Đáng kỳ vọng vào xuất khẩu quý 1
Đang vào đà
Trong kết quả chung, ghi nhận sự đóng góp của khối đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 48,8%. Cũng ngay “vòng chạy” đầu tiên đã sớm lộ diện “nhà vô địch” của năm ngoái, đó là dệt may đạt 3,2 tỷ USD. Tiếp đến 7 mặt hàng chủ công khác cán mốc 1 tỷ USD là: Thuỷ sản; cà phê; dầu thô; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Hàng ngũ này đã có 8 tên tuổi.
XK thủy sản tháng đầu năm chỉ có 363 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái do các thị trường chính đều giảm như: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, ASEAN. Nhưng nhờ tháng 2, rồi tháng 3 bứt lên, cả quý mặt hàng này đã có lấy lại phong độ.
Số lượng và trị giá XK gạo quý I cả chưa bằng 60% cùng kỳ 2011. Nhưng tình hình sẽ sớm được cải thiện. Chỉ trong 19 ngày đầu tháng 3 đã ký thêm hợp đồng 555 nghìn tấn, nâng tổng số các hợp đồng XK từ đầu năm đến nay tới 2,6 triệu tấn. Với tiến độ này, hết tháng 3 nhiều khả năng lượng sẽ tới 3 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2011. Thị trường chính vẫn là Malaysia, Indonesia, Philippines và Trung Quốc. Vừa qua, ta đã ký được biên bản ghi nhớ thương mại gạo với Guinea. Theo đó việc XK gạo của Việt Nam sang Guinea sẽ không phải đi đường vòng, qua châu Âu và Libăng như hiện nay.
Sau 5 ngày triển khai chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, đã có 200 nghìn tấn được các doanh nghiệp (DN) mua. Điều này khiến giá lúa trên thị trường hiện được cải thiện, tăng 300 - 400 đồng/kg tùy loại so với thời điểm trước ngày 15/3 - ngày triển khai mua tạm trữ. Trong đó, lúa khô loại thường như IR50404 lên 5.400 - 5.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao lên 5.700 - 5.800 đồng/kg, có loại lên 6.000 đồng/kg.
Nhóm công nghiệp chế biến tăng tới 39% với nhiều mặt hàng tăng cao. Ngoài dệt may, điện thoại có dấu hiệu bứt phá từ đầu năm với mức tăng tới 179%. Da giày, sản phẩm từ thép; sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng..., đều có mức tăng vượt mức tăng chung.
Nhà máy sản xuất thiết bị nâng hạ Doosan Vina tại Khu kinh tế Dung Quất đã chuyển 8 cẩu trục lên tàu vận tải chuyên dùng để XK sang cảng PSA - Singapore giao cho khách hàng PSA Corporation Ltd. Đây là lô hàng thứ 3, nâng tổng số cẩu trục đã được xuất khẩu lên 20 chiếc trong tổng số 36 chiếc theo hợp đồng. Kết quả này chưa đóng góp đáng kể vào XK, nhưng hiện tượng đó báo hiệu về sự tiến bộ của công nghệ này.
Bên cạnh những thị trường truyền thống, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam phát triển và mở rộng thị trường mới như Thái Lan, Philippin. Đặc biệt nhiều nhãn hiệu sữa Việt Nam bắt đầu được nhận biết, ưa thích và cạnh tranh được với các thương hiệu sữa của các Công ty đa quốc gia trên thị trường thế giới.
Định hướngChủ động cập nhật tình hình giá cả, thị trường thế giới để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện tốt việc mua tạm trữ hàng hoá để giữ giá xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đáo hạn ngân hàng...góp phần thúc đẩy xuất khẩu.Phối hợp với các Ngân hàng thương mại triển khai các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tiếp cận vốn vay cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.Triển khai thực hiện tốt Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 1 nhằm tìm kiếm, mở rộng, khai thông thị trường đối với các mặt hàng nông sản, thuỷ sản và các mặt hàng công nghiệp.
Tiếp tục thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu để góp phần kiềm chế nhập siêu.Đổi mới và nâng cao hiệu quả giao ban xuất nhập khẩu với các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu.
Linh Chi