"Đầu não" EU bị chỉ trích vì "tạo điều kiện cho tham nhũng"
Theo Thời báo New York, trong bản báo cáo dài 250 trang, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đề nghị thắt chặt những quy định về vận động hành lang, giảm xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ cho người tiết lộ những bí mật và kiềm chế thực hiện thỏa thuận bí mật trong các lĩnh vực nhạy cảm như chính sách tài chính.
Nghị viện châu Âu tại Brussels. |
Báo cáo của TI cảnh báo việc thực thi yếu kém các quy định hiện hành có nghĩa là "nguy cơ tham nhũng đang tồn tại ở EU”, khiến công chúng ngày càng hoài nghi về những cam kết của các chính trị gia.
Theo báo cáo, một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra nhất là một số đại diện của chính phủ châu Âu, EC và Nghị viện thực hiện các thỏa hiệp, thường là trong những lĩnh vực chính sách nhạy cảm như quy định về khí thải xe hơi và sử dụng tiền thuế để bảo lãnh các ngân hàng.
Những thỏa hiệp này được tiến hành trong những cuộc họp rất kín đáo, công chúng không thể giám sát. TI đề xuất rằng tất cả các tài liệu từ các cuộc họp phải được công khai.
Báo cáo cũng cho thấy có một số vấn đề đối với tổ chức giám sát chính của EU là Văn phòng Chống gian lận châu Âu. Văn phòng này đã bị chỉ trích gay gắt từ một số nhóm, bao gồm các nghị sĩ tại Nghị viện, vì đã quá ‘thân mật’ với các lãnh đạo của EC.
Trong những năm gần đây đã xuất hiện hàng loạt các vụ bê bối bao gồm việc một ủy viên EU buộc phải từ chức khi đối mặt với cáo buộc nhận hối lộ để ‘buông lỏng’ luật chống thuốc lá và nhiều nghị sĩ bị truy tố vì nhận hối lộ để đưa ra các đề nghị sửa đổi tại Nghị viện châu Âu .
Nghị viện châu Âu, tổ chức duy nhất được bầu trực tiếp trong EU, là mục tiêu bị TI chỉ trích nhiều nhất. TI cho biết các nghị sĩ đã thiếu hợp tác khi TI tiến hành điều tra từ tháng 6/2013 đến tháng 2/2014.
Ông Carl Dolan , Giám đốc văn phòng châu Âu của TI tại Brussels, cho biết: "Nhiều nghị sĩ đã chậm trễ, im lặng, lảng tránh và quanh co khi trả lời những câu hỏi của chúng tôi”.
Trong khi đó, Phát ngôn viên của Nghị viện châu Âu , Marjory van den Broeke, nói rằng tổ chức này nằm trong sự giám sát chắt chẽ của các tổ chức châu Âu khác và không có lý do để tiếp đón TI nhiều hơn các tổ chức phi chính phủ khác. Ông nói: “So với các nghị viện khác, đây là một nghị viện rất minh bạch”.
Đây là lần đầu tiên TI điều tra một tổ chức quốc tế như EU. TI cho biết mục đích là thúc giục các cơ quan của EU như Nghị viện Châu Âu và Hội đồng châu Âu (EC) thực hiện nghiêm túc quy định hiện hành và có những thay đổi cần thiết để cải thiện việc đưa ra một số quyết định ở châu Âu.
Mặc dù vậy, phát hiện này sẽ trở thành một lý do nữa để các nhà phê bình cho rằng một số tổ chức của EU không đáng tồn tại vì hoạt động một cách vô trách nhiệm.
Nhiều nhà phân tích chính trị, bao gồm Vivien Pertusot, người đứng đầu văn phòng Brussels của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, dự đoán rằng trong cuộc bầu cử vào tháng Năm tới, gần 20% trong số 751 ghế trong Nghị viện sẽ thuộc về bên có ý định kiềm chế sức mạnh của EU, như Mặt trận Quốc gia Pháp và Đảng Độc lập Vương quốc Anh.
Ông Pertusot cho rằng: "EU sẽ phải tìm cách đối mặt với những chỉ trích dữ dội về các vấn đề như tham nhũng”.
Công chúng cũng đang ngày càng ít tin tưởng vào EU trong việc đưa ra các chính sách để vực khu vực này thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
Theo một cuộc điều tra gần đây nhất của Cơ quan thăm dò dư luận Eurobarometer được Ủy ban Châu Âu (EC) công bố hồi tháng 9/2013, chưa đến 1/3 công chúng tin tưởng vào EU. Con số này giảm rất nhiều so với mức 57% trong mùa xuân năm 2007, trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc khủng hoảng nợ.