườn của khách sạn chăm sóc cẩn thận, một vài cây do già cỗi, thân không còn thẳng đứng mà ngả ngang với mặt đất. 5 cây đào cổ thụ này được trồng từ năm 1969 khi Khách sạn Công Đoàn được tiếp quản. Người chứng kiến sự kiện lịch sử ấy là bà Vũ Thị Nghĩa, năm nay vừa tròn 80 tuổi. Từng có thời gian phụ trách công đoàn của khách sạn, nên bà Nghĩa nhớ rất rõ từng khu biệt thự, từng tuyến đường, từng cây đào được trồng tạo cảnh quan và cho quả ngọt. “Vườn đào trong khách sạn trước kia được bảo vệ nghiêm ngặt lắm, kể cả nhân viên cũng không được hái quả nào, vì đào chỉ dùng để làm quà biếu” - bà Nghĩa nhớ lại.
Khi Sa Pa trở thành địa danh du lịch nổi tiếng, cũng là lúc Hợp tác xã Thủ Dầu Một giải thể, mỗi xã viên chia nhau vài gốc đào. Rồi khu du lịch Sa Pa được đầu tư xây dựng, một diện tích lớn đào bị chặt bỏ, thay vào đó là hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách. Và thú chơi đào cổ, đào phai nguyên gốc dịp tết mấy năm gần đây đã làm nên “phong trào phá đào” khiến những khu rừng đào trong núi sâu cũng trở nên tan hoang. Sa Pa bây giờ đã vơi bớt giống đào “đệ nhất ngon” ngày nào. Nếu không có biện pháp quyết liệt giữ gìn thì “Đào cổ Sa Pa” chỉ còn trong hoài niệm của những người già - những xã viên Hợp tác xã Thủ Dầu Một năm xưa. Mỗi mùa xuân đến,Sa Pa vẫn rực sắc đào thắm khắp sườn núi, lòng thung đến ngút tầm mắt, nhưng đào cổ lại lẻ loi giữa rừng đào mới…