Đào tạo nguồn nhân lực có tri thức ngày càng có tính quyết định
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị ASEM diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. |
Đây là hội nghị quan trọng do Việt Nam đăng cai trong năm 2017 và diễn ra trong 2 ngày (30/3- 31/3) nhằm triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được thông qua tại Hội nghị cao cấp ASEM 11 (U-lan-ba-to, Mông Cổ vào tháng 7/2016).
Đến dự hội nghị, có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Lê Lương Minh - Tổng Thư ký ASEAN, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và gần 200 đại biểu trong và ngoài nước đến từ 53 thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế và khu vực như UNESCO, Trung tâm học tập suốt đời của ASEM, Diễn đàn sáng tạo và khởi nghiệp, Quỹ Á - Âu…
Hội nghị dự kiến gồm 8 hoạt động, trong đó có 4 phiên thảo luận qua các nội dung: Vai trò của giáo dục và nguồn nhân lực trong thế kỷ 21 vì mục tiêu phát triển bền vững; Cơ hội, thách thức và vai trò của các bên liên quan;
Thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu, điển hình Á – Âu trong thúc đẩy giáo dục sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường hợp tác Á – Âu trong lĩnh vực giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững, đề xuất biện pháp cụ thể về hợp tác ASEM.
Toàn cảnh hội nghị ASEM |
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển vũ bão, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực có tri thức, công nghệ ngày càng có tính quyết định.
Mong rằng tại Hội nghị, nhiều kinh nghiệm đổi mới sẽ được trao đổi, phân tích, nhiều sáng kiến khuyến nghị được đưa ra. Đặc biệt là liên quan tới các giải pháp thúc đẩy kết nối các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển nhân lực trong ASEM và cả ASEM với các đối tác, tăng cường hợp tác công – tư, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, xây dựng xã hội học tập và đề xuất "Chương trình Nghị sự về kỹ năng ASEM thế kỷ 21".
Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững diễn ra trong bối cảnh các nước thúc đẩy giáo dục sáng tạo, phát triển các kỹ năng để thế kỷ 21 xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và góp phần thúc đẩy hợp tác Á – Âu giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục, lao động, việc làm.
Đề xuất về Tầm nhìn Giáo dục và phát triển nhân lực của ASEM, Chương trình các kỹ năng mới của ASEM, hướng tới tăng trưởng bền vững và toàn diện, đóng góp hiệu quả vào việc triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững.
Được biết, hội nghị ASEM lần này sẽ thông qua báo cáo, là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 sắp tới ở Seoul và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels vào năm sau.